Type Here to Get Search Results !

Chuyện Tiến sĩ đề xuất dùng lu chống ngập, và bài học "cẩn ngôn"

Nếu không có những phát biểu "ngây ngô" không kém phần chân thành của Nữ PGS.TS thì chắc cả đời này tôi cũng chẳng biết đền bà Phan Thị Hồng Xuân. Trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12/7 vừa qua, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất trang bị “lu” cho người dân để chống ngập như sau:




    Phản hồi trước dư luận


    Đề xuất của nữ PGS.TS, rất nhiều người phản đối cho là không khả thi, thậm chí còn trở thành đề tài nóng để giễu cợt, chuyện phiếm để bàn và là cớ để giải tỏa cho những bức xúc lâu nay khi, Tp.HCM ngày càng chìm sâu trong ngập úng.

    Trước làn sóng phản ứng gay gắt đó, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho hay:

    “Đây không phải là sáng kiến do tôi tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua”.

    “Góc nhìn của tôi là góc nhìn nhân học, tôi dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa.

    Tôi nghĩ nếu mình dùng cụm từ “dụng cụ chứa nước” thay vì nói “cái lu” thì chắc là không bị phản ứng như vậy, không tạo ra hiệu ứng gây phản cảm như vậy”.

    Bà Xuân cũng chia sẻ thêm với báo chí rằng:

    “Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa”.

    “Tôi từng tới Philippines, ở đó người dân đặt một thùng nước trên xe ba bánh. Khi nhà ngập nước nội bộ người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng đó, khi hết mưa, hết ngập họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn”.

    Trao đổi với báo chí sáng 13/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết bà rất buồn khi cộng đồng mạng xã hội có phản ứng tiêu cực sau phát biểu của bà tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM.

    “Tôi sẽ không giải thích hay phản ứng lại với cộng đồng mạng. Chuyện cái lu là tôi dùng từ dân gian cho dễ hiểu, cũng vì thời gian tranh luận ngắn nên khó mà trình bày hết ý của mình”, đại biểu Xuân lý giải.

    “Cũng có nhiều ý kiến thấu hiểu và ủng hộ. Các học trò của tôi tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng động viên. Về phần mình, tôi sẽ không phản ứng lại vì có người hiểu, có người không hiểu và càng giải thích thì câu chuyện có thể sẽ càng đi xa, đôi khi chẳng hay ho gì”, bà Xuân chia sẻ.

    Chuyên gia nói gì?


    Trao đổi với Đất Việt, TS Lý Tùng Hiếu, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là đồng nghiệp của ông tại trường Đại học KHXH&NV. Câu chuyện của bà Xuân tại kỳ họp HĐND TP.HCM, theo ông Hiếu, có 2 khía cạnh: văn hóa và ngôn ngữ.

    Chưa được mắt thấy tai nghe cách làm của JICA mà bà Xuân truyền đạt lại nhưng TS Lý Tùng Hiếu cho hay, người dân Việt đã có mấy ngàn năm chống ngập. Theo kinh nghiệm dân gian, ở những vùng chiêm trũng như Đồng bằng Bắc Bộ, người dân đắp đê chống lũ, nước đọng bên trong nội đồng thì có ao, đầm chứa.

    Trong khi đó, ở miền Trung, nước lũ được trữ trong những đập lớn, quanh nhà dân cũng có ao, có vũng, do địa hình dốc, nước rút nhanh ra biển.

    Còn ở Nam Bộ, người dân ở nhà sàn, có hào, đìa, ao trữ nước mưa, nước lũ.

    Riêng cái lu (cách gọi trong Nam) hay cái chum (cách gọi ngoài Bắc), theo TS Lý Tùng Hiếu, là để trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt.

    "Kinh nghiệm của JICA dùng những vật đựng nhân tạo như cái lu để chống ngập, mưa lớn quá thì trữ bớt vào đó, hết lũ thì dùng để tẩy uế, vệ sinh như đại biểu Xuân truyền đạt lại là một kinh nghiệm mới mẻ. Còn theo tính chất bản địa của Việt Nam, người dân không bao giờ lấy chum, lấy lu để chống ngập vì chúng không chứa được bao nhiêu", TS Lý Tùng Hiếu nói.[3]

    Trao đổi với Báo Tiền Phong sáng 13/7, PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng bản thân ông không đồng ý với đề xuất này vì việc dùng lu trữ nước mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, đẻ trứng.

