Type Here to Get Search Results !

Thiệt hại kinh tế của các nước khi kéo dài lệnh phong tỏa

Ấn Độ và Pháp đều được dự báo tăng trưởng âm năm nay sau quyết định gia hạn phong tỏa cách đây vài ngày.


Phong tỏa là cú sốc về cả cung và cầu đối với một nền kinh tế. Quy định về giữ khoảng cách an toàn để ngăn đại dịch lây lan khiến người dân khó chi tiêu và các nhà máy phải hoạt động với công suất thấp nhất. Thiệt hại kinh tế từ việc này là hiển nhiên và kéo dài phong tỏa sẽ chỉ càng kéo con số này lên cao.

Giới chức các nước biết rất rõ điều này. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng với tình hình hiện tại, đây là điều cần thiết. Khi tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa với 1,3 tỷ dân hôm qua (14/4), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ưu tiên cao nhất của ông là "bảo vệ tính mạng con người".

Quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm nCoV tại đây vượt 10.000. Người Ấn Độ sẽ phải tiếp tục tuân thủ lệnh phong tỏa đến ngày 3/5.

Sau thông tin trên, Barclays Research ra báo cáo ước tính GDP thất thoát từ việc các nhà máy và văn phòng Ấn Độ đóng cửa sẽ vào khoảng 26 tỷ USD một tuần. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo cuối tháng 3 của họ là 16,6 tỷ USD - khi Ấn Độ lần đầu công bố lệnh phong tỏa toàn quốc.

Vì thế, tác động tổng cộng của lệnh phong tỏa lên kinh tế Ấn Độ sẽ vào khoảng 234 tỷ USD, tương đương 8,1% GDP nước này, gần gấp đôi ước tính ban đầu. Phần lớn thiệt hại sẽ diễn ra trong quý II. Những số liệu này có thể được điều chỉnh, tùy vào thời gian lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

Nomura Financial Advisory & Securities thì cho rằng với việc gia hạn phong tỏa, kinh tế Ấn Độ năm nay có thể tăng trưởng âm 0,5%. Còn Barclays dự báo tốc độ này là 0%.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13/4 cũng thông báo kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 11/5 do "dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát". 67 triệu người Pháp đã được yêu cầu cách ly từ ngày 17/3.

Sau thông tin này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm qua ước tính GDP cả nước giảm 8% năm nay, thay vì 6% như dự báo tuần trước. Người phụ trách ngân sách cho chính phủ Pháp - Gerald Darmanin cũng cho biết trên France Info rằng việc gia hạn sẽ tăng áp lực lên tài chính công, kéo thâm hụt lên 9% GDP - cao hơn so với 7,6% tuần trước và cũng là mức đỉnh từ sau Đại chiến thế giới II.

Tuần trước, chính phủ Pháp đã tăng gấp đôi gói giải cứu cho nền kinh tế lớn nhì eurozone này, lên ít nhất 100 tỷ euro – tương đương 4% GDP. Họ hiện cho phép doanh nghiệp hoãn nộp hàng tỷ euro thuế, lập quỹ 7 tỷ euro hỗ trợ công ty nhỏ, tăng ngân sách hỗ trợ thu nhập cho 8 triệu người lao động và cam kết bảo lãnh khoản vay cho các doanh nghiệp. "Nếu cần phải làm nhiều hơn nữa, chúng tôi sẽ làm", ông Le Maire cho biết trên BFM TV.

Văn phòng Ngân sách Anh (OBR) hôm qua (14/4) cũng cảnh báo GDP nước này có thể giảm 35% trong quý II nếu lệnh phong tỏa kéo dài trong 3 tháng. Nước này bắt đầu phong tỏa từ ngày 23/3. Trong tuần này, giới chức Anh sẽ đưa ra quyết định có gia hạn hay không và nhiều khả năng việc này sẽ được tiếp tục.

Trong trường hợp lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng, khoản vay của chính phủ sẽ tăng từ 218 tỷ bảng lên 273 tỷ bảng giai đoạn 2020 – 2021, đưa thâm hụt ngân sách lên 14% GDP – cao nhất kể từ Đại chiến Thế giới II và hơn hẳn mức 10% thời khủng hoảng tài chính.

Trong các lĩnh vực, GDP ngành giáo dục được dự báo giảm mạnh nhất, với 90%. Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 85%. GDP năm nay của Anh có thể giảm tới 13%. Còn tỷ lệ thất nghiệp có thể lên 10% cuối tháng 6.

Doanh thu thuế được dự báo giảm và chi tiêu công sẽ tăng vọt vì các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, OBR cho rằng các biện pháp này sẽ giúp giảm thiệt hại trong dài hạn lên chất lượng sống và tài chính công.

"Chi phí của việc phong tỏa chắc chắn sẽ còn cao hơn", báo cáo nhấn mạnh. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: "Rõ ràng việc này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cần đánh bại virus này càng nhanh càng tốt. Đây không phải là sự lựa chọn giữa sức khỏe và kinh tế".