Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không? (6)


@ Bài toán trên cơ sở dữ kiện lập thành lá số

Do một ngày được chia làm 12 giờ theo thời khắc cổ, chu kỳ năm Âm lịch theo phương pháp lập lá số Tử Vi là 60 năm (Từ Giáp Tý đến Quí Hợi). Do đó, trong vòng 60 năm đó sẽ có: 12 giờ X 30 ngày X 12 tháng X 60 năm X 2 (Nam & Nữ ) = 518.400 lá số Tử Vi. Nếu lấy tổng số dân trên thế giới ước tính 6000.000.000 người: 500.000 (làm tròn số); Như vậy, sẽ có khoảng xấp xỉ 12.000 người chung một lá số Tử Vi. Một sự vô lý với thực tế: không lẽ trên thế giới có đến 12.000 ông vua; 12.000 nhà tỷ phú....?
Nhưng vấn đề nêu trên chỉ là kết quả trung bình toán học thuần tuý. Trên thực tế, không thể trong cùng một giờ có đúng 12.000 người cùng sinh ra trên trái đất để cùng làm vua, hoặc cùng làm thợ giày. Theo quan niệm của khoa Tử Vi thì việc sinh ra một con người với một tính cách nào đó (làm vua, hoặc làm thợ giày) là kết quả của nhiều yếu tố rất phức tạp. Nhưng đã sinh vào thời điểm đó, thì phải có số phận đó. Những yếu tố để thai nhi phải sinh vào thời điểm nào, để có số phận đã an bài vào thời điểm đó, không nằm trong phạm vi lý giải của khoa Tử Vi. Bạn có thể chính mình tìm hiểu những khái niệm cơ bản về Tử Vi đẩu số qua cuốn: “Kinh Dịch và hệ nhị phân” Nxb VHTT. Giáo sư Hoàng Tuấn.

@ Có những trường hợp cả một thành phố bị huỷ diệt do thiên tai, hoặc chiến tranh. 

Trong thành phố đông đúc đó, có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu con người sinh ra vào thời điểm khác nhau, tất nhiên họ phải có số phận khác nhau. Nhưng tại sao họ lại có thể có một kết thúc giống nhau: cùng chết trong một thời điểm. Như trường hợp thành phố Pompei bị huỷ diệt vào khoảng thập kỷ 40 sau CN chẳng hạn.

Trong trường hợp này, có thể giải thích một cách khiên cưỡng theo dữ kiện của môn Tử Vi là: thời điểm sinh của những người dân thành phố tuy khác nhau, nhưng vẫn có thể dẫn đến một kết thúc giống nhau trong lá số. Lập luận này không kiểm chứng được, vì chẳng ai xem được những lá Tử Vi của những người dân trong thành phố xấu số đó. Có thể nói: đây một yếu tố hoài nghi rất hợp lý tính chính xác của phương pháp luận đoán theo Tử Vi, nhưng không có nghĩa là một chứng cứ hợp lý để phủ nhận. Điều này cũng có thể giải thích bằng tính khác nhau của những phần tử trong một tập hợp, số phận của một tập hợp sẽ quyết định chung của các phần tử trong tập hợp đó, cho dù tính chất của các phần tử trong tập hợp có khác nhau. Tuy nhiên, cách giải thích này không nằm trong phạm vi quán xét của Tử Vi (Chỉ giới hạn trong việc xem xét số phận cho một cá thể, bắt đầu từ lúc ra đời).

@ Do chu kỳ năm của Tử Vi là 60 năm (một Hoa giáp). 

Như vậy, một người sinh cùng ngày, cùng giờ, cùng tháng, cùng năm của Hoa giáp trước và sau Hoa giáp sau, về lý thuyết của môn Tử Vi, sẽ phải giống nhau về số phận. Nhưng thực tế đã chứng tỏ sự kiện không đơn giản như vậy. Trong truyền thuyết đã có sự giải thích là cùng giờ sinh, nhưng do nhiều yếu tố tương tác khác, nên người thì làm vua, người thì làm chủ những bầy ong. Nhưng vấn đề là cùng một lá số giống nhau, làm sao có thể đoán được ai làm vua, ai là chủ doanh nghiệp nuôi ong?