    Giải pháp nào khả thi?[1]

    Chúng ta thấy được gì từ các giải pháp chống ngập mà TP đã và đang triển khai, cũng như đề xuất mang tính “lạ đời” của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân?

    Đánh giá về thực trạng và giải pháp chống ngập cho TPHCM, PGS.TS Phan Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường TPHCM cho biết: Cần phải đánh giá đúng nguyên nhân gây ngập úng hiện nay thì mới có được giải pháp chống ngập hiệu quả. Theo ông, TP đang ngập úng chủ yếu do rác thải trong lòng cống và cửa xả quá nhiều, cũng như cốt nền đô thị đang thấp hơn mực nước sông (quy hoạch và phát triển vào thế đã rồi, không thể thay đổi).

    Vì vậy, ngoài việc thường xuyên nạo vét kênh rạch, lòng cống, thu gom rác thải, TP cần sớm nghiên cứu thực hiện công việc này bằng giải pháp tự động hóa. Song song đó phải thực hiện thí điểm giải pháp tạo rãnh thu nước (ngang 20 - 30 cm, sâu khoảng 70 - 100cm có nắp che) dọc các tuyến đường, cũng như tạo thêm phễu thu nước (hố ga) nhằm giúp việc gom nước, chặn rác tốt hơn.

    Đánh giá về giải pháp xây hồ điều tiết ngầm (giải pháp đề xuất từ Công ty Sekisui, Nhật Bản và Công ty VMC Group năm 2017), hoặc chia sẻ hệ thống hồ điều tiết lớn thành các hồ điều tiết nhỏ, tái sử dụng nguồn nước mưa ra từng hộ gia đình (gần giống ý tưởng của đại biểu Hồng Xuân),

    Thạc sĩ Bùi Văn Hải - Khoa Quản lý đất đai & Bất động sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, đây cũng có thể là giải pháp tốt. Vấn đề là nguồn kinh phí này ai sẽ chịu, quỹ đất nào để từng hộ dân có thể sử dụng giải pháp trên? Theo ông, thực tế, công nghệ trên đã ít nhiều được TP cùng các chuyên gia nước ngoài đề cập tới. Tuy nhiên, cái khó của giải pháp trên là quỹ đất, tính kết nối và công nghệ vận hành.
    “Việc xây dựng các hồ điều tiết ngầm ở vùng cao theo công nghệ Cross - Wave là nhằm tạm trữ nước mưa tại chỗ, giảm lượng nước chảy tràn về những vùng trũng thấp, góp phần giảm ngập cục bộ cho khu vực đó. Tuy nhiên, để triển khai ý tưởng chia nhỏ hồ chứa tái sử dụng nước mưa về từng hộ dân cư vẫn là thách thức lớn với đô thị đất chật người đông như TPHCM” - Thạc sĩ Hải chia sẻ.
    PGS.TS Hồ Long Phi - chuyên gia Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng, việc chống ngập của TP chưa mang lại chuyển biến rõ rệt là do nhiều dự án chống ngập đang sử dụng dữ liệu cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng gia tăng do sự sụt lún (cốt nền) ngày càng nhiều. Chính điều đó dẫn đến sự quá tải cho lòng cống khi cùng lúc có mưa lớn kết hợp triều cường.
    “Muốn có giải pháp chống ngập triệt để, thì ngoài việc hoàn thành hệ thống đê bao, TPHCM cần sớm thúc đẩy các dự án xây hồ điều tiết ngầm đi vào hoạt động. Song song đó là các giải pháp tổng thể như kiểm soát được triều cường bằng hệ thống cửa ngăn triều và nạo vét kênh rạch, lòng sông” - PGS.TS Hồ Long Phi nói.

    Những cái ‘lu” chống ngập ở Tokyo thực ra là gì?[2]

    Được gọi là đường hầm thoát nước hay đường hầm chống ngập, hệ thống Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel của Nhật được xây dựng tại Kasukabe, Bắc Tokyo. Đây là công trình xả nước ngầm lớn nhất thế giới, được xây dựng để giảm thiểu tràn nước của các kênh lạch và sông lớn của thành phố trong mùa mưa và bão.

