Tiết 5- Gạn hỏi sự biến đổi trong nhục thân
Phật bảo: “Đại Vương! Thân ông hiện đang sống đó! Nay tôi lại hỏi ông: Thân thể ông là như kim cương không hoại hay bị biến hoại?”.
“Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay rốt cuộc cũng thay đổi hoại diệt”.
Phật bảo: “Đại Vương! Thân ông chưa từng hoại diệt, sao biết hoại diệt?”
- “Bạch Thế Tôn! Cái thân vô thường biến hoại này của con tuy chưa từng diệt. Nhưng con xem hiện tiền, mỗi niệm dời đổi mãi mãi không dừng. Nên con biết thân này quyết phải theo đó mà diệt mất”.
Phật nói: “Đúng vậy!”
Tiết 6- Chính chỉ thấy không sinh không diệt
Phật bảo: “Đại Vương! Ông thấy sự biến hoá thay đổi không dừng, nên ngộ biết thân ông hoại diệt. Ông có biết trong thân ông có cái gì chẳng hoại diệt chăng?”.
Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật: “Thật con chẳng biết”.
Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông tính chẳng sinh diệt. Đại Vương! Khi ông được bao nhiêu tuổi thì thấy nước sông Hằng?”
Vua thưa: “Con được ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ ra mắt thần Kỳ Bà Thiên. Đi ngang qua dòng sông ấy, đó là lần đầu tiên con thấy dòng sông này”.
Phật bảo:” Đại Vương! như ông đã nói, khi 20 tuổi đã già hơn 3 tuổi, cho đến 60 tuổi năm tháng ngày giờ niệm niệm dời đổi. Vậy so với khi ông ba tuổi đến 13 tuổi ông thấy nước sông Hằng thế nào?”
Vua thưa: “Khi con ba tuổi rõ ràng không khác. Đến nay con 60 tuổi cái thấy vẫn không khác”.
Phật bảo: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, tướng mạo thay đổi. Vậy cái thấy của ông hiện nay xem thấy sông Hằng, so với khi xưa còn trẻ xem thấy sông Hằng, cái thấy đó có già trẻ không?”
Vua thưa: “Bạch Thế Tôn! Không vậy!”
Phật bảo: “Đại Vương! Mặt ông tuy nhăn mà tính thấy chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái chẳng bị nhăn thì không biến đổi. Cái biến đổi phải chịu hoại diệt, cái chẳng biến đổi kia vốn không sinh diệt, làm sao trong ấy lại chịu nhận cái sinh tử của ông?”
* Như vậy, qua đoạn trích dẫn trên Đức Phật đã chỉ ra. “Tính thấy không sinh diệt”. Bởi vì, nếu tính thấy sinh diệt thì cái gì nhận biết tính sinh diệt của nó. Nếu có một thực tại khác nhận biết – thấy – được cái sinh diệt của tính thấy thì cái tính thấy sinh diệt đó không còn là cái thấy nữa. KHÔNG SINH – KHÔNG DIỆT, như vậy nó phải tồn tại từ vô thủy đến vô chung. Hay tường theo một lẽ khác, nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại. Nó phải có trước Bigbang và chính là giây |0| của vũ trụ.
Tiết 9- Chính chỉ cái điên đảo hiện tại
Ông Anan từ trong chỗ ngồi lễ Phật, chắp tay quỳ dài bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn! Nếu cái thấy nghe này hẳn là không sanh diệt. Tại sao Đức Thế Tôn gọi bọn chúng con sót mất chân tánh, làm việc điên đảo. Cúi mong Đức Thế Tôn rủ lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con”.
Liền khi ấy Đức Như Lai buông xuôi cánh tay sắc vàng, năm ngón chỉ xuống đất bảo Anan rằng:
“Nay ông thấy cánh tay của tôi xuôi hay ngược?”.
Ông Anan thưa: “Chúng sanh trong thế gian cho đây là ngược. Riêng con chẳng biết cái nào là xuôi, cái nào là ngược!”.
Phật bảo Anan: “Nếu người thế gian cho đây là ngược, vậy họ cho thế nào là xuôi?”
Ông Anan thưa: “Đức Như Lai dựng cánh tay lên, ngón tay chỉ hư không là xuôi”.
Phật liền dựng cánh tay lên bảo ông Anan: “Cái điên đảo là như thế. Chỉ là đầu đuôi hay thay đổi lẫn nhau, mà các người trong thế gian đều xem thấy thế ấy”.
