Vòng luân hồi, nhân quả diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại chính là những qui luật vận động và tương tác có thuộc tính vật chất trong vũ trụ. Đức Thích Ca đã chỉ rằng: “ Không có định mệnh!” . Đây chính là lời kết luận cuối cùng cho câu hỏi: “Định mệnh có thật hay không?” và chưa phải là sự kết thúc cho đề tài này. Bởi vì sự kết luận của Đức Thích Ca và sự phủ nhận định mệnh của thế nhân khác rất xa về khoảng cách trí tuệ. Đức Thích Ca phủ nhận định mệnh vì ngài ngộ được tính tuyệt đối (Thoát khỏi luân hồi/ nhân quả; nói theo ngôn ngữ hiện đại là qui luật vận động tương tác.). Còn thế nhận phủ nhận định mệnh chỉ vì họ biết họ đang nghĩ gì và chẳng bao giờ tự hỏi rằng: “Tại sao con người lại biết được sự suy nghĩ của chính mình!”.
Điều căn bản khác nhau nữa giữa sự kết lụân giống nhau này chính là: Những lời minh giảng của Đức Thích Ca đã chỉ ra điều kiện cần và đủ là phải có trí tuệ và tự chứng ngộ. Không có được sự chứng ngộ này thì con người vẫn đang sống trong thế giới của những qui luật tương tác và vận động của vũ trụ, nguyên nhân hình thành khái niệm Định mệnh. Thế giới ấy trong nhận thức của con người sẽ là: “Có hay không một Lý thuyết thống nhất?”. Nếu không tồn tại lý thuyết này trên thực tế thì sẽ không thể có những lời tiên tri và vấn đề đặt ra: “Định mệnh có thật hay không” sẽ hoàn toàn vô nghĩa, hay diễn đạt theo ngôn ngữ của Đức Thích Ca: “Chuyện lông rùa, sừng thỏ”. Có thể nói rằng: Cho đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, ý niệm về một lý thuyết thống nhất mới được đặt ra. Các nhà khoa học hiện đại đang mơ ước.
“Tạo ra một lý thuyết thống nhất các định luật vũ trụ! Một siêu công thức bao trùm mọi định luật của thiên nhiên, hoàn toàn có thể giải thích được mọi sự kiện bao quanh con người, từ những hạt vật chất cực nhỏ đến những thiên hà khổng lồ”.
Nhưng liệu một lý thuyết như thế có tồn tại trên thực tế? (Còn việc tìm ra nó hay không lại là chuyện khác).Trong cuốn “Lược sử thời gian”, phần: “Lý thuyết thống nhất của vật lý học”, SW Hawking nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới đã viết như sau:
“Mặt khác có thực tồn tại một lý thuyết như thế hay không? (Lý thuyết thống nhất. Người viết) Hay chúng ta đang chỉ săn đuổi một ảo ảnh? Có thể có ba khả năng:
1- Quả thực tồn tại một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh mà chúng ta một ngày nào đó sẽ phát minh ra, nếu chúng ta có đủ tài năng.
2- Không tồn tại một lý thuyết tối hậu của vũ trụ, chỉ tồn tại một chuỗi vô cùng các lý thuyết mô tả vũ trụ ngày càng chính xác.
3- Không tồn tại một lý thuyết nào về vũ trụ, các sự cố không thể tiên đoán vượt quá một thời gian hạn nào đó, chúng xảy ra một cách ngẫu nhiên, tuỳ tiện.
