Type Here to Get Search Results !

Tâm sự một loài cỏ

Sau một giấc ngủ dài dưới làn vỏ cứng, bỗng đâu nó choàng mở mắt thấy mình đã trở thành một chồi non chắc khoẻ. Nó “liếc con mắt bên phải, đưa con mắt bên trái” thấy có rất nhiều những chồi non khác cũng thức giấc như nó, nhưng nhìn chúng sao có vẻ nhỏ bé và yếu ớt đến thế. Có điều, chúng đều giống nhau, chỉ có nó hình như chẳng giống ai cả.

Nhưng chuyện đó có hề gì đâu, nó chỉ biết rằng, nó đã chui ra khỏi những cánh vỏ khô cứng, nó trở thành một chồi cỏ, mạnh khoẻ và sẵn sàng để tiếp nhận một cuộc sống mới, đương đầu với những thách đố mới. Cái gì đối với nó giờ đây cũng lạ lẫm, nhưng nó chẳng thể hỏi ai, vì lẽ không thể hỏi những đứa bạn đồng trang lứa với nó, những đứa với dáng vẻ ốm yếu hơn nó thì liệu có thể biết được gì nhiều. Nó coi thường hết mọi đứa ấy và nó cho rằng chẳng đứa nào xứng đáng làm bạn với nó.

Theo thời gian, nó lớn dần lên. Nhưng càng lớn, nó càng nhận ra sự khác biệt giữa nó và những đứa bạn đang đứng chung quanh. Nó vốn dĩ từ khi đâm chồi đã cao hơn chúng bạn một cái đầu, thì sau vài ngày đã cao lớn gấp đôi chúng bạn. Nó có cảm tưởng chiều cao của nó được tính theo cấp số nhân, chứ không chỉ theo cấp số cộng như những đứa bên cạnh. Chiều cao đã thế, riêng hình dáng của nó cũng chẳng giống ai. Những bạn cỏ chung quanh nó đều có những lông tơ li ti, mềm mại, chứ không to và cứng như nó. Chẳng vậy mà có lần, nó nghe lóm được người ta gọi tên nó là cỏ lông. Cũng đúng thôi, vì lông hình như là đặc trưng của nó, là vũ khí của nó. Nếu như có ai cả gan chọc giận nó, nó sẽ không ngần ngại lợi dụng uy thế của chiều cao khác thường lẫn sự to khoẻ cứng rắn và đầy lông lá của thân mình, để trị tội những kẻ láo xược. Chỉ cần nó vươn ra ngả mình là có thể đè bẹp đối phương, thêm vào hàng lông cứng giương lên sẽ làm kẻ thù vô cùng đau đớn. Chẳng vậy mà khắp cánh đồng cỏ, ai cũng khiếp sợ nó. Cùng với những vũ khí lợi hại sẵn có ấy là tính khí thất thường của nó khiến ai cũng xa tránh đến độ dửng dưng trước sự có mặt của nó.

Ban đầu, lòng kiêu hãnh về mình khiến nó không nhìn thấy sự xa cách của chúng bạn. Nhưng dần dần, nó nhận ra sự cô độc của mình, nhận ra rằng không ai thích nó, không ai muốn làm bạn với nó. Từ đó, nó mới thấy những cái mà nó thường tự hào, thường cho là có giá hơn đồng loại ấy không phải là tất cả, mà điều quan trọng, và cần thiết hơn chính là tình liên đới với nhau. Nó muốn thay đổi, nó muốn kết bạn, nó lân la làm quen với những loài cỏ chung quanh. Với sự khéo ăn khéo nói bẩm sinh, chẳng khó gì để mà có bạn. Những người bạn chung quanh bắt đầu trò chuyện với nó, vì lẽ chúng cũng thương hại cây cỏ lạc loài, không giống ai ấy…

Thế nhưng, chứng nào tật nấy – bản tính kiêu hãnh, khinh người lại bùng chỗi dậy, nên khi thấy chúng bạn chịu làm quen với nó cách dễ dàng, nó lại tưởng rằng đó là nhờ tài lanh của nó, tưởng ai cũng sẵn sàng làm bạn với nó vì nể trọng nó, ai cũng thích nó vì dáng vẻ uy nghi thiên phú của nó… và nó lại tỏ thái độ coi thường chúng bạn, không thèm trân trọng tình bạn mới chớm. Thậm chí, nó còn đem tình bạn chân thật ra làm trò đùa, đưa những khiếm khuyết của chúng bạn mà nó vừa khám phá được để trêu chọc. Nó dè bỉu loại cỏ này, chê bai loài kia bằng những lời châm biếm khiếm nhã khiến chúng bạn nổi giận và quyết định tẩy chay nó. Ai cũng nghi kỵ nó. Đến lúc nó chợt nhận ra sự thật ấy thì đã quá trễ, không chắc có còn cơ hội sửa sai.