* Đức Phật dùng cánh tay để minh hoạ cho bản chất tự nhiên không có xuôi ngược, nhưng con người đặt ra xuôi ngược và tin (“chấp”) vào điều đó. Đây là hiện tượng mang tính minh triết để tìm bản chất của sự việc, chứ không phải sự phủ nhận tính qui ước.
Đức Phật bảo: “Nên nhận biết thân ông với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai so sánh để biết: Thân Như Lai gọi là Chánh Biến tri, thân của các ông gọi là tính điên đảo. Ông nên xét kỹ thân ông và thân Phật cái điên đảo ấy ở chỗ nào?”
Khi ấy ông Anan và đại chúng sửng sốt nhìn Phật không nháy mắt, chẳng biết nơi thân tâm này điên đảo ở chỗ nào? Phật khởi lòng từ bi thương xót Anan và cả đại chúng. Ngài phát ra tiếng hải triều bảo khắp hội chúng:
“Này các thiện nam tử! Tôi thường nói: Sắc tâm, các duyên và các tâm sở sử đều do tâm hiện. Thân ông, tâm ông đều là vật ở trong CHÂN TÂM DIỆU MINH hiện ra. Tại các sao các ông lại bỏ sót mất tâm tính vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy mà nhận cái mê trong cái ngộ? Mờ tối thành có hư không. Trong cái hư không mờ tối ấy, kết cái mờ tối làm sắc, sắc xen tạp với vọng tưởng, lấy cái tướng của vọng tưởng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, dong duổi theo cảnh vật bên ngoài, rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh thì quyết định lầm cho tâm ở trong thân. Chẳng biết sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới bên ngoài đều là vật ở trong DIỆU MINH CHÂN TÂM. Tỷ như bỏ đi cả trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một bọt nổi cho là nước biển cả. Các ông thực là một nhóm người trong mê, như cánh tay tôi rủ xuống không khác. Như lai nói là đáng thương xót!”
* Qua đoạn trích dẫn trên. Đức Phật chỉ ra rằng: Ngay cả những cái gì mà thế nhân thường nhận là Tâm (Tư duy, ý thức...) đều là VẬT ở trong CHÂN TÂM DIỆU MINH, tức là: Sự nhận biết là Sắc tâm; sự tương tác giữa nhận thức, tức là suy nghĩ tư duy là Các duyên; khả năng tư duy là Các tâm sở sứ đều có thuộc tính vật chất và không phải chân tính. Bởi vì đã là vật thì có sinh diệt, phân biệt và không phải bản tính nhận biết tất cả những sự vận động có thuộc tính vật chất đó. Nhưng qua đoạn trích dẫn trên cũng cho thấy Đức Phật đã chỉ ra: Con người có khả năng nhận thức (Ngộ) được chân lý tuyệt đối. Nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại là: Lý thuyết thống nhất vũ trụ mà các nhà khoa học hàng đầu đang mơ ước. Khi chúng ta nghe được, đọc được một quyển sách hay, một lời nói có ý nghĩa, một ý tưởng tốt mà chúng ta hiểu ra (hoặc biết được đúng sai) thì có thể gọi là “ngộ” ra vấn đề. Trong Phật pháp, khi chúng ta được nghe các vị thiền sư chánh đạo thuyết giảng và hiểu – ngộ – được thì ngay cả cái gọi là “ngộ” đó cũng không phải là tính nhận biết, không phải đã đạt được chân tính. Thậm chí – giả thiết – ngay cả khi Đức Phật hiện tiền trực tiếp dạy chúng ta và chúng ta hiểu được ngay thánh ý của Ngài, thì cũng không phải là đã đạt tới Chân Tính, mà chỉ là hiểu được mà thôi. Điều này Đức Phật đã nói rất rõ trong đoạn trích dẫn sau đây:
Đoạn X: Giản trạch tâm duyên (*) để chỉ tính thấy không chỗ trở về.
* Chú thích: Cụm từ “Giản trạch tâm duyên” tương tự như khái niệm loại suy trong phương pháp lý luận hiện đại. ở đây có thể hiểu là: “Loại trừ tâm duyên”.
Tiết 1- Trước bày chỗ ngộ chẳng dám tự nhận
Ông Anan bạch Phật: “Tuy con nghe lời Phật dạy ngộ được (biết được) tâm thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trụ sẵn có. Song con ngộ được (Nghe được) pháp âm của Phật cũng dùng tâm phan duyên mà thoả mãn chỗ ước mong mà chưa dám nhận là bản tâm vốn sẵn có. Cúi mong Đức Phật tuyên lời chỉ dạy”.
