Phi con,
Một trong những tác giả Thánh Kinh thuở xưa đã cho rằng Đức Chúa Trời cũng giống như một người kia cầm đèn đi kiếm một dân tộc để Ngài xây dựng vương quốc của Ngài trên đó. Cha mong rằng nếu gặp Mai và con, Ngài sẽ nói: “Ta đã đi tìm hai con lâu lắm rồi”.
Xét qua lịch sử của các quốc gia trên thế giới, chúng ta thấy rằng không một nền văn minh nào tồn tại mãi mãi cả. Tất cả đều qua đi. Những gì còn lại chỉ là xương trắng và đổ nát mà thôi. Các dân tộc ấy tưởng rằng họ sẽ vững bền muôn kiếp, nhưng họ đã lầm.
Vậy thì có giống dân nào được Chúa chọn để xây dựng vương quốc của Ngài không? Nếu có thì bằng cách nào? Có phải trông đợi sự may mắn chăng? Hay là sức mạnh của riêng mình? Vấn đề bây giờ là hy vọng của chúng ta ở đâu. Hi vọng ấy có nằm trong những hội thánh thành tâm, ngay thẳng và hợp thời đại không? Hay là trong những ngôi trường tân tiến, trong cách tổ chức chính quyền hữu hiệu? Vương quốc ấy có thể đến khi nền kinh tế của nước ta quân bình trở lại chăng? Hay là phải đợi đến khi không còn nạn nghèo đói, thất học, chiến tranh? Hay tới lúc nền kỹ thuật đã phát triển tột cùng khi người ta đã liên lạc được với những hành tinh khác?
Những giả thuyết trên có thể được coi là đúng một phần nào đó. Nhưng cha tin chắc chắn rằng khi đời sống con người đạt đến trình độ cao nhất, nguồn sức mạnh cao cả của con người sẽ phát xuất từ gia đình. Cha cũng tin chắc rằng Nước Chúa sẽ đến khi mọi gia đình đã tiến tới một sự hòa hợp toàn hảo và các con trai, con gái của Chúa chung sống với nhau trong tình yêu cao cả, mặn nồng.
Thực vậy, gia đình là chốn ảnh hưởng mạnh nhất trên chúng ta. Suốt cuộc đời chúng ta sống nhiều nhất với gia đình, nơi đó chúng ta có những mối liên lạc thắm thiết nhất, tạo ra những thói quen, phát triển những tình cảm thông thường và tập quyết định lần thứ nhất. Chẳng vậy mà có thi sĩ đã bảo gia đình là nơi tạo ra định mạng con người.
Cha muốn con biết rằng nếu con làm cho cuộc sống chung giữa Mai và con được hạnh phúc, kết quả tốt ấy sẽ được tiếp tục mãi mãi. Nhưng nghiên cứu các cuộc hôn nhân ngày nay, người ta thấy nhiều sự nứt rạn lẽ ra chẳng nên có.
Tại sao như vậy? Tất cả những đôi vợ chồng đứng trước Hội thánh đều mong sẽ sống hòa hợp, hạnh phúc cùng nhau mãi mãi. Khi hứa yêu thương nhau trọn đời, họ thực sự nghĩ như thế. Nhưng sau tuần trăng mật, họ quay về với cuộc sống bình thường đầy dẫy khó khăn, nhàm chán. Họ đụng chạm thực tế phũ phàng: chuyện tiền bạc, công ăn việc làm, thuốc men, gạo, dầu lửa, đi chợ, nấu cơm, rửa chén… cùng vô số những cái vặt vãnh khác nữa, chỉ làm cho họ thêm bực bội. Họ đâm ra trách móc lẫn nhau, rồi gây gỗ, nói nặng nhau.
Còn đâu những lời êm ái thuở ban đầu! Bây giờ chỉ còn những câu như: “Tại sao tôi phải chịu vất vả một mình mãi làm gì?” hay “Lần nầy đến lượt cô ấy phải xin lỗi tôi. Tôi nhịn nhục cô ấy nhiều rồi!”
