Type Here to Get Search Results !

Thế giới sau dịch Covid-19 (Kỳ 1): Kinh tế và Thương mại sẽ thế nào?

Ngay giữa đại dịch Covid-19, các quốc gia đã phải tính đến những kịch bản ‘lối ra’, nhất là về kinh tế. Thương mại và kinh tế thế giới đang và sẽ phải có điều chỉnh và thay đổi ra sao?


Rất ảm đạm là bức tranh chung hiện được phác hoạ về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới. Tông điệu chung là tác động của đại dịch virus corona tai hại khủng khiếp đối với thế giới.

Sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới?


Khái niệm chung được sử dụng trên thế giới là suy thoái mạnh và việc sử dụng khái niệm 'khủng hoảng kinh tế thế giới' rất thận trọng. Tiếp cận theo cách nào và với nhận thức nào thì sẽ có sự lựa chọn nấy cho việc sử dụng khái niệm.

Dù vậy, nếu so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu tiên năm 1857 - 1859, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thứ hai hồi 1929 - 1939 và thời kỳ khủng hoảng tài chính, nợ công năm 2008/2009 - mà nhiều khi cũng được đổ đồng là khủng hoảng kinh tế thế giới - thì đại dịch bệnh hiện tại tác động tới kinh tế và thương mại thế giới có 4 điểm khác biệt rất cơ bản.

Thứ nhất, tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau. Thứ hai, cả phía cung lẫn bên cầu đồng thời bị suy giảm chứ không bị mất cân đối đáng kể so với trước đấy. Thứ ba, kinh tế và thương mại sa sút không phải do nguyên nhân trong hệ thống hay mang tính cơ cấu mà do hiệu ứng từ những biện pháp hành chính cần thiết để đối phó đại dịch như phong tỏa, giãn cách hay cách ly xã hội, phong toả biên giới quốc gia… Và thứ tư là mức độ toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế hiện tại cao hơn trước đây rất nhiều.

Để có thể dự liệu được về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới thì trước hết cần phải định nghĩa rõ khi nào thế giới được coi là hết đại dịch, tức là khi nào chính thức bắt đầu thời kỳ sau đại dịch. Định nghĩa khác nhau sẽ đưa lại những dự báo khác nhau.

Định nghĩa chung được chấp nhận nhiều nhất là thế giới hết dịch khi không còn người lây nhiễm mà thế giới chỉ không còn người bị lây nhiễm khi có được vaccine phòng dịch và thuốc chữa. Bởi thế, phía trước con người và quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hiện tại là hai thời kỳ: thời kỳ cùng tồn tại và chung sống với dịch bệnh, tiếp theo đó là thời kỳ không còn dịch bệnh. Nhưng ngay từ bây giờ thôi, kinh tế và thương mại thế giới đã bắt đầu phải thay đổi.

Lối ra nào khỏi đại dịch?


Chiến lược hay kịch bản lối ra khỏi đại dịch đều bao gồm việc từng bước dần khôi phục hoạt động của xã hội và nền kinh tế, vừa thích ứng với tình trạng còn bị dịch bệnh ảnh hưởng vừa chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ sau dịch bệnh.

Đại dịch buộc các nền kinh tế và đối tác từ nay phải thận trọng hơn trong toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế, không từ bỏ cũng như không thụt lùi, không chững lại cũng như không né tránh nhưng sẽ phải lưu tâm thoả đáng hơn đến tốc độ và mức độ, lộ trình và cơ chế để giảm thiểu như có thể được rủi ro dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào biến động bất ngờ trong toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế.

Việc lựa chọn đối tác để hợp tác, lãnh thổ để đầu tư, thị trường để trao đổi hàng hoá và dịch vụ sẽ phải được suy tính và thực hiện chu toàn hơn trước để đảm bảo thị trường không bị cách trở và chuỗi cung ứng cũng như tạo giá trị không bị gián đoạn bởi đột biến mới có thể xảy ra. Nói theo cách khác, các nền kinh tế và đối tác sẽ phải cấu trúc lại cho riêng mình hoặc cùng nhau cấu trúc lại toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế. Phân công lao động quốc tế vì thế sẽ thay đổi rất cơ bản.

Ở đây sẽ có hai sự thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và thương mại thế giới. Thứ nhất, từ bài học rút ra được về sự lệ thuộc vào thị trường và sản xuất phụ kiện ở Trung Quốc mà đại dịch này đã phơi bày một cách không thương tiếc, tất cả các đối tác phải thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị của họ. Trong một thời gian nhất định ở phía trước, Trung Quốc sẽ khó có thể tránh khỏi tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đầu tư và dịch chuyển sản xuất kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để hồi hương hoặc dịch chuyển đến nơi khác trên thế giới.

Không phải ai cũng làm như chính phủ Nhật Bản có hẳn chương trình tài chính 2 tỷ USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc về Nhật Bản và chi 216 triệu USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc chuyển dịch sang các nước khác nhưng chắc chắn trên thực tế rồi cũng sẽ làm thế với mức độ khác nhau và vào thời điểm khác nhau. Làm thế không có nghĩa là không hợp tác nữa với Trung Quốc mà chỉ cẩn trọng hơn và 'bảo hiểm' hiệu quả hơn trước những rủi ro từ sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Kinh tế và thương mại sẽ thay đổi ra sao?


Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để 'bọc đỡ' lẫn nhau.

Kinh tế và thương mại thế giới sẽ còn thay đổi bởi sự hình thành của một nhu cầu đảm bảo an ninh mới - như đảm bảo an ninh lương thực hay đảm bảo an ninh năng lượng - là các đối tác đảm bảo luôn tự chủ về cung ứng những sản phẩm, thiết bị hay vật liệu cần thiết để đối phó khủng hoảng, đặc biệt về thuốc men, trang thiết bị y tế và tăng cường khả năng có thể nhanh chóng chuyển đổi sản xuất bình thường sang sản xuất những vật dụng hay thiết bị cần thiết cho việc ứng phó khủng hoảng. Cơ cấu kinh tế và thương mại quốc gia và quốc tế vì thế sẽ thay đổi, ưu tiên chính sách kinh tế và thương mại quốc gia vì thế cũng thay đổi.

Thứ hai là ngành du lịch và vận tải, đặc biệt hàng không, sẽ thay đổi rất cơ bản. Tất cả các đối tác đều phải định hình lại chính sách xuất nhập cảnh và quản lý biên giới quốc gia, chiến lược phát triển du lịch và hoạt động giao thông vận tải trên bộ, trên không cũng như trên biển. Các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ không co về đóng cửa hay khép kín, nhưng rõ ràng là việc kiểm soát thông thương, đặc biệt về dịch tễ, sẽ phải thắt chặt hơn và đảm bảo hiệu quả hơn rất nhiều. Các quốc gia và các vùng lãnh thổ rồi đây cũng còn bị buộc phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trước rất nhiều để xử lý những khía cạnh này.

Xưa nay, chưa có một cuộc khủng hoảng thế giới nào mà chỉ có chiến tranh thế giới mới làm thay đổi được trật tự chính trị an ninh, kinh tế, tài chính và thương mại thế giới. Nếu coi kinh tế và thương mại thế giới như một ngôi nhà thì đại dịch hiện tại giống như cơn giông bão và sau đấy, biết được nền sụt ở đâu cần phải san lấp, tường nứt ở đâu cần được trát kín, cửa rả bung tróc ở đâu cần phải sửa sang và thậm chí cả dột mái chỗ nào phải được lợp kín lại.