Type Here to Get Search Results !

Tư duy và Thực tại

Tỳ kheo THÍCH CHƠN THIỆN

Theo Spaulding - The “New Rationlism”, New York, Henry Holt and Conpany, 1918, pp. 106 - 107 -, Aristotle nêu lên ba nguyên lý cơ bản của tư duy:




1. Nguyên lý đồng nhất (Principle of Identity): Một vật gọi là (A), thì luôn luôn phải là (A). Nếu tên gọi thay đổi từng lúc thì tư duy không thể vận hành được.

2. Nguyên lý cấm mâu thuẫn (Principle of Non-contradiction): Một vật có thể khi này được gọi là (A) thì có thể gọi là (A) hoặc khác (A). Nếu nó thường được thay đổi tên gọi, thì tư duy con người không thể hoạt động.

3. Nguyên lý triệt tam (Principle of Excluded middle): Một vật có thể khi này được gọi là (A), và khi khác được gọi là (B), nhưng không được vừa (A) vừa (B). Nếu nó là vừa (A) vừa (B) thì tư duy con người cũng không thể vận hành được.

Ba nguyên lý trên được thiết lập để tư duy có thể vận hành. Ba nguyên lý ấy giả định rằng mọi hiện hữu đều có một ngã tính (nature) cố định, bất biến. Trên thực tế, trong thực tại cuộc đời thì mọi hiện hữu đều trôi chảy theo từng sát-na (chớp mắt, tương đương với 1/16 giây) như biện chứng đã nói, như giáo lý nhà Phật đã nói “vô thường” và như Héraclite đã tuyên bố “bạn không thể đặt chân hai lần vào cùng một dòng nước”. Đấy là sự khác biệt giữa tư duy và thực tại. Đấy là một khoảng cách lớn giữa tư duy và thực tại, không bao giờ có thể được lấp đầy. Đấy cũng là sự khác biệt về sự sống với thực tại - như sống với người yêu - và tư duy về thực tại - như nói về người yêu.

Chính tư duy của con người đặt để giá trị cho mọi hiện hữu và sống với giá trị đó, mà không phải sống với các giá trị thật của thực tại. Chính tư duy hữu ngã ấy của con người đi vào đời sống và thiết lập trật tự các sự vật. Nói đến trật tự là nói đến thời gian đường thẳng, có trước có sau và có trước nhất (đầu tiên): đây, tư duy hữu ngã, là tác giả của nguyên nhân đầu tiên của thế giới, vũ trụ. Nó sản sinh ra ý niệm về nguyên nhân đầu tiên. Thực tại thì không có nguyên nhân đầu tiên; nó là hiện hữu của tương quan trùng trùng.

Tư duy là một phần tố của con người, mà không phải con người toàn diện (tư duy, tình cảm, ý chí, trực giác…); nó là một phần tố của sự sống, mà không phải là sự sống thật, sự sống toàn thể. Chính tư duy này thao túng toàn bộ văn hóa con người: nó thiết lập văn hóa hữu ngã, ý niệm hữu ngã, gây ra các mâu thuẫn, đấu tranh, chiến tranh, phá vỡ sự yên bình, thanh bình của thực tại. Đã đến lúc, đầu thế kỷ XXI này, con người cần bình tĩnh xét lại vai trò của tư duy hữu ngã, giá trị của tư duy hữu ngã, mà hướng về một tư duy phản tỉnh (tư duy vô ngã) để hình thành một văn hóa của thực tại như thật. Nếu không thì giữa tư duy (nói về) và thực tại (sống với) bóng tối luôn rơi đầy!


T.C.T  
(SH288/02-13)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.