Type Here to Get Search Results !

Hibiscus - Cây Dâm Bụt, Cây Râm bụt, Phù dung

Đã là Bụt, tất chẳng còn dâm.
Nếu vẫn còn dâm, tất chưa thành Bụt.

Vậy chắc chắn có điều chi không đúng trong cái tên dâm bụt "ác ôn" này .

Phân loại khoa học

Giới (regnum): Plantae
(không phân hạng): Angiospermae
(không phân hạng) Eudicots
(không phân hạng) Rosids
Bộ (ordo): Malvales
Họ (familia): Malvaceae
Phân họ (subfamilia): Malvoideae
Chi (genus): Hibiscus
L.


Đặc điểm

Lá mọc so le, loại lá đơn hình trứng hay hình mũi mác, thông thường với mép lá dạng răng cưa hay dạng thùy. Hoa lớn, dễ thấy, hình kèn, với 5 cánh hoa, có màu từ trắng tới hồng, đỏ, tía hay vàng và rộng từ 4-15 cm. Quả là loại quả nang năm thùy khô, chứa vài hạt trong mỗi thùy, được giải phóng khi quả nang tách ra khi chín.

Một loài Hibiscus, gọi là dâm bụt cần sa (Hibiscus cannabinus), được sử dụng rộng rãi trong sản xuất giấy. Một loài khác, lạc thần (Hibiscus sabdariffa) được dùng làm rau ăn và trà thuốc cũng như mứt (đặc biệt chỉ ở khu vực Caribe). Tại Mexico, nước uống jamaica rất phổ biến và được làm ra từ các đài hoa của cây lạc thần. Tại Ai Cập và Sudan, các cánh hoa của lạc thần được dùng làm một loại trà được ưa thích là karkade, nó có thể uống nóng hay được làm lạnh bằng nước đá.

Các chất chiết ra từ một số loài Hibiscus được cho là có lợi cho sức khỏe, bao gồm điều trị táo bón, chống nôn mửa và nhiễm trùng bàng quang cũng như điều trị huyết áp cao. Các nghiên cứu đưa ra các kết quả này vẫn đang gây tranh cãi. Một loài Hibiscus (không chỉ rõ tên khoa học) được dùng làm trà thuốc, thông thường cùng với quả của một số loài thuộc chi Rosa như tầm xuân (Rosa canina).

Vỏ cây của các loài Hibiscus chứa nhiều sợi rất dai. Chúng có thể thu được bằng cách ngâm vỏ đã lột khỏi thân cây trong nước biển một thời gian sao cho các chất hữu cơ dễ phân hủy bay hết. Tại Polynesia các sợi này (tiếng địa phương gọi là fau, pūrau) được dùng làm váy.

Một số loài và giống Hibiscus như 'Texas Star' có bề ngoài tương tự như cây cần sa khi nhìn thoáng qua. Điều này khiến cảnh sát hay kiểm tra nhầm

Phân bố

Chi Dâm bụt, Chi Râm bụt hay chi Phù dung (danh pháp khoa học: Hibiscus) là một chi lớn chứa khoảng 200-220 loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc ở khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới trên khắp thế giới.

Ý nghĩa - Biểu trưng

Thành phố Phù Dung là tên gọi khác của Thành Đô ở Trung Quốc.

Hibiscus syriacus là loài quốc hoa gia của Hàn Quốc, trong khi Hibiscus rosa-sinensis là loài quốc hoa của Malaysia còn Hibiscus brackenridgei là loài hoa của bang Hawai‘i.

Biểu trưng: Hồng nhan bạc phận, tình yêu không bền"

Ứng dụng trong cuộc sống

Nhiều loài trong chi này được trồng do có hoa sặc sỡ cũng như làm hàng rào trong một số vườn hay công viên

Ứng dụng trong làm đẹp

Hoa và lá râm bụt chứa nhiều antoxyanozit giúp diệt khuẩn, làm sạch nhờn. Vì vậy hoa râm bụt thường được dùng để chữa mụn nhọt đang mưng mủ, mụn nhọt sẽ đỡ nhức và nhanh vỡ mủ. Lấy hoa tươi và lá sạch, giã nát với một ít muối đắp lên những mụn nhọt đang mưng mủ.

