Nói đến Tranh Thủy mặc, mọi người nghĩ ngay đến đất nước Trung Quốc. Và sẽ không sai khi bảo rằng Thủy mặc được xem như là Quốc họa của Trung Quốc vậy. Thủy mặc theo diễn giải chung của người xưa là nước hòa với mực tàu. Tranh thủy mặc đã xuất hiện từ nghìn xưa, được vẽ bằng bút lông dùng với thuốc nước hoặc mực nho và vẽ trên giấy xuyến chỉ ( một loại giấy trắng mịn rất đẹp và đạt chất lượng cao giống như chất lượng giấy dó dùng để vẽ tranh Đông Hồ ở Việt Nam ).
Muốn vẽ được một bức tranh thủy mặc đạt chất lượng cao về mặt nghệ thuật, người họa sĩ phải trãi qua những tháng năm dài miệt mài luyện tập về bút pháp. Bút pháp có điêu luyện và nhuần nhuyễn thì tác phẩm sẽ trở nên sống động và có cái thần.
Nhưng để có được một bức tranh hội đủ tiêu chuẩn về vẻ đẹp thì người họa sĩ ngoài việc có bút pháp điêu luyện vẫn chưa được coi là đủ, mà phải vẽ bằng cảm xúc, bằng cái tâm hợp nhất với bút pháp. Không dễ khi vẽ một bức tranh thủy mặc vì giấy xuyến chỉ rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy không thể chỉnh sửa lại được. Cho nên trước khi vẽ cần phải hội đủ yếu tố ý tưởng và cảm xúc rồi mới phóng bút. Sắc màu mực đậm hay nhạt tùy vào họa sĩ đưa đường nét bút và tạo hình như thế nào để đạt mức độ thẩm mỹ và tao nhã.
Theo lối vẽ và phong cách hội họa thì tranh Thủy mặc Trung Quốc xưa được chia ra làm hai dạng : Tranh thủy mặc màu tả thực và Tranh thủy mặc ngụ ý vớinhững nét chấm phá truyền thần.
Tranh tả thực ( Tề tất họa ) có lối vẽ chi tiết sát với cảnh thực, giàu sức thể hiện. Loại tranh này đẹp mắt hào hoa, có giá trị trang trí cao nên trong lịch sử Trung Quốc nó được dùng để tôn vinh vẻ đẹp và sự quý phái của các bậc quyền uy.
Tranh Thủy mặc ngụ ý ( Thô tất họa ) sử dụng những đường nét đơn giản hơn để phác họa cảnh vật theo lối khái quát, tùy hứng nhưng lại hàm ẩn triết lý uyên thâm của họa sĩ truyền vào trong bức họa đó. Có thể kể tên những họa sĩ nổi tiếng về thể loại tranh này như Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng,...