Type Here to Get Search Results !

Thư gửi Kim Loan (4)

Nguồn: daminhtamhiep.net
Thư thứ 4:
 XIN CỨ ĐỂ TỰ DO

 Kim Loan thân mến,

 “Hôn lễ thánh” là một danh từ thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa mỗi khi con được nghe. Hai chữ đó như nói lên tính cách thần thánh để đảm bảo hạnh phúc, là điều mà ai cũng mong muốn.

Nhưng con cũng dư hiểu, điều đó chỉ có thể đúng khi có chiếc chìa khóa đôi mở cửa vào tòa nhà hạnh phúc. Mỗi đứa chúng con là một phần của chiếc chìa khóa đôi đó, và chúng con phải biết sử dụng cho khôn khéo.

 “Của em là của anh, của anh là của em!” “Em muốn gì cũng được hết, nhưng em phải hoàn toàn là của anh đó!” “Sao anh nỡ bỏ em?” Những câu nói tương tự chỉ có trong những bài hát tình cảm ướt át! Nhưng hôn phối đâu phải là mối tình của 6 câu vọng cổ mùi! Hôn phối chính là hai con người sống hòa hợp lần lần với nhau, và giúp nhau hết cách, để mỗi người phát triển toàn diện con người của mình.

Cũng như trên nhiều vấn đề khác của đời sống vợ chồng, hai người phải biết cư xử tế nhị và phải biết đặt một giới hạn nào đó. Bởi lẽ mỗi một đám cưới đều nói lên cuộc sống chung của hai con người cách biệt, nên không ai dám ấn định một cách chắc chắn đâu là lằn mức giới hạn. Do đó cần phải thăm dò cẩn thận và dò dẫm từng bước để khám phá lẫn nhau.

Mới đây ba vừa giúp trường hợp một bà vợ còn trẻ. Cuối tuần qua bà đã bị ông chồng cho một “đá” dễ sợ. Chồng bà bảo cho bà biết: Mỗi tuần ông muốn có một đêm không ngủ ở nhà, và dĩ nhiên sau đêm đó, ông không phải báo cáo ông đã đi đâu. Ông đặt vấn đề một cách thật bình tĩnh và cho bà một thời gian để suy nghĩ.

Đối với bà Xuân, vấn đề thật gay cấn. Hai người mới cưới nhau chưa được 6 tháng. Bà vẫn nuôi ý tưởng là: “Khi nào thành hôn ta phải nói cho nhau biết hết mọi chuyện?”

Nhưng bà là người vợ trẻ, khôn ngoan. Bà đồng ý là sẽ suy nghĩ thêm và nhờ người tìm giúp câu trả lời.

Đây là một khởi điểm thật tốt. Khi nào có ai làm mất lòng con, con hãy bắt chước như vậy. Con biết là có những người thường gây những chuyện kỳ cục cho con vì những lý do khác chứ không phải vì lý do nào cũng tại con cả. Có thể những lý do đó mà họ muốn phá tan một mặc cảm nhiễm phải khi còn trẻ, hoặc giải tỏa một mâu thuẫn, hoặc đối phó với một vấn đề đã có trước khi chúng con quen biết nhau.


Tình cảm chân thành thật sự đặt nền tảng trên sự thông cảm và sẽ có hiệu quả là giúp hai con nhìn rõ vấn đề. Nếu con có thể giữ đừng quá mau nước mắt, con sẽ có thể thấy chàng “mù quáng” ở đâu. Và nếu con tìm cách chiếu ánh sáng tình yêu của con vào chàng, con sẽ có thể giúp cho chàng tự nhìn thấy mình rõ hơn. Vì thế bất cứ khi nào con cảm thấy mếch lòng, con hãy cố gắng bắt đầu từ câu nói: “Có thể đây là vấn đề của chàng. Trước khi tôi muốn vấn đề đó là của tôi, chúng tôi phải xét xem vấn đề đó có thể là cơ hội giúp chúng tôi trưởng thành hơn hay không”

Đây là một vấn đề quả thật to tát, phải thế không con? Muốn hành động vì yêu hơn là phản ứng lại vì thiên kiến ác cảm, người ta phải đạt được một trình độ trưởng thành khá cao.

