Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không? (12)


Những đoạn dưới đây được trích dẫn trong “Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ” do thành hội Phật giáo T/p HCM xuất bản 1994.

Đoạn III- Chỉ hai món căn bản chia riêng mê ngộ

Đức Phật bảo Anan: “Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay, các thứ điên đo giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm ác xoa. Các người tu hành không thành được đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà chỉ thành Thanh Văn, Duyên giác, ngoại đạo, chư thiên, ma Vương và quyến thuộc của ma, đều chẳng biết hai món căn bản, tụ tập sai lầm. Cũng như nấu cát muốn thành cơm thì dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể được.

Thế nào là hai thứ căn bản? Anan! Một là căn bản sinh tử từ vô thuỷ. Chính hiện nay ông và chúng sanh đang dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Hai là Bồ Đề Niết Bàn nguyên thể thanh tịnh từ vô thuỷ, tức là cái thức tinh nguyên minh này, nên trọn ngày trong động dụng mà chẳng tự biết, uống trôi vào trong các cõi.

* Qua đoạn trích dẫn trên, các bạn cũng nhận thấy rằng: Đức Phật khẳng định tính căn bản từ vô thuỷ và nhắc tới nguyên thể thanh tịnh từ vô thuỷ, tức là nhắc tới sự khởi nguyên của vũ trụ.

Đoạn IV - Nương cái thấy để gạn cái tâm

“Anan, nay ông muốn biết con đường tu thiền định để mong ra khỏi sanh tử, tôi lại hỏi ông...”
Liền khi ấy đức Như Lai đưa cánh tay sắc vàng co năm ngón lại hỏi ông A Nan: “Nay ông có thấy chăng?”
Anan thưa: “Thấy”
Phật hỏi: “Ông thấy cái gì?”
Anan thưa: “Con thấy Như Lai đưa cánh tay, co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm mắt của con.”
Phật hỏi: “Ông lấy cái gì để thấy?”
Anan thưa: “Con và cả đại chúng đều dùng mắt để thấy.”

Phật bảo Anan: “Nay ông trả lời tôi hỏi. Nay Như Lai co năm ngón tay lại thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm mắt ông, mắt ông có thể thấy. Vậy ông lấy cái gì làm tâm để biết được nắm tay sáng chói của tôi?”
Anan thưa: “Hôm nay Đức Phật Như Lai gạn hỏi tâm ở chỗ nào? Con dùng tâm suy xét tột cùng để tìm kiếm, tức là cái suy nghĩ đó, con cho là tâm của con”.

* Ngài Anan cho rằng suy nghĩ (Tư duy – ý thức: phi vật chất theo quan niệm hiện đại phổ biến) là tâm.

Đoạn V - Chỉ cái hay suy nghĩ có thật thể

Tiết 1 - Bác ái hay suy nghĩ

Phật bão: “Sai rồi Anan! Cái này chẳng phải tâm của ông!”
Anan giật mình, rời chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Đức Phật: “Cái này chẳng phải tâm con. Vậy nên gọi nó là cái gì?"

Phật bảo Anan: “Cái này là những tưởng tượng hư vọng của tiền trần, làm mê lầm chân tính của ông. Do ông từ vô thủy đến nay, nhận giặc làm con, bỏ mất chân tính bản nguyên thường trụ nên phải chịu luân chuyển”.
* Đoạn này bạn đọc cũng nhận thấy Đức Phật không cho ý thức là Tâm và xác định thuộc tính vật chất của ý thức qua câu: “Những tưởng tượng hư vọng của tiền trần.”

Tiết 2 - Cầu xin chỉ dạy

Ông Anan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Con là em yêu của Phật. Vì tâm mến Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng riêng gì cúng dường Đức Như Lai, cho đến trải khắp hằng hà sa số cõi nước phụng thờ chư Phật và Thiên Tri thức, phát tâm đại dũng mãnh như làm tất cả các pháp sự khó làm, con đều dùng tâm này. Dẫu cho con có hủy báng chánh pháp, bỏ mất căn lành cũng từ tâm này. Nếu Phật phát minh nó chẳng phải tâm, hoá ra con không có tâm, đồng như cây đất. Vì ngoài cái hiểu biết này ra con không còn gì nữa. Tại sao Đức Phật Như Lai bảo cái ấy chẳng phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng đây đều nghi ngờ. Cúi mong Đức Từ Bi mở lòng chỉ dạy cho kẻ chưa ngộ!”