Với sự ra đời của cơ học lượng tử, chúng ta phải thừa nhận rằng các sự cố không thể được tiên đoán với độ chính xác hoàn toàn mà luôn tồn tại một độ bất định. Nếu muốn người ta có thể gán sự ngẫu nhiên đó cho sự can thiệp của Chúa, song đấy quả là một sự can thiệp kỳ lạ: không có một chứng cứ gì cho thấy can thiệp đó được định hướng đến bất kỳ một mục đích nào. Thực vậy, nếu có một mục đích, thì không còn là ngẫu nhiên nữa. Trong thời đại hiện nay, chúng ta đã loại bỏ hữu hiệu khả năng thứ ba bằng cách định nghĩa lại mục đích của khoa học: mục tiêu của khoa học là: xây dựng một bộ định luật có khả năng cho phép chúng ta tiên đoán có các sự cố chỉ trong giới hạn xác định bởi nguyên lý bất định.
Khả năng thứ hai, khả năng tồn tại một chuỗi vô cùng những lý thuyết ngày càng tinh tế, rất phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta. Nhiều lần chúng ta đã tăng độ nhạy các phép đo và thực hiện nhiều loại thí nghiệm mới chỉ với mục đích phát hiện những hiện tượng mới không tiên đoán được bởi nguyên lý hiện có và để mô tả những hiện tượng đó chúng ta phải phát triển một lý thuyết tiên tiến hơn. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu thế hệ hiện tại các lý thuyết thống nhất phạm sai lầm khi khẳng định rằng không có điều gì căn bản mới xảy ra giữa năng lượng cỡ 100 GeVcủa lý thuyết thống nhất yếu điện tử và năng lượng cả ngàn triệu triệu GeV của lý thuyết thống nhất lớn. Đáng lý chúng ta phải hy vọng tìm ra nhiều tầng cấu trúc mới cơ bản hơn quak và êlectrôn hiện nay được xem như là những hạt “cơ bản”.
Song dường như hấp dẫn có thể cung cấp một giới hạn cho chuỗi các “hộp trong hộp” đó. Nếu ta có một hạt với năng lượng lớn hơn cái gọi là năng lượng Planck, mười triệu triệu GeV (1 theo sau là 19 số không), thì khối lượng của nó có mật độ tập trung đến mức mà nó tự cô lập tách khỏi phần vũ trụ còn lại và biến thành một lỗ đen nhỏ. Như vậy dường như chuỗi các lý thuyết ngày càng tinh tế phải có một giới hạn khi chúng ta tiếp cận với những năng lượng ngày càng cao, và ắt phải có một lý thuyết tối hậu về vũ trụ. Lẽ dĩ nhiên, năng lượng planck là một quãng đường dài kể từ những năng lượng cỡ nghìn GeV mà hiện nay là năng lượng lớn nhất chúng ta có khả năng tạo ra trong phòng thí nghiệm. Chúng ta chưa vượt qua được hố ngăn cách đó trong một tương lai gần nhờ những máy gia tốc! Nhưng những giai đoạn sơ sinh của vũ trụ đã từng chứng kiến những năng lượng như vậy. Tôi nghĩ rằng có nhiều xác xuất may mắn là sự nghiên cứu những giai đoạn sớm của vũ trụ kết hợp với những đòi hỏi chặt chẽ của toán học sẽ dẫn chúng ta đến một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh trong giới hạn cuộc đời của nhiều người chúng ta. Nếu chúng ta thực sự tìm ra được một lý thuyết tối hậu về vũ trụ, thì điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn hoàn toàn rằng quả chúng ta đã tìm ra được một lý thuyết hoàn chỉnh. Song nếu lý thuyết chặt chẽ về mặt toán học và luôn đưa ra những tiên đoán phù hợp với quan sát, thì chúng ta có thể tin một cách hợp lý rằng đó là một lý thuyết đúng đắn. Nó sẽ kết thúc một chương dài và vinh quang trong lịch sử đấu tranh trí tuệ của con người để tìm hiểu vũ trụ. Đồng thời nó cũng cách mạng hoá sự hiểu biết các định luật vũ trụ của con người bình thường. Thời Newton một người có giáo dục rất có thể nắm được toàn bộ kiến thức của nhân loại, ít nhất là trong những nét cơ bản. Song sau đó nhịp độ phát triển của khoa học làm cho khả năng trên không còn nữa. Vì rằng các lý thuyết này luôn thay đổi để phù hợp với những quan sát mới, chúng không thể đơn giản hoá được để một người bình thường có thể hiểu thấu. Bạn phải là một chuyên gia và dẫu là một chuyên gia bạn cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần các lý thuyết khoa học.