Để làm sạch nhờn trên da bạn hãy lấy 2 bông hoa râm bụt, bóp nhuyễn và nhỏ vào vài giọt nước chanh, hãy đắp hỗn hợp này lên mặt sẽ làm sạch chất nhờn trên da.

Để hạn chế tóc rụng, bạn hái mười bông dâm bụt đỏ, vò nát, rồi xoa chất nhờn đều lên tóc và da đầu. Để trong một giờ rồi gội sạch.

Lưu ý: Chỉ chọn loại hoa râm bụt xuất xứ từ Việt Nam, loại hoa râm bụt nhiều màu sắc nhập từ nước ngoài về có thể không có tác dụng trên.

Giống - Loài

Chi này bao gồm các loại cây thân thảo một năm hay lâu năm cũng như các loại cây bụi thân gỗ và cây thân gỗ nhỏ.

Trong khu vực ôn đới, loài được trồng làm cảnh nhiều nhất có lẽ là Hibiscus syriacus. Tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, Hibiscus rosa-sinensis với nhiều giống lai có hoa sặc sỡ, là loại cây cảnh phổ biến.

Các loài trong chi Hibiscus bị ấu trùng của một số loài thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera) phá hoại như Hypercompe hambletoni, Discestra trifolii và Agrotis segetum.

Khoảng 200-220 loài đã được biết, bao gồm:

* Hibiscus acetosella - phù dung lá đỏ, phù dung châu Phi
* Hibiscus arnottianus - dâm bụt Hawaii (koki'o)
* Hibiscus bifurcatus
* Hibiscus brackenridgei - dâm bụt hoa vàng, dâm bụt Hawaii (ma'o hau hele)
* Hibiscus calyphyllus hay Hibiscus calycinus hoặc Hibiscus rockii - dâm bụt mắt chanh
* Hibiscus cameronii - dâm bụt hoa hồng
* Hibiscus cannabinus hay Abelmoschus verrucosus, Hibiscus verrucosus - đay cách, dâm bụt cần sa, đại ma cận
* Hibiscus cisplatinus
* Hibiscus clayi - dâm bụt Hawaii ( hoa đỏ)
* Hibiscus coccineus hay Hibiscus semilobatus - dâm bụt Mỹ, Texas Star
* Hibiscus coulteri - dâm bụt sa mạc
* Hibiscus dasycalyx - dâm bụt lá hẹp
* Hibiscus diversifolius - dâm bụt đầm lầy
* Hibiscus elatus

* Hibiscus fragilis -
* Hibiscus furcellatus - dâm bụt Hawaii ('akiohala)
* Hibiscus fuscus
* Hibiscus grandiflorus
* Hibiscus hamabo - dâm bụt hoa vàng Nhật Bản
* Hibiscus hastatus
* Hibiscus heterophyllus - dâm bụt Úc
* Hibiscus indicus hay Alcea indica, Hibiscus javanicus, Hibiscus venustus - mỹ lệ phù dung
* Hibiscus kokio - dâm bụt Hawaii (koki'o 'ula), dâm bụt hoa đỏ
* Hibiscus laevis hay Hibiscus militaris - dâm bụt lá kích
* Hibiscus lasiocarpos - dâm bụt
* Hibiscus lavaterioides
* Hibiscus ludwigii
* Hibiscus macrophyllus hay Hibiscus setosus, Hibiscus vestitus - dâm bụt lá to, đại diệp mộc cận.
* Hibiscus militaris - đồng nghĩa của Hibiscus laevis
* Hibiscus moscheutos hay Hibiscus moscheutos palustris, Hibiscus palustris - phù dung quỳ, dâm bụt đầm lầy
* Hibiscus mutabilis hay Hibiscus sinensis, Ketmia mutabilis - phù dung thân gỗ, phù dung núi, hoa phù dung
o Hibiscus mutabilis versicolor
* Hibiscus paramutabilis
* Hibiscus pedunculatus
* Hibiscus pernambucensis
* Hibiscus platanifolius
* Hibiscus radiatus
* Hibiscus rosa-sinensis - dâm bụt thân gỗ, mộc cận, đại hồng hoa, phù tang (phật tang).
o Hibiscus rosa-sinensis L. 'Cooperi hay Hibiscus cooperi
o Hibiscus rosa-sinensis L. 'Hawaiano'
* Hibiscus sabdariffa[1] hay Abelmoschus cruentus, Hibiscus digitatus, Hibiscus gossypiifolius, Hibiscus sanguineus, Sabdariffa rubra - hoa lạc thần, lạc thần quỳ, mai côi gia, sơn gia, lạc tể quỳ.
o Hibiscus sabdariffa altissimus hay Hibiscus sabdariffa altissima: dâm bụt sợi
o Hibiscus sabdariffa sabdariffa
* Hibiscus schizopetalus hay Hibiscus rosa-sinensis schizopetalus - liệt biện chu cận, dâm bụt hoa đỏ cánh nhỏ
* Hibiscus scottii
* Hibiscus sinosyriacus
* Hibiscus splendens - dâm bụt Úc
* Hibiscus syriacus hay Althaea furtex, Ketmia syriaca, Ketmia arborea, Ketmia syrorum, Hibiscus acerifolius, Hibiscus chinensis, Hibiscus floridus, Hibiscus rhombifolius, Hibiscus syriacus chinensis - dâm bụt thân gỗ, mộc cận
* Hibiscus taiwanensis - phù dung núi, sơn phù dung
* Hibiscus tiliaceus hay Hibiscus tortuosus, Hibiscus tiliaceus tortuosus - dâm bụt hoa vàng, hoàng cận, dâm bụt Hawaii (Hau)
o Hibiscus tiliaceus hastatus hay Hibiscus hastatus
o Hibiscus tiliaceus henryanus - dâm bụt Tahiti (bờ biển)
o Hibiscus tiliaceus typicus - dâm bụt Tahiti (núi)
o Hibiscus tiliaceus sterilis - dâm bụt Tahiti (vùng đất khô)
* Hibiscus trionum hay Hibiscus africanus, Hibiscus hispidus - cẩm quỳ Venice, hoa một giờ,
* Hibiscus yunnanensis - phù dung Vân Nam.
* Hibiscus waimeae - dâm bụt Hawaii (koki'o ke'oke'o)

