SW. Hawking đã viết trong cuốn “Lược sử thời gian” nổi tiếng của ông như sau:
"Nhưng trong quá trình tìm kiếm một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh như vậy, lại vấp phải một nghịch lý rất cơ bản. Những ý niệm về các lý thuyết khoa học được phác ra ở trên xem rằng chúng ta là những sinh vật có lý trí tự do quan sát vũ trụ theo ý của chúng ta và rút ra những suy diễn logic từ những cái mà chúng ta nhìn thấy. Trong một sơ đồ như thế, sẽ là hợp lý nếu cho rằng chúng ta ngày càng tiến gần tới các quy luật điều khiển vũ trụ. Nhưng nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh, thì nó cũng sẽ có thể quyết định những hành động của chúng ta. Và như vậy tự bản thân lý thuyết đó sẽ quyết định kết quả việc tìm kiếm lý thuyết ấy của chúng ta! Hơn nữa, tại sao nó sẽ quyết định rằng chúng ta sẽ đi tới những quyết định đúng từ những điều quan sát được? Hay là tại sao nó không thể quyết định để chúng ta rút ra những quyết định sai? Hay là không có kết luận nào hết"
Qua trích dẫn trên chúng ta thấy rằng: Nếu ý thức phi vật chất tức là không chịu sự tương tác của vật chất, như SW. Hawking viết:
“Chúng ta là những sinh vật có lý trí tự do quan sát vũ trụ theo ý của chúng ta và rút ra những suy diễn logic từ những cái mà chúng ta nhìn thấy”. Thì không thể có một quy luật thống nhất vũ trụ, mà chỉ có thể: “ngày càng tiến gần tới các quy luật điều khiển vũ trụ”.
Nếu ý thức có thuộc tính vật chất và chịu sự tương tác của các qui luật vật lý thì sẽ có khả năng tồn tại một lý thuyết thống nhất vũ trụ mà SW. Hawking đã viết:
“Nhưng nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh, thì nó cũng sẽ có thể quyết định những hành động của chúng ta. Và như vậy tự bản thân lý thuyết đó sẽ quyết định kết quả việc tìm kiếm lý thuyết ấy của chúng ta!”
Như vậy, việc tìm hiểu bản chất của ý thức thực sự là một điều quan trọng trong sự phát triển những giai đoạn tiếp theo của khoa học, hé mở bức màn huyền bí của định mệnh. Chỉ có hai dạng tồn tại của ý thức:
1- Phi vật chất:
Nếu ý thức là dạng tồn tại phi vật chất: “Những sinh vật có lý trí tự do quan sát vũ trụ theo ý của chúng ta và rút ra những suy luận logic” thì chỉ có khả năng “Tiến gần tới các quy luật điều khiển vũ trụ”. Trong trường hợp này, sẽ không thể có khả năng tiên tri theo những phương pháp có tính quy luật và tác động lên vật chất. Đây chính là tiền đề dẫn đến Thượng Đế. Vấn đề sẽ được kết thúc: “Không có Định Mệnh”.
2- Ý thức là một dạng vận động của vật chất:
Trường hợp này ý thức chịu sự tương tác mang tính quy luật, mà nhân loại đã khám phá trong hiện tại hoặc có thể khám phá trong tương lai: Với dạng tồn tại này thì ý thức và những hiện tượng liên quan đến nó: Tư duy, tình cảm, tiềm thức, vô thức, trực giác, cảm giác.... đều có thuộc tính vật chất và chịu sự tương tác có tính quy luật có thể tiên tri.
Như vậy: Định mệnh đang hiện hữu và chi phối cả ý thức con người. Đây cũng là điều mà SW. Hawking đã viết:
“Nhưng nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh, thì nó cũng sẽ có thể quyết định những hành động của chúng ta. Và như vậy tự bản thân lý thuyết đó sẽ quyết định kết quả việc tìm kiếm lý thuyết ấy của chúng ta”.
Nói theo cách khác: ý thức có thuộc tính vật chất và chịu sự tương tác của những quy luật vật lý. Trong trường hợp này thì chúng ta có thể tìm được lý thuyết thống nhất vũ trụ mà theo SW. Hawking là: Nếu những qui luật vũ trụ dẫn chúng ta đến điều đó.
Nhưng chính vì vậy vấn đề rốt ráo và hợp lý tiếp tục đặt ra – trong trường hợp một lý thuyết thống nhất vũ trụ tồn tại trên thực tế – sẽ là:
Nếu ý thức có thuộc tính vật chất và chịu sự tương tác và vận động một cách có qui luật thì cái gì sẽ nhận thức được điều đó?
