Type Here to Get Search Results !

Của cho không bằng cách cho

Thương mà cho, ghét mà rút lấy lại thì thường tình xưa nay của người đời. 

Cho đi, lấy lại! Hai chữ ấy chỉ là của một người mà hình thức cho và tính cách khác nhau muôn trùng và ảnh hưởng của nó lại trái ngược, mâu thuẫn nhau không thể nói hết được.

"Cho đi" là vì yêu thương, cảm mến và sẽ gây nhiều thiện cảm.

"Rút lại, lấy lại", là vì đã mất hết yêu thương mà sẽ còn gây ác cảm tựa như một cái hố sâu chứa đựng oán thù và khinh ghét.

Cho nên, người thấu hiểu tình đời, cảm thông lòng người...rất thận trọng trong việc cho và nhận của cho.

Sở Thành Vương có con trưởng là Thương Thần.

Vì muốn lập Thương Thần làm thế tử, Sở Thành Vương hỏi ý kiến quan Đại phu là Đấu Bột.

Đấu Bột thưa:

- Tục lệ nước Sở xưa nay thì lập con thứ mà không lập con trưởng. Vả lại xem tướng mạo Thương Thần, mắt như mắt cú, tiếng nói như heo, tôi biết chắc là người có tính tàn nhẫn. Nay Đại vương mà lập, ngày khác lại ghét mà phế truất không tránh được loạn.

Sở Thành Vương không cho là phải nên không nghe và lập Thương Thần lên ngôi Thế Tử.

Thương Thần hay chuyện ấy mà căm hận Đấu Bột thấu xương.

Đấu Bột được lện mang quân đánh Tấn giải vây cứu nước Sái.

Quân hai bên chưa giao chiến thì binh Tấn lại rút về nước. Buộc lòng, Đấu Bột phải đem quân về.

Thương Thần gièm với cha là Đấu Bột ăn lễ của nước Tấn nên rút quân mà không đánh.

Sở Thành Vương nghe lời. Khi Đấu Bột về không cho vào yết kiến, đem lời trách mắng và đưa cho thanh kiếm, Đấu Bột tức mình không giãi tỏ được nỗi oan uổng, phải đâm họng mà thác.

Sau có người bề tôi là Thành Đại Tâm vào lạy kêu oan và thuật lại mọi chuyện. Bấy giờ Sở Thành Vương biết mà hối hận thì đã muộn.

Từ lúc ấy, Sở Thành Vương không còn tín nhiệm Thế Tử mà có ý muốn truất phế để lập người con thứ hai là Chức, nhưng chưa dám vì sợ Thương Thần làm loạn.

Thương Thần biết được ý cha, bèn bàn luận với quan Thái phó là Phan Sùng. Đêm hôm ấy hai người tụ tập quân sĩ bao vây cung của Sở Thành Vương. Nội thị cả sợ chạy toán loạn, Phan Sùng hồng hộc cầm đao hiên ngang đi vào. 

Sở Thành Vương hỏi: - Nhà người vào có việc gì?

Phan Sùng đáp: 
- Đại vương làm vua đã 46 năm rồi, tưởng cũng nên thôi đi thì hơn. Nay trong nước đều mong được vua mới, xin Đại vương truyền ngôi lại cho Thế Tử.

Sở Thành Vương tái mặt, hoảng sợ nói:
- Ta bằng lòng nhường ngôi, nhưng chẳng biết các người có để cho ta sống hay không?

Phan Sùng cười khinh miệt và nói:
- Trời không hai mặt, đất sao lại có hai vua? Đại vương đã già, kinh nghiệm đã nhiều, sao còn lẩn thẩn chưa rõ việc đời vậy?

Sở Thành Vương Van xin:
- Ta vừa bảo người nhà bếp nấu món chân Gấu. Nhà ngươi đợi chín cho ta ăn một miếng rồi chết ta cũng cam lòng.