Ngoài ra khoa học tiến nhanh đến mức mà những kiến thức thu nhận được ở học đường cũng luôn bất cập với thời đại. Chỉ một số ít người theo kịp được với ranh giới tiên tiến của kiến thức và số người đó cũng phải dùng toàn bộ thời gian để làm việc và chuyên sâu vào một lĩnh vực nhỏ. Số đông còn lại ít có khái niệm về những thành tựu tiên tiến của khoa học và những vấn đề lý thú nảy sinh từ đó. Bảy mươi năm về trước, nếu tin lời Eddington - thì chỉ có hai người hiểu được lý thuyết tương đối rộng. Ngày nay hàng vạn sinh viên đại học hiểu được lý thuyết đó và hàng triệu người ít nhất đã làm quen với lý thuyết tương đối rộng. Nếu một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh được phát minh, thì chỉ còn là vấn đề thời gian để cho lý thuyết đó được thấu triệt và mọi người chúng ta sẽ đủ khả năng có được một kiến thức nhất định về những định luật trị vì vũ trụ và điều hành cuộc sống của chúng ta. Ngay nếu chúng ta tìm được một thuyết thống nhất hoàn chỉnh, điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng ta có khả năng tiên đoán mọi sự cố nói chung, vì hai lẽ.
Thứ nhất do giới hạn mà nguyên lý bất định của cả học lượng tử áp đặt lên mọi quyền lực tiên đoán của chúng ta. Chúng ta không thể làm gì được để vượt giới hạn đó. Song trong thực tiễn giới hạn thứ nhất đó còn ít ràng buộc hơn giới hạn sau đây. Vấn đề là ở chỗ chúng ta không thể giải được các phương trình của lý thuyết một cách tuyệt đối chính xác, trừ vài trường hợp rất đơn giản. (Chúng ta không thể giải chính xác ngay cả chuyển động ba vật trong lý thuyết hấp dẫn của Newton và khó khăn sẽ tăng lên với số vật tham gia chuyển động và mức độ phức tạp của lý thuyết). Chúng ta đã biết nhiều định luật điều hành vật chất dưới mọi điều kiện cực đoan nhất. Nói riêng, chúng ta đã biết những định luật cơ bản điều khiển mọi đối tượng của hoá học và sinh học. Nhưng chắc chắn chúng ta không quy các đối tượng đó về thực trạng của những bài toán giải được, đến nay chúng ta đạt được quá ít tiến bộ trong việc tiên đoán cách xử sự của con người từ những phương trình toán học!.
Đến đây, tôi xin phép được ngắt ngang đoạn trích dẫn sẽ còn tiếp tục. Ông SW. Hawking đã sai lầm, ít nhất khi viết rằng: “...điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng ta có khả năng tiên đoán mọi sự cố nói chung” và “.. đến nay chúng ta đạt được quá ít tiến bộ trong việc tiên đoán cách xử sự của con người từ những phương pháp toán học!...”. Nhưng phương pháp tiên tri của văn hoá cổ Đông phương với sự tồn tại hàng ngàn năm, không những tiên tri những sự cố nói chung, mà còn cả nói riêng. Đã thế còn tiên đoán cả cách xử sự của con người từ những phương trình toán học – Nếu có thể coi những quẻ Dịch, hoặc phương pháp ứng dụng của Tử Vi – thuộc về những phương trình toán học.Nhưng đoạn trích dẫn tiếp theo đây rất đáng chú ý:
“Vì vậy ngay lúc chúng ta tìm được một bộ hoàn chỉnh các định luật cơ bản, cũng cần nhiều năm trong tương lai để thách đố trí tuệ con người tìm ra những phương pháp xấp xỉ hữu hiệu hơn, để có thể đưa ra những tiên đoán có ích về những hệ quả khả dĩ trong những tình huống thực tiễn và phức tạp. Một lý thuyết thống nhất chặt chẽ và hoàn chỉnh, chỉ mới là bước bắt đầu: mục tiêu của chúng ta là một sự hiểu biết hoàn chỉnh về mọi sự cố chung quanh và về bản thân những hệ quả khả dĩ trong những tình huống thực tiễn và phức tạp...”.
