Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không? (1)


Định mệnh có thật hay không? Ngay từ thuở hoang sơ của nhân loại. Khi lịch sử còn là truyền thuyết. Con người đã có những cố gắng tìm kiếm những thông tin cho tương lai của cuộc đời. Nhưng tính chính xác của dự báo càng cao, con người càng bị đẩy dần đến sự khắc nghiệt của định mệnh. Hàng thiên niên kỷ đã trôi qua, nhân loại vẫn chưa tìm được câu trả lời: "Định mệnh có thật hay không?"

Những vấn đề của định mệnh

Có thể nói rằng: Ngay từ thuở hoang sơ của loài người, vào thời mà lịch sử chỉ là những truyền thuyết và huyền thoại, nhưng khi con người đã ý thức được sự tồn tại của chính mình thì cũng muốn biết đến tương lai của cuộc đời. Từ vua chúa đến thứ dân, họ đã tìm đến những nhà tiên tri hoặc nhân danh thần thánh, hoặc nhân danh những quyền lực siêu nhiên để nghe lời tiên đoán về những việc lành dữ xảy ra cho số phận con người và cả những quốc gia. Từ những truyền thuyết và thần thoại cổ xưa nhất cho đến giai thoại về những nhà tiên tri, những phương pháp bói toán của các nền văn minh cổ còn lưu truyền, cho đến sự hiện hữu của những nhà tiên tri nổi tiếng ngay trong thời hiện đại, đã chứng tỏ con người luôn muốn biết trước tương lai của mình.

Hiệu quả của những lời dự đoán trải dài theo lịch sử nhân loại cho đến tận ngày hôm nay, thỏa mãn được trí tò mò của con người trước những cái sẽ xảy ra cho số phận con người. Nhưng oái oăm thay! Chính hiệu quả của những lời dự đoán đó, lại khiến cho con người phải ngậm ngùi khi đặt vấn đề cho thân phận của mình: Định mệnh có thật hay không?
Bạn có thể đã từng đi xem bói. Thầy bói nói trật lấc. Bạn có thể có lý khi không tin vào định mệnh và chỉ tin vào chính khả năng của mình. Bạn có thể thành công và tay trắng tạo nên sự nghiệp. Bạn vẫn có thể yên tâm nhắm mắt, xuôi tay ở giây phút chót của cuộc đời và di huấn lại cho con cháu: Không có định mệnh, tất cả đều do chính con người!

Nhưng, những điều xảy ra cho cuộc đời bạn, chưa chứng minh được rằng: Định mệnh không có thật. Bởi vì, tất cả những tri kiến tích luỹ trong cuộc đời bạn, chỉ có thể giải thích được những cái đã xảy ra. Nhưng con người lại muốn biết chính xác những cái sẽ xảy ra. Tính chính xác của sự dự báo càng cao, con người lại càng bị đẩy gần tới sự khắc nghiệt của định mệnh?!

Không chỉ có bạn, những niềm tin tôn giáo chính thống cũng phủ nhận định mệnh và cho rằng chỉ có Đấng Chí Tôn mới quyết định số phận con người. Với niềm tin này, cho rằng mọi số phận đều đã được Đấng Chí Tôn an bài từ trước. Số phận con người phụ thuộc vào Đấng Chí Tôn. Bởi vậy: những người trung thành với niềm tin tôn giáo mãnh liệt nhất, phải cố gắng làm vừa lòng Đấng Chí Tôn để thay đổi số phận của mình trong hiện hữu, trong tương lai và trong cả những kiếp mai sau. Như vậy: trong trường hợp này: Không có định mệnh vì nó phụ thuộc vào ý chí của Đấng Tối Cao? Như vậy phải chăng những lời tiên tri chỉ là sự phản ánh ý chí của Đấng Tối Cao và định mệnh phụ thuộc vào ý chí của ngài.

Hoặc cũng có thể bạn nhân danh khoa học và cho rằng định mệnh là hệ quả của sự bói toán, mê tín dị đoan. Trong trường hợp này chính ý thức của bạn là một yếu tố rất căn nguyên tương tác với môi trường và định mệnh chỉ là hệ quả lệ thuộc vào ý thức của bạn. Nhưng nếu thế thì điều này sẽ không thể giải thích được những điều bạn không muốn vẫn cứ xảy ra trong cuộc đời bạn. Hơn nữa nó sẽ không có khả năng tiên tri. Nếu bạn là một nhà khoa học, thì chắc chắn bạn cũng biết một tiêu chí khoa học là:
“Một giả thiết khoa học chỉ được coi là đúng, nếu nó giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó và có khả năng tiên tri” (mà dân gian gọi nôm là “bói”).
Hơn nữa chính các nhà khoa học đang mơ ước:
“Tạo ra một lý thuyết thống nhất các định luật vũ trụ! Một siêu công thức bao trùm mọi định luật của thiên nhiên, hoàn toàn có thể giải thích mọi sự kiện bao quanh của con người từ những hạt vật chất cực nhỏ, đến những thiên hà khổng lồ”.
Chúng ta đặt một giả thiết rằng: Tri thức của nhân loại đã đạt được điều mà các nhà khoa học đang mơ ước. Nhưng siêu lý thuyết đó khi hiện hữu lại tồn tại trong một cuộc sống và xã hội vẫn tiếp tục phát triển. Như vậy, một trong những chức năng quan trọng của siêu lý thuyết này sẽ là những lời dự báo mọi sự kiện bao quanh của con người, cho đến sự vận động của những thiên hà khổng lồ. Phải chăng chính khoa học, khi đạt đến sự tuyệt đỉnh của nó, sẽ gặp lại câu hỏi mà nhân loại đã đặt ra từ ngàn xưa: Định mệnh có thật hay không?