Vào một ngày nọ, những người chăn nuôi mang lưỡi hái ra đồng cắt cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Những đám cỏ lần lượt ngả xuống trong tay người làm, ngay cả nó cũng chung số phận. Các chú được thu gom bó thành từng bó, được chất lên xe và đưa về các lều trại gia súc dựng ngay ngoài đồng. Hàng ngày, các mục đồng lại vào kho, mang cỏ đến cho gia súc ăn… cho đến một hôm, bó cỏ của nó được đưa vào chuồng, những chú chiên, bò, dê, lừa, cừu tranh nhau từng ngọn cỏ, nhưng mỗi lần có con vật nào vừa ngoặm phải nó cũng phải thè ra. Khi bó cỏ đã hết thì nó vẫn còn lại đó trơ trọi một mình. Nó chợt tủi thân và thương cho mình. Bây giờ, nó mới thấy nó thật vô dụng, nó mới thấy niềm tự hào trước kia của nó chỉ là ảo tưởng. Hoá ra, nó chỉ là một cây cỏ lạc loài, một loài lông hoang dã. Rồi một bàn tay nhặt nó, ném vào góc của kho chứa cỏ. Nó co ro xấu hổ tránh những ánh mắt đổ dồn vào nó, đầy thương hại, pha chút coi thường…

Màn đêm lại buông rơi, giá lạnh ùa vào từng ngõ ngách của những chiếc hang nhốt gia súc. Bỗng đâu đó có tiếng lào xào của những bước chân… Các mục đồng ư? Chắc là không, vì bây giờ chẳng còn việc gì để họ phải bận tâm. Có thể họ đã chuẩn bị đi ngủ để trốn lạnh rồi, cũng có thể họ đang ngồi kể chuyện nhau nghe, cũng có thể họ đang chơi một trò chơi gì đó để chờ cơn buồn ngủ đến… Vậy ai có thể đến đây lúc này nhỉ ?

Chẳng cần phải đợi lâu, câu trả lời đã có ngay trước mắt : Hai vợ chồng trẻ và một chú lừa. Những con vật trong hang như chồm hẳn dậy để đón những vị khách lạ không mời ấy, chúng né qua một bên để cho những vị khách bước vào. Chừng như người phụ nữ trẻ đang có thai và chuẩn bị sinh con thì phải ? Chắc chắn rồi, coi bộ dạng của bà ấy thì biết : mệt mỏi và xanh xao. Thật tội nghiệp!

Người chồng ân cần đỡ vợ nằm xuống, rồi một mình lôi mạnh chiếc máng, lau sạch. Cỏ Lông từ nãy đến giờ đã quan sát hai vợ chồng không sót một chi tiết. Nó thấy người chồng đi về phía kho, vơ một ôm cỏ có lẫn cả nó, nó hồi hộp chưa biết người này muốn làm gì, nhưng lòng chợt thấy vui vì nó lại được người ta dùng đến dù chỉ là vô tình. Nhưng nỗi buồn thoảng đến, suốt nhiều ngày nay, chẳng phải hôm nào nó cũng được đưa ra làm thức ăn cho gia súc, mà cuối cùng vẫn cứ trơ lại một mình nó đó sao, lần này chẳng biết có may mắn hơn không ? Có điều, nó hiểu rằng : những cái lông vốn là điều nó tự hào bấy lâu chính là nguyên nhân làm cho gia súc không thể ăn nó. Cho nên, mỗi khi nó bị trả về góc kho, nó lại cố gắng lăn mình trên đất để lông rụng bớt…