Tạ ơn Chúa vì bà Xuân cũng đủ can đảm để tập trung tư tưởng và bình tĩnh cứu xét vấn đề. Bà biết là Diệp (chồng bà) là út trong gia đình 7 người con. Trong gia đình đó, Diệp không bao giờ được tự do, tự lập như trong gia đình bà. Chàng không được phép có những gì riêng tư quý giá của tuổi trẻ. Cha mẹ chàng đã quyết định mọi việc cho chàng. Trong tuổi mười sáu đôi mươi, chàng hẹn hò gặp gỡ ai cũng có người theo dõi dòm ngó. Bà cũng biết là ba của chàng có tính đa nghi, không dám tin ngay cả người trong nhà.

Khi nói chuyện về vấn đề nầy, bà đã nghĩ ra được nhiều giải pháp. Bà định chơi xỏ lại bằng cách “ông ăn chả, bà ăn nem”. Bà tính mỗi tuần bà cũng sẽ đòi một đêm không ở nhà mà khỏi cần báo cáo. Nhưng rồi và cho đó không phải là điều tốt nhất.

Bà nói: “Lúc đầu mới tính thì tưởng như thế là có thể giữ chàng ở nhà, nhưng thật ra chẳng giải quyết được gì. Chàng cần nghĩ là có người đã hoàn toàn tin tưởng chàng. Ngoài ra một đêm không ngủ ở nhà sẽ làm tôi cực lắm.”

Rồi bà đã quyết định. Ba đợi khi bà ra khỏi, ba mới viết lại câu nói đó. Con có thể học thuộc câu này:

“Tôi quyết định cứ để chàng hiểu rằng tôi thuộc trọn về chàng, và chàng vẫn là của riêng chàng.”

Một quyết định như trên đối với năm đầu tiên của đời sống lứa đôi phải là kết quả của một nhận xét thật tinh tế. Phải thế không con?

Sau đó, bà bằng lòng cho ông điều ông muốn: Mỗi tuần một đêm kỳ thú mà không cần báo cáo với ai.

Câu chuyện xảy ra từ 3 tháng nay rồi. Và con đoán xem những gì đang xảy ra? Ông Diệp càng ngày càng dùng những “đêm tự do” đó để ở nhà, hoặc kéo bà xã cùng đi.

Bí quyết của bà là giữ đúng lời đã hứa, nên cuối cùng tuần rồi chính ông phải tự động nói cho bà biết nơi ông đi. Ông bảo rằng ông chỉ đi xi-nê một mình, hoặc thụt bi-da với mấy cậu thanh niên trong những đêm đi riêng đó. Ba tin lời ông là thật.

Con có thể thấy nhờ tánh tình khôn ngoan tinh tế của phụ nữ, bà Xuân đã biết để cho ông cảm nhận được sự tự do mà ông đang cần. Thế mà thật ra ông không biết rằng chính khi ông đang cảm nhận được sự tự do lại là lúc bà lôi kéo ông lại gần bà hơn. Dĩ nhiên con phải hiểu rằng bước tiến hơn nữa là khi ông Diệp hiểu vấn đề và cũng cư xử khôn khéo như vậy đối với bà Xuân.

Ba thấy nhiều người đàn ông không bao giờ chịu chấp nhận ý kiến đối thoại. Họ tưởng rằng một người đáng làm chồng là người biết ra lịnh cho bà xã phải “ở tù chung thân” tùy theo ý thích của ông ta!

Nhiều bà cam chịu số phận như thế và đành bỏ rơi cá tánh của mình. Nhưng tình trạng trên không thể nào đạt được hạnh phúc. “Sống chung” như thế không phải lúc nào cũng lành mạnh. Đó cũng giống như trường hợp mà các Bác sĩ phân tâm học, bạn của ba, thường gọi là “cộng sinh” nghĩa là hai thứ bịnh xúc cảm kết hợp trong thế tương trợ lẫn nhau một thời gian, hay có thể là cả đời.

Đối với con thì không vậy đâu. Không ai có thể làm tròn nhiệm vụ người vợ khi bị một ông chồng vũ phu đàn áp tàn nhẫn. Và con cũng dễ nhận ra ngay điều suy diễn ngược lại.

Do đó ba hy vọng cả hai chúng con sẽ nhớ được tư tưởng sau đây về vấn đề “sống chung”. Sống chung có nghĩa là mỗi người vẫn có một “phần riêng” cho chính mình. Và nếu con dành chỗ đủ phần “riêng tư” này, con đã có được cách thức tốt nhứt để cuộc “sống chung” được hấp dẫn.

