Type Here to Get Search Results !

Giải mã Truyền thông hải ngoại

Ai cũng đều biết rõ ràng rằng mối thâm thù đại hận sau năm 1975 của rất nhiều người khi phải lưu lạc tránh né chính quyền mới. Khi đó, chiêu bài của truyền thông chính là đề tài lính chiến và thể chế cũ. Và sau nhiều năm chẳng thể làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn, và cảm thấy cái chiêu bài đó chẳng ai còn mặn mà nữa thì truyền thông hải ngoại đang chuyển mình sang một chiêu bài mới - đó là Hiện tình Việt Nam và Trung Cộng.


Bài viết này không nhằm đả kích ai, càng không chủ ý bóc mẽ cơ quan hay kênh truyền thông nào, nhưng là để phê phán những hành vi, hành xử sai trái từ phía truyền thông hải ngoại nói chung và một số cá nhân tự nhận làm công tác truyền thông nói riêng.
Quan điểm của tôi là, truyền thông sinh ra từ sự đúng đắn và hãy tồn tại với sự đúng đắn đó như một điều tiên quyết, sau cùng.


    Truyền thông sinh ra bởi những con người muốn kiếm tiền

    Bất cứ một cơ quan truyền thông nào khi ra đời đều có một lý tưởng cao cả, đó là Tin tức phong phú, đa dạng, nhanh chóng, chính xác. Dù là cơ quan của nhà nước hay tư nhân đều như vậy. Vì sao? Tổ chức nào sinh ra cũng có mục tiêu và vai trò(tự xác định) của nó. Khi đó họ hừng hực hào khí và muốn cống hiến, muốn làm điều gì đó cho cộng đồng và xã hội. Vấn đề đặt ra là lấy gì làm nền tảng để một cơ quan truyền thông tồn tại? Chẳng phải là tiền sao? Bài toán tiền được giải bởi:
    • Ngân sách phân bổ. Được quản lý và phân bổ theo chu kỳ, theo dự án phát sinh. Bị kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan chủ quản.
    • Nguồn tài trợ: Từ các doanh nghiệp, tư nhân. Đặc điểm của kênh truyền thông này ngoài tính phi lợi nhuận, các tin bài chú trọng nội dung và công tác xã hội rõ ràng, theo mục tiêu cụ thể. Ngày nay, rất ít tổ chức hoạt động đơn thuần theo mô hình này hoặc gặp ít nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn nhân lực và nguồn tin.
    • Tự kinh tài, tự kiếm: Phải linh hoạt theo thời thế, tin tức đa dạng và hút người theo dõi. Khả năng cạnh tranh cao.

    Ngày nay, dù là tổ chức truyền thông của nhà nước hay tư nhân thì xu hướng tất yếu là phải tự tạo kênh tài, tiếp đó mới kiếm tìm nguồn tài trợ hoặc chờ trông nguồn ngân sách phân bổ xuống. Vì thế, rất nhiều cơ quan truyền thông đều phải chuyển mình và đổi thay sao cho "tình hình của mình" khả quan hơn.

    Đối với truyền thông hải ngoại, đa số các kênh truyền thông đều được sáng lập bởi nó là một phương cách để kiếm tiền. Tùy thuộc vào chí hướng riêng mà nguồn kinh phí duy trì và phát triển được huy động riêng.

    Đối với những cá nhân làm chủ báo, chủ đài thường là mang mục đích thương mại. Rất ít có tờ báo nào hiện giờ, không mang mục đích thương mại. Hai mươi năm về trước có rất nhiều tờ báo không phải sống vì thương mại mà vì muốn bảo tồn văn hoá, cho nên những tờ báo loại này có rất ít quảng cáo và bài vở thì rất có giá trị. Những tờ báo thuộc dạng này nếu còn sống ngày hôm nay thì cũng rất là ít, đếm trên đầu ngón tay.(1)