Ứng dụng trong y học

Hoa râm bụt là một cây cảnh và cây hàng rào phổ biến ở nước ta và nhiều nước nhiệt đới khác. Dâm bụt có vị ngọt, tính bình, không độc, tính thông hoạt, trị lở ngứa, sưng đau, bạch đới, mất ngủ, giải khát”. Hoa dâm bụt thường được dùng làm thuốc chữa một số bệnh

Vỏ rễ Râm bụt có vị ngọt, tính bình; có tác dụng điều kinh, chống ho, tiêu viêm. Hoa, lá có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng, chỉ huyết, cố tinh, sát trùng. Ở Ấn Độ, hoa được xem như có tác dụng làm nhầy, làm dịu, làm mát, kích dục và điều kinh; còn lá làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng và rễ lại có tác dụng làm nhầy.

Râm bụt thường có dáng hoa cong, cánh hoa có răng cưa; râm bụt kép với hoa thẳng, nhiều cánh hoa; râm bụt xẻ hoa buông thõng, cánh hoa xẻ thùy và răng không đều; râm bụt hoa nhỏ, hoa mọc rủ, cánh hoa nguyên không bao giờ nở xòe. Trong đó, chỉ có râm bụt thường được dùng phổ biến làm thuốc với tên khác là bông bụt, hồng bụt (miền Trung), bụp (miền Nam), co ngần (Thái), bióc ngần (Tày), phẩy quấy phiằng (Dao), phù tang, xuyên cân bì.

Trong y học cổ truyền, hoa râm bụt có tên thuốc là mộc cận, vị ngọt, trơn nhầy, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, làm săn, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc. Nhiều bộ phận của cây được dùng trong những trường hợp sau:

+ Hoa: Thu hái khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô. Hoa phơi khô, thái nhỏ, hãm uống thay trà chữa khó ngủ, hồi hộp, đi tiểu vàng. Hoa râm bụt 30g phối hợp với gỗ vang 30g, gừng 3 lát, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày chữa nhức đầu, chóng mặt ở phụ nữ mới đẻ; nếu phối hợp với hạt mã đề lượng bằng nhau sắc uống lúc đói lại chữa tả lỵ ở trẻ nhỏ. Để chữa mộng tinh, đái buốt, lấy hoa râm bụt, lá bạch đồng nữ, thài lài tía, mỗi thứ 30g, giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội, gạn uống ngày hai lần; hoặc hoa râm bụt 30g, gương sen 3 cái, cắt nhỏ, sắc uống.

