Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không?(7)

Chỉ có trên cơ sở này, chúng ta mới có thể nhận thấy một cách dễ dàng sự tương tác của những hiệu ứng vũ trụ thể hiện trong những nguyên tắc và qui luật an sao Tử Vi. Còn theo cổ thư chữ Hán thì hoàn toàn không thể thực hiện được sự tìm hiểu và khả năng phục hồi những phương pháp tiên tri Đông phương, trên cơ sở những tiêu chí khoa học.
Để bạn đọc tiện tham khảo, người viết xin được tóm lược những vấn đề và hiện tương liên quan đến Hà Đồ Lạc thư và Bát quái trong cổ thư chữ Hán với sự hiệu chỉnh liên quan.
A) Những vấn đề Hà Đồ Lạc Thư và Kinh Dịch theo cổ thư chữ Hán
@ Hà Đồ do vua Phục Hy (Khoảng 4000 – 6000 năm trước CN) tìm ra từ trên lưng con Long Mã trên sông Hoàng Hà và Đồ hình Tiên thiên bát quái được sáng tạo từ Hà Đồ.
Hình Hà Đồ
Hà Đồ cửu cung
Tiên thiên bát quái
Tiên thiên liên hệ với Hà Đồ cửu cung
@ Lạc Thư do vua Đại Vũ (Khoảng 2000 – 2200 trước Cn) tìm ra từ trên lưng rùa thần trên sông Lạc thuỷ
Hình Lạc thư
Lạc thư cửu cung
@ Hậu thiên bát quái do vua Văn Vương (Khoảng 1150 năm trước Cn) sáng tạo căn cứ trên Lạc thư.
Hình Hậu Thiên Bát quái
Hậu thiên Bát quái phối Lạc thư cửu cung
B) Những vấn đề Hà Đồ Lạc thư và Kinh Dịch từ văn minh Lạc Việt
@ Lạc thư cửu tinh đồ là đồ hình vị trí các sao trên bầu trời quan sát từ trái đất. Đây là cơ sở của Lạc Thư.
Lạc thư cửu tinh đồ
Lạc thư điểm
Đồ hình Lạc thư này giống đồ hình Lạc thư ghi nhận từ cổ thư chữ Hán, nhưng có xuất xứ cội nguồn khác nhau: Lạc thư điểm từ văn minh Lạc Việt là đồ hình biểu kiến của Lạc thư cửu tinh đồ trên bầu trời Trái đất. Khác với Lạc thư trong cổ thư chữ Hán từ trên lưng con rùa.
@ Hà đồ trong văn minh Lạc Việt là đồ hình miêu tả quy luật vận động của Ngũ tinh trong Thái Dương hệ (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) tương tác với mặt Trời (Dương) và mặt trăng (Âm). Đồ hình Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt không khác sự ghi nhận trong cổ thư chữ Hán (Tham khảo hình trên), nhưng khác nhau về xuất xứ cội nguồn.
Trước khi diễn tả nội dung của Hà đồ từ văn minh Lạc Việt, xin được trình bày phương pháp tính giờ của Âm dương lịch.
Âm lịch chia một ngày thành 12 giờ. Mỗi giờ âm lịch bằng hai giờ dương lịch:
  1. Giờ thứ nhất – giờ Tí – từ 23 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ ngày hôm sau.
  2. Giờ thứ hai – giờ Sửu – từ 1 đến 3 giờ.
  3. Giờ thứ ba – giờ Dần – từ 3 đến 5 giờ.
  4. Giờ thứ tư – giờ Mão – từ 5 đến 7 giờ.
  5. Giờ thứ năm – giờ Thìn – từ 7 đến 9 giờ.
  6. Giờ thứ sáu – giờ Tỵ – từ 9 đến 11 giờ.
  7. Giờ thứ bảy – giờ Ngọ – từ 11 đến 13 giờ.
  8. Giờ thứ tám – giờ Mùi – từ 13 đến 15 giờ.
  9. Giờ thứ chín – giờ Thân – từ 15 đến 17 giờ.
  10. Giờ thứ mười – giờ Dậu – từ 17 đến 19 giờ.
  11. Giờ thứ mười một – giờ Tuất – từ 19 đến 21 giờ.
  12. Giờ thứ mười hai – giờ Hợi – từ 21 đến 23 giờ.
Với sự phân chia thời gian theo âm lịch nói trên và sự định hướng phương vị của Lạc thư thì sự vận động của các vì sao quen thuộc trong Thiên văn học hiện đại thuộc Thái dương hệ gồm: sao Kim, sao Thủy, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ lần lượt xuất hiện trên bầu trời sẽ tạo ra độ số của Hà đồ như sau:
1) Vị trí xuất hiện của sao Thủy ở phương Bắc trên bầu trời Trong ngày: giờ thứ nhất (giờ Tí); giờ thứ sáu (giờ Tỵ) Trong tháng: ngày mồng 1, 6, 11, 16, 21, 26. Mặt trời, mặt Trăng gặp sao Thủy ở phương Bắc. Trong năm: Tháng 11, 6. Lúc hoàng hôn thấy ở phương Bắc. Vị trí của sao Thủy theo độ số của sao Thủy trên Hà đồ (1 – 6), ứng với phương Bắc của Lạc thư .
2) Vị trí xuất hiện của sao Hỏa ở phương Nam trên bầu trời Trong ngày: giờ thứ hai (giờ Sửu); giờ thứ bảy (giờ Ngọ) Trong tháng: ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27. Mặt Trời, mặt Trăng gặp sao Hỏa ở phương Nam. Trong năm: Tháng 2, 7. Lúc hoàng hôn thấy ở phương Nam. Vị trí của sao Hỏa theo độ số của sao Hỏa trên Hà đồ (2 – 7), ứng với phương Nam của Lạc thư .
3) Vị trí xuất hiện của sao Mộc ở phương Đông trên bầu trời Trong ngày: giờ thứ ba (giờ Dần); giờ thứ tám (giờ Mùi). Trong tháng: ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Mặt Trời, mặt Trăng gặp sao Mộc ở phương Đông. Trong năm: tháng 3, 8. Lúc hoàng hôn thấy ở phương Đông. Vị trí của sao Mộc theo độ số của sao Mộc trên Hà đồ (3 – 8), ứng với phương Đông của Lạc thư .
4) Vị trí xuất hiện của sao Kim ở phương Tây trên bầu trời Trong ngày: giờ thứ tư (giờ Mão); giờ thứ chín (giờ Thân) Trong tháng: ngày mồng 4, 9, 14, 19, 24, 29. Mặt Trời, mặt Trăng gặp sao Kim ở phương Tây. Trong năm: tháng 4, 9. Lúc hoàng hôn thấy ở phương Tây. Vị trí của sao Kim theo độ số của sao Kim trên Hà đồ (4 – 9), ứng với phương Tây của Lạc thư .
5) Vị trí xuất hiện của sao Thổ ở giữa bầu trời Trong ngày: giờ thứ năm (giờ Thìn); giờ thứ mười (giờ Dậu). Trong tháng: ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25, 30. Mặt Trời, mặt Trăng gặp sao Thổ ở giữa. Trong năm: tháng 5, 10. Lúc hoàng hôn thấy ở giữa trời. Vị trí của sao Thổ theo độ số của sao Thổ trên Hà đồ (5 – 10), ứng với Lạc thư ở giữa.
(Gs Lê Văn QuánChu Dịch vũ trụ quan, NXB Giáo dục 1995).
Qua đoạn trích dẫn trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: những nội dung mới mẻ này hoàn toàn chưa hề có trong cổ thư chữ Hán. Trong cuốn sách Chu Dịch vũ trụ quan, giáo sư Lê Văn Quán cũng chỉ đưa ra nội dung như trên cho từng đồ hình Lạc thư và Hà đồ một cách riêng rẽ; ông không có sự liên hệ nào giữa hai đồ hình này. Việc liên hệ giữa hai đồ hình Lạc thư – Hà đồ và cho rằng Lạc thư phải có trước – để định phương vị cho Hà đồ; Hà đồ có sau trên cơ sở phương vị Lạc thư, là do người viết thực hiện.
@ Hậu thiên bát quái nguyên thuỷ của Lạc Việt (Đổi chỗ Tốn Khôn) và liên hệ với Hà đồ. Đây là đồ hình căn để mà mục đích của nó là thể hiện nguyên lý tương tác những hiệu ứng vũ trụ lên trái Đất theo quan niệm của thuyết Âm Dương Ngũ hành có xuất xứ từ nền văn minh Lạc Việt.