    Các cá nhân chủ báo thường là chủ báo lẫn chủ bút. Đa số có khả năng viết lách, lý luận. Một số khác không có khả năng này, những vẫn có thể làm báo bởi miễn sao có tiền và mướn người trình bày cho in ấn là đủ. Bài vở thì hệ thống internet, chủ báo vào các mạng của người Việt Nam hay tại Việt Nam, lấy bài vở xuống, sửa một tí rồi đưa vào báo mình. Có những trang mạng của người Việt Nam tại hải ngoại cho phép mọi người đăng bài của mình mà không cần xin phép, miễn sao ghi rõ xuất xứ. Thế là các chủ báo không có khả năng hoặc có khả năng, lấy xuống đưa vào báo của mình và ghi rõ tên của tác giả mà không cần phải trả tiền nhuận bút.(2)

    Truyền thông và Tuyên truyền

    Cách đây khoảng năm, sáu năm, tôi có tới đài BBC bên Luân Đôn. Ông trưởng ban Việt ngữ hôì đó là một người Anh. Trong cuộc tiếp xúc, ông ta nói: "Chúng tôi chỉ làm truyền thông, không tuyên truyền". Tôi trả lời: "Tôi nghĩ ngoài việc đưa tin tức trung thực, khách quan, truyền thông còn có nhiệm vụ cổ vũ dân-chủ, tự-do, tố giác những vi phạm nhân quyền, những chế độ độc tài đàn áp dân chúng, nhũng bất công xã hội". Ông ta im lặng.

    Câu nói của ông người Anh làm tôi suy nghĩ: "Truyền thông và tuyên truyền là hai lãnh vực khác biệt, hoàn toàn tách rời nhau"" Nhìn vào thực tế, tôi thấy không phải vậy. Dù ở dưới trời tự-do hay trên đất nô lệ, truyền thông và tuyên truyền tuy có khác nhau chút đỉnh, nhưng luôn hòa quyện vào nhau, chẳng khác gì tình yêu nam nữ Việt-Nam thời cổ xưa "Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai".

    Ở những xứ sở tự do, tin tức khó có thể bị ếm nhẹm, xuyên tạc. (Xin lưu ý các bạn là khó bị, chứ không phải là hoàn toàn không bị). Khó bị vì có nhiều nguồn tin độc lập. Kẻ đưa tin không chính xác dần dà sẽ mất hết uy tín, không ai tin. Vì vậy mơí có những tờ báo bị dân gọi là lá cải.

    Ở những xứ sở độc tài, quan hệ giữa tuyên truyền và truyền thông là quan hệ CHỦ-TỚ. Mọi tin tức bị kiểm duyệt.

    Mọi người làm truyền thông đều có quan điểm xã hội, chính trị theo một khuynh hướng nào đó. Và ai cũng muốn quan điểm của mình đưọc nhiều người đồng tình - Trừ nhũng "trường hợp đặc biệt" bất chấp tất cả! - Quan điểm này thể hiện qua việc chọn tin, chọn bài, chọn người để phỏng vấn, nhất là qua việc bình luận thời sự, tranh luận chính trị. Ta thấy truyền thông không bao giờ là đưa tin thuần túy, bao giờ cũng gắn liền vơí tuyên truyền, nếu ta hiểu tuyên truyền là phổ biến những quan điểm, những nhận định, những gía trị mà ta tin tưởng. Một số người dị ứng với 2 chữ "tuyên truyền", coi chuyện tuyên truyền là điêu trá, lừa bịp, mị dân.

    Đối với những chế độ độc tài, qủa đúng như vậy. Hơn thế, tuyên truyền của chúng còn đểu cáng, thô bạo, vô sỉ. Nhưng ở các nước tự do, một số những kẻ muốn tuyên truyền dối dân, mị chúng cũng phải khéo léo, tinh vi, gỉa nhân, gỉa nghĩa, ngụy trang kín đáo. Còn với những kẻ có lòng, đàng hoàng, xứng đáng, tuyên truyền chống cái ác, cái xấu, xiển dương cái Thiện, cái Mỹ, thời nhất thiết phải tôn trọng cái CHÂN, tiếng nói mới có người nghe. Không thiếu những nhà văn, nhà báo, giáo sư, học giả hiểu rộng, biết nhiều, lý luận vững vàng, sắc bén, nhưng một khi uốn lưỡi, uốn bút bênh vực, bào chữa, ca ngợi bọn độc tài tội đồ của dân tộc, cũng trở thành ngụy biện quanh co, lúng túng, mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất.

