Chiến hạm USS South Dakota mới toanh rời cảng Philadelphia để tham gia cuộc Thế chiến thứ 2 vào tháng 8, 1942. Thủy thủ đoàn là những chàng trai trẻ mới tuyển mộ. Kể từ sau vụ tấn công bất ngờ của Nhật vào Trân Châu Cảng, hàng triệu thanh niên trẻ trung của Mỹ đã háo hức bước vào cuộc chiến, hăng hái đầu quân vào lực lượng hải quân Mỹ, nơi mà các trận hải – không chiến trên Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt.
Trong vòng 4 tháng đầu tiên, chiến hạm trở thành huyền thoại oai hùng vì ngoài thành tích tham chiến ngắn ngủi mà khốc liệt, bị bom pháo tơi tả, trong chiến hạm có một pháo thủ, người lính hải quân trẻ nhất, được tặng thưởng huy chương anh hùng và cũng gây náo động cho quân sử và luật pháp nước Mỹ. Calvin Graham.
Mùa hè năm 1942 thì Calvin Graham tròn 12 tuổi, vừa học xong lớp 6 ở Crockett, Texas đã tìm mọi cách, giấu giếm tuổi thật để gia nhập quân đội. Một phần do lòng căm thù quân Nhật khi xem những thước phim đen trắng tang tóc khói lửa của Trân Châu Cảng, cộng thêm gia cảnh rất khó khăn, dồn ép Calvin Graham lừa dối để vào quân trường. Là con một gia đình nghèo đông đúc với 7 anh chị em, cha mẹ ly dị, Calvin phải sống cùng cha ghẻ, một người nát rượu và bạo hành. Ðể mưu sinh Calvin phải đi bán báo, phát điện tín sau giờ học và những ngày cuối tuần. Sau đó Calvin đã phải dọn riêng ra ở trọ và người mẹ phải thỉnh thoảng ghé qua để ký giấy tờ học bạ cuối mỗi học kỳ. Tuy ít học nhưng Calvin lại biết nhiều những tin tức liên quan đến cuộc chiến và luật lệ lúc ấy qua báo chí. Chiến tranh đã đến hồi khốc liệt, 16 tuổi có thể đầu quân nhập ngũ với sự đồng ý của cha mẹ, dù lứa tuổi chuẩn là 17. Một người anh họ thân thiết của Calvin vừa hy sinh năm đó. Không thể chờ đợi lâu hơn, Calvin đã bắt đầu cạo râu, sớm nghỉ rằng sẽ giống đàn ông.
Với chiều cao 5’2 và nặng 125 lbs, Calvin Graham phải mặc áo quần rộng của người anh, đội mũ vành và tập nói giọng trầm khàn cho ra vẻ người lớn. Sau đó cùng một người bạn học làm giả chữ ký của mẹ, đánh cắp con dấu công chứng từ người quản lý phòng trọ, để xác nhận là mình tròn 16 tuổi. Trở ngại lớn nhất cho âm mưu ấy là vượt qua vị nha sĩ phụ trách tuyển mộ tân binh. Trong đoàn tân binh lúc ấy có cả 6 cậu bé dưới tuổi nhập ngũ. Nhưng Graham là nhỏ nhất, khi thấy những chiếc răng sữa còn trong miệng, nha sĩ đã từ chối và gặp phải chuyện cãi cọ vì những đứa trẻ khác đã được chấp nhận trước…Bận bịu, mệt mỏi và với sức ép của chiến tranh khi quân đồng minh bị tổn thất nhiều trong những ngày đầu cuộc chiến; trong khi vị nha sĩ lơ đãng, thì Graham đã lén nhét hồ sơ và lọt qua vòng khám. Vào những năm tháng ấy, việc khai gian tuổi thật để nhập ngũ đã xảy ra vài nơi. Riêng Graham lại trót lọt. Cậu nói với mẹ là đi xa thăm bà con một thời gian. Bỏ học lớp 7, cậu được đưa tới trại huấn luyện 6 tuần căn bản ở San Diego, sau đó được giao phó làm hỗ trợ, chuyển đạn cho pháo thủ chính trên chiến hạm USS South Dakota.
