“Hầu hết mọi người đều nghĩ bản thân họ có thể gặp nhiều chuyện bất hạnh, chứ ít có ai chịu nghĩ mình có thể gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc.” - Robert Anthony
Sam có một tuổi thơ đầy bất hạnh. Cậu bé sống xa mẹ từ nhỏ nên thiếu vắng tình thương yêu của mẹ. Người cha thì luôn hành hạ cậu. Những năm tuổi trẻ của cậu, đất nước chìm trong chiến tranh. Mười tám tuổi, cậu phải lên đường nhập ngũ. Bây giờ, Sam đã bốn mươi tuổi, đã lập gia đình, và không liên lạc gì với cha mẹ của mình từ nhiều năm qua. Thế nhưng, ở Sam có một điểm khác thường, anh luôn nhìn thấy những mối nguy hiểm, những kẻ xấu rình rập khắp mọi nơi: trong nhà, nơi công sở, trong rạp chiếu bóng, ngoài đường phố… Cuộc sống của anh luôn bị bao bọc bởi các mối lo sợ thường trực như vậy.
Gần đây, khoa học nghiên cứu về não bộ đã có những tiến bộ vượt bậc và có thể lý giải được trường hợp của những người như Sam. Ngành Tâm lý học có thể giải thích một cách khoa học những tổn thương tâm lý đó và có phương pháp trị liệu thích hợp, giúp người bệnh có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu từ tuổi ấu thơ, vùng xúc cảm trên vỏ não chúng ta - một hệ thống bao gồm những hạch và cuống não - bị những tác động tâm lý, tình cảm làm cho tổn thương thì sau đó, vùng xúc cảm này sẽ tạo nên một “môi trường” thuận lợi cho những suy nghĩ thiếu tích cực, cảm giác chán chường, và dễ dàng đẩy chúng ta rơi vào thất vọng. Từ đó, mỗi khi có nguy cơ bị tổn thương, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố có khả năng chống lại - hoặc né tránh, hoặc thúc đẩy chúng ta sẵn sàng có những phản ứng thích hợp để bảo đảm sự an toàn cho bản thân mình. Trong những hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống, vùng xúc cảm này cứ như một cái “công tắc” hoạt động liên tục. Càng nhận thấy nhiều hiểm nguy, cái “công tắc” càng phải liên tục mở, cơ thể càng tiết ra nhiều nội tiết tố gây căng thẳng và kiệt sức.
Đó cũng là những gì đang xảy ra với Sam. Vùng xúc cảm trên vỏ não anh ấy luôn nhận thấy những mối nguy hiểm ở khắp nơi dẫn đến cả cơ thể anh cũng bị ảnh hưởng, khiến anh luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng. Bản thân Sam có muốn mình phải sống khổ sở như thế không? Hoàn toàn không. Anh đã đến tìm tôi với mong muốn thoát khỏi tình trạng này để có thể tìm được một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, trong suốt cuộc trò chuyện, tôi vẫn nhận thấy ở anh một vẻ lo lắng. Anh ta cứ lo rằng một điều khủng khiếp nào đấy sẽ bất chợt ập đến trong khi anh đang trải nghiệm sự an toàn và hạnh phúc.
Và không chỉ có một mình Sam như vậy. Nhiều người trong chúng ta cũng có những cảm nhận giống hệt như Sam. Lúc nào chúng ta cũng nghĩ “biết đâu có chuyện nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình”. Điều này không phải do chủ quan của chúng ta - chúng ta không hề muốn sống bất hạnh hay phập phồng lo sợ hiểm nguy - mà là do cấu trúc não của chúng ta vốn đã như thế rồi! Vậy có cách gì cứu vãn hay không?
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã mang đến một tin vui: Chúng ta có thể tác động lên vùng xúc cảm của vỏ não bằng thói quen suy nghĩ tích cực. Bất cứ khi nào cảm thấy sợ hãi hay lo lắng về một điều gì đấy, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Mình có thật sự đang gặp nguy hiểm không?”, “Cách tốt nhất để đối phó với tình huống này là gì?”. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn tùy thuộc vào chính thái độ của chúng ta. Đây cũng là cách mà Sam đã cố gắng vận dụng. Mỗi ngày, chúng ta có thể dành ra một khoảng thời gian chừng nửa giờ, để ngồi tĩnh lặng suy nghĩ về những may mắn mà mình có được trong cuộc sống. Đây cũng là cách xua tan những mối lo sợ hoặc tưởng tượng quá nhiều về những hiểm nguy không có thực. Cứ như vậy, về lâu dài, chúng ta tạo được thói quen nghĩ về những hạnh phúc và may mắn mà mình có được trong cuộc sống. Điều đó góp phần tạo nên thái độ sống tích cực ở mỗi người. Những nỗi lo sợ mơ hồ sẽ mờ nhạt dần và cuối cùng bị xua tan đi, và bạn sẽ thật sự cảm nhận được niềm vui, cảm giác bình yên, hạnh phúc mỗi ngày!
Trích: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.