Qua đoạn trích dẫn ở trên – người viết nhận thấy rằng: Ý thức và những hiện tượng liên quan đều có thuộc tính vật chất. Hay nói một cách khác: Ý thức và những hiện tượng liên quan đều là sự tương tác kết hợp của vật chất, mà diễn đạt theo Phật pháp thì chúng đều do nhân duyên giả tạm không phải thật tính, không phải là tính nhận biết. Tức là chúng chịu sự tương tác mang thuộc tính của vật chất. Sự tương tác này có tính quy luật có khả năng nhận thức được và sự tiên tri trên cơ sở nhận thức đó. Chính sự tương tác vô thường này, mà Đức Phật gọi là những tưởng tượng hư vọng của tiền trần. Đây chính là yếu tố Định Mệnh của thế nhân. Nhưng vấn đề này là: Nếu ngay cả ý thức và những hiện tượng liên quan đều có thuộc tính vật chất mà ngài A Nan gọi là : “đồng như cây đất. Vì ngoài cái hiểu biết này ra con không còn gì nữa” thì cái gì sẽ nhận biết những thuộc tính vật chất đó. Đây cũng là điều mà Đức Thế Tôn chỉ dạy từ hàng ngàn năm trước. Đây cũng là câu trả lời: “Có hay không một lý thuyết thống nhất vũ trụ” mà S. Hawking đặt câu hỏi và cũng là câu trả lời: Định mệnh có thật hay không?

Chúng ta xem tiếp những đoạn trích dẫn sau đây trong kinh Lăng Nghiêm:

Tiết 3 - Chính chỉ toàn tánh

Bấy giờ Đức Thế tôn muốn chỉ dạy ông Anan và đại chúng, khiến cho tâm vào “Vô sanh pháp nhẫn”, nên ở trên tòa Sư tử xoa đầu ông Anan mà bảo rằng: “Như Lai thường nói: Các pháp sanh ra chỉ từ tâm hiện. Tất cả nhân quả thế giới vi trần nhân nơi tâm mà thành thể. Này Anan, như tất cả sự vật có ra trên thế giới trong ấy từ ngọn cỏ, sợi dây và cái gút... tìm cội nguồn của nó đều có thể tính, dầu cho đến hư không cũng có tên gọi và tướng mạo. Huống chi tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là tâm tánh của tất cả mà tự không thể tánh hay sao?
Nếu ông chấp nhặt cái phân biệt hiểu biết quyết cho là tâm, thì tâm này khi rời tất cả các trần sắc, hương, vị, xúc riêng có toàn tánh. Như nay ông nương nơi nghe pháp của tôi, đây ắt nhân nơi tiếng mà có phân biệt. Dầu cho dứt hết tất cả thấy nghe hiểu biết, giữ cái thầm lặng lẽ bên trong vẫn còn là việc phân biệt bóng dáng của pháp trần.

Chẳng phải tôi bảo ông chấp là chẳng phải tâm, nhưng ông đối với tâm này phải chín chắn và xét cho kỹ. Nếu rời tiền trần mà có tính phân biệt, tức thật là tâm ông. Nến tánh phân biệt rời tiền trần không có thật thể thì đó là việc phân biệt bóng dáng của tiền trân. Trần thì chẳng phải thường trụ, nếu khi nó biến diệt thì tâm này đồng với lông rùa sừng thỏ, ắt pháp thân của ông cũng đồng với đoạn diệt. Vậy ông lấy cái gì để tu chứng Vô sanh pháp nhẫn?”

Qua đoạn trích dẫn trên, chứng tỏ Đức Phật đã chỉ thẳng ra rằng:

1- Tính thấy có thể tính và là một thực tại. Câu: “Huống chi tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là tâm tánh của tất cả mà tự không thể tánh hay sao?” chứng tỏ điều này.

2- Sự tồn tại của ý thức mang thuộc tính vật chất. Ngài nói: “Nếu tính phân biệt rời tiền trần mà không có thật thể thì đó là việc phân biệt của tiền trần”. Ở đây có lẽ không phải bàn sâu, vì ai cũng hiểu rằng khái niệm “thật thể” chính là cách gọi khác của sự tồn tại có thuộc tính vật chất: “Rời tiền trần không có thât thể” thì chỉ là sự phân biệt giữa “Có” và “Không”, tức là “Việc phân biệt bóng dáng của tiền trần”. Chính vì vậy, Đức Thế Tôn chỉ ra: khi một dạng tồn tại của vật chất tan biến – “Trần chẳng thường trụ nếu khi nó biến diệt...” – thì cái “Tâm Không” đối đi với cái “Có” của vật chất cũng sẽ biến mất. Ngài đã chỉ thẳng đó là một sự sai lầm nếu cho rằng: Tâm vốn “không” khi đối đãi với vật chất và sự tương tác của nó vốn “có” thì “...tâm này đồng với lông rùa sừng thỏ...”, tức là không có thật.