Tiết 2- Trách nhận ngón tay dùng để giản trạch tâm phân biệt đều có chỗ trở về.
Phật bảo ông Anan: “Các ông còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp này cũng là vọng (sở duyên) chẳng phải pháp tính. Như người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng cho người khác. Người kia phải nhận ngón tay mà nhìn lên mặt trăng. Nếu lại xem ngón tay chính là mặt trăng thì người này đâu những chỉ quên mặt trăng mà cũng quên luôn cả ngón tay. Vì sao? Bởi lẽ cho ngón tay chỉ là mặt trăng sáng thì đâu những chỉ quên ngón tay mà cũng chẳng biết tối sáng. Vì sao? Vì lấy thể ngón tay chỉ cho là tính sáng của mặt trăng thì cũng không rõ được tối sáng.
Đoạn kinh văn trên là một trong những đoạn nổi tiếng của Phật Pháp. Ngón tay thì không phải mặt trăng, điều đó đã rõ ràng. Ví như sự nhận thức được Pháp lý là sự tiếp thu tri kiến chứ tự nó không phải “Tính nhận biết” – chân tính. Do đó, nếu nhầm lẫn giữa sự tiếp thu tri thức và bản chất của hiện tượng thì luôn luôn sẽ là sự sai lầm. Sai lầm này có thể dẫn đến: Hoặc là phủ nhận chính tri kiến tiếp thu được do không hiểu bản chất của hiện tượng; hoặc là dẫn đến niềm tin không từ trí tuệ, mà đời thường gọi là “mê tín dị đoan”. Những phương pháp bói toán hiện nay, một thời bị coi là mê tín dị đoan, chính vì chưa ai giải mã được nguyên nhân nào để có những phương pháp bói toán này (Bản chất của hiện tượng). Trường hợp này có thể lấy làm ví dụ cho ngón tay chỉ và mặt trăng. Những người phủ nhận phương pháp bói toán thường nhân danh khoa học. Họ cho rằng bói toán là mê tín dị đoan, là không có cơ sở khoa học.
Nhưng chúng ta thử nghĩ lại: Có một lý thuyết khoa học nào lại không có khả năng tiên tri. Sự tồn tại của các phương pháp tiên tri hàng thiên niên kỷ ở Đông phương, có phương pháp luận hẳn hoi, cho thấy một lý thuyết khoa học đứng đằng sau nó mà con người chưa phát hiện được. Điều này chứng tỏ đã có một lý thuyết khoa học bị thất truyền. Sự nhận thức khoa học chỉ là thực nghiệm và căn cứ vào những lời dự báo sai thì chỉ là nhận thức ngón tay (tính thực nghiệm và chứng nghiệm của khoa học), chứ không phải một tinh thần khoa học thật sự được thể hiện qua những tiêu chí của nó. Cũng không thể lấy tính thực nghiệm dự đoán sai của người ứng dụng phương pháp để phủ nhận (người dự đoán sai và phương pháp sai là hai vấn đề khác nhau. Bói toán có phương pháp quy tắc và mê tín dị đoan cũng là hai vấn đề rất khác nhau). Chính vì chỉ nhận thấy ngón tay chỉ vào khoa học chứ không phải bản chất tinh thần khoa học, nên khi có những hiện tượng bất thường: Nhỏ thì như quả trứng đứng trên cái đũa khi tìm mộ huyệt, hoặc lớn hơn như sự tiên tri thần khốc quỷ sầu của bà Vanga – những người có tri kiến khoa học nửa vời này sẽ hoang mang và dẫn đến trạng thái: Hoặc không còn tin vào khoa học, hoặc phủ nhận tất cả những gì ngoài tri kiến của họ.
Như vậy, tiếp thu tri thức chỉ là sự tương tác có điều kiện của thể tính, không phải tính nhận biết. Những điều minh giảng của Đức Thích Ca rất quan trọng trong việc tìm về một chân lý tuyệt đối: Lý thuyết thống nhất vũ trụ và lý giải luận đề định mệnh có thật hay không? Không phải là ngẫu nhiên mà Anhxtanh cho rằng: Phật giáo chính là tôn giáo của tương lai. Chúng ta tiếp tục quán xét lời của Đức Phật.
Tiết 3- Chỉ tính thấy không chỗ trả về
a) Hỏi chỗ không trở về
Ông Anan thưa: “Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về thì tại sao Đức Như Lai dạy tâm diệu minh sẵn có không trả về đâu? Cúi mong Đức Phật thương xót chỉ cho điều ấy!”
b) Chỉ tính thấy không phải bóng.