Từ một cái nhìn khoa học, có lẽ rất khó – hay nói chính xác hơn – không thể chứng minh được rằng: “Có một dạng tồn tại phi vật chất, nhưng lại chứa đựng năng lượng để tác động trở lại vật chất”. Điều đơn giản nhất là: Nếu có một sự tồn tại phi vật chất, nhưng có khả năng tác động trở lại vật chất thì mọi định luật vật lý tiên tiến nhất của nhân loại hiện nay và cả khả năng phát triển của nó trong tương lai sẽ vô nghĩa, khi nó còn phải tính đến sự tác động của sự tồn tại phi vật chất mà không thể kiếm chứng. Hay nói một cách khác:
“Toàn bộ tri thức khoa học của nhân loại hiện đại sẽ sụp đổ”.
Hiển nhiên bạn đọc cũng thấy điều này là vô lý! Những qui luật vật lý đang tồn tại trên thực tế và con người đã ứng dụng trong đời sống. Nhưng điều này cần phải giải quyết hợp lý về mặt lý thuyết cho bản chất của ý thức và sự tương tác của nó với tự nhiên. Các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng: vật chất có thể chuyển hoá thành năng lượng và ngược lại. Năng lượng là một thuộc tính của vật chất, chứ không hề có một dạng tồn tại phi vật chất.
Người viết hy vọng rằng trong tương lai gần, con người sẽ có khả năng minh chứng được sự tương tác của những hiệu ứng vũ trụ lên những trạng thái tâm lý, khả năng nhận thức, tư duy... Hiện nay đã xuất hiện những giả thuyết gần gũi hoặc sẽ dẫn đến sự hợp lý cho một hệ luận nhằm minh chứng cho sự tương tác của những hiệu ứng vũ trụ trên Địa cầu và cuộc sống con người. Trong báo “Tuổi trẻ chủ nhật” số ra ngày 22/9/2002, trong mục “Lang thang trên Internet”, trang 22. Minh Hy-VnExpress (Theo DPA), đã viết:
“Ý thức là một thuộc tính của sóng radio trong não? Nhà tâm lý học Anh Johnjoe McFaddan cho rằng ý thức con người xuất hiện như một thuộc tính của sóng radio trong não bộ, nhờ đó con người có thể nhận thức được sự tồn tại của chính mình. Lý thuyết của McFaddan đang gây tranh cãi vì người ta rất khó hiểu tại sao sóng radio (do chất xám của não bộ tiết ra) lại có thể “ý thức” được chính nó và quá trình tự ý thức này diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, nếu chấp nhận thuyết của McFaddan thì ta có thể giải thích được các hoạt động đến nay vẫn được xem là phi vật chất của ý thức bằng các quá trình lý hoá, hoặc ít ra là tạo cầu nối giữa các quá trình phi vật chất với các quá trình vật chất.
Trong một thông báo mới đây McFaddan giải thích rằng ý thức là một dạng xuất hiện cá biệt của sóng radio mà nhờ đó trung tâm nhận biết trong não bộ tự quan sát được các hoạt động của chính nó”.
Lý thuyết của Mcfaddan trên đây, cho thấy sự vận động của ý thức có thuộc tính vật chất. Như vậy, từ lý thuyết này dẫn đến khả năng nhận thức về những hoạt động khác thuộc tâm lý, tư duy, sự nhận thức... sẽ phải chịu những hiệu ứng vũ trụ chỉ là một khoảng cách ngắn.
Đoạn trích dẫn tiếp theo đây, cho thấy ngay cả vô thức của con người cũng thể hiện sự tương tác mang thuộc tính vật chất:
"Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một loại công nghệ mới có thể tố giác ngay cả những kẻ nói dối thành thần nhất. Công nghệ “đọc vân não” này sẽ chứng minh được một nghi phạm là vô tội hay không.
Thông thường, thiết bị phát hiện nói dối sẽ ghi lại những phản ứng cơ thể của người tình nghi khi anh ta trả lời chất vấn, chẳng hạn đổ mồ hôi hay tăng nhịp tim. Vấn đề là ở chỗ những kẻ nói dối thành thạo có thể kiếm soát những biểu hiện này trước khi máy ghi đồ thị phát hiện ra. Song, điều đó sẽ không thể xảy ra trong một cuộc kiểm tra lấy “vân não”, Farwell, trưởng nhóm khoa học tại Phòng thí nghiệm vân não có trụ sở tại Washington, cho biết: Công nghệ này sử dụng các sóng não để đo cái mà gọi Farwell gọi là nhận thức “a-ha”.