Graham đã nhớ lại. “Đó là một đêm thật dài. Tôi già đi nhiều trong đêm ấy!” 38 người chết và 60 người bị thương.
Dù bị hư hại nặng, chiến hạm đã tìm cách lẫn tránh và biến mất trong đám mây khói đen nghịt trên biển. Hải quân Nhật tin rằng chiến hạm S. Dakota bị đắm. Và để cho người Nhật tin như thế, tên “Chiến hạm X” được quân Mỹ gọi cho chiến hạm này. Vào giữa tháng 12, chiến hạm lê về bến cảng New York để sửa chữa. Hạm trưởng và thủy thủ đoàn được vinh danh. Calvin Graham nhận được Huy chương Bronze Star anh dũng và Purple Heart cao quý.
Lần tham chiến khói lửa bắt đầu ở trận hải chiến quần đảo Santa Cruz, Chiến hạm USS S. Dakota được điều phối hộ tống và bảo vệ Hàng không mẫu hạm “Big E” cùng Chiến hạm Hornet. Ðêm ngày 25 tháng 10, 1942 Phi công Nhật tấn công ồ ạt lên hạm đội Mỹ. Chiến hạm Hornet bị trúng thủy lôi và chìm đắm, Chiến hạm South Dakota đã chống trả dữ dội, bắn rơi 26 máy bay Nhật từ súng cao xạ 40mm. Calvin Graham bị trúng mảnh đạn trong khi giúp xạ thủ và chuyển khẩn mẩu tin nhắn cho sĩ quan cao cấp. Vừa khi ấy một quả bom 250 kg rơi xuống pháo đài chính trên chiến hạm, năm chục đồng đội bị thương trong đó có cả hoa tiêu trưởng, một người chết và lửa cháy bùng ra trong khoang tàu. Vì thép bọc tàu rất dày nên thuyền viên bên dưới không cảm biết được tàu bị trúng bom. Thuyền trưởng bị chấn thương do sức nổ và bị thương nặng bất tỉnh, những thủy thủ trẻ còn lại trên tàu tiếp tục bắn trả lên trời vào các đợt tấn công vũ bão, dồn dập của phi đội Nhật, ngay cả chiếc máy bay thả bom của lính Mỹ đã cạn xăng khi tìm cách hạ xuống hạm đội cũng vờn quanh và bắn cho hết những viên đạn cuối cùng. Truyền tín viên trên chiến hạm South Dakota đã nhanh chóng báo tin các máy bay Mỹ không đến gần cơn mưa đạn pháo từ bên dưới và trong vùng trời khốc liệt hôm ấy.
Cậu bé Graham này đã trở thành người lính thủy thủ thật thụ chỉ sau trận đánh đó. Chiến hạm được đưa về Trân Châu Cảng sửa chữa và tiếp tục trở lại tham dự các trận đánh lớn sau đó suốt 4 ngày trên biển ở Guadalcanal. Ở trận này, chiến hạm của Graham đã bắn rơi 3 chiếc máy bay thả bom, trong 8 chiếc của Nhật. Một tàu chiến lớn của Nhật đã dọi đèn vào thẳng chiến hạm trong đêm tối, và 47 phát súng cao xạ trúng vào tàu, tàu bị hư hỏng nặng, máy phát điện cháy, Graham liều mình lao vào cứu giúp các binh sỹ bị thương, dập đám cháy trong khi mình cũng bị thương rách miệng và xương hàm. Một đạn pháo hất tung cậu xuống 3 tầng buồng dưới, cậu bé nay đã 13 tuổi, đầu óc choáng váng, vẫn liều mình lê lết trong máu me và kiệt sức để lôi từng đồng bạn ra khỏi đám cháy. “Tôi đã tháo nịt các người chết để cột chận máu tuôn ra cho các thương binh, mồi điếu thuốc lá, và khuyến khích họ suốt đêm”.