Phật bảo Anan: “Vả lại, cái tánh thấy vốn sáng suốt của ông thấy tôi thì cái tính thấy này tuy chẳng phải là cái diệu tinh minh tâm. Nó như mặt trăng thứ hai chẳng phải bóng trăng”.
* Đức Phật cho rằng: Trong mỗi con người thực sự có một tính thấy riêng mà Ngài ví như “mặt trăng thứ hai”, nhưng đó không phải bản chất của Tính thấy: “Cái tính thấy này tuy chẳng phải Diệu tinh minh tâm”.
c) Nêu tám thứ trần tướng....
“Ông hãy nghe cho kỹ, nay tôi sẽ chỉ cho ông chỗ không thể trả về. Này Anan! Cửa đại giảng đường này mở rộng về phương Đông, khi mặt trời lên thì chiếu sáng. Giữa đêm không trăng, mây mù mờ mịt tối tăm, chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, khoảng tường ngăn thì thấy bít lấp, chỗ phân biệt được chỉ thấy các cảnh sắc duyên, trong chỗ trống rỗng thì thấy toàn là hư không, cảnh tượng mịt mù lại là bụi tối, mưa tạnh trời thanh lại thấy trong”.
d) Chỉ tám thứ trả về.
Này Anan! Ông hãy xem các tướng biến hoá này, nay tôi đều trả về bản nhân của nó. Thế nào là bản nhân? Anan! Các tướng biến hoá này, sáng trả về cho mặt trời. Vì nguyên nhân cái sáng thuộc về mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng, thông suốt trả về cho cửa, ngăn bít trả về cho tường vách, sắc duyên trả về cho phân biệt, trống rỗng trả về cho hư không, mù mịt trả về cho bụi, trong sáng trả về cho trời tạnh. Tất cả vật có trong thế gian đều không ngoài các thứ này.
e) Chính chỉ cái không thể trả về
Còn tính thấy sáng suốt của ông thấy tám thứ kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng thì đến tối chẳng thấy tối. Tuy sáng tối mỗi đều sai khác, nhưng cái thấy không sai khác. Các thứ có thể trả về được tất nhiên chẳng phải ông. Cái ông không thể trả về được, nếu không phải là ông thì gọi là gì? Ắt biết tâm ông nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tính bản nhiên, đành chịu luân hồi, thường bị trôi nổi chìm đắm trong sinh tử. Thế nên Như Lai nói là đáng thương xót vậy.
Đoạn XI - Lựa riêng trần cảnh để nêu ra tánh thấy
Tiết 1 - Vật không phải ta.
Anan thưa: “ Con tuy biết tánh thấy này không thể trả về đâu, nhưng làm sao mà biết nó là Chân tính của con?”
Phật bảo Anan: “Nay tôi hỏi ông, hiện nay ông chưa được quả Vô Lậu Thanh Tịnh, do nương theo oai thần của Phật mà thấy được cõi Sơ Thiền không bị chướng ngại, Ông A Na Luật Đà thì thấy cõi Diêm Phù Đề như xem trái yên ma la để trong bàn tay, các vị Bồ Tát..v.v.. thấy cả trăm ngàn thế giới. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào, còn chúng sanh xem chẳng quá gang tấc.
* Đức Phật miêu tả khả năng nhận biết khác nhau trong điều kiện phương tiện nhận biết khác nhau. Các từ như: “Diêm phù đề”, “mười phương cõi nước”... là những thí dụ.
Anan! Nay tôi với ông cùng xem cung điện của Tứ Thiên Vương, ở khoảng giữa xem những vật dưới nước, trên mặt đất và trong hư không (thuỷ lục không hành), tuy có nhiều hình tượng sáng tối khác nhau, nhưng đều là cảnh tiền trần phân biệt ngăn ngại. Ông hãy ở nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật? Nay tôi cho ông lựa trong cái thấy, cái gì là Tâm Thể của ông (ngã thể), cái gì là hình tượng của sự vật? Anan, cùng tột sức thấy của ông từ mặt trời, mặt trăng, chính là vật chẳng phải ông, cho đến Thất Kim Sơn xem xét cùng khắp, tuy có những thứ hào quang cũng là vật chẳng phải ông, lần lần xem đến mây kéo, chim bay, gió động, bụi dày, cây cối, núi sông, rau cỏ, người, thú thảy đều là vật chứ chẳng phải ông.