Có thể khẳng định rằng: đây là sự khiếm khuyết về mặt lý thuyết của môn Tử Vi, hoặc là do thất truyền, hoặc là chưa hoàn chỉnh. Trên thực tế, môn Tử Vi là hệ quả của một học thuyết đã thất truyền, cho nên ngay cả những dữ kiện dể lập thành lá số – cơ sở luận đoán của Tử Vi – cũng gây nhiều tranh cãi. Về vấn đề này, trong sách “Chu Dịch và dự đoán học” Nxb Văn Hoá 1995, trang 139) ông Triệu Vĩ Hoa đã lập luận như sau:

Những người cùng giờ sinh, vì sao mệnh lại không giống nhau? Nguyên nhân rất nhiều, nhưng không có cách nào để giải thích rõ ràng, tỉ mỉ được. Tôi xin vắn tắt như sau:

1- Phương vị khác nhau, như phương Nam là Hoả, phương Đông là Mộc, phương Bắc là Thuỷ, phương Tây là Kim. Người mệnh Hoả nhưng sinh ở phương Nam hay phương Bắc sẽ khác nhau. Phương Nam tất Hoả vượng, phương Bắc bị Thuỷ khắc, cho nên không như người sinh ở phương Nam.

2- Năm mệnh của người phụ mẫu, anh chị em, con cái và số con, năm hôn nhân đều khác nhau. Vì năm mệnh của những người trong gia đình khác nhau, mức độ ngũ hành sinh khắc sẽ khác nhau, do đó ảnh hưởng đối với con người cũng sẽ khác nhau. (Người viết tóm lược)

3- Nam, nữ khác nhau nên có sự vận hành thuận nghịch khác nhau.
4- Tướng mặt vân tay khác nhau, nên việc nó làm chủ cũng khác nhau.
5- Cốt tướng của người khác nhau.
6- Mộ tổ và nhà ở khác nhau, phương vị khác nhau.
7- Gen di truyền của mỗi người khác nhau.
8- Hoàn cảnh, điều kiện gia đình của mỗi người khác nhau.
9- Điểm sáng của sao chỉ có một. 

Tuy có hàng nghìn hàng vạn người cùng giờ sinh, nhưng điểm sáng của sao trực ban quyết không phải người nào cũng nhận được. Nếu điểm sáng này chiếu đúng vào một người nào đó, hoặc đúng vào người mang thai đang sinh, người đó có thể làm Hoàng Đế, còn người khác thì không làm nổi Hoàng đế. Có một tạp chí nào đó đã thông báo: bố, mẹ Mao Trạch Đông đều đồng thời nhìn thấy một vầng đỏ phía Đông phòng họ, rồi sau đó mang thai Mao Trạch Đông. Đương nhiên vầng đỏ này không phải là tất cả các bậc bố mẹ của những người cùng giờ sinh đều thấy được.

Mặc dù ông Triệu Vĩ Hoa đã cố gắng giải thích về những yếu tố khác nhau cho số phận những người cùng ngày, giờ, tháng, năm sinh. Nhưng những giải thích này đều không đủ sức thuyết phục cho sự chứng minh tính hoàn thiện của Tử Vi. Vì môn Tử Vi (hoặc những môn bói toán khác bắt đầu bằng dữ kiện ngày, giờ, tháng, năm) không đề cập đến những hiện tượng khác biệt nêu trên. Do đó, chỉ có thể coi đây là một sự khiếm khuyết về mặt phương pháp của môn Tử Vi, hoặc do sự thất truyền của môn này.

Tính thời điểm giờ sinh của một người trong khoa Tử Vi?

Giờ sinh đích thực theo cổ học Đông phương là thời điểm tương quan vị trí Địa cầu với mặt Trời. Ngày xưa, người ta dùng các dụng cụ đo bóng mặt trời để tính giờ sinh khi chưa có đồng hồ Tây. Một giờ trong lịch sử cổ ứng dụng trong Tử Vi bằng hai tiếng theo giờ hiện đại. Ngày nay, khi lấy số Tử Vi người ta căn cứ theo giờ quy ước. Bởi vậy, vấn đề giờ sinh khi lấy một lá số Tử Vi cũng gây nhiều tranh cãi.

Có người cho rằng: Tất cả đều phải qui về giờ địa phương của người đoán lá số (?). Thậm chí, vì cho rằng Tử Vi xuất phát từ Trung Hoa, cho nên có người còn đặt vấn đề lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn (?!). Chính những ý kiến sai lầm trên khiến môn Tử Vi được góp thêm phần huyền bí. Điều này chứng tỏ sự thất truyền một hệ luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành liên quan đến môn này, nên không có sự kế thừa những phương pháp của nó. Do đó, trên cơ sở một giả thuyết cho rằng: Tử Vi là một môn dự báo dựa trên những hiệu ứng vũ trụ ảnh hưởng đến trái đất đã được ký hiệu và qui ước hoá vào thời điểm con người sinh ra và ảnh hưởng đến số phận người đó, thì phải lấy giờ sinh theo vị trí địa lý của người đó. Điều này phù hợp với phương pháp tính giờ mặt trời thời cổ: Sinh tại đâu, tính giờ tại đó.

