Internet giúp cho thú vui shopping trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy vậy, việc mua sắm online không phải là không có mặt tiêu cực của nó.
Với Internet, bạn chỉ việc ngồi nhà, click chuột và “a-lê-hấp” – những món đồ bạn yêu thích sẽ được chuyển đến tận tay mà không phải tốn công đi xem xét, lựa chọn và vận chuyển. Hơn thế nữa, thay vì những nhân viên bán hàng dễ gây phiền toái, bình luận của người đã dùng sản phẩm đăng tải trực tiếp trên website bán hàng cũng cho bạn cái nhìn tổng quan và một sự so sánh chi tiết hơn trước khi quyết định bỏ tiền ra mua thứ gì đó. Với công nghệ điện thoại di động thông minh và máy tính bảng ngày một phổ biến, bạn hoàn toàn có thể đi mua sắm trong “thế giới ảo” mọi lúc mọi nơi. Hơn thế nữa, bạn còn có thể tìm thấy mức giá cho nhiều loại hàng hóa tốt hơn nhiều so với khi mua trực tiếp tại cửa hàng.
Tuy vậy, phương thức mua sắm online, dù ưu việt, cũng có những “điểm trừ” của riêng nó. Dưới đây là 5 điều phiền toái mà những “tín đồ shopping” trên mạng thường hay gặp phải:
Đăng kí địa chỉ email
Hãy thử tưởng tượng bạn đang bước vào một cửa hàng nào đó thì bị bảo vệ chặn lại, yêu cầu bạn cho biết tên tuổi và địa chỉ email. Hẳn bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, thậm chí không bao giờ quay lại đó nữa. Tuy nhiên, bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình huống này tại các website bán hàng trên mạng. Chẳng hạn, muốn truy cập vào Groupon, bạn phải khai báo địa chỉ hòm thư để nhận thư thông báo hàng ngày. Mặc dù đây là thủ tục cần thiết với những trang mạng như Groupon, không ít khách hàng cảm thấy không thoải mái khi phải đăng kí làm thành viên mà chưa hề biết rõ về chất lượng dịch vụ.
Thư rác
Có lẽ không ai ngần ngại cung cấp địa chỉ email nếu như người bán hàng cam kết không lạm dụng nó cho mục đích quảng cáo. Mặc dù vậy, đây lại là hiện tượng thường xuyên diễn ra, khiến cho người mua có cái nhìn không mấy “thiện cảm” dành cho mua sắm trên mạng. Ngay cả khi bạn là những “con nghiện” đồ sale, lượng tin nhắn “dồn dập” như vậy khiến bất cứ ai cũng phải choáng ngợp.
Không chỉ dừng lại ở những tin nhắn quảng cáo, các cửa hàng online còn tiếp tục “đeo bám” khách hàng bằng cách gửi thư yêu cầu viết bình luận, đánh giá, cho biết suy nghĩ của họ về dịch vụ của họ. “Khét tiếng” nhất trong số đó phải kể đến Amazon – họ thường xuyên gửi email “nhắc” bạn mua những sản phẩm bạn đã tìm kiếm hay xem thử trên amazon.com.
Chúng ta đều hiểu rằng việc quảng cáo hết sức quan trọng trong chiến lược bán hàng của mỗi nhà kinh doanh. Thế nhưng, họ cũng nên hiểu rằng, nếu bạn đã không có ý định mua thứ gì đó sau lần đầu xem hàng, nhiều khả năng bạn sẽ không bao giờ mua nó, và nhất là, không muốn tiếp tục bị làm phiền.
Quảng cáo… mọi lúc mọi nơi
Mỗi khi truy cập vào một website, bạn không biết rằng có rất nhiều thứ đang diễn ra phía sau màn hình của bạn. Chẳng hạn, đa số các trang web sử dụng công nghệ truy suất để theo dõi, tìm hiểu thói quen lướt net của bạn, từ đó đưa ra hình thức quảng cáo sao cho hiệu quả. Thuật ngữ “retargeting” dùng để chỉ hình thức quảng cáo trong đó người dùng Internet thường xuyên bắt gặp banner quảng cáo của một cửa hàng đã từng ghé thăm trên các website khác.
Đây không hẳn đã là một điều xấu, nhưng khá nhiều người cảm thấy không thoải mái khi bị một trang web “bám đuôi” đi khắp mọi nơi.
Chờ đợi chuyển hàng tới nơi
Một mặt, mua sắm online giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian cho việc cất công tới cửa tiệm để xem xét và lựa chọn hàng hóa. Ngược lại, bạn sẽ phải đợi lâu hơn mới được “chạm tay” vào món hàng mà bạn đã mua. Đôi khi điều này cũng đem lại không ít phiền toái. Giả sử bạn đang nóng lòng được sở hữu một đĩa video game mới ra mắt. Phải chờ đợi 3, 4 ngày, thậm chí hàng tuần lễ khiến cho hứng thú của bạn với trò chơi mới này bị thuyên giảm đáng kể. Trong hầu hết trường hợp, bất cập này khiến cho những lợi ích khác của việc mua hàng trên mạng (như giá rẻ) không còn nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, không ít khi món hàng đến nơi bị hư hại, gãy vỡ do va đập trên đường vận chuyển. Bạn sẽ phải mất công đi trả lại hàng và chờ thêm một khoảng thời gian nữa mới nhận được tiền hoàn lại.
Việc chờ đợi dài ngày sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn nếu như người bán hàng cung cấp cho bạn phương tiện theo dõi lộ trình vận chuyển của món hàng. Amazon đã làm rất tốt điều này với hệ thống mã số kiểm soát của mình.
Khó có cơ hội thử đồ trước khi mua
Giả dụ bạn đang tìm mua một đĩa game, một cuốn sách hay đĩa DVD, bạn không nhất thiết phải xem/dùng thử trước khi mua, bởi chất lượng của những mặt hàng này là tương đối đồng đều và đảm bảo. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hóa mà bạn chỉ thực sự cảm thấy an tâm khi được “mắt thấy tai nghe” – một trong số đó là hàng thời trang & may mặc. Nếu bạn muốn mua một đôi giày, ít nhất bạn sẽ muốn xỏ thử vào chân và đi lại một vòng quanh cửa hàng để xem nó thực sự có hợp với bạn hay không.
Về phía người mua, đôi khi có nhiều bạn trẻ chọn cách đến thử quần áo ở cửa hàng và về nhà đặt mua online để tiết kiệm một phần chi phí. Ngược lại, đây thực sự là vấn đề lớn nhất khiến những cửa hàng bán quần áo online phải đau đầu tìm hướng giải quyết. Chẳng hạn, những cửa hàng lớn như Asos miễn phí hoàn toàn tiền vận chuyển cũng như cho phép bạn trả lại không mất một xu nào nếu khi nhận được hàng bạn cảm thấy không vừa ý.
(Theo MSN Finance)
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.