Type Here to Get Search Results !

Nữ công dân châu Âu chia sẻ về cuộc sống ở Việt Nam giữa dịch Covid-19

Trong bài phỏng vấn trên trang Total Croatia News hôm 5/4, Emanuela Peric - đến từ đảo Rab, Croatia và hiện sinh sống, làm việc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam - đã mở đầu bằng từ "Xin chào" bằng tiếng Việt.


"Xin chào mọi người, tôi đang ở Nha Trang, một thành phố biển ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Tôi đang sống ở một "biệt thự" cùng 4 người khác. Tôi dùng từ "biệt thự" như một lời nhắc nhở bản thân rằng không có gì phải phàn nàn về chỗ ở cả.

Những người ở cùng là các đồng nghiệp và sếp của tôi, những người tôi đã gắn bó nhiều năm và luôn khiến tôi phải bận bịu. Họ cũng là người giúp tôi có cảm giác "an toàn" trong lúc dịch bệnh đang diễn biến khó lường.

Công việc của chúng tôi tạm thời bị gián đoạn, cũng như nhiều người khác ở Việt Nam. Chúng tôi giờ chỉ còn tập trung vào việc làm gì trong lúc cả đất nước Việt Nam đang áp dụng cách ly toàn xã hội. Cả nhóm không thể về quê hương (thực sự là chúng tôi cũng không muốn về vào lúc này)", Peric trả lời khi được hỏi về cuộc sống của cô ở Việt Nam.

Sau khi dành vài tháng ở châu Âu, Peric trở lại Việt Nam ngày 6/2. Thời điểm đó, nữ công dân Croatia cho rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 và kịch bản tồi tệ nhất xảy đến với thành phố biển cô đang sống là sẽ không có du khách Trung Quốc. Nhưng sau đó, mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Dịch bệnh lan ra toàn cầu, hết châu Âu lại tới Mỹ trở thành tâm dịch mới sau khi Trung Quốc dần kiểm soát được tình hình.

Với các câu hỏi: "Khi nào bạn nhận thấy Covid-19 ảnh hưởng tới Nha Trang và hãy chia sẻ thời điểm mà cuộc sống của bạn bị thay đổi do dịch bệnh?", nữ công dân Croatia trả lời:

"Nha Trang và toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 1 ca nhiễm Covid-19 từ ngày 2/2, theo con số chính thức. Nhịp sống ở đây vẫn diễn ra bình thường cho tới 1/4 khi Việt Nam áp dụng việc cách ly toàn xã hội. Không có du khách, nhà hàng và khách sạn đều đóng cửa.

Chính phủ Việt Nam lần lượt đóng cửa biên giới với các nước có dịch Covid-19 hoành hành khi trong nước mới ghi nhận 25 ca nhiễm bệnh. Từ đó tới nay, tôi vẫn tin rằng Việt Nam là nơi an toàn nhất trên thế giới trong dịch Covid-19.

Trong tháng 3, nhiều người Việt Nam từ châu Âu trở về, một số trong đó bị nhiễm bệnh và làm lây lan ra cộng đồng. Dù số ca vẫn ở mức thấp so với thế giới, chính phủ Việt Nam vẫn quyết định cách ly toàn xã hội từ 1/4 (kéo dài ít nhất 15 ngày) để tránh mọi rủi ro. Không tụ tập đông người, các bãi biển đều đóng cửa, chỉ còn cửa hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết cũng như dịch vụ giao thức ăn vẫn hoạt động.

Người dân ý thức hơn và rửa sạch tay thường xuyên, giữ khoảng cách xã hội. Giá cả mọi thứ không tăng trong đại dịch, thậm chí còn thấp hơn".

Theo Peric, việc đi lại bị hạn chế nhưng cô vẫn có thể đi ra ngoài khi cần mua đồ dùng thiết yếu. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, nữ công dân Croatia tìm nhiều cách để "giết thời gian" như làm việc nhà, xem tivi, học yoga, đọc sách, chỉnh sửa video hay thậm chí là học chơi cờ.

Trả lời về "cách giới chức Việt Nam đang thực hiện để kiểm soát dịch Covid-19, Peric chia sẻ: "Mọi thứ đều rất nghiêm túc. Việt Nam đang làm rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh. Thời điểm tôi viết câu trả lời này (4/4), mới chỉ có 239 ca nhiễm tại đất nước hơn 96 triệu dân".

Khi được hỏi so sánh về công tác kiểm soát dịch bệnh của quê nhà Croatia và Việt Nam, nữ công dân Croatia cho rằng cả 2 nước đều đang làm rất tốt và kịp thời. Việt Nam có phần nhỉnh hơn đôi chút khi người dân nhận thức và chấp hành việc ở nhà tốt hơn.

Nhận xét thêm về công tác thông tin của giới chức Việt Nam và so sánh với quê nhà, Peric cho biết: "Cộng đồng người nước ngoài ở đây đưa thông tin rất rõ ràng và giới chức địa phương cũng vậy. Chúng tôi hiểu rõ những gì được làm và không được làm. Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận các tin nhắn nhắc nhở phải ở nhà và rửa sạch tay.

Tại Croatia, một chiếc xe gắn loa sẽ chạy ngoài đường để nhắc nhở mọi người, trong khi cảnh sát sẽ tuần tra khắp nơi để ngăn người vi phạm.

Ngoài ra, một sự khác biệt rõ rệt nhất đó là việc đeo khẩu trang. Người dân Việt Nam và các nước Đông Nam Á rất tuân thủ đeo khẩu trang.