Tuy nhiên, về giờ sinh, giả thuyết đã loại trừ yếu tố không gian sinh, trong Tử Vi còn có yếu tố có khả năng làm sai lệch được trình bầy sau đây. Do một giờ trong Tử Vi bằng 2 tiếng trong giờ hiện đại. Nhưng giờ hiện đại của một quốc gia lại theo vị trí múi giờ mà thủ đô nước đó toạ lạc. Như vậy, giữa giờ sinh quy ước, theo giờ quốc gia và thời điểm hiệu ứng giờ sinh của Tử Vi sẽ có một khoảng cách đôi khi rất lớn. Điều này được miêu tả như sau: Chu vi trái đất khoảng 40.000 Km, chia cho 12 múi giờ Tử Vi, ta sẽ có khoảng 3.400 Km cho một múi giờ Tử Vi ở xích đạo. Như vậy, khả năng cùng vị trí không gian của múi giờ, nhưng có thể lấy đến hai lá số khác nhau vì thuộc giờ qui ước khác nhau, được định vị bởi thủ đô của các quốc gia khác nhau.
Một thí dụ cho trường hợp này là: Hai bà mẹ ở sát biên giới, nhưng thuộc hai quốc gia có múi giờ qui ước khác nhau, họ cùng sinh vào một thời điểm. Như vậy, về lý thuyết của môn Tử Vi, hai đứa trẻ này phải có số phận giống nhau. Nhưng chúng lại có thể có hai lá số khác nhau, vì giờ sinh khác nhau? Hoặc vì khoảng chệnh lệch về không gian múi giờ quá lớn; cho nên có thể xảy ra trường hợp hai số phận, nhưng vẫn chung một lá số Tử Vi. Mặc dù những trường hợp trên có thể khắc phục bằng cách lấy hai hoặc ba lá số cạnh giờ nhau và tìm lá đúng nhất. Nhưng thực tế người dự đoán thường chỉ lấy một lá số. Do đó, khả năng sai lệch có thể xẩy ra. Hoặc một vấn đề nữa được đặt ra: Nếu một người sinh ở Bắc hoặc Nam cực thì giờ sinh hoặc lá số sẽ như thế nào khi khoảng cách giữa các múi giờ rất ngắn, gần như bằng 0 ? Đây là một trường hợp ngoại lệ của môn Tử Vi chăng? Nếu xét theo lý của thuyết Âm Dương Ngũ hành, thì ở Bắc và Nam cực ngày và đêm không bình thường so với các nơi khác (Âm Dương không tương giao). Có thể vì vậy có sự khác biệt khi luận đoán cho những số phận ở các vùng địa lý khác nhau theo vĩ tuyến. Nhưng môn Tử Vi lại không đề cập đến vấn đề này.

@ Hơn nữa, vì Tử Vi thiếu hẳn một hệ luận hoàn chỉnh liên hệ với thuyết Âm Dương Ngũ hành - là cơ sở phương pháp luận của nó -nên những yếu tố luận đoán của Tử Vi cứ như từ trên trời rơi xuống, mang tính tiên đề. Điều này đã khiến cho tính chất và cách sắp đặt một số sao vẫn còn gây tranh cãi và chưa lý giải được. Đây cũng là số phận của hầu hết những phương pháp ứng dụng có phương pháp luận là thuyết Âm Dương Ngũ hành và cũng là nguyên nhân chính để gây sự hoài nghi về tính khoa học của môn này.

Như vậy, qua phần trình bày ở trên cho thấy: Phương pháp bói Tử Vi vẫn có những yếu điểm chưa thể coi là chưa hoàn chỉnh và chính xác (chưa nói đến những sai lệch khác về hành khí theo Ngũ hành của bản mệnh trong Hoa giáp và tương quan hành với độ số cục của Tử Vi). Đây là sai lệch rất căn đề của các môn dự đoán Đông phương cổ. Luận điểm này thể hiện và chứng minh trong sách "Thời Hùng Vương".

Nhưng cho dù Tử Vi là một môn dự đoán chưa hoàn chỉnh, hoặc do thất truyền sai lạc, hoặc do ngay từ những tri thức lập thành môn này, thì cũng chưa có cơ sở để cho rằng: đây là một hiện tượng mê tín dị đoan. Bởi vì, Tử Vi có đầy đủ những yếu tố gần gũi với tri thức khoa học hiện đại. Như vậy, với tất cả những nhận xét phản bác trình bày ở trên, chỉ thể hiện tính khiếm khuyết của môn Tử Vi, chứ chưa thể coi là đã chứng minh được tính phi khoa học của môn này. Do đó, nếu với một tinh thần thận trọng và hợp lý nhất, chỉ có thể coi những phương pháp dự báo của môn Tử Vi là chưa chứng minh được trên cơ sở tri thức khoa học hiện đại, khi hiệu quả ứng dụng của nó đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong lịch sử văn hoá Đông phương, chính là sự biện minh cho cơ sở khoa học của nó.