Đến đây, người viết cũng xin lưu ý với bạn đọc là chữ Tâm mà Đức Phật nói không đồng nghĩa với chữ Tâm trong cụm từ “duy tâm” thường dùng. Ngay cả câu trong kinh Phật “Vạn pháp duy tâm biến hiện” cũng không hề đồng nghĩa với khái niệm “duy tâm” trong triết học hiện đại. Chữ “Tâm” trong Phật học để chỉ tính nhận biết trong mỗi một con người, mà một trong nhiều nghĩa của nó có thể hiểu là trạng thái “phi ý thức”, chứ không phải là “phi vật chất”. Nhưng “Tâm” – tính nhận biết – tính thấy là gì? Nó có sự tương tác hay không đối với quy luật vận động của vật chất?

Nếu nói là “Có” thì đây chỉ là tên gọi khác của “ý thức” với khái niệm “phi vật chất” đầy đủ nhất của nó từ trước đến nay. Trong trường hợp này định mệnh sẽ không có thật. Mọi giá trị tiên tri sẽ không tồn tại, mọi lý thuyết khoa học vĩ đại nhất sẽ sụp đổ. Bởi vì lúc đó khoa học chỉ còn mang tính thực chứng và kinh nghiệm. Nhưng nếu nói là “Không” thì cái gì sẽ nhận biết tất cả những quy luật vận động của vật chất? May mắn thay! Đức Như Lai đã khai ngộ điều này. Chúng ta sẽ tiếp tụ quán xét những đoạn kinh tiếp theo đây:

Đoạn VI - Hiển bày tính thấy chẳng phải mắt

Tiết 1- Trách nghe nhiều

Bây giờ ông Anan và đại chúng im lặng, ngơ ngác.

Phật bảo ông Anan: “Tất cả các người tu hành trên thế gian, hiện tiền tuy được “Cửu thứ đệ định” mà chẳng được lậu tận thành A la hán, đều do chấp vọng tưởng sinh tử này lầm cho là chân thật. Thế nên, nay ông tuy học rộng nghe nhiều mà chẳng thành thánh quả.

Tiết 2- Bày chứng cầu chỉ dạy

Ông Anan thưa: “... Bạch Đức Thế Tôn ! Nay chúng con bị hai thứ chướng trói buộc, do chẳng biết tâm tánh vắng lặng thường hằng. Cúi xin Đức Như Lai thương xót kẻ nghèo khổ này phát tâm khởi nhiệm mầu sáng suốt để mở bày con mắt đạo của chúng con.

Tiết 3- Phóng quang tiêu biểu nói pháp

Khi ấy từ chữ vạn trên ngực của Đức Như Lai phóng ra hào quang báu. Hào quang ấy rực rỡ có trăm ngàn màu sắc sáng khắp một lúc cả 10 phương thế giới của Phật như số vi trần, rót khắp trên đỉnh của các Đức Như Lai ở các cõi nước 10 phương và xoay về soi đến ông Anan và cả đại chúng. Phật bão ông Anan rằng: “Nay tôi vì ông mà dựng đạo pháp tràng lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sinh 10 phương được tâm tính nhiệm mầu, sâu kín trong sạch sáng suốt và con mắt đạo thanh tịnh.”

* Các đoạn trích dẫn ở trên có thể coi như là sự đặt vấn đề của Đức Phật với chúng đệ tử về bản chất của Tâm, mà diễn đạt theo một cách khác: “Nếu ý thức có thuộc tính vật chất thì cái gì nhận thức điều đó?” . Các đoạn trích sau đây, Đức Phật chỉ rõ điều này.

Tiết 4 - Chỉ chính cái thấy là Tâm

a) Lấy nắm tay lệ cho cái thấy

Anan! Trước ông đã trả lời tôi là thấy được nắm tay sáng chói, vậy nắm tay này nhân đâu mà có? Ông đem gì thấy?”

Ông Anan thưa: “Do toàn thân Phật như Diêm Phù đề sáng chói ngời dường núi báu, từ thanh tịnh sanh ra sáng chói. Con thật dùng mắt xem thấy năm ngón tay của Phật co lại đưa cho người xem, nên có tướng nắm tay.”