    Danh không chính tất ngôn không thuận! Rất dễ hiểu khi người dân gọi họ là lũ "nhà văn nói láo, nhà báo nói càn".

    Nguồn tin có đáng tin cậy?

    Giới truyền thông tại hải ngoại hoàn toàn đứng một vị thế khác xa giới truyền thông trong nước. Vị thế này là được quyền nói, diễn đạt suy nghĩ của mình mà không sợ sự bắt bớt của chính quyền nơi mình cư ngụ. Cho dù có chửi, dùng những từ thiếu văn hóa đối với những vị lãnh đạo tại nơi mình cư ngụ, cá nhân đó hoàn toàn không bị đi tù bởi cái quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến ghi rõ trong bản hiến pháp và chính quyền phải tôn trọng chứ không thể dùng bất cứ điều luật nào để cản trở quyền tự do ngôn luận trên.(3)

    Và chính ở vị thế khác biệt này, giới truyền thông tại hải ngoại thông tin trung thực hơn, nhận xét vấn đề tương đối độc lập trong các bài viết của mình. Khi dùng từ tương đối độc lập phải hiểu là có những người làm truyền thông tại hải ngoại, trong lúc phân tích những đề tài chính trị tại địa phương mình cư ngụ, đặc biệt tại Hoa Kỳ, thường hay có những dẫn chứng sai lệch để ủng hộ hay để bài kích một đảng phái nào đó giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ (xem bài Cộng Hòa, Dân Chủ Và Giới Truyền Thông Người Việt để thấy rõ sự sai lệch này).(4)

    Giới truyền thông tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ nhất, vẫn mang tư tưởng đảng phái và chính vì thế — giới truyền thông này luôn luôn xem đảng Cộng Hòa là chống cộng nhất — mà không hề quan tâm đến chính sách thực sự của đảng Cộng Hòa trong việc chống cộng ra sao, không hề quan tâm là chính sách của đảng Cộng Hòa có giúp người dân nghèo — trong đó có người Việt Nam đang cư ngụ. Và chính vì tư tưởng đảng phái này, lối nhận định vấn đề đôi khi không được công bằng lắm.(5)

    Khi nói đến giới truyền thông ở hải ngoại thì phải chia ra làm ba loại. Những ông chủ báo, chủ đài truyền thanh — truyền hình; và những người làm truyền thông tức là những người xướng ngôn viên, săn tin, viết bài thuộc đủ thể loại. Sự phân biệt này rất là cần thiết bởi không hẳn bất cứ ông chủ báo, chủ đài (phát thanh và truyền hình) đều có khả năng viết, săn tin và bình luận. Và những ông chủ không có khả năng này thường thì luôn luôn tự nhận mình nằm trong giới truyền thông.(6)

    Kể từ khi Youtube, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung nổi lên như là một phương tiện truyền thông, thì ngày càng có nhiều Youtuber ở hải ngoại hơn, các kênh truyền thông hải ngoại cũng nhanh chóng chuyển hướng tiếp cận mới. Vì thế, nguồn thông tin cũng nhiều hơn, đa chiều hơn và cũng khó phân biệt được đâu là tin đúng và tin thất thiệt. Tựu chung, chúng không được kiểm chứng mà vẫn dựa trên những nguồn thông tin được cho là đồn-đoán mang tính chủ quan, nhưng cứ khăng khăng cho là chính xác 100%.

