Đào Uyên Minh là nhà văn học nổi tiếng cổ đại Trung Quốc, ông không những nổi tiếng bởi thơ văn của mình, mà còn nổi tiếng bởi tính cách coi khinh công danh phú quý, không chịu nịnh kẻ quyền thế.
Đào Uyên Minh ra đời vào năm 365 công nguyên, là nhà thơ viết đề tài ruộng vườn sớm nhất Trung Quốc. Trong thời đại Đào Uyên Minh, triều đại thay phiên, xã hội bấp bênh, cuộc sống nhân dân hết sức khốn khổ. Mùa thu năm 405 công nguyên, để kiếm bữa ăn và nuôi gia đình, Đào Uyên Minh làm Tri huyện ở huyện Bành Trách cách quê không xa. Mùa đông năm đó, cấp trên cử một quan chức đến kiểm tra công tác, quan chức này là một người vừa thô tục vừa kiêu căng, mới đến địa giới của huyện Bành Trách, quan chức này đã cử người gọi Tri huyện đến thăm mình.
Sau khi nhận được tin, tuy Đào Uyên Minh rất khinh rẻ những người mượn danh cấp trên chỉ tay năm ngón này, nhưng ông đành phải xuất phát ngay. Không ngờ, thư ký của ông ngăn ông lại và nói: “Ông đi thăm quan này phải hết sức cẩn thận, phải ăn mặc chỉnh tề, thái độ khiêm tốn, nếu không, thì quan này sẽ nói xấu ông với cấp trên.”
Đào Uyên Minh rất ngay thẳng, thanh cao, ông không thể nào nhịn được nữa, ông thở dài và nói: “Thà chết đói, tôi cũng không thể khom lưng trước một người xấu như vậy vì bổng lộc 5 đấu gạo.” Ông lập tức viết một bức thư từ chức, rời khỏi chức Tri huyện mà ông chỉ làm hơn 80 ngày, từ đó ông không bao giờ ra làm quan nữa.
Sau khi từ chức Tri huyện, Đào Uyên Minh khai hoang làm ruộng ở quê mình, sống cuộc sống ruộng vườn tự túc. Trong cuộc sống ruộng vườn, ông đã tìm được nơi chốn của mình, và viết nhiều bài thơ điền viên rất hay. Ông viết cái ung dung tự đắc của cuộc sống người nông thôn như sau: “Noãn noãn viễn nhân thôn, y y khư lý yên”; ông viết cảm thụ lao động của mình như sau: “Thái cục đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn”; ông cũng viết nỗi đau khổ của người nông dân như sau: “Chủng đậu nam sơn hạ, thảo thịnh đậu miêu hy”, “Bất ngôn xuân tác khổ, thường khủng phụ sở hoài”.
Nhưng, cuộc sống ruộng vườn tuy tốt đẹp, nhưng cũng gian nan, không lao động thì không có thu hoạch; nếu gặp phải thiên tai nhân họa, thì dù lao động cật lực cũng không có thu hoạch gì cả. Về tuổi già, Đào Uyên Minh sống trong hoàn cảnh khốn khổ, nhất là sau khi một cuộc hoả hoạn thiêu hủy mọi của cải trong nhà, cuộc sống của cả gia đình ông ngày càng khó khăn. Năm 63 tuổi, Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh ốm nghèo.
Thành tựu lớn nhất của Đào Uyên Minh là lấy thể nghiệm của mình làm cơ sở, sáng tác nhiều bài thơ với đề tài làm ruộng và cuộc sống ruộng vườn bằng tài hoa thơ xuất sắc của mình. Các thứ bình thường như cây dâu, gai, gà, chó v.v. một khi được ông viết vào bài thơ, thì cái gì cũng sinh động; và những câu thơ mang tình cảnh thân thiết với tự nhiên luôn khêu gợi lòng hướng về tự nhiên của mọi người.
Ngoài thơ ra, Đào Uyên Minh còn để lại nhiều bài văn xuôi hay cho người đời sau, trong đó bài “Đào Hoa Nguyên Thơ và Ký” nổi tiếng nhất. Trong tác phẩm này, tác giả đã miêu tả một xã hội không tưởng, ở đó không có phiến loạn, không có triều đại thay phiên, không có quốc gia và quân thần, không có sưu dịch thuế khóa, nhân dân sống cuộc sống hạnh phúc, sung túc, không tranh giành với ai. Lời văn tuyệt đẹp của tác giả làm cho bài văn này sản sinh sức cuốn hút vĩnh cửu, cho nên nhân dân đời sau luôn gọi xã hội không tưởng này là “Đào Hoa Nguyên”.
Trong quan trường thiếu đi một viên quan lại, nhưng trong giới văn học được thêm một nhà văn. Câu chuyện Đào Uyên Minh “không khom lưng trước 5 đấu gạo”, trở thành câu miêu tả về tính cách ngay thẳng, không chịu nịnh kẻ quyền thế của trí thức Trung Quốc. Trong cuộc sống ngày thường, nếu một người không bằng lòng hy sinh khí tiết của mình đi đổi lấy lợi ích vật chất nào đó, cũng thường nói “không khom lưng trước 5 đấu gạo”.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.