Phật bảo Anan: “ Hôm nay Như Lai thật bảo ông: Những người có trí thiết yếu phải dùng thí dụ mà được khai ngộ. Anan! Thí dụ như nắm tay của tôi, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có con mắt của ông thì không thành cái thấy của ông. Lấy con mắt của ông so với nắm tay của tôi, nghĩa ấy có đồng không?

Anan thưa: “Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Nếu không có con mắt của con thì cái thấy của con không thành. Lấy con mắt của con đem so sánh với lắm tay của Đức Như Lai nghĩa ấy đồng nhau”.

* Phật thí dụ về những điều kiện nhận biết: Mắt, nắm tay....

b) - Chỉ cái thấy tối không phải không có thấy Phật bảo Anan: “ Ông nói đồng nhau nghĩa đó không đúng. 

Vì sao? Như người không bàn tay, nắm tay hẳn là không. Còn người không con mắt hoàn toàn không phải họ không có cái thấy. Bởi tại sao? Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt: Anh có thấy gì chăng? Các người mù kia ắt sẽ đáp với ông: Nay đối trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, lại không thấy gì khác. Dùng nghĩa ấy để quán xét thì tiền trần tự tối chứ cái thấy đâu có thiếu kém”.
* Phật chỉ rõ sự sai khác giữa phương tiện nhận biết (mắt) và đối tượng nhận biết (nắm tay) – vốn có thuộc tính vật chất – với tính Thấy.

c) Dùng đèn so với con mắt để hiển bày cái thấy

* Nghi thấy tối chẳng phải là thấy
Ông Anan thưa: “Những người mù trước mắt họ chỉ thấy tối đen đâu gọi là thấy?”

d) Dụ tối sáng không khác, chỉ cái thấy là tâm

Phật bảo Anan: “Những người mù chỉ thấy tối đen, cùng với những người mắt sáng ở trong phòng tối, hai cái tối đó khác nhau hay không khác?”

- Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy! Người sáng ở trong chỗ tối cùng với người mù thấy tối, hai cái tối đó không khác.

Anan! Nếu người mù bỗng nhiên được sáng mắt, đối với tiền trần thấy các sắc tướng gọi là mắt thấy. Người sáng ở trong nhà tối, bỗng có đèn sáng cũng đối với tiền trần thấy các sắc tướng, lý ưng phải chăng gọi là đèn thấy? Nếu đèn thấy thì đèn chính là cái thấy tự chẳng gọi là đèn. Lại nữa, nếu đèn thấy thì chẳng can hệ gì đến việc của ông. Thế nên phải biết đèn hay hiển sắc, còn cái thấy là mắt chẳng phải đèn. Mắt hay hiển sắc còn cái thấy là tâm chẳng phải mắt.

Ông Anan và đại chúng tuy được nghe lời mà miệng vẫn lặng thinh, tâm chưa khai ngộ, còn mong Đức Như Lai dùng lời lành chỉ dạy thêm, nên chắp tay lắng lòng trông chờ Phật xót thương dạy bảo.

* Qua đoạn trích dẫn trên, cho thấy Đức Phật đã chỉ ra rằng: Có sự phân biệt giữa điều kiện nhận biết và tính nhận biết. Điều kiện nhận biết mà Ngài thí dụ ở trên gồm: phương tiện nhận biết (con mắt, ngọn đèn...) và đối tượng nhận biết: Nắm tay của Ngài... Phương tiện nhận biết và đối tượng nhận biết có thể thay đổi (Cảnh giới tiền trần trụ và diệt) Nhưng tính nhận biết không thay đổi khi có đầy đủ điều kiện nhận biết.

Bởi vậy, nếu chúng ta đặt ví dụ: “Vật thể đi với tốc độ ánh sáng, con người có thấy không?” Câu hỏi này giống như: Với cuộc sống con người cách đây 100 năm, nếu có người hỏi: Với khoảng cách 100 cây số, con người có nhìn thấy nhau được không?”. Vào thời điểm không thời gian cách đây 100 năm, câu trả lời sẽ là “Không!” – vì thiếu phương tiện nhận biết. Nhưng ở thời điểm không, thời gian hiện tại, câu trả lời sẽ là “Có!” – Vì con người có đầy đủ phương tiện nhận biết. Do đó, khi đặt vấn đề một vật thể đi với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng (Đối tượng nhận biết) thì ở những trường hợp không có phương tiện nhận biết câu trả lời sẽ là “Không thể thấy!”. Như vậy, vấn đề: Có hay không nhận biết được (Thấy được) chỉ phụ thuộc vào phương tiện nhận biết. Còn vấn đề mà Đức Thích Ca chỉ dạy trong Kinh Lăng Nghiêm là “tính nhận biết”. Hay nói cách khác: Đức Phật chỉ ra bản chất thật của thể tính. Những đoạn trích dẫn tiếp theo đây chứng tỏ điều này.