Phan Sùng không nghe, cởi dây lưng ném trước mặt Sở Thành Vương.

Sở Thành Vương ngước mặt lên trời kêu:
- "Đấu Bột thật giỏi, Đấu Bột thật giỏi! Ta không nghe lời Đấu Bột, nay phải tai vạ thế này...". Nói xong cầm dây lưng buộc vào cổ...!

Thương Thần lên ngôi tức là Sở Mục Vương liền phong Phan Sùng làm tướng quốc và giao cho quyền chính trong nước.

Sở Mục Vương sai Đấu Bàn là con Đấu Bột đem quân đi giết em là Công Tử Chức. Bàn không chịu đi, Sở Mục Vương cầm cái dùi đồng đánh bể óc chết.

Công tử Chức sợ hãi, chạy trốn sang nước Tấn. Sở Mục Vương cho Đấu Việt Tiêu đem quân rượt theo và giết Công tử Chức ở ngoài cõi.

Qua câu chuyện ta mới thấy được cái hay cái dở của việc Cho và Nhận - Cho và Lấy lại. Người chỉ biết cho mà không biết lấy lại. Họ là vì thương yêu giúp đỡ mà cho, cho một cách vô tư, không cần biết người nhận sẽ cư xử với mình ra sao và sử dụng của cho như thế nào. Do đó, "ghét mà rút lại" là không thành vấn đề với người đã cho, hay nói đúng hơn là một chuyện không thể có được vì người cho luôn tha thứ, không hề ghét mà cho.

Thế nên, khi nhận một sự vật gì, cần phải có thái độ đúng đắn là đắn đo, phân vân, xem xét từng khía cạnh của tặng vật và cách nào trên quan điểm "phi nghĩa bất giao, phi nghĩa bất thủ, phi lễ bất chính, phi lễ bất thị,...". Một khi không nhận nhưng khi đã nhận thì luôn một mực trung nghĩa giữ gìn, bồi đắp, vun vén, dầu phải chết cũng không bỏ rơi hay xem thường được.

Thương mà cho, cho một cách không đắn đo, xét nét cân - phân như vua Sở Thành Vương, cho để rồi khi không vừa lòng, bất mãn mà rút lấy lại, là tự mình gây đổ nát trong tình cốt nhục và rước hoạ vào thân. Truyện xưa nhưng ngày nay cái kiểu như thế cũng chẳng ít.

Làm con như Thương Thần kể ra ở trần gian này thật là hiếm có. Kẻ nào không con để nối dõi tông đường nên cảm thấy bất hiếu với tổ tiên mà không nên có người con như Thương Thần.

Lấy đó mà suy, động cơ chính thúc đẩy hành động bạo tàn của Thương Thần là quyền hành và tiền của. Do đó mà ta nhận thấy rằng phần nhiều sự gian xảo, tàn nhẫn, sát nhân, bại tục thường nảy sinh trong giới tư bản hay xã hội phong kiến xưa.

Tóm lại, "Của cho không bằng cách cho", hay ta đổi lại cách nói, " Cho đi để rồi phải lấy lại" là một việc chẳng dễ chút nào. Có chăng là phụ thuộc vào "người cho, cách cho và người nhận".
http://www.youtube.com/watch?v=yWfsE5Suwts
VUI LÒNG BẤM F5 NẾU BẠN KHÔNG XEM ĐƯỢC VIDEO.
Nếu f5 đến lần thứ 2 mà vẫn không xem được thì vui lòng comment báo hỏng để chúng tôi xử lý kịp thời.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Vậy nên trước khi cho phải suy xét kỹ lưỡng !
    Và trước khi nhận phải nghĩ rằng mình có xứng đáng hay không ? nhận để làm gì ? có phù hợp không ? có phát huy tốt khi nhận được món quà đó ?
    Điều này mình rất thấu !
    Cảm ơn bạn thân yêu Pon Ali !

    Trả lờiXóa