Chính hiệu quả của môn Tử Vi cũng biện minh cho sự thất truyền của một hệ luận từ thuyết Âm Dương Ngũ hành liên quan. Chưa nói đến những sự sai lệch có tính căn để cho sự ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán. (Xin xem: “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch”, “Thời Hùng Vương và bí ẩn lục thập hoa giáp”. Nxb Văn Hóa Thông Tin. Tái bản 2002)

Thực tế đã cho thấy không thể có một phương pháp ứng dụng một giá trị nhận thức ra đời trước phương pháp luận của nó. Do đó, sự thất truyền của một hệ luận liên hệ với phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành trong thực tế ứng dụng, chính là một yếu tố quan trọng chứng tỏ: Tử Vi đã lưu truyền từ rất lâu trong nền văn minh cổ Đông Phương, thực tế cho thấy nó chỉ lưu truyền phần ứng dụng. Đến đời Tống, phần ứng dụng – đã sai lệch phần nào trong khi lưu truyền – được phát hiện và công bố, khiến cho những yếu tố lập thành lá số có tính chất tiên đề, cứ như từ trên trời rơi xuống. Tương tự như những chiếc máy vi tính trong thời hiện đại, khi đã phổ biến chỉ là phần ứng dụng. 

Nếu giả thuyết rằng: Có một sự cố nào đó huỷ diệt tất cả những hệ luận của tri thức liên quan đến việc chế tạo máy vi tính, thì lúc đó con người ở thế hệ sau – không phải là sự tiếp tục thừa kế của nền văn minh đó – sẽ nhìn sự hiện hữu của chiếc máy vi tính như một sự huyền bí. Hiện tượng này, tương tự như khi con người chỉ biết đi xe ngựa, chưa biết đến chiếc ôtô và những nguyên lý, phương pháp tạo ra nó; họ sẽ không thể tin được có một loại xe không ngựa kéo vẫn chạy được. Nhưng chiếc xe, chiếc máy vi tính là những vật thể hiện hữu sẽ ít mang tính huyền bí. Còn bói toán thuộc về những giá trị phi vật thể, cho nên khi thất truyền những hệ luận liên hệ, tính huyền bí sẽ phát triển tuỳ theo khả năng tưởng tượng của con người. Đây cũng là một bằng chứng nữa, chứng tỏ: Những hiện tượng liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành thể hiện trong cổ thư chữ Hán không có tính kế thừa – (Đây là một yếu tố rất cần để chứng tỏ một nền văn minh phát triển liên tục) – mà chỉ là sự tiếp thu không hoàn chỉnh từ một nền văn minh khác đã thất truyền.

Do đó, từ những hiện tượng và những vấn đề đã phân tích ở trên, xuất phát từ tính quy luật trong phương pháp dự báo, cũng như khả năng dự báo của Từ Vi là cơ sở của một giả thiết cho rằng:
Tử Vi là một phương pháp luận đoán tương lai cho mỗi một con người, trên cơ sở nhận thức của con người với những hiệu ứng vũ trụ, tương tác có tính quy luật với môi trường trái đất và ảnh hưởng lên sự phát triển tâm, sinh lý con người tại thời điểm người đó ra đời. Từ những nhận thức này, người xưa đã lập ra môn Tử Vi có thể dự báo được tiến trình vận động của cuộc sống cho mỗi con người. Hay nói một cách khác: Tử Vi là môn dự báo có cơ sở khoa học, nhưng những hệ luận liên quan đã thất truyền.
Giả thuyết này sẽ được tiếp tục chứng minh rõ hơn ở phần sau.

Nhưng ngay cả trong trường hợp coi Tử Vi là một phương pháp tiên tri có cơ sở khoa học, thì điều đó cũng không có nghĩa là sự luận đoán của Tử Vi có tính chính xác tuyệt đối, vì những sai lệch có thể có đã trình bày ở trên (Ngay cả khi đã loại trừ khả năng hay, dở của người luận đoán). Chỉ nên coi Tử Vi – cũng như tất cả các phương pháp bói toán khác – như một sự tham khảo về tính tất yếu có khả năng xảy ra và từ đó ứng sử phù hợp với qui luật của tự nhiên. Tiếc thay, đây là điều không dễ dàng. Vì nếu khắc phục được nó dễ dàng thì câu trả lời cho luận đề này đã kết thúc ở đây...


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.