    Nhìn cái cách các Youtuber, nhà đài truyền thông hải ngoại đưa tin ít nhiều làm cho người dân trong nước thêm hoang mang, đồng bào sở tại cũng rơi vào tình trạng bán tín bán nghi. Đấy là chưa kể đến tình hình chia đảng phái đấu tranh bởi chính quyền sở tại. Tiếng nói chung ở cộng đồng người Việt hải ngoại ít nhiều bị phân tán và giảm sự đáng tin.

    Sự việc minh chứng cho những sai lệch gần đây nhất phải kể đến là:
    1. Tình hình sức khỏe của Chủ tịch kiêm Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Rất nhiều nguồn tin cho rằng ông này đã "đi họp".
    2. Hàng loạt tin tức về Biển Đông bị bóp méo và mang tính kích động. Dù phía Trung Quốc chưa có động tĩnh gì trên biển Đông nhưng không ít truyền thông cho rằng Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6.
    3. Cuộc thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng đến Việt Nam là điều đương nhiên. Nhưng không ít truyền thông hả hê vì Tàu thấm đòn của Mỹ và một mực cho rằng ngày tận thế của Trung Quốc đã gần kề.

    Điều tôi thấy quan ngại nhất chính là cái cách đưa tin bằng những từ rất kích động. Sau tất cả tôi thấy được bộ mặt ba phải của truyền thông hải ngoại. Tôi cũng biết và hiểu được họ "khôn khéo" chuyển mình theo thời thế như thế nào. Họ hiểu rõ hơn 90 triệu người Việt khao khát tự do thế nào, biết được người Việt ghét Trung Quốc thế nào, biết người Việt mong Trung Quốc sụp đổ như thế nào,... nên biết phải làm gì với miếng mồi ngon đó để mưu lợi. Khi đó, từ ngữ và cách nói cũng chĩa dùi mũi vào con mắt người hiểu Tiếng Việt, tôi là một ví dụ. Tôi không thích điều đó, và đó cũng là động lực để tôi viết bài viết này.

    Khi họ chơi tồi

    Có những đài phát thanh, truyền hình, dù đang ở xứ tự do, nhưng vẫn chơi trò chơi không được tử tế lắm. Nghĩa là giam giữ lương của nhân viên từ một tháng, rồi hai tháng, rồi hơn hai tháng. Khổ nổi người Việt với nhau, các nhân viên làm cho đài, nếu đây chỉ là nghề duy nhất cho cuộc sống thì sớm muộn gì cũng phải bỏ đi để tìm một việc làm khác để có tiền sống hằng ngày. Đa số những người làm cho các đài phát thanh và truyền hình của người Việt tại hải ngoại là những người đã có một nghề chính để sinh sống. Thời gian còn lại thì đóng góp một vài tiếng cho các đài phát thanh và truyền hình thuộc dạng cộng tác viên không lương, mục đích phục vụ cộng đồng chứ không phải làm vì đồng lương.

    Dĩ nhiên cũng có lúc phải thông cảm chủ đài. Làm đài phát thanh hay truyền hình tại hải ngoại sống không dễ đâu. Bởi nếu dễ thì ai cũng mở đài như các tờ báo tại những thành phố có đông người Việt.

    Có những ông chủ đài phát thanh hay truyền hình, khai phá sản nhưng vẫn cố gắng giữ đài bằng cách làm đài với một cái tên khác nhưng vẫn nhân viên cũ. Đồng thời năn nỉ nhân viên cố gắng giúp trong lúc hoạn nạn. Người Việt Nam, những người yêu nghề truyền thông, luôn luôn sẵn sàng hy sinh dù rằng đồng lương của mình, trên mặt pháp lý, ông chủ đó đã huỵch nợ bởi khai phá sản. Nhưng do sự hứa hẹn, những nhân viên truyền thông này tiếp tục làm với hy vọng là ông chủ Việt Nam giữ lời hứa. Nhưng rồi lời hứa cũng thôi theo mây nước. Tiền lương của công ty phá sản bị giựt và tiền lương của công ty mới cũng bị giựt luôn bởi ông chủ này bỏ chạy và giao luôn cho giám đốc đài.