Hay nói một cách khác: Một lý thuyết thống nhất sẽ giải thích từ sự hình thành vũ trụ cho đến mọi vấn đề liên quan đến con người và có khả năng tiên tri. Đây chính là điều kiện đang có của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Nhưng việc có hay không một lý thuyết thống nhất đã đưa đến một câu hỏi: Liệu phương pháp của khoa học ngày nay có thể kiểm nghiệm được sự có hay không một lý thuyết thống nhất? Làm sao để kiểm nghiệm một lý thuyết thống nhất bằng phương tiện khi chính phương tiện tự nó đã định giới hạn cho sự tương đối?
Cần phải nói rằng: Đúng là các phương pháp (Đúng hơn là những phương tiện) của khoa học hiện nay khó kiểm nghiệm được thực tế của một lý thuyết thống nhất. Nhưng khi vấn đề đã được đặt ra thì nó đã có những tiêu chí của nó. Và nó chỉ có thể được giải thích ít nhất mang tính lý thuyết. Bởi vậy, mới có cái tựa đầu tiên là: Những tiêu chí của một lý thuyết thống nhất:
Từ lâu con người đã cố gắng giải thích vũ trụ và mọi vấn đề liên quan đến con người mà thực tế là đi tìm một lý thuyết thống nhất. Lý thuyết thống nhất xưa nhất của nhân loại có lẽ là lý thuyết cho rằng: Sự sáng tạo vũ trụ là do Thượng Đế và mọi vấn đề liên quan đến vũ trụ, xã hội và con người đều do Thượng Đế quyết định. Lý thuyết này đã ngự trị rất lâu trong lịch sử nhân loại. Lý thuyết này đã bị khoa học phản bác. Nhưng khoa học lại đang bế tắc khi giải thích sự khởi nguyên của vũ trụ. Nhưng ở văn minh Đông phương đã tồn tại một lý thuyết khác giải thích vũ trụ: Đó chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành. Điều cần làm sáng tỏ ở đây là:
Thuyết Âm Dương & Ngũ hành đang ở trạng thái huyền bí và đó có phải là một học thuyết thống nhất và hoàn chỉnh không? Nó có đáp ứng được những tiêu chí khoa học của một lý thuyết thống nhất không? Bản chất nó là cái gì trong sự huyền ảo của văn minh Đông phương thì chính là việc cần đề cập tới trong những phần tiếp theo.
Như vậy, những tiêu chí khoa học hiện đại cho một lý thuyết khoa học nói chung, cũng là những tiêu chí của một Lý thuyết thống nhất. Nhưng tiêu chí riêng của nó sẽ là: Giải thích từ sự hình thành vũ trụ cho đến mọi sự vận động của những thiên hà, đến những hạt vật chất cực nhỏ và những sự kiện bao quanh con người với khả năng tiên tri.
Bây giờ, chúng ta xét đến thuyết Âm Dương Ngũ hành, với một giả thuyết sẽ được chứng minh sau là: Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết hoàn chỉnh và nhất quán ngay từ giai đoạn hình thành của nó.
Với giả thuyết trên về thuyết Âm Dương Ngũ hành thì chúng thoả mãn tất cả mọi yếu tố cần thiết cho một lý thuyết thống nhất đã đặt ra ở trên như sau:
1- Giải thích sự hình thành vũ trụ: Thái Cực sinh lưỡng nghi. Thiên nhất sinh Thuỷ...
