Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không? (9)


Khái niệm về vấn đề

Qua truyền thuyết thì: Kể từ khi những lời tiên tri xuất hiện trong văn minh nhân loại cả ngàn năm, sau đó mới thấy lịch sử nhân loại ghi nhận tư tưởng minh triết. Cũng hàng ngàn năm qua đi...Đã có nhiều cách giải thích khác nhau về vũ trụ và con người. Nhưng hầu hết các trường phái triết học hiện đại đều phân biệt trạng thái ý thức (hoặc tinh thần) và vật chất. “Ý thức” là khái niệm cho một dạng tồn tại phi vật chất. Bởi vậy, nếu tiêu chí khoa học hiện đại cho rằng: “một lý thuyết khoa học phải có tính quy luật và có khả năng tiên tri” thì – từ luận điểm khoa học và giả thiết về tính quy luật của những hiệu ứng vũ trụ tác động lên con người – vấn đề sẽ được đặt ra là:

Những hiệu ứng này có tác động lên ý thức con người hay không? Hay nói một cách khác: Những quy luật vật lý có tương tác với ý thức không?

A- Nếu câu trả lời là “Có”. Thì bản chất của ý thức mang thuộc tính vật chất. Như vậy sự phân biệt giữa vật chất và ý thức là một sai lầm.
B- Nếu câu trả lời là “Không”. Thì tất cả các quy luật vật lý thể hiện sự tương tác của vật chất đều không thể tồn tại, khi có sự tác động của ý thức – vốn được coi là một dạng tồn tại phi vật chất – tất yếu sẽ không có khả năng tiên tri.
C- Trong minh triết Đông phương có đặt vấn đề về một dạng tồn tại “không phải có, không phải không” thì đây chính là thể khởi nguyên của vũ trụ. Phải chăng đây chính là bản tính chân như, tính thấy theo khái niệm của Phật Giáo?

Vậy bản chất của ý thức là gì?

Tính “Phi vật chất” của ý thức được các trường phái triết học khác nhau thừa nhận. Như vậy, với khái niệm này thì tất cả các quy luật vật lý trong đó có những hiệu ứng vũ trụ – sẽ không có sự tương tác với ý thức. Lúc này, ý thức là một chủ thể tồn tại độc lập với vật chất và là một chủ thể có khả năng chi phối các quy luật vật lý? Như vậy, với khái niệm về “ý thức” như trên và trên cơ sở tiêu chí khoa học về khả năng tiên tri, thì khả năng tiên tri sẽ không thực hiện được. Bởi vì – ngoài những hiệu ứng vũ trụ tương tác có quy luật với sự tồn tại có thuộc tính vật chất của con người có thể tiên tri – thì vấn đề “định mệnh” sẽ phải tính đến một hiệu ứng của ý thức phi vật chất và không chịu chi phối bởi những qui luật vật lý của vật chất. Đó là nguyên nhân – ít nhất về mặt lý thuyết – khả năng tiên tri sẽ không thực hiện được và mọi quy luật của tự nhiên tạo nên tri thức nhân loại hiện đại sẽ sụp đổ... Nhưng thực tế khả năng tiên tri vẫn đang hiện hữu và tồn tại từ ngàn đời. Trong đó tồn tại những phương pháp tiên tri có hệ thống, có qui luật và khách quan đã dẫn chứng là Tử Vi, Tử Bình...

Như vậy, sự tồn tại và hiệu quả của các phương pháp có khả năng tiên tri tri hàng ngàn năm, tự nó đã phủ nhận khái niệm “ý thức là một thể tồn tại phi vật chất”. Hay nói một cách khác: ý thức phải chịu sự tác động của những quy luật vật lý mà loài người đã khám phá ra hoặc chưa khám phá ra. Nhưng nếu ý thức không thể phi vật chất thì con người rút cục chỉ là robot cao cấp chăng? Thực tế đã chứng minh không phải như vậy, cho dù tư duy (ý thức, tinh thần) có tính quy luật và có những thuộc tính vật chất thì vấn đề hợp lý tiếp theo sẽ là: Cái gì nhận thức tính qui luật đó?

