Type Here to Get Search Results !

Âm nhạc chức năng - Điều quan trọng khi nghe nhạc(Phần 2)

Mọi người đều biết rõ là âm nhạc có khả năng tạo cho người nghe một tâm trạng nhất định. Nhưng không chỉ có thế thôi. Các nhà sinh lý học cũng đã khẳng định rằng âm nhạc gây ra những thay đổi nhất định trong toàn bộ cơ thể: Tăng độ nhạy cảm thị giác ngoại biên, tăng tốc độ của các quá trình tâm lý, giảm thời gian phản ứng đối với những tín hiệu âm thanh và ánh sáng, giúp tập trung tư tưởng và làm tăng khả năng ghi nhớ. Tất cả những điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, đặc biệt là giảm tai nạn trong công việc và nâng cao chất lượng công việc.  Song nếu sử dụng âm nhạc không đúng thì tác động sẽ ngược lại, gây nên những hiệu quả xấu.


Như phần 1 tôi đã giới thiệu, nghe âm nhạc chú trọng ĐÚNG THỜI ĐIỂM và có KHOA HỌC. Tất nhiên là không phải bản nhạc nào cũng đáng nghe. Mấy bài được gọi là "thảm hoạ âm nhạc" thì tôi miễn bàn, vì sự phản cảm là quá lớn nói chi đến gia tăng hiệu quả và chất lượng nghe. Thế nên, hiển nhiên là việc xác định đúng thời gian phát nhạc nói chung và thời gian phát nhạc nói riêng cũng như thời gian phát là điều vô cùng quan trọng. Khi thời gian phát thanh quá dài hoặc âm lượng quá to thì âm nhạc không còn là chất kích thích chế độ làm việc, mà trở nên yếu tố quấy nhiễu, gây ồn ào và gây cảm giác ức chế cho người nghe.

Đến đây, chắc bạn đã hiểu vì sao tôi nói việc chọn ĐÚNG THỜI ĐIỂM + THỜI GIAN HỢP LÝ + ÂM LƯỢNG NGHE đóng vai trò quyết định chất lượng nghe âm nhạc của bạn và những người thụ hưởng những gì mà âm nhạc bạn phát. 

Thông thường, buổi phát nhạc không được kéo dài quá 1,5 - 2 tiếng về ban ngày và không quá 2 - 3 tiếng về ban đêm. Tuyệt đối không sử dụng âm nhạc khi công việc của bạn phần lớn chiếm hơn 50% hoạt động của trí óc. 

Âm nhạc gây sự phấn khích lớn đối với các bạn trẻ ở tuổi thanh niên. Sự thích thú nghe nhạc cũng giảm theo tuổi tác. Các cuộc thử nghiệm minh chứng cho thấy rằng ở những nơi làm việc đơn điệu thì người ta thích nghe những bài nhạc đơn giản, âm điệu không phức tạp với âm lượng ổn định và có tiết tấu rõ rệt. (Ẩm lượng phải ổn định, giao động không quá +(-)5 Đexiben. Các bản nhạc đáp ứng được những yêu cầu này không chỉ dễ nghe mà còn nghe thấy tốt hơn. Chúng có thể xuyên qua các âm thanh hỗn độn khác, giảm mức cảm nhận tiếng ồn ào do tác động bên ngoài gây nên, dường như chúng đẩy lùi những tiếng ồn đó xuống hàng thứ hai. Trong điều kiện như vậy, âm nhạc thực sự mang lại sự phấn khích, kết quả là giá tăng hiệu suất làm việc và giảm thời gian vô ích. 

Chắc bạn biết đến văn hào Honoré De Balzac, ông là một người có khả năng làm việc nhiều giờ trong nhiều ngày liền. Khi tôi đọc tiểu sử của ông đến đoạn người ta nói ông làm việc được nhiều mà tư tưởng vẫn có sự tập trung cao độ thì tôi lấy làm lạ lắm. Tôi đặt ra câu hỏi: Làm thế nào ông ấy có thể làm được điều đó?". Thực sự chẳng có bằng chứng nào nói rằng ông ấy làm được điều đó nhờ nghe âm nhạc, nhưng tôi có thể hiểu được rằng chính sự đam mê đã tạo nên khả năng tuyệt vời đó. Và thực tế với những trải nghiệm của mình, bằng sự tập trung và những giai điệu, tôi hoàn toàn 100% có thể làm việc suốt 24h liền trong gần 3 ngày mà không một chút cảm thấy đuối sức hay tỏ ra mệt mỏi.

Đến đây, bạn chắc cũng đang thắc mắc rằng: - Làm thế nào để chọn lựa một bản nhạc thích hợp cho những gì bạn đang cần(âm nhạc nghe làm việc, âm nhạc nghe thư giãn,...)?

Phải có tiêu chuẩn nào đó bạn à. Mà tiêu chuẩn quan trọng nhất khi chọn các bản nhạc phụ thuộc vào bạn, cá tính của bạn và mức độ tập trung vào công việc bạn làm.  Nói như vậy không khác gì tôi đánh đố bạn tìm cho mình những bản nhạc phù hợp giữa một bầu trời âm nhạc thế giới. Không đâu, tất nhiên điều tôi nói có lý lẽ của nó. Có nhiều thực nghiệm cho thấy là mỗi loại công việc nhất định thì đòi hỏi một mức độ tập trung chú ý nhất định.  Bạn hãy xem số liệu dưới đây và xét xem mình thuộc loại lao động nào:
+ Quét dọn, lau nhà: 9%
+ Khoan cắt bằng tay: 13%
+ Làm việc trên máy bào: 15%
+ Làm việc trên máy móc: 25%
+ Đánh dấu và quan tâm các chi tiết: 31%
+ Lái xe ô tô trên đường: 35%
+ Làm việc trên máy tiện: 52%
+ Đánh máy: 73%
+ Hệ thống hoá tài liệu: 90%
+ Đọc: 100%

Công việc càng ít cần phải tập trung hơn, thì âm nhạc chức năng càng có tác dụng hơn, càng có ảnh hưởng hơn đến nhịp điệu và chất lượng công việc.