Bởi vì, một lý thuyết khoa học thực sự phải có khả năng dự báo những hiện tượng liên quan đến nó. Sự khác nhau giữa khả năng tiên tri đã và đang hiện hữu trong lịch sử với tri thức của nhân loại đạt được một siêu lý thuyết (theo giả thuyết) là: Sự tiên tri đang hiện hữu, tri thức khoa học hiện đại chưa lý giải được căn nguyên của nó và mang mầu sắc huyền bí. Còn sự tiên tri trong tương lai thì con người biết được căn nguyên của nó nên không thấy huyền bí. Phải chăng trong trường hợp này - chính những tiêu chí khoa học và những mơ ước của nó - lại chứng tỏ, định mệnh đang hiện hữu trên thực tế và sẽ được khoa học chứng minh trong tương lai?

Nhưng liệu khả năng của khoa học hiện đại có thể đạt được điều mơ ước đó không? Trong cuốn sách khá nổi tiếng: “Thượng Đế và Khoa học” (Tác giả Jean Guiton. Grichka Bogdanov. Igor Bogdanov. Nxb Grasset - Paris) cho thấy Thượng Đế vẫn mỉm cười trước những cố gắng của con người, trước những tri thức khoa học hiện đại nhất, trong việc tìm về sự khởi nguyên của vũ trụ.

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách (Bản dịch tiếng Việt của Lê Diên. Nxb Đà Nẵng), giáo sư Đặng Mộng Lân đã viết:
“Nói cách khác, Thượng Đế hay khoa học, đó chỉ là hai sự lựa chọn. Guiton đã chọn khả năng thứ nhất. Còn khả năng thứ hai? Không có gì ngăn cản chúng ta với sự lựa chọn còn lại”
Có lẽ ông Đặng Mộng Lân đã lầm. Ở đây không phải là sự lựa chọn mang tính áp đặt chủ quan, mà là phải chứng minh chỉ một trong hai khả năng ấy: Thượng Đế hay khoa học. Với luận đề này và cũng là vấn đề đặt ra cho nó thì dù Thượng Đế hay khoa học sẽ đều có trách nhiệm chung để trả lời một câu hỏi tồn tại từ ngàn xưa của nhân loại: “Định mệnh có thật hay không?”
Vấn đề là: Sự trả lời ấy nhân danh Thượng Đế hay khoa học!

Ông Guiton đã lựa chọn khả năng thứ nhất và ông đã chứng minh cho sự lựa chọn của mình qua những lý thuyết khoa học hiện đại và tiên tiến nhất trong cuốn “Thượng Đế và khoa học”. Nếu ý chí của Thượng Đế chính là sự khởi nguyên của vũ trụ, thì sự lý giải cho vấn đề đặt ra của luận đề này sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều: Định mệnh không có thật, vì nó lệ thuộc vào ý chí của Đấng Chí Tôn khi Ngài muốn thay đổi trật tự của vũ trụ. Luận đề này sẽ được kết thúc ở đây.
Nếu vũ trụ này là một sự tồn tại khách quan, tự nó và do nó, đồng thời khoa học là kết quả của sự nhận thức của con người phản ánh những quy luật vận động khách quan của vũ trụ thì những lời bói toán, tiên tri phải chăng chính là kết quả của những sự tương tác có tính quy luật của vũ trụ với cuộc sống con người, mà con người có khả năng nhận thức được. Nhưng với sự lựa chọn này, luận đề mà tôi đang tường giải với các bạn sẽ phải chứng minh điều đó.

Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc nó phải vượt qua chính cái ngưỡng mà nền khoa học hiện đại chưa đạt tới và đang mơ ước. Nhưng với lập luận này: khi con người, nhận thức được những qui luật tương tác của vũ trụ và tích lũy những tri thức ấy, thì chính sự nhận thức lại không thuộc về những qui luật đó. Vì sự nhận thức lúc này là một chủ thể và là đối tác của những qui luật tạo nên Định mệnh. Tất nhiên nó không phải Định mệnh.

Vậy phải chăng Định mệnh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người? Như vậy giữa Định mệnh và phi Định mệnh, đâu là chân lý? Chiếc chìa khoá mở bức màn huyền ảo này đang ở đâu?


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.