Từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 5 trước công nguyên, Trung Quốc ở vào thời đại chiến quốc. Trong thời gian này có mấy chục nước chư hầu, muốn tồn tại, thì việc các nước chư hầu thi hành chính sách đối nội và đối ngoại đúng đắn hữu hiệu là một việc hết sức quan trọng, bởi vậy đã hình thành một tầng lớp mưu sĩ chuyên bày mưu đặt kế cho chư hầu. Các mưu sĩ này có tư tưởng triết học và biện pháp quản lý đất nước của riêng mình, nhất là giỏi về lấy ví dụ sâu sắc sinh động để can gián người cầm quyền, khiến người cầm quyền không những không tức giận, mà còn vui lòng chấp nhận.
Câu chuyện “Bỗng chốc nổi tiếng” là nói về mưu sĩ Thuần Vu Côn can gián nhà vua.
Tề Uy Vương là nhà vua kế vị không lâu của nước Tề. Khi là thái tử, Tề Uy Vương là một thanh niên rất có tài năng, không những chăm chỉ học tập kiến thức văn võ, mà dốc nhiều sức lực học tập mưu lược quản lý quốc gia, mong mình có thể xây dựng quốc gia thành một nước lớn sau khi kế vị. Nhưng sau khi kế vị, Tề Uy Vương phát hiện nhà vua có quyền uy và các thứ hưởng lạc lớn hơn nhiều so với thái tử. Buổi chầu hàng ngày, đại thần ủng hộ, sau khi về tới nhà còn có thức ăn, rượu ngon và mỹ nữ, dần dần, chí lớn được lập lúc làm thái tử giảm thiểu.
Hai năm trôi qua, Tề Uy Vương ngày càng say đắm trong rượu ngon và sắc đẹp, hàng ngày chỉ uống rượu và đi săn bắn, giao mọi việc đứng đắn cho đại thần đi làm. Cho nên, chính trị không đi vào nền nếp, quan lại bắt đầu tham nhũng, xao lãng bổn phận, quốc lực ngày càng yếu đuối, các nước xung quanh đều hòng nhân dịp này xâm phạm nước Tề, quan lại ngay thẳng và nhân dân hết sức lo lắng, nhưng lại không dám can gián Tề Uy Vương, sợ bị quở mắng và phạt tội.
Có một mưu sĩ tên là Thuần Vu Côn, khẩu tài rất tốt, nói năng khéo léo, thường dùng một số ẩn ngữ thú vị để biện luận với người khác. Thuần Vu Côn biết Tề Uy Vương cũng rất thích nói ẩn ngữ để thể hiện trí tuệ của mình, nên Thuần Vu Côn quyết định tìm một cơ hội để can gián Tề Uy Vương.
Một hôm, khi gặp Tề Uy Vương, Thuần Vu Côn nói rằng: “Thưa bệ hạ, thần có một câu đố, xin bệ hạ đoán thử.” Tề Uy Vương bèn hỏi: “Câu đố gì?”
Thuần Vu Côn nói: “Ở một nước có một loại chim lớn, sống ở cung đình ròng rã ba năm, nhưng nó vừa không tung cánh bay lượn, vừa không ra tiếng kêu, chỉ co quắp không có mục đích nào, thần xin bệ hạ đoán chim này là chim gì?”
Tề Uy Vương biết Thuần Vu Côn châm biếm mình là nhà vua một nước, lại không làm nên gì. Nhưng nên trả lời cái gọi là câu đố của Thuần Vu Côn như thế nào nhỉ?
Nghĩ khá lâu, Tề Uy Vương trả lời Thuần Vu Côn rằng: “Nhà ngươi không biết gì cả, chim lớn này không bay thì thôi, nếu bay thì sẽ lên tới trời cao, nó không kêu thì thôi, nếu kêu thì chắc sẽ chấn động mọi người. Nhà ngươi cứ chờ đợi mà xem.”
Từ đó về sau, Tề Uy Vương đóng cửa suy nghĩ những điều sai lầm của mình, quyết định ăn năn hối lỗi, phấn chấn tinh thần, làm nên những việc lớn. Tề Uy Vương trước tiên chỉnh đốn chính trị nhà nước, triệu gặp quan lại toàn quốc, khen thưởng những quan lại tận tụy với công tác, trừng phạt nghiêm ngặt những quan lại tham nhũng và không có tài năng, rồi chỉnh đốn quân sự, tăng cường lực lượng quân đội. Nước Tề thay đổi bộ mặt hoàn toàn một cách nhanh chóng, và tràn đầy sức sống bừng bừng. Được biết tin này, những nước hòng xâm lược nước Tề đều lấy làm ngạc nhiên, nói Tề Uy Vương thật giống một chim lớn, “Không kêu thì thôi, kêu thì chấn động mọi người.”
Sau đó, “Bỗng chốc nổi tiếng” trở thành một câu thành ngữ, ví một người có tài năng khác thường, miễn là vận dụng tốt, một khi phát huy, thì sẽ làm nên những việc chấn động mọi người.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.