Type Here to Get Search Results !

Ứng xử trong gia đình thế nào cho đúng?

Tôi luôn tự hỏi rằng làm thế nào để có thể làm mẹ tôi hài lòng? Rằng cho dù tôi có cố thế nào thì trong tâm trí bà, tôi chẳng bao giờ làm bà hài lòng như hai em của tôi. Đôi lúc tôi rất buồn vì sự đối xử ấy của mẹ tôi. Tôi đã có lúc ganh tỵ với các em, cố học giỏi hơn, vào một ngôi trường tốt, học hành điểm cao hơn,... nhưng tôi cũng chẳng vui vẻ gì, chỉ thấy mệt mỏi vì cứ "chạy đua" như vậy. Ấy vậy mà mẹ tôi có biết, cũng chẳng có sự thay đổi nào trong cách đối xử với tôi. Đầu óc tôi như muốn vỡ tung cho những ý nghĩ điên rồ đó, rằng tôi chẳng biết phải làm sao

Cuộc sống mỗi ngày trôi qua trong sự lặng thầm của tôi. Tôi không quen chơi với nhiều bè bạn, tôi nghĩ một vài người là đủ. Tôi cũng không thường ra ngoài vui chơi, mà ngày ngày làm bạn với những con cá, luống rau hay đám cây cảnh, tôi coi việc thiết kế một khu vườn trồng toàn hoa là lý tưởng. Có thể nói tôi khá hài lòng với cuộc sống hiện tại, được làm công việc mình thích, hợp với đam mê và hơn hết là sự chủ động về thời gian. 

Đó là những gì hơn 25 năm trở về trước tôi trải nghiệm. Còn hôm nay, bây giờ, dường như cái đầu của tôi cũng "bớt nóng", biết cư xử sao cho đúng mực hơn. Những suy nghĩ cũng chín chắn hơn, nhìn nhận vấn đề có chủ kiến hơn là việc nghe ai nói cũng ...cảm thấy đúng.

Tất cả những điều bạn vừa đọc thì có liên quan gì đến cái tiêu đề " Ứng xử trong gia đình thế nào cho đúng?". - Tôi muốn nói rằng, gần như mọi đứa trẻ lớn lên gần như bị cái hoàn cảnh và tâm trạng như thế. Đó là lẽ thông thường, nếu một đứa trẻ có "bức xúc" rồi bỏ nhà đi một thời gian thì cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu không có cái "thần kinh" đủ mạnh hay "chịu đựng" không tốt thì như giọt nước tràn ly, và kết quả chỉ có một - ly tán gia đình. 

Vấn đề của mỗi người trước mỗi vấn đề là ai cũng đúng, có lý lẽ đúng đắn để hành xử. Cái tôi quá lớn, cá tính lấn át lý trí, miệng lưỡi nhanh hơn cái đầu,... Thông thường thì cơn giận xuất hiện và bắt đầu một cuộc chiến vô nghĩa, cuộc chiến với những người ngày ngày chính mình gọi là người thân. 

Trải nghiệm chính là bài học tốt nhất. Bài viết của tôi hay một ai đó có thể bạn đọc thấy hay, nhưng thực tại không phải là điều bạn cần thì ngày mai tất cả sẽ là dĩ vãng. Vì vậy, với những gì bạn sắp đọc dưới đây tôi gửi đến bạn như một sự tham khảo, viết cho tôi, nhưng tôi Share để một ai đó đừng như tôi, phải mất rất nhiều thời gian, mồ hôi và công sức để nhận ra.
1. Lắng nghe tích cực: không đưa ra giải pháp, không đặt câu hỏi, và không tranh cãi. Đôi khi một thành viên nào đó trong gia đình chỉ cần những người thân của mình lắng nghe là đủ.

2. Nên giữ giới hạn: không xâm phạm vào không gian cá nhân của người thân khi không có sự đồng ý của người đó. Tôn trọng câu chuyện cá nhân, vui vẻ khi người thân từ chối trả lời câu hỏi của mình.

3. Kiểm soát cảm xúc cá nhân: mình phải chịu trách nhiệm cho tình cảm của mình. Khi mình có thể mất kiểm soát thì xin lỗi và cố gắng không tái phạm. Đừng đòi hỏi người thân làm mình vui và đừng trách móc họ làm mình buồn.

4. Đáp lại, đừng đáp trả: đừng vội trả đũa khi cảm thấy bị tổn thương. Đôi khi lời nói làm người nghe bị tổn thương là vì cách suy diễn của người nghe chứ không phải sự cố tình của người nói. Hãy tìm cách đáp lại tích cực để tránh tốn thương cho đôi bên.

5. Im lặng không luôn luôn là vàng: khi không thể nói lời tốt đẹp thì im lặng, nhưng phải báo “tôi không thể nói chuyện bình tĩnh được, tôi cần yên tĩnh.” Vì nếu không sự im lặng sẽ làm cho người thân bối rối và có cảm giác bị chối bỏ.

6. Thông cảm: đừng vội phán xét hay tức giận. Thử đặt mình vào tình trạng của người thân để có thể thông cảm. Đừng vội kết luận, hãy tìm cách làm sáng tỏ suy diễn và kết luận của mình trước khi quyết định hành động.

7. Sống trong hiện tại: đừng nên nhắc lại những chuyện buồn trong quá khứ để tiếp tục buồn. Nhắc lại chuyện vui trong quá khứ sẽ làm mình so sánh và mất vui trong hiện tại. Đừng phỏng đoán chuyện tương lai rồi từ đó lo lắng buồn phiền.

8. Chia sẻ để gắn bó: chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, lo lắng với người thân của mình để cùng nhau cảm thấy sự quan trọng của từng người đối với nhau. Hãy nhận sự giúp đỡ và sẻ chia từ các thành viên khác trong gia đình để họ cảm nhận họ quan trọng.

9. Chấp nhận mình: cố gắng thay đổi mình tốt đẹp hơn không đồng nghĩa với từ chối bản chất thật của mình. Chỉ khi mình chấp nhận mình với những xấu tốt của mình, mình mới có thể chấp nhận người khác với những xấu tốt của họ.

10. Chấp nhận mọi người: hãy vui vẻ với người thân như chính họ. Mình không thể thay đổi người khác. Trách nhiệm của mình là giới thiệu thông tin có lợi cho người thân, nhưng từ chối là quyền của họ.