Có thể nói rằng cuộc đời có 4 chữ T “quan trọng”: Tình, Tiền, Tội, Tù. Xét cho cùng thì chúng có “liên lụy” với nhau. Vì Tình mà cần Tiền, có Tiền mới có Tình – như người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Cũng vì Tình và Tiền mà người ta phạm Tội, do đó mà phải ngồi bóc lịch trong nhà Tù.
Ở đây không nói tới Tội và Tù, mà chỉ nói tới Tình và Tiền. Hai chữ T này hầu như ai cũng “dính”, không T này thì T kia, hoặc cả hai. Chắc chắn hôn nhân “dính” cả Tình và Tiền.
Người ta vẫn nói vui mà… thật: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật lò xo, là nỗi lo tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân,…”. Câu vè bình dân mà nghe cũng “đã” cái lỗ tai đó chứ! Việt ngữ thường có chữ “đệm” hoặc “láy” phía sau. Ví dụ: Xanh lè, đen thui, rượu chè,… Và chữ Tiền cũng thường dùng theo dạng danh từ kép là “tiền tệ”, hoặc “tiền bạc”. Chữ “tệ” hay “bạc”" ở đây cũng có nghĩa là tiền, nhưng có thể mang nghĩa xấu theo cách bình dân là “tệ hại” hoặc “bạc bẽo”. Tiền nó “tệ” và “bạc” lắm. Chí lý thật!
John Kenneth Galbraith nói: “Tiền bạc là điều đơn giản. Nó ngang hàng với tình yêu như niềm vui lớn nhất của con người, và nó ngang hàng với sự chết như nỗi lo lớn nhất của con người”. Thật vậy, tiền bạc vừa quan yếu vừa tầm thường, như ngạn ngữ Pháp có câu: “Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu” (L’argent est un servant bon, mais un maitre mal).
Thật ra tiền bạc chỉ là những tờ giấy ghi những con số theo quy ước của con người, nên giá trị cũng cao hay thấp tùy đơn vị được ghi và tùy loại tiền (Bảng Anh, USD, Yen, Yuan, Mark,…). Thế nhưng nó có mãnh lực hầu như bất khả kháng. Chiến tranh xảy ra, bất công xã hội, đàn áp, bóc lột, lừa đảo, tội phạm… cũng vì nó. Các mối quan hệ rạn nứt cũng vì nó. Ngay cả trong tình yêu, hôn nhân và gia đình cũng khó tránh khỏi tầm kiểm soát của nó. Ai gọi nó là tiền bạc thật chí lý. Tiền nó “bạc” lắm!
Tiền bạc rất cần để sinh sống, nhưng chỉ nên coi nó là phương tiện chứ đừng bao giờ coi nó là cứu cánh hoặc mục đích. Hẳn ai cũng khả dĩ chân nhận rằng “tiền bạc không thể tạo nên hạnh phúc nhưng có thể góp phần vào hạnh phúc”. Có thể hình ảnh “một túp lều tranh với hai trái tim vàng” không còn thích hợp với thời đại ngày nay, nhưng thiết nghĩ hình ảnh đó vẫn khả dĩ lý tưởng về phương diện tinh thần – nghĩa là nên xét theo nghĩa bóng hơn là nghĩa đen. Đừng lý tưởng hóa mà cũng đừng thực tế hóa.
Tiền bạc có ma lực mạnh đến nỗi người ta có thể “sẵn sàng” đổi thay tất cả: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Do đó, sóng gió gia đình vẫn xảy ra, không rõ ràng cũng ngấm ngầm, tạo ra các mâu thuẫn và bất hòa. Các nhà tâm lý đưa ra một số giải pháp giúp các vợ chồng khả dĩ hạn chế mức tranh chấp về tiền bạc, và nhờ đó mà khả dĩ bảo vệ hạnh phúc.
Tâm lý gia R. Nadel, thuộc Đại học Carolina (Hoa Kỳ), nói: “Nam giới thường xem mức lương là thước đo của sự thành công trong cuộc sống, còn nữ giới lại coi đó là sự thành đạt nhất thời trong nghề nghiệp”. Các chuyên gia cũng công nhận rằng nữ giới ít khi tin tưởng khả năng kiếm tiền như nam giới, nhưng khi có gia đình thì số tiền kiếm được của nữ giới lại ảnh hưởng các quyết định của họ trong cuộc sống. Nghĩa là nữ giới dễ tự phụ hơn nam giới khi họ kiếm được nhiều tiền hơn chồng.
Trong cuốn “Problems about Family and Money” (Các vấn nạn về gia đình và tiền bạc), tác giả Victoria Felton Collins khuyên: “Vợ hoặc chồng có thu nhập cao hơn thì thường giành quyền quyết định trong gia đình. Đã là vợ chồng, tốt nhất là nên bình đẳng, đừng câu nệ vào việc kiếm được ít hay nhiều tiền của nhau”. Người Việt cũng có câu: “Của chồng, công vợ”.
Hôn nhân cần phải có tình yêu, mà tình yêu thì vừa lãng mạn vừa cao thượng, vừa phàm tục vừa lý tưởng, vừa thực tế vừa trừu tượng. Vì thế, hôn nhân cũng không thể thoát “tầm kiểm soát” của tiền bạc.
Cả hai vợ chồng đều cần hiểu biết để đừng vì vấn đề tiền bạc mà hạnh phúc hôn nhân bị rạn nứt.
Tác giả Trầm Thiên Thu
Phần lớn là đồng tiền quyết định hết mọi việc ...trừ phi ...
Trả lờiXóaTiền bạc là một phương tiện trong đời sống, nhưng với mỗi người thì Tiền có thể là ông chủ song cũng có thể là nô lệ. Xét lại trong lịch sử tồn tại của loài người, từ khi có tiền tệ lưu thông thì xã hội ngày càng phức tạp hơn, trong đó cá thể mỗi người cũng bị cuốn theo dòng xoáy đó.
Trả lờiXóaSuy cho cùng, Tiền vẫn là một phương tiện. Khi cuộc sống của ta bị chi phối quá nhiều bởi chuyện tiền bạc thì đó là điều đáng lo ngại.