Càng ngày, nền tảng gia đình ấy càng lung lay, cho đến một ngày kia, nàng hoặc chàng hoặc cả hai sẽ phải đi nhờ người giúp họ giải quyết sự rạn nứt đó. Một số vị Mục sư đang làm công việc hàn gắn đó như cha đang làm đây. Các vị ấy và cha đang được nghe những lời ghê gớm không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn như những câu sau đây:
“Anh ấy câm như hến suốt ngày!”… “Cô ấy không bao giờ chịu ngậm miệng lại!”… “Gia đình anh ấy có bao giờ đến thăm chúng tôi đâu!”… “Anh ấy say sưa hoài!”… “Bố mẹ, anh em cô ta cứ đến ở lì trong nhà chúng tôi!”… “Cô ấy tham ăn lắm!”… “Anh ấy thật hung bạo!”… “Anh ấy tưởng lúc nào tôi cũng có ý khiêu gợi tình dục hết!”… “Mỗi lần tôi muốn, cô ta lại viện cớ này, cớ kia để từ chối!”… “Anh ta cần đi khám bác sĩ thần kinh!”… “Cô ta chắc sắp phát khùng rồi”… và còn vô số những câu khác viết cả giờ cũng chưa hết. Cha thấy nhiểu khi họ cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt đáng buồn cười lắm. Có khi vì những cái chẳng ra đâu vào đâu cả. Đối với những chuyện tầm thường đó, việc giải quyết tương đối đơn giản. Nhưng cũng có những vụ mà hai người đã đi quá xa, bây giờ chỉ còn có nước ngồi khóc thôi, vì khoảng cách giữa họ chẳng thể nào lấp đầy được nữa!
Do đó, cha định là cha sẽ làm như sau: Vì cha thường được mời cử hành hôn lễ cho những đôi vợ chồng tại nhà thờ nên cha biết rằng nhiều người muốn làm đám cưới tại nhà thờ lớn, đẹp, chỉ vì họ thích phô trương. Bởi vậy, kể từ nay, mỗi lần sắp cử hành hôn lễ cho bất cứ ai, cha đều nói với họ:
“Nếu Chúa không xây nhà thì người thợ xây cũng chỉ làm việc luống công thôi!” Ngày mai các bạn sẽ nghe câu nầy: “Hỡi anh chị em yêu dấu, chúng ta họp nhau lại đây để chứng kiến buổi lễ kết hợp hai bạn trẻ nầy trong sự hiện diện của Chúa. Chính Ngài đã thiết lập lễ hôn phối để kết hợp người nam và người nữ này trong một mối liên lạc thánh khiết”… Đừng bao giờ quên câu ấy! Buổi lễ hôn phối không phải là làm để cho vui, để cho nhiều người thấy sự sang trọng của các bạn. Cũng chẳng phải điều bắt buộc phải có trước khi mọi người dẫn nhau đến nhà hàng để ăn uống đâu. Các bạn phải nhớ rằng buổi lễ ấy nhằm đánh dấu sự thiết lập một gia đình mới, trong đó Chúa có thể hoàn tất mục đích và thi hành chương trình của Ngài.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều người nói: “Việc gì đến ông ta mà bày đặt khó khăn như vậy?” Nhưng cha muốn họ biết rằng cha làm thế chỉ vì cha đã chứng kiến quá nhiều sự rạn nứt thương đau gây ra vì hai người không có một quan niệm đứng đắn về hôn nhân.
Như đã nói: cha tin rằng khi hứa nguyện: “Chỉ có sự chết mới phân rẽ được chúng tôi!” họ đã thực sự nghĩ như vậy. Nhưng rồi một thời gian sau, cũng chính họ kết tội nhau, dùng mọi lý luận để kết tội nhau, dùng mọi lý luận đòi xa nhau cho bằng được.