Nếu một mình bạn thưởng thức các bản nhạc thì sao cũng được, nhưng khi có nhiều người xung quanh cùng làm việc thì bạn cần phải chú ý đến những bản nhạc đó phần lớn mọi người thích nghe. Sự hy sinh vì tập thể chung là cần thiết. Và khi lựa chọn bản nhạc bạn phải tính đến mong muốn của mọi người, những mong muốn đó chắc chắn là không độc lập nếu không muốn nói là đối lập với những yêu cầu cơ bản của âm nhạc chức năng. Một điều rất quan trọng là mỗi người tham gia nghe đều tìm thấy trong khi nghe là bản nhạc, khúc ca hay bài ca mà họ thích.

Bạn cần hiểu rằng, việc soạn cho mình hay tập thể những bản nhạc cần nhất vẫn là sự yêu thích, bạn cần sự am hiểu âm nhạc và những cái mới trong âm nhạc. Vì như thế khi bạn lên Playlist (danh sách các bản nhạc để phát) sẽ không bị mù quáng khư khư giữ mãi chương trình soạn ra, mà sẽ luôn có sự bổ sung và sáng tạo. 

Có một thực tế ở khắp các phố phường chính là sáng sáng chúng ta được nghe nhiều chương trình phát thanh, nhưng phần lớn các bài hát được phát là những bài ca chiến đấu, những bản tiến quân ca,...nói chung là người Việt mình gọi thể loại đó là nhạc Đỏ. Nếu chú ý một chút, và sự nhìn nhận của bản thân, chắc chắn bạn cũng ít nhiều có sự không hài lòng, tệ hơn là những bản nhạc đó với lứa tuổi của bạn chúng không phù hợp, và tác dụng của chúng không mang đến một sự hưng phấn nào cho bạn chào ngày mới. Nhưng ngược lại, với những người có tuổi, một thời đi qua thì lại vô cùng thích thú và phấn khích. Đó là một minh chứng rõ nét để bạn hiểu Lứa tuổi là yếu tố quyết định lớn thế nào đến việc cảm nhận âm nhạc. Bên cạnh đó, những bản nhạc được chọn cũng quyết định đến hiệu quả đối với người nghe. Chính vì thế mà gần đây, các bác làm phát thanh ở Phường mới có chuyện cập nhật các bài hát mới, phù hợp với nhiều đối tượng nghe. Dĩ nhiên, điều đó là cần thiết trong một xã hội hiện đại như bấy giờ. 

Bạn cũng vậy, cũng cần có sự bổ sung, kết nạp nhiều bản nhạc đương thời song phù hợp với sở thích và công việc của mình. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn khi mà những ca khúc mới có giai điệu, nhịp điệu phù hợp với nhịp độ làm việc của bạn. Bạn không nên phát các bản nhạc gây cảm xúc mạnh với âm lượng chói tai ở nơi làm việc, tạo cảm giác xao xuyến, nhớ thương và căng thẳng thần kinh. Nếu bạn là một người xa quê, mà khi làm việc cứ phát mãi các bản như "Xuân này con không về" hay các bản đại loại như vậy tạo cảm giác nhớ nhà nhớ người thương, đến bạn còn chịu không nổi nói chi là phát cho nhiều người đồng cảnh ngộ với bạn cùng nghe. Xin bạn nhớ rằng: ÂM NHẠC CÓ CHỨC NĂNG, VÀ CHỨC NĂNG CỦA ÂM NHẠC LÀ TẠO CHO BẠN VÀ NGƯỜI NGHE CẢM THẤY PHẤN KHÍCH, HƯNG PHẤN HƠN ĐỂ SỐNG VÀ LÀM VIỆC TỐT HƠN. Không ai muốn nghe một bản nhạc mà tự bản nhạc tạo ra cảm giác chán nản, phản cảm khiến người nghe "chán muốn chết" cả. Và cũng không một nhạc sĩ nào muốn viết ra một bản nhạc xúi người ta đi nhảy cầu, nhảy lầu hãy tìm cách kết liễu đời mình cả. 

Tới đây, tôi xin tạm kết phần 2 của chuyên mục Âm nhạc chức năng. Bởi lẽ, đây là một đề tài khá mới mẻ, và bạn cần thời gian để định vị lại xúc cảm âm nhạc của bạn cũng như cách bạn muốn hưởng thụ âm nhạc. Rõ ràng là không ai muốn phí phạm phút giây nào cho những điều vô bổ. Chỉ là những gì có bổ thì cần nhiều thời gian hơn để tiếp nhận và tiêu hoá.

Trong phần tới, tôi sẽ nói với bạn về Phương pháp soạn những bản nhạc(nói khác đi là việc lên danh mục những bản nhạc để nghe) phù hợp với mục đich sử dụng của bạn. Tất cả ở phía trước, mời bạn đón xem.
Tags

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.