Tiết 3- Lấy cái động tĩnh để hiển bày cái thấy

A- Tay xoè nắm để gạn cái thấy thường còn

Khi ấy Đức Như Lai ở trong đại chúng, co năm ngón tay lại và xoè nắm bàn tay.
Ngài hỏi ông Anan: “Ông thấy cái gì?”.
Ông Anan thưa: “Con thấy bàn tay trăm báu của Đức Như Lai xoè nắm!”.
Phật bảo ông Anan: “Ông thấy cái tay tôi xoè nắm là do cái tay xoè nắm hay do cái thấy của ông xoè nắm?”
Ông Anan bạch Phật: “Tay báu của Đức Thế Tôn có xoè nắm. Chẳng phải tính thấy của con có xoè nắm!”.
Phật hỏi: “Cái nào động cái nào tĩnh?”.
Ông Anan thưa: “Tay của Phật không dừng, tánh thấy của con còn không tịnh thì đâu có gì động!”.
Phật nói: “Đúng như vậy!”.

* Đoạn này ông Anan nhận thức được đối tượng nhận biết động so với tính thấy.

B- Phóng quang để gạn hỏi cái thấy không động

Bấy giờ trong lòng bàn tay của Đức Như Lai phóng một luồng hào quang báu soi đến vai bên phải ông Anan, làm ông Anan quay đầu ngó sang bên phải. Phật lại phóng hào quang qua vai bên trái ông Anan. Ông Anan lại xoay đầu ngó sang bên trái.
Phật bảo ông Anan: “ Đầu ông hôm nay nhân gì lại dao động?”.
Anan thưa: “Con thấy Như Lai phóng hào quang báu đến hai vai, con nhìn qua hai vai để xem. Nên đầu con tự dao động.
Phật hỏi: “ Ông nhìn hào quang của Phật, nên đầu quay qua phải và trái. Vậy đầu ông động hay cái thấy của ông động?”.
Ông Anan thưa: “Bạch Thế Tôn! Đầu con tự động, mà tính thấy của con không có dừng, huống là có động!”
Phật nói: “ Đúng như vậy!”

Qua đoạn trích dẫn trên, cho thấy: Với câu: “...Tính thấy không dừng, huống chi có động...” diễn tả hai trong nhiều trạng thái của “tính thấy”:

* Tính liên tục không ngừng nghỉ, không chia cắt: “Tính thấy không dừng”
* So với cái động (Động là thuộc tính của vật chất). Tính thấy, tính nhận biết không động so với cái động (Với bất cứ tốc độ vũ trụ nào mà khoa học có thể tìm thấy hoặc sẽ thấy trong tương lai).
* Đối tượng nhận biết: Hào quang Đức Phật phóng ra, phương tiện nhận biết: đầu ông Anan đều động. Nhưng tánh thấy không động so với cái động. Nhưng cũng không phải là tĩnh vì tính thấy không dừng. Không dừng, không động chính là sự tuyệt đối. Như vậy, “Tính thấy”, tính nhận biết chỉ giải thích là một trạng thái tồn tại bao trùm vũ trụ, nhưng không đồng nghĩa với hư không. Điều này có thể sẽ dẫn đến khái niệm Thái Cực trong Kinh Dịch, hoặc Đạo trong Đạo Đức Kinh.

C) Chính chỉ tính thấy không có động tĩnh co mở

Khi ấy Đức Như Lai bảo khắp đại chúng:”Nếu lại có chúng sanh cho cái dao động đó gọi là trần, cái chẳng dừng đó gọi là khách. Các ông xem đầu ông Anan tự dao động, mà tánh thấy không có dao động. Lại các ông xem tay tôi co mở mà tính thấy không có co mở. Tại sao các ông lại lấy động làm thân, cái động làm cảnh. Từ thuỷ chí chung, niệm niệm sanh diệt sót mất chân tánh. Nhận vật làm mình luân hồi trong đấy, tự nhận sự lưu chuyển”.