Nói cách khách, khi chúng con cảm thấy cần có tự do, nếu chúng con có thể sống tự do không bị lệ thuộc vào nhau mà vẫn vui vẻ, khi đó chúng con sẽ càng được tự do hơn để sống chung với nhau mà vẫn thông hiệp hoàn toàn với nhau.

Một số nhà tâm lý học danh tiếng mà ba quen biết có nói cho ba biết rằng : tâm trí người ta được lành mạnh hay không, một phần lớn tùy thuộc vào chuyện người ta có thể khám phá ra được con người thật của mình hay không, và có thố lộ cho ít ra một người khác. Những cặp vợ chồng khôn ngoan là những người hiểu được điều trên và bắt đầu kiến tạo một con đường hai chiều này thật sớm trong cuộc sống lứa đôi.

Trong thư trước, ba đã nói về chuyện “phải lớn lên”. Trong một thư sau, ba sẽ bàn luận về chuyện “LỚN RA”. Ba cũng sẽ đặt vấn đề “ phải cùng nhau đi ra ”. Ở đây ba chỉ muốn con lưu ý một điều : “Đi ra một mình” có thể là chất liệu tốt cho lớp đá đầu tiên kiến tạo con đường thoát hiểm lành mạnh, nhờ đó chúng con ở trong vòng đai con đường mà được gần nhau.

Bên trong vòng đai con đường đó, chúng con sẽ để cho nhau được phép muốn đi đâu thì đi tùy theo sở thích riêng tư của mình. Con có thể có bạn bè thân tín riêng, cũng như chàng có thể có bàn bè riêng của chàng. Có thể đối với con, một vài vấn đề con coi là tầm thường nhưng đối với chàng lại rất quan trọng. Và ngược lại cũng thế. (Dĩ nhiên vấn đề nầy có thể đi quá xa, và một số cặp vợ chồng đã lạm dụng). Nhưng những đôi lứa trưởng thành sẽ không còn tiếng lầm bầm xì xầm nữa, và họ muốn sống tự do  thật sự, vì họ muốn sống tự do thật sự, thứ tự do cần thiết cho họ phát triển con người của họ cũng như khai triển cuộc đời sống chung.

Sự tự lập liên đới nầy chính là phần lớn tài sản của con đó. Còn những gì con đã hấp thụ, lãnh nhận được ở gia đình, nhà thờ, trường học, và quốc gia xã hội, đó mới chỉ là những quan niệm chính yếu giúp con quan niệm được con đường sống mở rộng ra trước mắt.

Vì thế, con hãy tìm cách làm cho nơi chúng con ở trở thành một nước cộng hòa nhỏ, trước hết có hai công dân sinh sống, rồi sau đó có những công dân khác mà mỗi người đều có những quyền lợi và nhiệm vụ thiêng liêng của riêng mình. Đừng xâm nhập đời riêng tư của người khác. Đừng khắc khe quá mà bóp nghẹt nhau.

Đó là một điều kiện quan trọng cho người đàn bà nào muốn yêu chồng đến độ muốn chia sẽ mọi chuyện với chồng. Con yêu Vĩnh Sơn nhiều như thế chứ? Con muốn “hoàn toàn thuộc về chàng”, và con cũng ước chi “chàng hoàn toàn thuộc về con”? Ba má biết chàng cũng cảm thấy như vậy đối với con.

Nhưng ba cũng phải báo tin cho con: Chúng con chỉ có thể tới tột đỉnh hòa hợp với nhau nếu chúng con hứa dành cho nhau tự do đủ để phát triển hình ảnh sáng tạo mà Thượng Đế đã đặt trong mỗi chúng con, là “chốn cao cả và thánh thiện”.

Đó là hôn lễ thánh. Hai người cùng phải lớn lên theo cá tánh của mình mà vẫn hợp nhứt hòa đồng với nhau, đợi đến ngày cả hai cùng sống thật ý nghĩa sống chung của họ.

Mong con cứ  để cho tự do vang rền.

Thương con nhiều,

Ba, Charlie W. Shedd


Đăng nhận xét

2 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Nặc danh26 tháng 7

    Hello, Neat post. There's an issue together with your site in internet explorer, might test this? IE nonetheless is the marketplace chief and a huge component to folks will miss your fantastic writing because of this problem.

    Feel free to visit my weblog ... man city news

    Trả lờiXóa
  2. Thank you! I known, but I am not well about IT, T trying...

    Trả lờiXóa