Nằm trong tay người khách lạ này, nó buồn nhưng vẫn hy vọng, hy vọng nó sẽ không phải về lại góc kho… Người chồng mang cỏ đặt vào máng, sửa sang cẩn thận, vuốt vuốt những ngọn cỏ chung quanh cho gọn, bàn tay thô ráp ấn cỏ nằm sát xuống đáy máng, mỗi cử chỉ của ông đều rất cẩn thận, chăm chút … Ông nói với vợ : Sau khi sinh, mình đặt con vào đây, cỏ khô sẽ làm cho con bớt lạnh. À thì ra ông ấy lấy cỏ không phải để cho gia súc ăn, mà là để đặt em bé. Nằm trong máng cỏ, nó thấy thương hai vợ chồng trẻ này, chắc họ nghèo lắm không có nhà nên phải ra đây. Nó thấy vui vì sắp làm được một việc thiện, nó được sưởi ấm cho em bé, làm nệm cho em bé nằm … nhưng thôi chết, người chồng khi lấy cỏ đã không để ý rằng, mình nó có rất nhiều lông cứng đó sao? Em bé mà nằm lên nó thì làm sao mà chịu nổi… nó muốn la to lên cho người ta biết để bỏ nó ra ngoài kẻo nó sẽ làm đau em bé, nhưng ra ngoài rồi nó sẽ đi đâu ? Có tiếng lao xao chung quanh, các bạn cỏ khác đang nói với nhau điều gì đó mà vì mải suy nghĩ nên nó không để ý.

Bây giờ, nó lắng tai và … thì ra họ đang nói về nó, đang chê bai nó đủ điều, đang dè bỉu nó, đang khó chịu vì sự có mặt của nó. Cũng đúng thôi, chỗ này không phải là chỗ của nó, răng gia súc chắc thế mà còn không nhai nổi nó, thì da em bé mỏng manh hơn nhiều thì làm sao nằm được trên nó. Nó thấy mình thật bất lực, những giọt nước mắt tủi nhục từ đâu vỡ oà trên mặt nó. Các bạn chung quanh thấy vậy thôi không bàn tán về nó nữa, dường như vẫn còn sót lại một chút thương hại dành cho nó. Nó đang suy tính để làm sao ra khỏi máng cỏ, nhưng không kịp nữa rồi, tiếng em bé oe oe bên tai báo hiệu cho nó cùng các bạn chuẩn bị làm nệm cho em bé nằm. Không còn cách nào khác, nó ép mình thật dẹp để chiếc nôi làm bằng máng cỏ này không bị cộm lên, nó cố hết sức khép lông để không làm đau chúng bạn. Sự ép mình tận cùng như thế làm cho nó thấy khó chịu, bị gò bó và đau đớn vô cùng, đến nỗi nó gần như teo tóp lại, gần như muốn tắt thở… Những cố gắng của nó cuối cùng cũng được thừa nhận, sự thừa nhận biểu hiện ở chỗ em bé không khóc khi được đặt vào trong máng cỏ, và bạn bè chung quanh cũng không phàn nàn…

Nhưng lạ thay, bầu trời ngoài kia sao sáng thế, lại có những tiếng nhạc du dương vang vọng, trong hang đá lạnh dường như rộn ràng hẳn lên. Ồ ! có cả những người có cánh đang bay lượn, đang vui vẻ hát xướng, những câu hát nó nghe thật rõ : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Thì ra em bé đang nằm trong máng cỏ đây chẳng phải là người thường, mà là Thiên Chúa làm người. Nó chợt thấy lòng trào dâng niềm hạnh phúc bất tận, chính nó chứ không ai khác đang được Chúa thương vì cuối cùng nó cũng được xử dụng, tuy không làm được việc gì to tát, chỉ là một cọng cỏ góp vào để làm nên chiếc nôi cho Con Thiên Chúa. Nhưng đó lại là chiếc nôi tình thương, chiếc nôi để Thiên Chúa biểu lộ tình thương tột cùng cho nhân loại. Máng cỏ đã phá đi mọi ngăn cách do tiền tài và danh vị tạo nên, để ai ai cũng có thể đến chiêm ngưỡng Đấng Cứu Tinh, đó là điều kỳ diệu mà chỉ có máng cỏ nghèo khó có thể làm được. Vâng, nếu Con Thiên Chúa đến trong cung Vua uy nghi lộng lẫy, thì mấy ai được ngưỡng chiêm ngoài những vị đại thần có tước vị và giàu sang…

Giờ đây, nó đã ngộ ra được rất nhiều điều, nó nhận ra giá trị thực của nó không hệ ở tài năng mà là ở cái tâm chân thành, ở sự liên đới hỗ tương nhau trong cuộc sống, được gói gém trong hai chữ “Tình Yêu”. Có điều, tình yêu chỉ tồn tại khi nó biết từ bỏ, biết hy sinh quên mình, biết quan tâm đến kẻ khác. Bài học ấy, nó đọc được trong từng hành vi của những vị khác lạ rất đáng kính trọng của đêm nay, nó học được từ những biến cố đã xảy đến với nó. Những bài học đã đúc kết thành một châm ngôn khó quên cho nó : “không ai là lạc loài, chỉ có mình tự biến mình thành kẻ lạc loài mà thôi”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.