    Một số đài phát thanh người Việt tại các quốc gia trên thế giới, tiếp vận chương trình của đài phát thanh của người VN, nhưng lại không xin phép. Cái lịch sự tối thiểu trong việc liên lạc đài phát thanh của người Việt trước khi thực hiện chuyện tiếp vận cho đài của mình không xảy ra. Dĩ nhiên có một số đài phát thanh người Việt sẵn sàng cho mọi người tiếp vận chương trình của mình mà không cần xin phép. Tuy nhiên, đã làm trong ngành phát thanh, chúng ta nên hiểu cái lịch sự tối thiểu là thông báo trước khi tiếp vận. Có bao nhiêu đài phát thanh Việt Nam tại hải ngoại tiếp vận đài Đáp Lời Sông Núi (hay bất cứ đài nào đó của người Việt Nam) và xin phép hoặc thông báo trước khi tiếp vận?

    Đấu đá đảng phái

    Việc thiếu vắng một cộng đồng hải ngoại đối với một dân tộc đông đảo như dân tộc ta là một điều rất bất thường và đã là một yếu tố giải thích những bất hạnh của chúng ta trong thế kỷ này.
    Đối với mọi dân tộc, cộng đồng hải ngoại là một yếu tố cần thiết. Nó là tai và mắt của dân tộc để quan sát và học hỏi, một dân tộc không có cộng đồng hải ngoại không khác gì một người vừa điếc vừa mù. Đó cũng là các đầu cầu khoa học, kỹ thuật và thương mại vô cùng quí báu. Các nước mới phát triển gần đây đã được nhờ rất nhiều ở một cộng đồng hải ngoại hùng mạnh.(7)

    Đối với Việt Nam, với sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta lần đầu tiên có được một yếu tố cần thiết cho đất nước mà chúng ta chưa có. Nhờ đợt xuất ngoại vĩ đại này người Việt làm quen được với mọi nếp sống và mọi nền văn minh, đã thử nghiệm mọi khuôn mẫu tổ chức xã hội và mọi chế độ chính trị, đã có những chuyên viên Việt Nam trong mọi bộ môn khoa học kỹ thuật. Cộng đồng này nếu quan hệ mật thiết được với đất nước sẽ là một bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị thế giới bỏ lại đằng sau, sẽ rũ bỏ được mọi cố chấp và thành kiến, sẽ vĩnh viễn ra khỏi ngõ cụt thủ cựu.(8)

    Vì không nhận định được vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của cộng đồng người Việt hải ngoại mà những người chống đối nhau đã làm những sai lầm giống nhau. Chính quyền cộng sản Việt Nam khi tổ chức đợt vượt biên bán chính thức các năm 1978, 1979 và 1980 đã chỉ nhắm mục đích làm tiền và tống xuất những thành phần đáng ngờ vực, đặc biệt là người Việt gốc Hoa. Họ hoàn toàn không có ý định tạo ra một cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong một thời gian dài họ đã thóa mạ cộng đồng người Việt tị nạn là những người phản bội quê hương chạy theo đế quốc. Gần đây thái độ của chính quyền cộng sản đối với người Việt hải ngoại có phần hòa dịu đi nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn chỉ được nhìn như một con bò sữa không hơn không kém.(9)