2- Giải thích sự vận động của các thiên hà: Những chu kỳ của các hiệu ứng vũ trụ trong Thái ất; Tử vi...
3- Giải thích sự vân động của các hạt vật chất nhỏ nhất: Khí – trạng thái tồn tại trên thực tế của vật chất trên siêu nhỏ. Điều này đã được khoa học hiện đại thừa nhận gián tiếp, khi phát hiện ra các đường Kinh Lạc là đường vận động của khí có trong con người, miêu tả trong các sách y học Đông Phương.
4- Mọi hiện tượng liên quan đến con người: Đó là các phương pháp bói toán cổ Đông phương có tính hệ thống, tính qui luật và tính khách quan (Là những yếu tố của tiêu chí khoa học hiện đại về sự thẩm định một phương pháp được coi là khoa học).
5- Tính tiên tri: Về điều này thì có lẽ tôi không cần phải chứng minh. Những phương pháp tiên tri liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành vượt xa sự mơ ước của khoa học hiện đại.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng thuyết Âm dương Ngũ hành chính là một “lý thuyết thống nhất”. Nhưng vấn đề là bản thân thuyết Âm Dương Ngũ hành lại mới chỉ được đặt giả thuyết về tính hoàn chỉnh và nhất quán của nó. Chỉ khi sự minh chứng này hoàn chỉnh thì vấn đề mới có thể tiếp tục. Nhưng ngay cả khi sự chứng minh thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết nhất quán và hoàn chỉnh; thì vấn đề còn lại cũng không thể kiểm chứng được trên thực tế về sự tồn tại của trạng thái khởi nguyên của vũ trụ, mà chỉ có thể là sự giải thích hợp lý cho những hiện tượng và vấn đề liên quan. Do đó, nếu đặt vấn đề: Liệu phương pháp của khoa học ngày nay có thể kiểm nghiệm được sự có hay không một lý thuyết thống nhất?. Người viết cho rằng: không thể có một phương tiện nào của khoa học có thể kiểm được trong hiện tại cũng như trong tương lai. Mà chúng ta chỉ có thể thừa nhận tính hợp lý trong các mối liên hệ tương quan.
Hay nói rõ hơn: Nếu có một lý thuyết thống nhất thì không thể kiếm nghiệm một lý thuyết thống nhất bằng phương tiện, khi chính phương tiện tự nó chỉ nằm trong giới hạn của sự tương đối?
Chúng ta giả thiết rằng: Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một lý thuyết thống nhất thì Thái Cực là sự khởi nguyên của vũ trụ. Thái cực có nội dung chính là Tính Thấy mà Đức Thích Ca đã minh giảng: Không thể có cái thấy này thấy được cái kia. Khi Tính thấy / Thái Cực là sự tuyệt đối thì sẽ không có một phương tiện nào thấy được nó cả. Nhưng nếu thuyết Âm Dương Ngũ hành quả thực là một học thuyết nhất quán và hoàn chỉnh trên thực tế đã tồn tại của nó – là điều sẽ phải chứng minh – thì chúng ta đã tiếp cận rất gần với một lý thuyết thống nhất. Vấn đề còn lại chỉ là sự phục hồi và so sánh với những lý thuyết khoa học hiện đại và chứng nghiệm qua những hệ quả của nó.
Như vậy, bắt đầu từ một giả thuyết cho rằng:
Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết hoàn chỉnh và nhất quán trên thực tế đã tồn tại của học thuyết này. Sự thăng trầm của lịch sử đã khiến nó bị thất truyền và trở thành rời rạc, huyền bí. Những phương pháp bói toán Đông phương–có phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành trên thực tế ứng dụng–chính là hệ quả trực tiếp tất yếu của học thuyết này. Tất cả đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử cổ đại của nhân loại.
