Type Here to Get Search Results !

PHẨM HẠNH

Tạo Hóa cũng đã ban cho vạn vật mỗi mỗi đều có bản năng để tự vệ tự tồn.

Song song với bản năng đó lại còn ban cho con người có tâm có trí để biết và biệt phân được sự nào là chơn là giả, điều nào là thiện là ác, cái nào là tốt là xấu, việc nào là thuận lẽ Trời hạp lòng người, đúng đạo lý và trái lại.

Con người nhờ có tâm trí và bản năng để tự phát triển những gì Thiên phú để hòa nhịp cùng thiên nhiên. Có hòa nhịp mới được sinh trưởng bảo tồn. Nếu trái lại sẽ bị hủy diệt.

Do những lý lẽ ấy, con người phải phấn đấu trong lãnh vực của mình đang tiến. Phấn đấu ấy gồm có sáng tạo, phát triển nuôi dưỡng để bảo tồn. Vì vậy mà trong lãnh vực tu thân lập hạnh hành đạo, Thiêng Liêng thường dạy môn đồ phải gia công hành đạo, vì nhờ có công mới có đức, gọi tắt là công đức. Về giá trị con người trong hàng tín hữu chức việc hoặc chức sắc, muốn có được phẩm vị cao quý để thể hiện đức độ của người tu, đều cần yếu là phải lập hạnh, vì có hạnh đương nhiên có phẩm, gọi tắt là phẩm hạnh.


Bốn tiếng công đức phẩm hạnh luôn luôn phải được gắn bó nhau để con người tu thân hành đạo có được tác phong đúng đắn, dễ gây thiện cảm kính nể mến yêu với những người chung quanh mình.
Thánh xưa thường răn mình mỗi khi gặp sự bạc đãi phũ phàng, luôn luôn phản tỉnh để sửa chữa đến khi được người mến yêu kính trọng. Sự muốn được người mến yêu kính trọng không phải vì thích ưa hoặc háo danh háo vị, mà đó chỉ là muốn thấy được cây thước đo đạt mức tiến phẩm hạnh tác phong đạo đức của mình xem đến đâu, chớ không phải để được người khen.

Còn đời nay, trái lại, hay trách bỉ, có mấy ai trách kỷ.

Chúng ta tìm đến Đạo, là để tìm thấy học hỏi những gì cao quý trong cửa Đạo mà thế gian thường tình không có.

Chúng ta tìm đến Đạo là để tránh những điêu ngoa xảo trá thủ đoạn mánh lới của thế tình, vào Đạo để tìm cái chân, cái thiện, cái mỹ. Người tìm đến Đạo lâu năm cần phải thể hiện điều chơn thiện mỹ ấy cho đời noi theo. Đó là cách làm sáng danh Đạo, danh Thầy, và đó là phương tiện phổ độ nhân sanh vào đường ngay nẻo chính. Thế nên, dầu gặp cảnh ngộ nào trái tai gai mắt nghịch ý, đừng vội vàng bực bội để tánh nóng nổi lên rồi phát ngôn thiếu cẩn thận, hành động thiếu cẩn thận, để hóa ra thua kẻ tầm thường ngoài thế gian chưa biết đạo đức là gì.

Tác phong đạo hạnh của người tu không cho phép hành động hoặc phát ngôn thất đức, bất nhơn, hoặc trái lẽ phải. Dầu cảnh ngộ nào cũng có phương cách xử sự theo hạnh của người tu.

Nhờ có được những đức tánh ấy, tuy còn thiếu sót rất nhiều nên chúng ta mới còn đeo đuổi với việc đạo đức, từ thiện.

Dựa vào những điều trên, đem kiểm điểm so sánh lại những gì mình đã có mà mừng, và những gì mình chưa có chưa làm được để bổ túc. Hiểu được Đạo là cao quý, vì như thế là đã phấn đấu vượt qua những quyến rũ hấp dẫn của thường tình thế sự.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Bài viết đã để lại nhiều cảm xúc trong tôi về chữ đạo. Đúng vậy, đạo giúp con người sống tốt hơn, hướng đến cái chân, thiện, mỹ mà thế gian không có được. Trong đó, mỹ ở đây có thể là vẻ đẹp bên trong lẫn bên ngoài chắng hạn như đi bấm mí nhưng bạn lại không biết bấm mí được bao lâu thì hãy liên hệ mình, mình sẽ tư vấn nhiệt tình.

    Trả lờiXóa