Trong thử nghiệm, nghi phạm đeo một tai nghe có gắn sensor để đo hoạt động của não khi não tiếp xúc với một hình ảnh có liên quan đến tội phạm. Nếu não nhận ra một từ hay một bức tranh quen thuộc, nó sẽ giải phóng một số sóng vô thức mà Farwell gọi là một P 300/MEREM. Nhờ thế, nhà điều tra sẽ biết liệu ghi phạm có mặt tại nơi xảy ra vụ việc hay không.
“Con người ghi nhớ những sự kiện chính trong đời họ, những tên giết người hàng loạt cũng không phải là ngoại lệ”, Farwell nói: “chúng có xu hướng lưu lại chắc chắn trong não”.Theo VnExpress 10/3/2004
Như vậy, nếu vô thức không có thuộc tính vật chất thì sẽ không thể có sự tương tác với các phương tiện khám phá mới.
Sự chứng minh những hiệu ứng vũ trụ tác động lên chính con người và tất cả những gì liên quan đến con người, bao gồm cả những sự vận động của tư duy, sẽ chỉ chứng minh được trên cơ sở một sự hợp lý trong việc lý giải các vấn đề và hiện tượng liên quan. Nhưng ngay ở đây, giả thuyết về thuộc tính vật chất của ý thức cho dù chưa được công nhận thì vẫn sẽ được coi như là một tiên đề, để giải thích các hiện tượng liên quan đến luận đề được đặt ra ở đây: Định mệnh có thật hay không? Bởi vì – với giả thuyết này – thì những hiệu ứng vũ trụ tương tác với ý thức sẽ là một sự tồn tại khách quan có tính quy luật. Do đó, nó là đối tác thuộc về khả năng nhận thức của con người. Và vấn đề vẫn còn tiếp tục là:
Cái gì nhận thức điều đó, khi ý thức có thuộc tính vật chất và chịu sự tương tác?
Từ giả thuyết trên, có thể đặt vấn đề: Phải chăng chính sự tương tác của những hiệu ứng vũ trụ có tính quy luật, đã được phát hiện từ nền văn minh Đông phương và thể hiện trong các cuốn kỳ thư của nền văn minh này. Hệ quả của tri thức đạt được của con người về qui luật những hiệu ứng vũ trụ tác động lên trái Đất và con người, được thể hiện trong Thái ất và Tử Vi... Điều này giải thích tính quy tắc, tính hệ thống, tính khách quan trong Thái ất, Tử Vi và khả năng tiên tri của nó khi con người nhận thức được qui luật của tự nhiên. Đây chính là nguồn gốc của nền minh triết Đông phương, khi hướng con người sống thuận theo qui luật của trời đất, hoà nhập với thiên nhiên, cơ sở của nền văn hiến Lạc Việt. Khả năng tiên tri là một chứng cứ đáng tin cậy để thẩm định một lý thuyết khoa học. Trong cuốn “Lược sử thời gian” (SW. Hawking) rất nhiều lần nói đến tính tiên tri như một bằng chứng khoa học của các học thuyết khoa học hiện đại. Trong phần kết luận, tác giả đã viết:
“Nhiều lý thuyết trước đây nhằm mô tả và giải thích vũ trụ gắn liền với ý tưởng cho rằng các sự cố và hiện tượng thiên nhiên đều điều hành bởi thần linh, do đó mang sắc thái cảm tính và không có khả năng tiên đoán“.
Có một điều đáng tiếc là: Cả Thái ất, Tử Vi đều chỉ là những phương pháp ứng dụng cho khả năng tiên tri. Mặc dù chúng có đầy đủ những yếu tố khoa học (tính khách quan, tính hệ thống, tính quy luật, tính tiên tri), nhưng cùng chung số phận với tất cả những phương pháp ứng dụng khác có phương pháp luận liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành: Chúng thiếu một hệ luận liên hệ với học thuyết này. Điều này đã chứng tỏ Thái ất, Tử Vi chỉ là phần còn lại của một nền văn minh bị huỷ diệt, nên đã bị thất truyền.
Nhưng đến đây, một vấn đề đã đặt ra và cân nhắc lại là:
Nếu tất cả trạng thái cảm xúc, tư duy.... đều là sự tương giao có thuộc tính vật chất thì cái gì nhận biết điều đó?
Kỳ lạ thay! Điều này đã được Đức Thích Ca Mầu Ni giảng rõ trong tạng kinh nổi tiếng: Thần chú Phật đỉnh Thủ lăng Nghiêm.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.