Tiết 2- Hiển bày tánh thấy chẳng phải vật
Anan! Tánh chất của các vật xa gần tuy có sai khác, nhưng đều là vật do tánh thấy trong sạch của ông xem thấy. Vậy các vật kia tự có sai khác, mà tánh thấy của ông không sai khác. Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này quả thật là tánh thấy của ông. Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng có thể thấy được cái thấy của tôi, vậy khi tôi không thấy, sao ông không thấy chỗ không thấy của tôi? Nếu ông không thấy được cái không thấy của tôi, thì cái thấy bản nhiên không phải là vật, sao lại không phải là ông?
Qua đoạn trích dẫn trên, Đức Phật đã chỉ ra rằng:
1) Tất cả mọi trạng thái ý thức – suy nghĩ, tiềm thức... đều có thuộc tính vật chất (vận động tương tác), tính thấy là cái nhận thức được tất cả những cái đó. Vấn đề còn lại là phương tiện nhận biết (khả năng tư duy hay phương tiện tự tạo hoặc sẵn có như giác quan...)
2) Tính thấy? Phi vật chất, nhưng là một thực tại có từ vô thuỷ đến vô chung, không sanh diệt, không không gian, không thời gian (Không ở trong ông Anan và cũng không ở trong Đức Thích Ca... “Chúng sinh đều có Phật tính”. (Đoạn sau Đức Phật chỉ rõ hơn điều này).
Tính thấy là một thực tại và có khả năng phân biệt:
“...Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà bọn Câu Xá Lỵ... lầm là Minh Đế. Nếu rời các pháp trần cũng không có tánh phân biệt thì tâm tính của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy cái gì làm chủ?”.
Tính phân biệt Đức Phật nói ở đây là khả năng của tính thấy chứ không phải là sự phân biệt trong tính thấy. Tính thấy là một thực tại không có phân biệt: Không Âm không Dương, tự nhiên như có từ vô thủy, trước Bigbang.
Tiết 3- Chỉ rõ vật và ta không lẫn lộn
Đức Phật nói: “Lại như cái thấy là vật thì đương khi ông thấy vật đó, ông đã thấy được vật, thì vật cũng thấy được ông. Thế thì thể tánh xen lộn, ông và tôi cùng các thế gian không thành lập được. “Anan, nếu khi ông thấy thì chính ông chứ chẳng phải tôi, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông chứ ai? Tại sao tự nghi Chân tánh của ông. Tánh của ông mà ông chẳng tự nhận lấy, lại cầu tôi chỉ dùm cho ông?”
* Đến đây cho thấy, Đức Phật đã chỉ ra rằng: Tất cả sự hiện hữu có thể tính (vật chất: nhỏ như hạt quak hoặc nhỏ hơn mà nhân loại có thể tìm ra trong tương lai) và mọi thuộc tính của nó đều là đối tượng của tính thấy và không phải tính thấy. Tính thấy phi vật chất nhưng là một thực tại. Nếu tính thấy là vật thì sẽ phải có cái thấy được của nó.
Bởi vậy, Đức Như Lai nói: “Thể tính xen lộn, ông và tôi cùng các thế gian không thành lập được”. Ngài chỉ ra tính bất hợp lý của sự suy nghiệm không thể tự chứng được bản ngã (Nếu bạn tu tập); hoặc không thể có một lý thuyết khoa học nào có thể tồn tại trên tính phi lý, (Nếu bạn là nhà nghiên cứu khoa học). Nhưng khi chứng tỏ rằng: tính hợp lý là điều kiện nhận biết thì chúng ta đã thừa nhận tính quy luật của tất cả mọi sự kiện, kể cả trong lĩnh vực tiên tri. Đây là yếu tố tạo thành ý niệm Định mệnh. Câu minh giảng của Đức Phật Như Lai: “...Ông và tôi cùng các thế gian không thành lập được” còn cho chúng ta thấy: Đức Phật không cho rằng Ngài là những người sáng tạo vũ trụ, mà chỉ là một người sinh ra trong sự vận động của vũ trụ nhưng giác ngộ được “Vô thượng chánh đằng giác”.
Điều này khác hẳn quan niệm của Hegen khi cho rằng: Vũ trụ này được tạo ra bởi “ý niệm tuyệt đối” hoặc của Jean Guitton cho rằng: “Chính Thượng Đế đã tạo ra vũ trụ ở giây 0 trước Bigbang và những qui luật vũ trụ hiện nay là ý muốn của ngài”, trong cuốn “Thượng Đế và Khoa học”. Đây cũng là điểm rất căn bản và đáng chú ý trong minh triết và huyền thoại Đông phương: Thượng Đế thuộc thần thoại Đông phương là người cai quản vũ trụ, nhưng không sáng tạo ra vũ trụ.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.