Hình Hậu thiên Bát quái nguyên thủy Lạc Việt
Hậu thiên bát quái Lạc Việt liên hệ Hà Đồ cửu cung
Trên cơ sở những nguyên lý căn để khác biệt được trình bày ở trên, bạn đọc so sánh nguyên lý: Hậu thiên Bát quái liên hệ với Hà Đồ phối hợp với vị trí biểu kiến của Trái Đất đặt tại Trung cung, chúng sẽ có một sự liên hệ hợp lý như sau:
Hình Hà Đồ - Hậu thiên và trái Đất.
Qua hình trên, xin bạn đọc lưu ý rằng: mặt phẳng Hoàng đạo chính là vị trí biểu kiến của hai cung Thìn Tuất. Bây giờ chúng ta quán xét sự trùng khớp giữa Thiên bàn Tử Vi và đồ hình Hà đồ qua hình dưới đây.
Hình thiên bàn tử vi
Qua hình trên, bạn đọc cũng thấy sự trùng khớp về nguyên tắc vận động của Ngũ Hành trên Hà Đồ và thiên bàn Tử Vi. Từ sự liên hệ những đồ hình trên, chúng ta sẽ thấy những yếu tố nhằm chứng minh cho một giả thuyết cho rằng:
“Tử Vi chính là sự ứng dụng những tri thức về những hiệu ứng vũ trụ tương tác với Địa Cầu”.
Những yếu tố này là:
1- Hai cung Thìn Tuất – là nơi xuất phát của hầu hết các sao trong Tử Vi – chính là sự biểu kiến qui ước của Mặt phẳng Hoàng Đạo Trái Đất. Và chúng ta cũng biết rằng mặt phẳng Hoàng Đạo chính là mặt phẳng biểu kiến quĩ đạo của các vì sao gần Trái Đất.
2- Phương pháp an chòm sao Tử Vi (Đế tinh) luôn bắt đầu (có tính quy ước) cho các số Cục từ cung Dần. Cung Dần là Dương Mộc tương ứng với cung Chấn của Hậu Thiên trên Hà Đồ (Xem đồ hình trên), tức là chính giữa bầu trời. Đây là vị trí Trung Cung của sao Ngũ Đế toạ. Xin xem: Lạc Thư cửu tinh đồ (Hình trên). (Thời Hùng Vương và bí ẩn Lục thập hoa giáp, Nxb Văn Hoá Thông Tin. Tái bản 2002. Giới thiệu sách. Trang 51)
3- Khoa Thiên văn học hiện đại đã chứng minh rằng: Quĩ đạo các vì sao quan sát từ trái đất có một hiệu ứng chuyển dịch ngược, sau đó lại vận động trở lại theo chiều chuyển động của nó. Hiệu ứng này đã tạo ra do trái đất quay quanh mặt trời (Còn gọi là hiện tượng quỹ đạo chuyển động đảo biểu kiến của các vì sao quan sát từ trái đất). Đây cũng chính là nguyên tắc tính đại & tiểu hạn trong Tử Vi và phương pháp an sao của phần lớn các sao trong Tử Vi (Chuyển theo “tháng” và ngược lại theo “Giờ”). Xin xem hình minh hoạ dưới đây:
Hình minh hoạ quĩ đạo chuyển động đảo biểu kiến của các vì sao quan sát từ trái đất.
Tư liệu trong cuốn Dynamic Astronomy. Tác giả: Robert.T.Dixon. Prentice - Hall ternational. Inc.