    Người Việt hải ngoại bị phân loại tốt, xấu và khi muốn về thăm nhà phải qua các thủ tục rà soát gắt gao. (ở đây lại xin mở một dấu ngoặc khác về chuyện gia đình, xin lỗi quí vị độc giả. Mẹ vợ tôi đột ngột qua đời năm ngoái, ông anh vợ tôi, một người đã nghỉ hưu và hoàn toàn không có một hoạt động chính trị nào, đến tòa đại sứ xin chiếu khán khẩn cấp nhưng bị từ chối, sứ quán cho biết trường hợp nào cũng phải đợi bên nhà cho phép, ông ấy phải trả lại vé máy bay đã mua). Không một tờ báo Việt ngữ hải ngoại nào được phép lưu hành tại Việt Nam. Những gương mặt mà cộng đồng người Việt hải ngoại mến mộ nhất đã hoặc đang ở tù như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Quảng Độ, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, hoặc đang bị trấn áp như Hà Sĩ Phu, Bảo Cự, Nguyễn Thanh Giang... Sự xấc xược và khiêu khích khó có thể lớn hơn. Thay vì tìm mọi cách để gia tăng sự gắn bó giữa người Việt trong và ngoài nước như mọi chính quyền thông minh và trách nhiệm phải làm, chính quyền cộng sản đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn sự giao lưu : cấm đoán tài liệu, kiểm soát thư từ, lập ''tường lửa'' trên lưới Internet, hăm dọa những người liên hệ nhiều với hải ngoại, v.v...(10)

    Các lực lượng chống cộng cực đoan tại hải ngoại cũng đã từng tìm đủ mọi cách để ngăn chặn giao lưu giữa trong và ngoài nước : kêu gọi đừng tiếp tế cho thân nhân ở Việt Nam vì như thế cũng là tiếp máu cho cộng sản, tung ra các chiến dịch ''chống kinh tài Việt Cộng'' và ''chống du lịch Việt Cộng'', có lúc dùng cả những biện pháp độc ác như lập danh sách người về thăm quê hương để tố giác với chính quyền các nước tiếp cư làm họ mất thẻ tị nạn.(11)

    Sở dĩ người Việt bị phân hóa tư tưởng như vậy là bởi giới truyền thông.

    Câu hỏi đặt ra là tại sao người Việt hải ngoại không thể một lòng? mà ngày càng có dấu hiệu phân hóa bởi 2 xu thế đấu tranh của lưỡng đảng ở Mỹ. Điều cốt lõi là quyền lợi của mỗi người. Người tranh đấu vào chính trường tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào bởi các chiêu bài chống cộng sản. Một khi chiêu bài đó không còn hữu ích thì lập tức bị ruồng rẫy và tẩy chay. Người định cư thì tìm đường an cư lạc nghiệp. Khi đã an cư lạc nghiệp rồi thì đấu tranh cho quan điểm của mình bằng cách ủng hộ cho đảng phái mà mình cho là đúng đắn. Truyền thông thì khác, dù dân có theo chiều hướng nào thì họ cũng tìm cách khuấy đảo và tìm cách mưu lợi từ đó. Thế nên mới có chuyện nhà đài này đấu tố đài kia, bôi nhọ, đặt điều nói xấu lẫn nhau. Người dân thấy mà ngao ngán... tự hỏi cộng đồng người Việt rồi sẽ về đâu? và rồi một số người đã tìm về với quê hương xứ sở. Số còn lại vẫn hoang mang hoặc bảo thủ với lý tưởng của mình.

    Tạm kết

    Cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành đến nay đã được 22 năm. Dù sự thành lập này đã liên tục trong nhiều năm và vẫn chưa chấm dứt, nhưng có thể tạm coi là cộng đồng người Việt hải ngoại đã trưởng thành. Đã đến lúc chúng ta nên dành đôi chút thời giờ để nghĩ về mình và đất nước mình. Truyền thông cũng vậy, đừng vì nồi cơm bé nhỏ của mình mà làm cho mọi thứ rối lên, làm cho sai lệch thông tin và bản chất thông tin đăng tải, để rồi con cháu và nhiều thế hệ sau chúng biết nghĩ như thế nào về cha anh chúng là những thế hệ đầu nơi đất khách quê người.

    Nguồn trích dẫn

    (1)(2)(3)(4)(5)(6): Trích giới truyền thông Việt Nam tại hải ngoại (Phần 1), tác giả Vũ Hoàng Nguyên.
    (7)...(11): Trích Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại của Tác giả Nguyễn Gia Kiểng