Trên cơ sở giả thuyết đã nêu – xin được chứng minh sau – so sánh với những tiêu chí khoa học về một lý thuyết thống nhất thì chúng có sự trùng khớp hoàn toàn. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy ngay sự rời rạc và không có sự liên hệ chặt chẽ trong nội dung của học thuyết này giữa các hiện tượng đã nêu. Cụ thể là: Từ sự khởi nguyên của vũ trụ (Thái Cực sinh lưỡng nghi, sinh tứ tượng và Thiên nhất sinh thuỷ...) cho đến các phương pháp trong Thái ất rõ ràng là một khoảng cách rất lớn. Những phương pháp tiên tri như Tử Vi, Bói Dịch, Tứ Trụ..v.v.. cứ như từ trên trời rơi xuống, người ứng dụng chỉ là thực hiện một phương pháp có sẵn và chẳng ai hiểu được chúng đã được lập ra bởi nguyên tắc nào từ nội dung của học thuyết này? Nhưng khả năng tiên tri trên thực tế hàng ngàn năm nay thì vượt xa tất cả mọi sự mơ ước của bất cứ một lý thuyết khoa học hiện đại nào. khả năng tiên tri là một tiêu chí bắt buộc của một lý thuyết khoa học. Nó là hệ quả cuối cùng và chứng tỏ tính thuyết phục của một học thuyết khi đã hoàn chỉnh.
Nếu khả năng tiên tri của những lý thuyết khoa học hiện đại chỉ giới hạn trong những hiện tượng đơn điệu trong phạm vi của nó, thì khả năng tiên tri là hệ quả của thuyết Âm Dương Ngũ hành, lại chứng tỏ tính siêu việt đến kỳ diệu khi tiên tri một hiện tượng vốn là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố tương tác: Đó chính là hành vi của con người! Điều này đã chứng tỏ thuyết Âm Dương Ngũ hành phải được hình thành, phát triển và hoàn chỉnh trong một xã hội có một nền văn minh cao cấp ổn định và là một học thuyết chính thống được bảo trợ bằng quyền lực trong xã hội đó.
Nhưng tại sao: Sự hoàn chỉnh và nhất quán của thuyết Âm Dương Ngũ hành chỉ là một giả thuyết. Khi mà chúng ta đang ứng dụng phương pháp luận của nó với tư cách là hệ quả một học thuyết nhất quán?
Đây là câu hỏi, đồng thời cũng là một phần câu trả lời: Điều mà chúng ta ứng dụng chỉ là phương pháp luận trong các phương pháp tiên tri, tức là hệ quả cuối cùng của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Bản thân nội dung của thuyết này rất mơ hồ. Có thể nói rằng: Hầu hết những nhà nghiên cứu với cái nhìn từ nhiều phía đều cho rằng: Thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ hành là hai học thuyết xuất hiện độc lập: Hoặc là chúng hoà nhập với nhau ở giai đoạn đầu của thiên niên kỷ thứ I; hoặc là chúng là sự bổ sung cho nhau một cách khiên cưỡng.
Bởi vậy, đây là vấn đề cần phải chứng minh về mặt lý thuyết. Thật là sự huyền bí khi kết quả là khả năng tiên tri và những phương pháp của nó lại ra đời trước một học thuyết là cơ sở phương pháp luận của nó. Nếu cho rằng: Những phương pháp tiên tri đó là do trực giác tâm linh của các bậc kỳ nhân đạo sĩ tạo ra thì lại không cần đến sự ứng dụng của một học thuyết (Như trường hợp của bà Vanga ở Bungary). Do đó, tính khoa học của học thuyết này chỉ được chứng tỏ, nếu chúng ta phục chế được những nét căn bản hoàn chỉnh và hợp lý về học thuyết này. Điều này sẽ lại khiến chúng ta quay trở về quá khứ.
Chinh vi than bi ...bi mật lam cho ca hanh tinh nay hap dan hơn !
Trả lờiXóaNhưng dieu biet trươc la nhưng thư khong con thu vi nữa !