Hình minh hoạ phương pháp lưu Đại hạn trên Thiên Bàn Tử Vi 
(Hiệu ứng chuyển động đảo biểu kiến. Hầu hết phương pháp an sao Tử Vi cũng có tính chất chuyển động đảo)
Như vậy, qua sự minh hoạ trên cho chúng ta thấy một sự trùng khớp hợp lý của hầu hết những yếu tố quan trọng có tính nguyên lý của Tử Vi với sự vận động của các vì sao trên bầu trời và sự liên hệ với các vấn đề trong học thuật cổ Đông phương: Hà Đồ, Hậu thiên bát quái Lạc Việt... Như vậy–cùng với những yếu tố phù hợp với tiêu chí khoa học – hoàn toàn có cơ sở khoa học của một giả thuyết cho rằng:
Tử Vi chính là một phương pháp thể hiện những hiệu ứng tương tác vũ trụ có tính qui luật trong sự vận động của các vì sao trên bầu trời với Trái Đất và con người, được giải thích bằng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Nếu giả thuyết này đúng vì tính hợp lý của các vấn đề liên quan thì đây sẽ là sự mở đầu cho những phương pháp nghiên cứu về những hiệu ứng vũ trụ, ngoài những hiệu ứng mà nhân loại đã khám phá, như: Sự tương tác của mặt Trời, mặt Trăng, từ trường Trái Đất...
Từ hiệu ứng này và trên cơ sở giả thuyết đã nêu, chúng ta sẽ kiểm định lại hai phương pháp tính Nguyệt hạn của Tử Vi là:
a) Năm tiểu hạn đâu, tháng Giêng xuất phát từ đó và thuận theo chiều kim đồng hồ.
b) Từ năm tiểu hạn tính ngược đến tháng sinh và thuận đến giờ sinh.
Các Tử Vi gia thường đưa ra cả hai phương pháp rồi khuyến cáo người xem ứng dụng cả hai và chứng nghiệm. Nhưng về mặt lý thuyết thì phương pháp b phù hợp với hiệu ứng trong sự chuyển động của các vì sao quan sát từ trái Đất đã nêu ở trên. Tất cả những yếu tố trên là cơ sở để chứng minh cho một hiệu ứng vũ trụ tương tác với Trái Đất, được ký hiệu và qui ước hóa trong Tử Vi gây ảnh hưởng đến con người. Cơ sở này chỉ được chứng minh và hoàn thiện khi nguyên lý căn để của nó được công nhận là: Hậu thiên bát quái đổi chỗ Tốn & Khôn liên hệ với Hà Đồ. Tất nhiên, nó thuộc về văn minh Lạc Việt với gần 5000 văn hiến (Xin xem phần chứng minh trong “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch”- Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Nxb VHTT tái bản 2002).
Từ cơ sở này, như vậy chúng ta sẽ có một hệ quả liên hệ với nó là:
* Sự liên hệ những hiệu ứng vũ trụ qua sự vận động của các sao gần hệ mặt Trời trong Tử Vi chỉ có thể thực hiện được từ văn minh Lạc Việt với sự hiệu chỉnh Tốn Khôn trong Hậu thiên Bát quái và liên hệ với Hà Đồ. Điều này đã chứng tỏ văn minh Hán không thể là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành và các học thuật cổ Đông phương.
* Trần Đoàn lão tổ không thể là tác giả của Tử Vi đẩu số. Ông ta chỉ có công phổ biến Tử Vi trong văn hóa Hán bằng chữ Hán (là văn tự chính thống và phổ biến trong đế quốc Hán vào thời dân Việt mất nước cả ngàn năm). Bởi vì, ông ta vào thời Trung cổ không thể có những tri kiến thiên văn của nền khoa học hiện đại và của những tri kiến mà chính nền khoa học hiện đại cũng chưa đạt tới. Hơn nữa, ông ta không thể làm ra một giải pháp đúng từ một đồ hình có trên lưng Rùa Thần hiện ra trên sông Lạc (Sic!).
* Sự vận động của vũ trụ từng giây, từng phút – Nói theo ngôn từ của Đức Thích Ca là từng sát na – trong khi lá số Tử Vi là những ký hiệu qui ước, nên với một lá số cũng chỉ có giá trị tương đối về mặt lý thuyết. Do đó chúng phải có sai lệch trong một khung nhất định. Điều này, cũng giải thích vì sao cùng dữ kiện: ngày, giờ, tháng, năm sinh vẫn có thể có những sai lệch cho từng số phận. Nhưng trong điều kiện chuẩn về lý thuyết, thì tính chính xác đến chi tiết khi luận đoán của Tử Vi, đủ cho thấy trí tuệ siêu việt của người xưa vượt qua khả năng nhận thức của khoa học hiện đại.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.