Dùng ngoài, hoa râm bụt với lá trầu không, lá thồm lồm, mỗi thứ 50g, để tươi, giã nát đắp chữa mụn nhọt, nhất là nhọt đang nung mủ, đau nhức.

+ Lá: Chữa quai bị: Lá râm bụt 50g, hành củ 50g, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống và bã đắp. Chữa chân đau nhức, đôi khi co cứng không đi lại được: Lá râm bụt, lá si, lá đào, lá mận, lá thài lài tía, mỗi thứ 30g, thái nhỏ, phơi khô, sao qua, ngâm với ít rượu, dùng xoa bóp hàng ngày. Chữa tràng nhạc: Lá râm bụt 10g, lá hoặc quả cây ngoi 10g, vỏ rễ cây gạo 20g; tất cả dùng tươi, giã nhỏ với ít muối, đổ ngập sâm sấp nước vo gạo đặc, đun sôi nhỏ lửa cho đến khi sền sệt. Để nguội, đắp và băng. Ngày làm 1 lần.

+ Rễ: Tách lấy vỏ rễ, phơi khô, lấy 30g thái nhỏ, sắc uống chữa kinh nguyệt không đều. Có thể phối hợp với lá huyết dụ với liều lượng bằng nhau trong trường hợp kinh ra nhiều, rong huyết.

+ Vỏ thân: Cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, lấy 50g, thái nhỏ, sắc uống chữa khí hư. Dùng 5 ngày. Vỏ thân râm bụt 50g, phối hợp với bồ kết 10 quả, bỏ hạt, gừng tươi 20g, thái nhỏ, sắc rồi cô đặc sền sệt. Để nguội. Bôi ngày 2 lần để chữa chàm mặt. Để chữa kiết lỵ, lấy vỏ thân râm bụt 40g, búp hoặc lá táo 40g, gừng tươi 5 lát, thái nhỏ, sao vàng (trừ gừng), hạ thổ, rồi sắc uống trong ngày.

+ Trị mụn nhọt: Lấy hoa tươi và lá sạch, giã nát với một ít muối đắp lên những mụn nhọt đang mưng mủ (khô thuốc lại thay) cho đỡ đau nhức và chóng vỡ mủ. Hoặc dùng hoa dâm bụt phối hợp với lá trầu không, lá thồm lồm (3 thứ bằng nhau), đem giã nát, đắp lên mụn đang mưng mủ, cũng có công dụng tương tự.

+ Chữa khó ngủ, hồi hộp, nước tiểu đỏ: Dùng hoa dâm bụt phơi khô, hãm uống như uống nước trà.

+ Chữa kiết lỵ: Bụng đau quặn, mót đại tiện nhiều lần, phân lầy nhầy như nước mũi, hoặc màu máu cá. Hái 10 hoa dâm bụt bỏ cuống hoa, cho vào bát ăn cơm, thêm 1 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, đem hấp cơm. Khi cơm chín lấy bát thuốc ra ăn. Bài thuốc này không độc, trẻ em rất thích ăn, áp dụng cho cả người lớn và trẻ em.

+ Chữa chứng nhức đầu chóng mặt ở phụ nữ: Lấy một nắm hoa dâm bụt (khoảng 50g) và 40-50g gỗ vang, 3 lát gừng tươi, tất cả đem sắc uống (Nam dược thần hiệu).

+ Chữa di mộng tinh: Lấy hoa và lá dâm bụt, lá bấn hoa trắng (còn gọi là bạch đồng nữ), thài lài tía, mã đề; mỗi thứ một nắm bằng nhau (chừng 50g) đem sắc uống. Với phụ nữ ra khí hư bạch đới như máu cá, hoặc đái buốt, đái rắt cũng dùng bài thuốc này để chữa trị.

Ngoài hoa, lá, thì vỏ và rễ của cây dâm bụt cũng được dùng làm thuốc - rễ tiêu viêm tiết niệu, điều hòa kinh nguyệt...

Phân biệt:

Cần phân biệt dâm bụt ta, với cây dâm bụt Tây (có nguồn gốc từ Nam Mỹ) còn gọi dâm bụt dấm, hoa có màu đỏ tía, cấu trúc hoa có khác khi nhìn gần. Loại cây này mới được du nhập vào trồng ở nước ta, những năm gần đây, cũng có nhiều lợi ích tốt; nhưng không thuộc vào các trị liệu nói trên.

