Thành ngữ Hán Việt dùng để chỉ những kết cấu ngôn ngữ rất ổn định, phổ thông, cô đọng về mặt ngữ nghĩa thịnh hành trong tiếng Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay.
Đặc điểm
Thành ngữ Hán Việt rất đa dạng nhưng thường gồm 4 chữ, 5 chữ hoặc 8 chữ, trong đó tỷ lệ các thành ngữ 4 chữ chiếm số lượng lớn đến 75-80%.
Kết cấu thành ngữ thường theo dạng biền ngẫu, đăng đối dễ dàng nhận thấy trong các thành ngữ 4 chữ, hoặc 8 chữ ví dụ:
* Công thành danh toại - Công thành <> Danh toại
* Đại sự hóa tiểu, tiểu sự hóa vô - Đại sự <> Tiểu sự
Còn dạng 5 chữ thì hai chữ Hán đầu và hai chữ Hán cuối là hai vế đối xứng qua một chữ ở giữa, ví dụ:
* Đại ngư cật tiểu ngư - Đại ngư < cật > Tiểu ngư
Rất nhiều thành ngữ sử dụng các điển cố văn học, là các tích truyện xưa có giá trị giáo dục và ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chẳng hạn:
* Lục lâm hảo hán: chỉ người anh hùng trong dân gian, hoặc bọn cướp trộm tụ tập thành bầy. Theo truyện xưa thời Vương Mãng, những kẻ nổi dậy chống lại triều đình tụ họp nhau ở núi Lục Lâm.
* Bạt miêu trợ trưởng: nhấc mạ lên giúp lúa mau lớn, chỉ sự nóng vội làm hỏng việc. Chuyện xưa ở nước Tống có người thấy lúa quá chậm lớn, bèn lấy tay nhấc cho mạ cao lên hơn. Về nhà khoe rằng hôm nay đã giúp cho thân mạ lớn lên. Đứa con nghe vậy, chạy ra ruộng xem thì mạ đã khô héo cả.
* Ma chử thành châm: mài chầy nên kim, mài sắt nên kim. Theo truyện xưa, Lý Bạch hồi nhỏ rất lười học, ham chơi. Một buổi đi chơi thấy một bà lão suốt ngày ngồi cặm cụi cầm chiếc chày sắt mài đi mài lại. Lý hỏi làm thế để làm gì, bà lão trả lời rằng, mài cho thành chiếc kim khâu. Nhân đó, Lý Bạch tỉnh ngộ và chăm chỉ học hành, về sau trở thành nhà thơ lớn của Trung Quốc cổ đại.
Ứng dụng trong tiếng Việt
Hàng nghìn thành ngữ Hán Việt được sử dụng trong tiếng Việt từ xưa tới nay, không chỉ bởi những người "thích nói chữ" mà rất phổ biến trong đời sống thường nhật, do sự cô đọng về mặt ngữ nghĩa khiến các thành ngữ đó có giá trị ứng dụng rất lớn. Trong thực tế ứng dụng thành ngữ Hán Việt của tiếng Việt hiện đại người ta thường gặp các dạng sau:
Sử dụng nguyên gốc
Thành ngữ Hán Việt thường được sử dụng nguyên bản từ gốc Hán nếu đó là thành ngữ có những từ Hán Việt tương đối dễ hiểu, phổ thông với đa số, chẳng hạn:
* Tâm đầu ý hợp
* Bách chiến bách thắng
* Chiêu hiền đãi sĩ
* Vạn sự khởi đầu nan
* Trường sinh bất lão
* Vô danh tiểu tốt
* Tứ hải giai huynh đệ
* Tham quyền cố vị
Nụ cười là sức mạnh của phụ nữ
Sử dụng như thành ngữ thuần Việt
Cũng không hiếm khi thành ngữ Hán Việt được dịch nghĩa để trở thành thành ngữ Việt, hoặc thành ngữ Hán Việt ngẫu nhiên trùng nghĩa với một thành ngữ do người Việt sáng tạo. Trường hợp chuyển hóa thành ngữ Hán Việt thành thành ngữ thuần Việt thường gặp đối với những thành ngữ sử dụng thường xuyên trong tiếng Việt, nhưng nếu để nguyên gốc sẽ rất khó hiểu, trúc trắc về mặt ngôn từ, chẳng hạn:
* Cung kính bất như tòng mệnh (thành ngữ Hán) - Cung kính không bằng tuân mệnh (thành ngữ Việt)
* Nhất khái chi luận (thành ngữ Hán) - Nhìn chung mà nói (thành ngữ Việt)
* Tỉnh đế chi oa (thành ngữ Hán) - Ếch ngồi đáy giếng (thành ngữ Việt)
* Tụ tinh hội thần (thành ngữ Hán) - Tập trung tinh thần (thành ngữ Việt)
* Thủy trung lao nguyệt (thành ngữ Hán) - Mò trăng đáy nước (thành ngữ Việt)
* Tri kỉ tri bỉ (thành ngữ Hán) - Biết mình biết người (thành ngữ Việt)
* Đại ngư cật tiểu ngư (thành ngữ Hán Việt) - Cá lớn nuốt cá bé (dịch nghĩa)
Sử dụng thành ngữ phổ biến hơn
Một số thành ngữ Hán Việt được sử dụng trong tiếng Việt nhưng ít phổ biến hơn một số thành ngữ Hán Việt khác có ý nghĩa tương đương, chẳng hạn:
* Vạn cổ lưu phương (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Vạn cổ lưu danh (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
* Nhập tình nhập lý (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Hợp tình hợp lý (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
* Tác uy tác phúc (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Tác oai tác quái (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
Thay đổi chữ và vị trí chữ
Khi được chuyển hóa thành thành ngữ Hán Việt, nhiều thành ngữ gốc Hán đã có sự chuyển hóa vị trí một số chữ Hán hoặc thay một chữ Hán khác cho phù hợp với tiếng Việt hơn, chẳng hạn:
* Xà khẩu phật tâm (thành ngữ Hán) - Khẩu xà tâm phật (thành ngữ Hán Việt)
* Cửu tử nhất sinh (thành ngữ Hán) - Thập tử nhất sinh (thành ngữ Hán Việt)
* An phận thủ kỹ (thành ngữ Hán) - An phận thủ thường (thành ngữ Hán Việt)
* Nhất lộ bình an (thành ngữ Hán) - Thượng lộ bình an (thành ngữ Hán Việt)
* Mã đáo công thành (thành ngữ Hán) - Mã đáo thành công (thành ngữ Hán Việt)
Nôm hóa một số chữ
Một số thành ngữ Hán Việt được thay đổi một vài chữ Nôm có nghĩa tương đương, ví dụ:
* Dĩ độc trị độc (thành ngữ Hán Việt nguyên bản) - Lấy độc trị độc (thành ngữ Hán Việt đã thay đổi chữ)
* Văn dĩ tải đạo (thành ngữ Hán Việt nguyên bản) - Văn để tải đạo (thành ngữ Hán Việt đã thay đổi chữ)
Sử dụng vắn tắt
Nhiều thành ngữ Hán chuyển sang tiếng Việt đã được vắn tắt hóa, tinh giản hóa thành các cụm từ ngắn gọn hơn, chẳng hạn:
* Thương hải biến vi tang điền (bãi bể thành ruộng dâu, nói về sự thay đổi của thế sự) - Dâu bể (giản hóa)
* Tự tương mâu thuẫn (xung khắc với nhau, như cái mâu/giáo đâm gì cũng thủng lại đâm vào cái thuẫn/khiên không gì đâm thủng được) - Mâu thuẫn (giản hóa)
* Xảo ngôn như lưu (nói năng khéo léo trôi trảy như rót vào tai) - Xảo ngôn hoặc Nói khéo (giản hóa)
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia