Type Here to Get Search Results !

Trường Vũ: Nghèo mà có tình



Thông tin

Sáng tác: Thái Khang
Ca sĩ: Trường Vũ
Phát hành: 2007

Lời bài hát

Còn lại được gì ngoài tay trắng buôn ba ngược xuôi
Bạn bè ngày nao giờ cũng bỏ ta đi thật xa
Mới chỉ hôm nào còn nghe tiếng bạn thân tình
Mà giờ hôm nay mỗi bước ta đi quạnh hiu
Còn lại người tình, người cũng buông lơi đời ta
Nghèo tội gì đâu mà em nỡ nói câu từ ly
Cô đơn xa người vì tay trắng trong kiếp nghèo
Nghèo mà lương tâm không dối gian như người ta
Kiếp sống cơ hàn hỏi bên ta đang còn ai
Cuộc đời giàu sang đã cuốn mất em đi theo người
Với những đồng tiền phù du đã khiến con tim em đổi thay
Khi xưa bên người em đâu biết chi ngoài chữ tình
Vật đổi sao dời em vội quên
Giàu thì nhiều người bước đến vây quanh ta bên đời
Thế nhưng nghèo chẳng còn ai ai muốn sớt chia bao buồn vui
Đau hơn khi lòng nhận ra chữ kia là phũ phàng
Nghèo mà có tình thì cao quý hơn.

Tản mạn

Thực sự là nghe bài này rất thấm. Có trải qua hết những "mảnh đời" như bài hát đề cập mới thấy từng chữ, từng câu nó "nhột" dã man. Ở góc độ nào đó, tôi tự thấy mình còn "nghèo" lắm mặc dù tôi không ưa gì chữa "nghèo" ấy.

Không mấy khi tôi nghe nhạc Trường Vũ, vì đó là khi tôi còn trẻ, tôi không thích cái giọng bi lụy, sến súa của anh. Nhưng trải nghiệm nhiều thì mới thấy anh hát hay cỡ nào khi nghe các bài hát mà anh thể hiện. Tôi cũng hiểu được lý do vì sao cái tên Trường Vũ trong nhiều năm lại làm mưa làm gió trên các CD, Video với các HIT liên tục. Tôi cũng hiểu được vì sao người ở hải ngoại lại yêu thích giọng hát của anh đến vậy.

Các nhà tâm lý học cho rằng cuộc sống nghèo khó không đáng sợ, thứ đáng sợ nhất lại nằm trong chính lối suy nghĩ nghèo khó, không dám thay đổi, không dám bứt phá của mỗi người. Đó mới là nguyên nhân chính làm cho chúng ta luôn mắc kẹt trong sự khó khăn, đã nghèo lại hoàn nghèo, là vật cản to lớn nhất trên con đường phát triển về sau.

Nghèo khó có nghĩa là thiếu tiền. Mà từ góc độ kinh tế học, nếu bạn thiếu một cái gì đó, bạn sẽ coi thứ đó đặc biệt quan trọng. Mà thứ gì có sẵn trong tay, bạn sẽ dễ dàng xem nhẹ nó. Thời gian chính là một giá trị điển hình luôn bị người ta dễ dàng bỏ qua như vậy.

Trên thực tế, đa phần chúng ta luôn vô tình trở thành cái bóng của người khác. Mọi người xung quanh sống thế nào, chúng ta cũng muốn sống như thế. Và chúng ta vô tình bị cuốn theo những hình mẫu đó, nó khiến ta phải trở nên thế này, thành thế kia.

Ở đây, câu "nghèo mà có tình thì cao quý hơn" có 2 vế rõ rệt là:

Nghèo mà có tình - (1)Ý nói sống nghèo nhưng có tình có nghĩa với người thân, xóm giềng, với người xung quanh. (2)Nhưng nếu ta xét ở ngữ điệu khi phát ngôn Nghèo/ mà có tình thì ý nghĩa sẽ khác đi. Ý là nếu nghèo mà còn có tình (tình yêu) thì tốt biết mấy.
Nghèo mà có tình thì cao quý hơn - ý này lại quay về với ý (1) ở trên. Ý nói, sống nghèo khó mà có tình có nghĩa, vẹn cả mối quan hệ và gia thất thì không gì sánh hơn.

Thực tế là nghèo thì không thể có tình. Cái gì cũng thiếu thì mới gọi là nghèo. Mà cái gì cũng thiếu thì sao mà có tình nhiều được. Nếu suy ở góc độ chữ nghèo thì cái tình cũng không khá giả gì hơn. Nhưng chữ nghèo ở đây nếu hiểu là sự thiếu thốn về tiền bạc thì cái nghèo tình còn suy xét thêm.

Sở dĩ tôi phân tích sâu "Nghèo mà có tình" kỹ như vậy là để thấy được cái hay, cái chiều sâu của tác giả. Bởi mỗi chữ là một ý tứ, khi ghép chúng lại thì nó trở thành một đức tính đáng để trân quý, không thể xem thường người nghèo tiền nghèo bạc, nhưng sống hiếu thảo, có tình có nghĩa.

Một điều đáng hổ thẹn chính là người ta lấy cái nghèo ra làm cái cớ để phũ bỏ, kéo theo là sự sỉ vả, sỉ nhục đính kèm. Trong vô vàn lý do để chia tay, thì vịn cớ nghèo là thực tế và cái cớ ngớ ngẩn nhất. Yêu đương đâu phải một vài ngày, đâu thể không hiểu không biết thân phận, gia cảnh đối phương. Không biết ai nghĩ sao chứ tôi thấy không sao hiểu được.

Với giai điệu chậm rãi, cùng với cách sử lý rất hay của Trường Vũ, chúng ta được nghe, được thấm cái tình đời sang hèn khi đời đổi trắng thay đen.

Bởi vì khi chúng ta kẹt tiền, chìm trong túng thiếu, chúng ta mới biết đâu là những người "bạn" thực sự, chứ không phải là "bạn-bè" nữa.
Bố mẹ tôi là những người rất nhân hậu, ông bà luôn sống rất chan hòa, giúp đỡ hàng xóm và những người khó khăn mà họ biết. Ông bà cũng có khá nhiều bạn bè. Đến lúc gia đình tôi gặp sự cố, bố mẹ tôi phải lao đao khốn đốn xoay sở mọi cách thì cũng là lúc những “người bạn” đó đột nhiên biến mất.

Hóa ra là việc tốt bụng và hào phóng không phải lúc nào cũng được đền đáp. Khi bố mẹ tôi không còn gì để “cho” nữa thì những người xung quanh, những người mà chúng tôi nghĩ là bạn, cũng đều nhanh chóng xoay lưng đi. Và tất nhiên, vẫn còn đó những con người tốt bụng đã giúp đỡ và luôn bên cạnh gia đình tôi trong cơn hoạn nạn cho đến tận bây giờ.

Bài học đó đã dạy tôi rất nhiều, rằng chỉ nên trân quý những gì thuộc về mình, những người thực sự quan tâm đến mình, bất kể tình trạng của tôi hay gia đình tôi thế nào. Việc mất hết tất cả đã khiến cho tôi ngày càng trở nên chọn lọc hơn với những người tôi cho là quan trọng trong cuộc đời mình. Các mối quan hệ của tôi dựa trên tình yêu thương và sự tin tưởng chứ không phải là những giá trị vật chất. Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn vì điều đó.

Người ta nói: "cái khó nó bó cái khôn". Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng cái khó nó không bao giờ nó bó nó ngăn được cái tình, sự cho đi của mỗi người. Lại có câu: "Chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh". Khi đó, "nghèo" chỉ là cái chữ vô nghĩa chẳng nói lên điều gì. Bởi "nghèo" không đồng nghĩa với cái gọi là mãi mãi. Chấp nhận mình, không ngừng cố gắng và hy vọng, và quên cái chữ "nghèo" chết tiệt ấy khỏi đầu.

Đăng nhận xét

2 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.