    Dự án này mất tới 14 năm xây dựng (1992 – 2006) và tốn khoảng 2 tỷ USD. Nó gồm 5 bồn chứa nước bê tông, mỗi bồn cao 65m, đường kính 32m, chuyển nước dọc theo một đường hầm dài 6,4km để chứa lượng nước mưa vượt khả năng chịu đựng của thành phố bên trên.

    Ngoài hệ thống bồn chứa này, công trình còn có thêm một bể chứa trung tâm dài 177m, rộng 78m và cao 25m với 59 trụ cột khổng lồ được kết nối với một tổ hợp 4 máy bơm sức mạnh tương đương động cơ máy bay Boeing 737, có thể bơm tới 200 tấn nước mỗi giây ra sông Edo.

    Từ khi được hoàn thành vào năm 2006 cho đến nay, Tokyo chưa bao giờ bị ngập.

    Thấy gì từ câu chuyện đề xuất dùng "lu" chống ngập

    Thứ nhất, đó là một giải pháp để cải thiện, giảm thiểu tình hình ngập của Tp.HCM. Nghiêm túc mà nói, Tp.HCM và câu chuyện ngập úng chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng mỗi người dân. Song, trong khi tình hình ngày một tồi tệ hơn thì phía cơ quan chức năng lại tỏ ra bất lực trước mối họa từ thiên nhiên. Những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi, để lại những con đường ngập nước luôn là nỗi ám ảnh của mỗi người nơi đây. Làm sao không bực, làm sao không ức chế? Chẳng phải chuyện ngày tháng, mà qua bao năm rồi phía thành phố cũng không đưa ra giải pháp nào hữu ích. Nay nữ đại biểu đưa ra đề xuất trở thành một câu chuyện HOT để bàn tán, phê phán và bất bình của người Việt nói chung và người dân Sài Gòn nói riêng cũng là điều dễ hiểu.

    Thứ hai, Cộng đồng mạng dậy sóng với những lời chê bai và chỉ trích. Người viết bài viết này khi nghe một anh hàng xóm kể lại cũng thấy tức cười. Sau khi xem Video trên Youtube và một số phản hồi gay gắt từ cư dân mạng, tôi cũng thấy bất bình và cho đó là chuyện hoang đường.

    Thứ ba, văn hóa phản biện. Tôi không nói vị phát ngôn đề xuất đó là sai hoàn toàn. Bởi giải pháp nào cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu và kiểm chứng. Tôi không phê phán bà nhưng đó là lời cảnh tỉnh cho những đại biểu của dân mà lại ăn nói ngây ngô trước đồng bào và cử tri. Đặc biệt với học hàm của bà thì càng không nên phát biểu kiểu đại khái như vậy. Bản thân bà cũng đã tự nhận đấy thôi. Nghiêm trọng hơn, bà là đại biểu của dân, người dân có thể phát biểu như vậy, bà thì không. Với đẳng cấp của bà thì không thể làm việc hay phát ngôn kiểu đại khái rồi sau đó phân trần qua loa như vậy. Người khác có thể trách, chỉ trích bà bởi ngôn từ của bà, còn tôi thì phê phán bà về cái cách bà phát biểu, chẳng khác nào bà coi thường dân - những người bầu cho bà làm đại diện của họ.

    Trong khi người dân bao năm gồng mình chịu ngập úng với đủ thứ thiệt hại, bà lại "ngây ngô" phát biểu như thế thì ai mà chịu được. Người dân người ta bức xúc cũng là điều đương nhiên.


    Qua câu chuyện, dù các chuyên gia nói gì và tỏ ý bênh vực "đồng nghiệp", "đồng chí" ra sao thì các vị cũng nên nghĩ cho dân, cho nước. Các vị có thể chưa có phương án nào khả thi thì cũng nên ăn nói cho "phải" với nhân dân. Nghị trường chứ không phải sân khấu để các vị "diễn hài" mà muốn nói gì nói, thiếu tôn trọng người dân như vậy. Mọi nỗ lực giải thích và bao biện đều vô nghĩa. Nói theo kiểu xã hội, các vị lớn rồi, có ăn có học, "ngồi mát ăn bát vàng" cho phì người ra, rảnh quá sinh nông nổi mà phát biểu linh tinh; hãy tiết kiệm hơi sức mà làm cái gì đó hữu ích cho dân, cho thành phố, cho đất nước.