Kỹ thuật trồng, nhân giống và chăm sóc

Nhân giống dâm bụt rất dễ. Đợi khi hoa tàn, kích thích tố sinh sản “nhường chỗ” cho kích thích tố sinh trưởng, thúc mô phân sinh phân bào cho lá, rễ mới, dùng kéo cắt những cành bánh tẻ thành từng đoạn dài 25-40cm. Bỏ bớt 2/3-3/4 lá trên cành để hạn chế mất nhựa, thoát nước, giúp cành tươi lâu.

Chấm cành giống vào hỗn hợp bùn đã khuấy kỹ (đuổi các khí độc CH4, PH3, PH4...) và tro bếp hoai mục (tro phải ngâm rửa nước sạch 2 - 3 lần để nhả bớt kiềm) theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, giâm cành vào đất màu ẩm, chôn sâu 1/3 -1/2 chiều dài cành giống. Lấy 4 ngón tay (2 phải, 2 trái) ấn vào 4 góc của đất nền quanh gốc. Lưu ý không nện đất quá chặt, làm rễ cây bị ngạt. Che nắng, mưa cho cây. Sau 3 -5 tuần rễ mới sẽ mọc, cây bắt đầu nảy lộc. Khi cây mọc được 3- 4 lá, đánh tạo bầu ra ngôi.

Giống dâm bụt vàng ưa nắng nhưng nên hạn chế nắng thiêu đốt quá nhiều. Bón phân hữu cơ hoai mục trộn với NPK

Với phẩm chất chắc gốc, bền cành, hoa sai, tươi lâu, dâm bụt vàng có thể trở thành cây cảnh xinh xắn trong công viên hay góc vườn của mỗi gia đình.

Văn chương

"Ngắm bông, bụt động lòng tà
Thấy nghìn phương nắng, thấy xa dặm trường
Ngắm em cười nụ dễ thương
Thấy ta chập chững trên đường vào yêu(HHC)

Đã là Bụt, tất chẳng còn dâm.
Nếu vẫn còn dâm, tất chưa thành Bụt.
Vậy chắc chắn có điều chi không đúng trong cái tên dâm bụt "ác ôn" này .

Đã là Bụt, tất chẳng còn dâm. Nếu vẫn còn dâm, tất chưa thành Bụt. Hay là vì hoa quá đẹp mà bụt bỗng "động lòng tà" như được diễn tả trong bài thơ dưới đây của HHC:

"Ngắm bông, bụt động lòng tà
Thấy nghìn phương nắng, thấy xa dặm trường
Ngắm em cười nụ dễ thương
Thấy ta chập chững trên đường vào yêu
Ngắm mây bảng lảng bóng chiều
Cái ta không thấy còn nhiều hơn mây
Nhớ em từng phút từng giây
Ta khờ, ta ngọng từ ngày có em."

Thi sỹ thì có thể “động lòng tà” nhưng bụt thì nhất định không thể như vậy được. Vậy tại sao lại có cái tên Dâm Bụt “ác ôn” như vậy?

Có người coi Từ Điển, thấy chữ Râm Bụt thì bàn rằng đây là loại cây được trồng để lấy bóng râm, sau phát âm theo lối người Hà Nội, bao nhiêu chữ R đổi thành D hết ráo nên Râm Bụt mới biến thành Dâm Bụt. Sai! Loại cây này ít khi cao quá đầu người, làm sao mà tạo bóng râm được? Có người tin rằng vì hoa được dùng để cúng Phật nên tên đúng là Dâng Bụt, phát âm sai thành Dâm Bụt. Không đúng. Bao nhiêu loại hoa khác được dùng cúng Phật nhiều hơn sao không dành được chữ Dâng.

Cũng có người nói đây là loại cây có thể nhân giống dễ dàng bằng cách “dâm”, cắt cành, trồng xuống đất để tự nó bén rễ thành cây mới. Không đúng! VN ta có cả ngàn loại cây có thể nhân giống dễ dàng bằng cách này, sao không cây nào có tên dâm. Lại còn chữ Bụt ở đây nữa chi? Bụt là Buddha, là Phật. Làm sao giải thích được sự có mặt của chữ Bụt ở đây?