“Bây giờ tôi chẳng cần gì nữa”… “Tôi coi mình đã chết rồi!”… Cha hỏi lại họ: “Nhưng mấy tháng trước, bạn hứa là sẽ yêu thương người kia mãi mãi kia mà?”… “Vâng, đúng thế! Nhưng hồi đó tôi còn dại dột quá!”… “Tôi đâu có dè cớ sự lại tệ hại đến như vậy!”… “Hết rồi! Chẳng ai có thể khiến chúng tôi trở lại được đâu!” Thực vậy. Không ai có thể giải quyết dùm họ được. Bởi vì họ chỉ trông cậy nơi sức người mà không biết đem vấn đề ấy trình bày cho Chúa.
Do đó cha đã dành nhiều thì giờ để nói với những cặp vợ chồng sắp cưới về sự cầu nguyện. Theo ý cha điều quan trọng nhất là những người đó cẩn biết là Chúa đã tạo nên họ và đem họ đến với nhau để mang lại một cái gì quí nhất cho Ngài. Cha cũng muốn họ phải tự hỏi mình câu nầy: “Tôi có bằng lòng để Chúa Thánh Linh của Ngài mỗi ngày đổ xuống trên tôi tình yêu của Ngài chăng?”
Thực thế, cha chưa từng thấy một cặp vợ chồng nào thành tâm khẩn nguyện cùng nhau mà lại không đạt đến một trình độ thông cảm sâu xa, một niềm vui thỏa bên trong, và một tình yêu thương tràn đầy.
Đời sống hiện nay đòi hỏi chúng ta vất vả bon chen, vội vã từng phút. Nhưng vẫn có những đôi vợ chồng sống êm đềm được bên nhau với một niềm an lạc trong tâm hồn. Nhờ đâu họ được như thế? Nếu con có hỏi họ, họ sẽ cho con biết rằng họ chẳng cần gì hết, những điều hạnh phúc, bình an ấy là do Đấng Toàn Năng ban cho họ.
Gia đình con cũng sẽ nhận được sự bình an, hi vọng và yêu thương từ nơi Thiên Chúa nếu hai con biết cùng nhau thưa chuyện với Ngài mỗi ngày.
Thỉnh thoảng hai con nên nắm tay nhau chuyện trò về những điều hai con sắp sửa cầu xin. Rồi hai con sẽ cúi đầu cầu nguyện, hoặc thành tiếng, hoặc nói thầm trong lòng. Hãy dùng đức tin cùng sự hiểu biết đơn sơ để thưa chuyện với Ngài. Những khi quá bận rộn, hai con chỉ cần thưa chuyện cùng Ngài một vài phút thôi cũng được.
Đây là một điều luật cho những cặp vợ chồng: “Chúng tôi nhất định sẽ cầu nguyện cùng nhau và cho nhau. Mỗi ngày chúng tôi sẽ đều cầu nguyện, và càng bận rộn công việc thì chúng tôi lại nhớ cầu nguyện nhiều hơn!”
Dĩ nhiên cũng có những gia đình chẳng bao giờ cầu nguyện mà vẫn chung sống được với nhau. Nhưng cha luôn luôn nghĩ rằng chúng ta cần những gia đình trong đó hai người được mang đến gần nhau bởi một tình yêu thánh thiện, cao cả gấp ngàn lần tình yêu của chính họ.
Cha cầu chúc hai con thật nhiều may mắn, hạnh phúc hòa thuận bên nhau. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong cho con cái mình được như vậy. Riêng cha, cha còn muốn hai con cố gắng cầu nguyện luôn và mở lòng ra cho tình yêu thiên thượng tràn ngập trong tâm hồn lẫn đời sống hai con.
Thực vậy, không bao giờ Chúa thôi yêu thương chúng ta. Ngài luôn luôn đứng ngoài cửa lòng chúng ta để gõ. Và chờ đợi, mong chúng ta mở cửa rước Ngài vào. Bất cứ đôi vợ chồng nào cũng phải nhớ điều đó. Hễ chúng ta mở lòng ra khẩn nguyện, Ngài sẽ ngự vào đổ phước tràn trề và mang tình yêu hạ giới của chúng ta hòa hợp với tình yêu thánh thiện của Ngài.
Thật không có tình yêu nào trên đất nầy sánh kịp tình yêu ấy.
Cha vẫn cầu nguyện cho con,
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.