Thế nhưng cuộc đời binh nghiệp của Graham đã bắt đầu đi xuống và gây nhiều sóng gió từ ấy. Khi mẹ của Graham nhận dạng được con mình trên truyền hình và radio, bà đã viết thư cho Bộ tư lệnh Hải Quân, nói lên tuổi thật của Graham. Graham lập tức bị đưa về Texas và nhốt trong trại tạm giam ở Corpus Christi trong 3 tháng. Trong khi “Chiến hạm X” tiếp tục trở lại chiến trận, thì chị của Graham đã tìm cách liên lạc và khiếu nại lên các cấp liên quan và đưa lên báo chí địa phương về câu chuyện “Baby Vet – Cựu chiến binh con nít” bị đối xử bất công. Phần lớn các sĩ quan nghi ngờ thành tích của Graham. Graham phải tìm cách gởi thư cho chị của mình về nơi tạm giam và làm sáng tỏ mọi chuyện. Sau cùng thì Graham được thả tự do, bị giải ngũ (không danh dự) sau khi tước huy chương, hủy các trợ cấp thương tật cùng quyền lợi của thương binh. Với lý do khai gian.
Dù vậy khi trở về Houston, Graham lại được chào đón như một anh hùng, các phóng viên vây quanh phỏng vấn và viết truyện. Rồi mọi chuyện mờ nhạt. Graham trở lại trường lớp ở tuổi 13, không tha thiết chuyện học trong lớp bạn cùng lứa và bỏ học, Graham cưới vợ vào năm sau, có con và làm thợ hàn trong xưởng đóng tàu ở Houston. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ sau 3 năm. Ở tuổi 17, ly dị vợ, Graham đăng ký vào Thủy quân lục chiến. Ba năm sau khi nhập ngũ chính thức và hợp lệ thì lần này Graham bị té ngả gãy xương sống và chỉ nhận được 20% quyền lợi cho thương binh. Graham tìm kế sinh nhai nhờ đi bán các tạp chí.
Khi Tổng thống Jimmy Carter nhậm chức, Graham viết thư hy vọng sự cứu xét và cảm thông từ một vị lãnh đạo từng là cựu hải quân. Mong muốn được xem là giải ngũ trong danh dự để nhận đủ quyền lợi cũng như danh dự cho bản thân một cựu chiến binh.
Mãi đến năm 1978, Tổng thống Carter mới chuẩn y phục hồi cho Graham các huy chương, ngoại trừ huy chương cao quý nhất: Purple Heart. Và 10 năm sau nữa, Tổng thống Reagan mới ký phê chuẩn chấp nhận quyền lợi thương binh. 62 tuổi Graham mất vì trụy tim tại quê nhà Fort Worth TX ngày 11 tháng 6, 1992 và được trao lại huy chương Purple Heart danh giá vào 2 năm sau đó, nhờ vào sự can thiệp của Tổng thống Carter và Bill Clinton.
Ở tuổi 12, Graham nói dối và phạm luật để tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Cũng vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, khi mà kỷ luật quân đội rất là khắc nghiệt với nhiều điều luật bất thành văn “Don’t ask, don’t tell”. Ðã có nhiều trường hợp khai gian tuổi vào quân trường và nhiều chiến binh dưới tuổi hợp lệ được tuyển dụng. Một số ít ỏi các cựu quân nhân này vẫn còn giấu kín tên tuổi thật cho đến ngày nay. Riêng Graham là người trẻ tuổi nhất và cũng chịu nhiều oái oăm nhất khi bị phát hiện và giải ngũ. Dầu vậy, tên tuổi của Graham đã đi vào quân sử và điện ảnh qua cuốn phim Too Young the Hero – Người Anh Hùng Quá Trẻ năm 1988.
[full_width]