Đành phải cố tìm trong sách vở xem ngày xưa các cụ ta gọi Dâm Bụt là gì. Kể đây cũng là điều khó vì văn chương cổ của mình hầu hết nói chuyện cao sang, ít người viết về những chuyện thực tế, thường ngày. May sao, trong văn chương chữ Nôm, ta gặp bài thơ sau đây Nguyễn Trãi:

Cây Mộc Cận

Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng
Sớm mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không

Bài thơ chỉ có 28 chữ nhưng gợi lên rất nhiều tư tưởng cao siêu Phật Giáo.

“Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng”, ý niệm Phật tức Tâm, Tâm tức Phật.

“Sớm mai nở, chiều hôm rụng” làm ta nghĩ đến cái lẽ vô thường, vạn vật luôn luôn biết đổi.

Đến “Sự lạ cho hay tuyệt sắc không” thì hiển nhiên là ông bàn dến cái lẽ sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Tuy nhiên, chỉ ngắm một bông dâm bụt, cũng không phải chính bông dâm bụt mà chỉ là hình ảnh của hoa chìm đáy nước, mà NT đã “ngộ” được rằng trời và đất, âm và dương, sắc và không, thường và vô thường…, tất cả đều nằm gọn trong hình ảnh một đóa hoa thật khó. Phải có một điều chi khác gần với đạo Phật hơn mới có thể gợi ý cho tác giả suy nghĩ về Phật Giáo. Điều chi đó chính, ngoài đặc tính sớm nở tối tàn của hoa còn là cái tên VN của hoa.

Quả vậy, ta có thể tin được rằng đóa hoa mà ông đang vịnh có chữ Bụt trong tên. Cái gì Bụt thì chưa biết, nhưng phải có chữ Bụt vì "bụt làm làng" là Phật tức Tâm, là Tâm tức Phật. Nhưng đề tựa bài thơ là “Mộc Cận” thì chính đó không phải là tên hoa hay sao? Đúng, mộc cận là tên hoa, nhưng đó chỉ là tên chữ Hán, không phải tên chữ Việt. Từ Điển Hán Việt cho thấy mộc cận chính là cây Dâm Bụt với đặc tính “triêu khai,mộ lạc (sớm nở, tối tàn). Ta có thể kết luận ngay rằng đóa hoa mà NT vịnh có tên chữ Hán là Mộc Cận và tên VN cũng có 2 chữ. Một trong 2 chữ đó là Bụt. Chữ kia, sẽ bàn sau. Cũng trong từ điển chữ Hán, ta thấy Mộc Cận còn có tên khác là Phù Tang, Phật tang 佛桑. Cây có tên này vì lá cây giống lá dâu (tang) và thường hay trồng trong vườn chùa, nơi thờ Phật. Phật tang 佛桑 ta dịch là Dâu Bụt rồi lâu ngày, phát âm sai thành Dâm Bụt.

Kết luận:

Tên đúng của hoa là Dâu Bụt

Từ Phật tang 佛桑, ta dịch qua Dâu Bụt .
Từ Dâu Bụt, ta phát âm sai thành Dâm Bụt .

Ở miền Bắc, với tinh thần thủ cựu, người ta không lấy hoa Dâm Bụt cúng Phật.

Khi những lưu dân miền Bắc & Trung xuôi Nam, đời sống tuy no đủ hơn nhưng mọi thứ đều thiếu thốn, người ta chủ trương bất cứ hoa gì cúng Phật cũng được, miễn là có tấm lòng thành. Nhưng khi cầm bó hoa có cái tên Dâm Bụt kỳ kỳ, khó nghe dâng lên bàn thờ, với bản tính dễ dãi, đơn giản, họ lướt qua rồi bỏ hẳn chữ Dâm, tên hoa đổi thành Bông Bụt (Bụt chữ T ở cuối)

Sau đó, Bông Bụt (với chữ T ở cuối chữ Bụt) từ từ chuyển thành Bông Bụp (với chữ P ở cuối chữ Bụt) Bông Bụp dễ phát âm hơn Bông Bụt chứ chữ Bụp không có nghĩa chi hết. Đây là kết quả của quy luật phát âm thông thường cộng thêm tính tình dễ dãi, đọc sao cũng được miễn người nghe hiểu thì thôi của người miền Nam.

Không tin, bạn cứ thử đọc lớn mấy chữ bông bụt, bông bụp nhiều lần rồi so sánh xem cách nào trơn miệng hơn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.