    [4] Ông Nguyễn Văn Dững: MXH phản đối dữ dội theo tôi có thể là do đề xuất này chưa được trình bày, giải thích như một phương án hay giải pháp để thuyết phục người khác mà chỉ mới nêu ra đề xuất cái tên sự việc thôi. Một số facebookers hình như luôn chờ sẵn có sự việc là…."bật", kể cả những trí thức, những người có học hành đàng hoàng.

    Mặt khác, hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả, dù là các đề xuất cá nhân, dù là nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo, cũng đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt. Đây là hiện tượng đáng buồn, cần có chiến lược giải quyết tầm quốc gia về truyền thông và quyết sách KT-XH.[4]

    Tôi không đồng ý với kiểu "bênh vực" của bác PGS.TS Nguyễn Văn Dững đăng trên Infonet.vn về cái cách ông phê phán cư dân mạng. Tôi đồng ý là cư dân mạng vẫn thường hành xử như vậy với những điều "trái tai gai mắt" một cách bốc đồng, thái quá và gay gắt. Đó không phải là hình thức phản biện văn minh; nhưng đó là tiếng nói người dân đấy ông ạ!, là bức xúc của dân và cũng có thể là sự bất bình từ chính người thân, con cháu của các vị đấy! Các vị có ý thức được điều đó không?

    Vì sao ư? - Dân vạn đại đều ghét quan như giặc. Trước cũng vậy, giờ vẫn vậy và sau này cũng khó mà khác đi. Đặc biệt là những quan chưa biết có hại dân hại nước hay chưa mà cứ phát biểu linh tinh cách ngây thơ đến thế. Đâu phải chờ đến chuyện "cái lu" mới nổi sóng như thế, mà dân đã được rút kinh nghiệm từ biết bao vị Tiến sĩ, Phó giáo sư không biết cân nhắc mồm miệng cứ phát ngôn bừa bãi như vậy. Thà lâu lâu có vị lỡ lời thì còn được, đằng này cứ như các vị rủ nhau cứ ít hôm lại phát biểu làm trò cười cho thiên hạ, có chuyện mà đàm tiếu. Các vị quý thời giờ, dân người ta không biết tiếc và quý trọng thời gian sao? Hơn 90 triệu người, mối người bỏ ra 3 phút lãng phí chỉ vì một lời phát biểu thơ ngây. Làm sơ sơ vài con tính cũng thấy đất nước thiệt hại biết bao nhiêu. Chưa tính phải tốn biết bao giấy mực nữa,... Thiệt hại là vô kể. Mà các vị dạy dỗ cái kiểu gì mà học hàm cao ngất thế mà phát biểu bừa thế? Rồi lại bênh nhau... Các vị xem thường người dân hay thế nào?

    Khoan nói chuyện bằng cấp của các vị... một người dân thường cũng chẳng đời nào nói những điều vô căn cứ như vậy. Nếu có căn cứ, cũng ít ai lại phát biểu kiểu đại khái, qua loa như vậy.

    Ông bà ta đã dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy",... Ý nói, lời nói tựa ngàn cân, nói rồi khó mà rút lại. "Cẩn ngôn vô áy náy", "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", lời dạy của ông bà các vị quên sao? quên thì làm sao dạy con cháu? làm sao các vị đứng trên bục giảng mà dạy cho người khác? Lời đã nói có thanh minh cũng vô ích.

    Một bài học đắt giá về lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đặc biệt là quan chức Việt Nam.

    Nguồn trích dẫn

    [1] Từ đề xuất “dùng lu chống ngập” cho TPHCM: Ý tưởng đi vào“ngõ cụt”
    [2] “Lu” chống ngập tại Nhật Bản thực ra là gì?
    [3] Đề xuất dùng lu chống ngập: Dân gian làm thế nào?
    [4] Chửi bới đề xuất dùng lu chống ngập: Facebookers, MXH chỉ chờ có sự việc là... "bật"!