* Động là một thuộc tính của vật chất. Bởi vậy sự vận động của tư duy mang thuộc tính vật chất, tất yếu nó phải chịu sự tương tác của các vật thể dù lớn như các Thiên hà hoặc nhỏ hơn cả siêu hạt Quak; dù xa đến tận cùng vũ trụ, dù gần đến ngay trong ta. Sự vận động này mang tính quy luật đó là nguyên nhân dẫn đến khả năng tiên tri và vấn đề Định Mệnh. Nhưng con người không phải là robot. Cái gì nhận biết tất cả sự vận động của vật chất? Mà theo cách diễn tả của ngài Anan thì con người không thể “Đồng như cây đất”. Đức Thế Tôn đã chỉ ra tính nhận biết tất cả sự vận động và tồn tại vật chất. Ngài đã nhắc nhở: Tính thấy không phải là cái “Không” đối đãi với cái “Có” (Cái hiện hữu tồn tại và vận động dù nhỏ nhất của vật thể). Vì khi đối đãi như vậy, “cái có” tự hoại thì “cái không” biến mất. Tính thấy không phải “Tĩnh” so với “Động” vì tính thấy “không dừng”. Không động mà cũng không dừng thì chính là sự tuyệt đối! Nói theo ngôn ngữ toán học thì vận tốc = |0|. Tính thấy có từ khi vô thuỷ và có trong những sinh thể đầu tiên tồn tại cho đến nay. Vậy nó phải có từ khởi nguyên vũ trụ. Từ vô thuỷ đến vô chung, không không gian, không thời gian, không lượng số. Dịch viết: “Ở xa thì nói tới cái vô biên của vũ trụ, ở gần thì tĩnh là chính, ở giữa thì bao trùm tất cả”. Đức Phật đã chỉ thẳng chân tính để thoát khỏi luân hồi, vượt qua định mệnh. Nhưng thật khó lắm thay!

Luân hồi nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại gần đồng nghĩa với “quy luật” . “Luân”: sự tiếp nối, vận động; “hồi”: quay trở lại. Cũng như Chu Dịch: Chu là vòng tròn, Dịch là sự vận động. Chu dịch nghĩa là sự vận động có tính quy luật chu kỳ.

Những lời chỉ dạy của đức Thích Ca về một thực tại có khả năng nhận biết (Tính thấy – tính nhận biết) tất cả mọi sự luân hồi, nhân quả mà có thể diễn dịch bằng ngôn ngữ khoa học hiện đại là tính quy luật. Nhưng tính thấy phải chăng chỉ là một “Thực tại khác” mà nhà vật lý Fritjof Capa nói đến. Có thể hiều như thế cũng được, nhưng không rối ráo. Bởi vì một thực tại khác là gì khi cho đến nay ý niệm về sự tồn tại của vật chất vẫn chưa vượt quá khái niệm về sự tồn tại của những siêu hạt? Hay tính thấy chính là “Tinh – Khí – Thần” theo khái niệm phổ biến thuộc văn minh Đông phương chăng? Cũng không phải! Bởi vì, khi chúng ta biết/thấy được Tinh/Khí/Thần thì nó không phải là tính thấy. Vậy “tính thấy” là “tâm” chăng? Cũng chẳng phải! Vì cái tâm vẫn còn phân biệt chính tà thì cái tâm nào là cái thấy của cái tâm kia? Phật pháp có câu: “Trực chỉ nhân tâm; kiến tánh thành phật” tự nội cung của nó đã cho thấy: Cái tâm cũng chỉ là một phương tiện, một yếu tố cần để “kiến tánh”. Có người cho rằng: “Thiên Địa huyền hoàng” là lý. Nhưng trong Thiên/ Địa còn phân biệt “Thiên” và “Địa”. Vậy giữa “Thiên” và “Địa” đâu là cái tuyệt đối? Cái gì thấy được cái kia? Rốt ráo là: “Nếu Thiên và Địa là cái lý thì cái gì thấy được cái lý ấy?”. Nhưng định nghĩa thế nào là “tính thấy” mới thật khó làm sao? Hay nói một cách khác: Nếu chúng ta định nghĩa được “tính thấy” thì tức là chúng ta sẽ “thấy” nó. Vậy thì nó không còn là tính thấy nữa, vì còn một cái thấy khác thấy nó. Thật may mắn thay! Những lời chỉ dạy của Đức Phật trong kinh Lăng Nghiêm đã tiếp tục chỉ rõ điều này:


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.