Người viết xin được trình bầy một nhận xét riêng của mình và đặt vấn đề, có thể coi là một giả thuyết sau đây:
"Trong giai đoạn đầu của sự hình thành Thái Dương Hệ – tức là vào giai đoạn chưa hề có một phần tử hữu cơ nào xuất hiện trên trái Đất để mở đầu cho sự sống – thì tất cả từ những vận động khởi đầu cho một quá trình phát triển, tiến hoá của tự nhiên trên trái Đất đều ảnh hưởng của những hiệu ứng tương tác từ vũ trụ. Chính những hiệu ứng tương tác từ vũ trụ này đã ảnh hưởng và chi phối quá trình tiến hoá của vật chất – cụ thể là trên trái đất – từ vô cơ đến hữu cơ, từ đơn giản đến phức tạp – cho đến khi hình thành những sinh vật cao cấp trên trái Đất hiện nay, trong đó có con người. Do đó, tất cả những sự hiện hữu dù đơn giản hay phức tạp, dù sinh vật bậc thấp hay cao trên trái Đất, đều tồn tại và phát triển trong tính tất yếu đã hiện hữu của những hiệu ứng vũ trụ và hoà nhập cân đối với những hiệu ứng đó, ngay từ những tế bào sống đầu tiên. Loài người cũng chỉ là một hiện tượng tồn tại hữu hạn trong quá trình vận động tương tác vô tận của vũ trụ. Do đó, sự tác động mang tính quy luật của những hiệu ứng vũ trụ lên chính con người (bao gồm cả những giá trị nhận thức và sự vận động tư duy, vốn là hệ quả của các hiệu ứng trên) phải là một thực tế hiện hữu và liên tục”.
Nếu những vấn đề đặt ra theo giả thuyết ở trên không phải là một thực tế hiện hữu; tức là sự vận động của tâm lý, tư duy, những giá trị nhận thức... gọi chung là những giá trị tinh thần của con người, tách rời hoặc không chịu sự tác động của những hiệu ứng vũ trụ, thì sự phủ nhận này sẽ dẫn đến tính hợp lý tiếp theo của nó là: Thừa nhận một sự tồn tại thoát thai từ tự nhiên và trở thành phi tự nhiên (xuất phát từ vật chất và phi vật chất), không nằm trong sự chi phối của tự nhiên và tách rời tự nhiên ở tầm cỡ vũ trụ. Nếu sự tồn tại phi tự nhiên đó có thật và hiện hữu trong con người, thì đó chính là con đường dẫn tới ý niệm về Thượng Đế. Vì theo truyền thuyết, chỉ có Thượng Đế mới không chịu sự tương tác của tự nhiên. Điều này không thuộc về những luận điểm nhân danh khoa học và luận đề này sẽ kết thúc ở đây. Vì Định Mệnh sẽ không có thật mà tuỳ thuộc vào ý chí của Đấng Tối Cao.

Nếu đặt vấn đề: “ý thức có trước” thì câu hỏi đặt ra tiếp theo sẽ là: Tại sao cái có trước đó lại tạo ra những qui luật vật lý như thế này chứ không như thế kia? Tại sao nó không tạo ra một thế giới ngay như bây giờ mà lại phải từ một nền văn minh thấp và phát triển như hiện nay? Đây cũng là vấn đề đặt ra trong cuốn “Thượng Đế và khoa học” và được giải thích rằng: Thượng Đế toàn năng đã sắp đặt vũ trụ như hiện nay với những qui luật của nó? Nhưng khi đặt vấn đề như vậy, bản thân ngài Jean Guitton – Đồng tác giả, viện sĩ Hàn lâm viện Pháp Quốc – cũng chưa chứng minh được sự hiện hữu của Thượng Đế. Lập luận của ông trong suốt cuốn sách chỉ có thể coi là một cách đặt vấn đề, khi tri thức khoa học hiện đại còn khiếm khuyết ở cách giải thích sự khởi nguyên của vũ trụ. Khi các nhà khoa học tiến vào thế giới vi mô của vật chất thì họ chợt nhận ra rằng: Hình như vật chất biến mất, hình như sự tương tác của các hạt lượng tử trong các thí nghiệm tuỳ thuộc vào cách nghĩ của con người trực tiếp thí nghiệm nó? Ở đây, tôi không hề có đặt vấn đề cái gì có trước (vật chất hay tinh thần) mà các trường phái triết học hiện đại thường nói tới, mà chỉ đặt vấn đề “Bản chất của ý thức” là gì.

Nhưng với tất cả những hiện tượng và giả thuyết nêu ở trên thì: Phải chăng sự phân biệt giữa “ý thức phi vật chất” và “vật chất” là một sai lầm. Phải chăng sự khởi nguyên của vũ trụ không có sự phân biệt này và nó được bắt đầu bằng một thể nguyên thuỷ thống nhất?


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.