Type Here to Get Search Results !

Giảm thu nhập do Covid-19, làm sao “sống sót” qua dịch?

Hạn chế đi lại, cắt giảm mua sắm những đồ không cần thiết, chăm chỉ nấu cơm mang đi làm… là những thay đổi tích cực được vô số các chị em áp dụng trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.



Chăm chỉ dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và cơm hộp cho chồng mang đi làm, đó là cách tiết kiệm hiệu quả của chị Minh Ngọc (Hà Nội).

Chị Ngọc cho biết, trước đây do thời gian bận rộn nên thi thoảng chị mới chuẩn bị cơm cho chồng, nhưng từ khi Việt Nam có ca nhiễm Covid-19, chị đã làm việc này thường xuyên hơn. Ngoài ra, gia đình chị cũng hạn chế tối đa việc đi ăn nhà hàng hoặc quán ăn bên ngoài.

“Chồng tôi làm IT cho một công ty ở Cầu Giấy, sáng 7 giờ đi làm, tối thường 20 giờ mới về đến nhà, công việc rất áp lực và mệt mỏi nên tôi cũng muốn tự tay chuẩn bị từng bữa cơm cho chồng. Nhờ đó, vừa có thể tiết kiệm tiền đi ăn hàng, vừa đảm bảo sạch sẽ, ngon miệng, chồng tôi cũng đỡ phải vất vả đi ra ngoài tìm hàng ăn trong giờ nghỉ trưa ít ỏi. Mỗi suất cơm chỉ mất khoảng 45 phút nấu nướng và chuẩn bị với chi phí từ 30-45.000 đồng tùy bữa”, chị Ngọc chia sẻ thêm.

Sở hữu 2 cửa hàng bán đồ gia dụng và thời trang với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết nếu như trước đây, mỗi tháng gia đình nhà chị phải chi từ 35-45 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt hàng ngày cho hai vợ chồng và ba đứa con, chưa kể tiền đi du lịch mỗi năm 2-3 lần, thì khoảng hơn một tháng trở lại đây, chị Vân đã tiết kiệm được 50% chi phí không cần thiết.

“Trước đây, tôi chi tiêu vô tội vạ, có bao nhiêu tiền cũng hết. Có tháng tôi cũng thử ghi lại tất cả các khoản chi tiêu trong nhà mà có tháng hết 50 triệu, còn trung bình tháng nào cũng tầm 30-35 triệu/ tháng. Chưa kể vài tháng nhà tôi lại đi du lịch một chuyến, mỗi lần hết tầm 40-50 triệu đồng.

Từ khi ra Tết, tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng bán cũng chậm không được như trước đây nên để chồng quản lý cửa hàng, tôi đưa 3 đứa con về quê tránh dịch và tiếp tục công việc bán hàng online của mình. Đồng thời lên kế hoạch tiết kiệm đề phòng công việc làm ăn không thuận lợi”, chị Vân kể.

“Con nghỉ học mỗi tháng tiết kiệm hơn 8 triệu tiền học, ngoài ra tôi cắt giảm hết các khoản không cần thiết. Trước đây, tuần nào nhà tôi cũng đi siêu thị mua sắm quần áo, đồ chơi cho con, rồi đi ăn nhà hàng để thay đổi không khí. Mỗi lần như vậy, hóa đơn linh tinh cũng phải vài triệu đồng. Từ hôm về quê là cắt hẳn được 2 khoản đó. Ở nhà với ông bà đỡ tiền nhà hàng và mua sắm linh tinh. Hơn nữa, ở quê mọi thứ cũng rẻ hơn rất nhiều, không khí trong lành các con không ốm vặt, lại gần ông bà nên cả nhà vui lắm”, chị Vân phân tích.

Đối với chị Minh (Hà Đông), việc tiết kiệm có hiệu quả nhất trong hơn một tháng qua là việc cắt giảm mua hàng hiệu. Quản lý công ty truyền thông với thu nhập vài trăm triệu/ tháng, việc mua chiếc áo hoặc chiếc túi có giá trị vài triệu là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, gần 2 tháng nay, công ty làm ăn không thuận lợi, thu nhập giảm sút nên chị cắt hẳn việc mua sắm tốn kém này.

“Trước đây, tôi thấy thích thì mua chứ không suy nghĩ nhiều, nhưng giờ tôi nghĩ lại mới thấy tiếc tiền và thấy mình quá hoang phí. Hàng đống túi xách, quần áo, váy vóc… mỗi chiếc vài triệu, có chiếc vài chục triệu mà chỉ dùng 1-2 lần rồi để đó. Giờ không thấy hứng thú nữa”, chị Minh nói.

Theo chị Minh, ngoài cắt giảm mua sắm quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu, chị còn cắt luôn mua đồ chơi cho con và chịu khó nấu cơm tại nhà thay vì đi ăn nhà hàng.

“Trước đây, con đòi mua gì là tôi mua ngay, nhưng giờ ở nhà với con mới thấy con có quá nhiều đồ chơi nên cắt hết việc mua mới. Ngoài ra, những khóa học múa, học nhảy của con hay thẻ làm đẹp hàng tuần của tôi cũng hủy hoãn hết. Từ một người không bao giờ quan tâm cặn kẽ đến chi phí trong nhà thì giờ tôi thay đổi hoàn toàn, biết tiết kiệm hơn, chi tiêu có kỷ luật hơn”, chị Minh chia sẻ.

Theo khảo sát của First Insight công bố ngày 28/2, hơn một nửa trong số những người trẻ thực hiện khảo sát (54%) cho biết virus corona đã ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. 40% cho biết họ đang cắt giảm chi tiêu để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Con số này nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

Ngoài ra trong mùa dịch này, ưu tiên hàng đầu của người trẻ là cần đảm bảo có một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp. Nếu bỏ lỡ công việc hoặc mất việc vì Covid-19, họ sẽ cần tiền để duy trì cuộc sống, ít nhất trong khoảng 3 đến 6 tháng.