Type Here to Get Search Results !

Lên kế hoạch tài chính cho đời hưu trí nữ


Phụ nữ châu Á tiên phong trong việc chuẩn bị kế hoạch hưu trí, tuy nhiên họ cần phải làm nhiều hơn nữa.

Xét trên nhiều phương diện, phụ nữ cần đến một kế hoạch tài chính nhiều hơn bạn đời của họ

Khắp nơi trên thế giới, phụ nữ liên tục được khuyến cáo phải làm những gì để chuẩn bị nhiều hơn nữa cho việc về hưu.

Thế nhưng có một vấn đề ít được đề cập đến là hàng loạt những khó khăn thử thách đến nản lòng đặt ra cho người phụ nữ khi họ bắt tay vào việc thực hiện một kế hoạch đảm bảo tài chính cho cuộc sống sau này của mình.

Một thực tế hiển nhiên là đa phần các phụ nữ thường chấp nhận linh động sắp xếp công việc của mình hay thậm chí nghỉ việc một thời gian để chăm sóc con nhỏ hay người thân lớn tuổi.

Thêm vào đó thực tế tại nhiều nước vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giới trong chính sách lương và rõ ràng là khả năng tích trữ của phụ nữ thường bị thỏa hiệp. Trong khi đó, theo thống kê, tại nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn đàn ông vì thế họ cần phải chuẩn bị cho một kế họach hưu trí dài hơi hơn.

Xét trên nhiều phương diện, phụ nữ cần đến một kế hoạch tài chính nhiều hơn bạn đời của họ.

Với những khó khăn kể trên, phụ nữ cần quản lý chặt chẽ hơn các nguồn thu tài chính của mình để đảm bảo phần đời về sau của họ không trở nên mong manh, dễ bị tổn thương.

Dầu vậy, những nghiên cứu lại cho thấy thực tế thì phụ nữ lại ít chuẩn bị về tài chính cho tương lai hơn đàn ông. Theo nghiên cứu của HSBC Tương lai của hưu trí xuất bản năm 2011, có một số lượng đáng kể phụ nữ không có kế hoạch tài chính và chỉ 44% có kế hoạch so với con số 54% ở đàn ông.

Tin tốt lành là tại một vài nơi ở Châu Á, phụ nữ đang đi theo khuynh hướng của toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phụ nữ và đàn ông tại các nước trên có vai trò bình đẳng hơn trong việc lên kế họach tài chính.

Ví dụ như có 54% đàn ông Trung Quốc cho rằng họ muốn chia sẻ trách nhiệm tài chính với người bạn đời của họ và con số này ở nữ là 55%.

Đặc biệt Đài Loan dẫn đầu xu hướng này, trở thành lãnh thổ duy nhất mà dường như phụ nữ chịu trách nhiệm về việc tiết kiệm cho hưu trí nhiều hơn nam giới (39% so với 35% ở đàn ông).

Tuy nhiên, ngay cả đối với những phụ nữ hiện đại, am hiều tài chính tốt nhất tại Châu Á thì tình hình này vẫn có thể cải thiện được nhiều hơn nữa. Do quan niệm bất bình đẳng giới tính truyền thống không thể biến mất một sớm một chiều, vấn đề then chốt là phụ nữ phải tận dụng tốt hơn nữa quyền kiểm soát trong việc hoạch định tài chính cho tương lai của mình.

Tuy nhiên điều này có vẻ nói dễ hơn làm. Điều đáng lo nhất là kết quả cuộc nghiên cứu đưa ra cho thấy phụ nữ vẫn chịu rất ít trách nhiệm trong việc lập kế hoạch tài chính cho gia đình nói chung.

Đàn ông vẫn nắm quyền trong hầu hết các lĩnh vực tài chính của gia đình trừ ngân sách tiền chợ, tiêu dùng hàng ngày của gia đình thì do phụ nữ nắm giữ. Điều này cho thấy phụ nữ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng không được bảo vệ trong trường hợp mất người thân hay ly dị.

Việc thiếu tự tin cũng làm giảm đi nhiều nỗ lực của phụ nữ khi chuẩn bị tài chính. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cũng như đàn ông, phụ nữ cũng tìm nhiều lời khuyên về tài chính nhưng lại ít đi đến hành động hơn (38% so với tỉ lệ ở đàn ông là 41%).

Họ cũng có khuynh hướng không thích rủi ro (39% phụ nữ trên toàn cầu tự mô tả về mình là những người có thái độ bảo thủ khi đề cập đến việc đầu tư, so với tỉ lệ này ở đàn ông chỉ 25%). Điều này cũng có nghĩa những khoản đầu tư của phụ nữ thường có suất sinh lợi thấp hơn.

Viễn cảnh dành dụm cho việc hưu trí có thể trông khá nản lòng đối với phụ nữ nhưng có một vài điều mà phụ nữ có thể thay đổi ngay như có phương thức tiếp cận tự tin và chủ động hơn với việc họach định kế hoạch tài chính. Dưới đây là ba qui tắc vàng cho phụ nữ tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho phần đời sau này của mình:

1)Bắt đầu lo lắng sớm hơn! Bạn càng sớm bắt đầu, bạn càng có thêm thời gian để tích lũy và càng sớm có cảm giác kiểm soát được tương lai của mình. Nếu không bạn sẽ lại là một trong số 70% phụ nữ độ tuổi từ 50-59 mà chúng tôi trò chuyện trong quá trình nghiên cứu cho biết là họ rất lo lắng về khả năng thích nghi tài chính khi họ về hưu.

2)Đặt câu hỏi và không ngừng hỏi đi hỏi lại các câu hỏi đó. Tìm lời khuyên, tư vấn từ sớm và đừng ngại việc tiếp tục thắc mắc, đặt câu hỏi về tiết kiệm kể cả trong thời gian bạn không có việc làm hoặc khi bạn không có tiền để tiết kiệm.

3)Dù đã lập gia đình, hãy đảm bảo bạn vẫn duy trì một kế hoạch tài chính cá nhân. Chẳng ai muốn suy nghĩ quá nhiều về viễn cảnh xấu khi ly dị hay mất người thân nhưng việc chuẩn bị một kế hoạch cho trường hợp sau này bạn có thể sẽ phải tự nuôi sống mình là rất quan trọng.

Khi khoảng cách tiền lương nam nữ được thu hẹp lại, điều quan trọng là kế hoạch hưu trí cũng đi theo xu hướng bình đẳng giới đó. Đây là những bước giúp phụ nữ tự phòng bị trước những rủi ro về tài chính trong quãng đời còn lại của mình.

LOUISA CHEUNG - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, ngân hàng HSBC
Theo SGTT


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.