Type Here to Get Search Results !

Nạn Châu Chấu | Dịch Covid-19 chưa qua, nạn châu chấu lớn gấp 20 lần đợt trước đã trở lại. Lời cảnh báo đáng sợ của tự nhiên, dành cho cả nhân loại

Châu chấu sa mạc được coi là loài nguy hiểm nhất trong số tất cả loài di cư gây hại vì khả năng sinh sản nhanh và tốc độ tàn phá mùa màng.

Với người dân tại phía Đông châu Phi vào lúc này, virus corona không phải là mối lo duy nhất. Dĩ nhiên, Covid-19 với họ vẫn rất nguy hiểm, nhưng bên cạnh đó còn một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đang gây đe dọa đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đó là "đại dịch châu chấu".

Năm 2019 được xem là một trong những thời điểm Đông Phi ẩm ướt bậc nhất trong lịch sử. Điều này đã tạo ra một môi trường hoàn hảo, cho phép châu chấu sinh sản nhanh đến khủng khiếp. Hết lớp này đến lớp khác ra đời, châu chấu giờ tụ thành từng đàn với số lượng lên tới cả nghìn tỉ con, bay kín đặc không trung. Chúng càn quét, tàn phá những cây trồng quý giá của người dân nhiều quốc gia - trải rộng từ Kenya tới Ethiopia, Yemen, chạm đến cả phía bắc Ấn Độ.

Châu chấu là một loài phàm ăn, vậy nên số lượng châu chấu bùng nổ khiến các nhà kinh tế cảm thấy lo sợ. Họ sợ rằng sẽ có nạn đói xảy ra, nền kinh tế sẽ lao dốc, không thể cứu vãn. Tuy nhiên, nhà côn trùng học Dino Martins lại sợ một điều khác. Ông cho rằng đây là một lời cảnh báo đáng sợ của tự nhiên, dành cho cả nhân loại.


Nguy hiểm nhất trong các loài di cư gây hại

Trong một trang trại ở miền trung Kenya, mọi người gõ nồi niều xoong chảo ầm ĩ để xua đuổi hằng hà sa số con châu chấu sa mạc đang tràn qua khu vực Đông Phi này. Hàng tỉ con châu chấu đã tàn phá cây cối, hoa màu và đồng cỏ tươi ở Kenya, Ethiopia và Somalia kể từ tháng 12 năm ngoái. Sự tàn phá của chúng đặt khu vực vào một mối đe dọa về an ninh lương thực lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Giờ đây, sau nhiều tuần, lại một thế hệ châu chấu non mới sinh ra khi mùa thu hoạch bắt đầu. Lũ côn trùng này có khả năng tàn phá sinh kế của khoảng 20 triệu người vốn đã thiếu đói ở khu vực này, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc.

Trong những tháng gần đây, do dịch bệnh COVID-19 mà những nỗ lực chống lại nạn châu chấu bị ảnh hưởng khi hàng không ngừng hoạt động, biên giới đóng cửa. Nó cũng làm chậm việc cung cấp các thiết bị quan trọng, cản trở nỗ lực của các chuyên gia quốc tế đang tìm cách tham gia "chiến đấu" chống lại loài di cư gây hại này. Nếu không được ngăn chặn, số lượng châu chấu có thể tăng lên tới 400 lần vào tháng 6, có thể sẽ thành đại dịch vào cuối năm nay.

Châu chấu sa mạc được coi là loài nguy hiểm nhất trong số tất cả loài di cư gây hại vì khả năng sinh sản nhanh và tốc độ tàn phá mùa màng. Con trưởng thành có kích cỡ bằng ngón tay trỏ của người lớn. Một con châu chấu cái có thể đẻ hơn 150 quả trứng trong một bọc trứng. Sau khoảng 2 tuần, trứng nở thành những con châu chấu non gọi là "hopper". Những con hopper không cánh phát triển trong một tháng trước khi có thể bay, trưởng thành rồi lại đẻ trứng. Những con châu chấu trưởng thành sống đơn độc có màu xanh lá cây hoặc nâu để phù hợp với môi trường xung quanh.

Khi nguồn thức ăn dồi dào, châu chấu sa mạc sinh sôi nảy nở và gia nhập vào giai đoạn gọi là sống bầy đàn. Khi giai đoạn này bắt đầu, chúng chuyển sang màu hồng. Lúc tiếp tục phát triển và trở thành đàn lớn, dày đặc hơn, chúng cũng thay đổi hành vi để hoạt động theo nhóm và bầy đàn. Một bầy có thể có tới 80 triệu con trên mỗi km vuông và di cư trong một phạm vi rộng lớn. Vào thời điểm này, châu chấu trưởng thành hoàn toàn và cuối cùng đổi sang màu vàng.

Chu kỳ sinh sản từ trứng thành châu chấu trưởng thành mất khoảng 3 tháng và có thể tăng đàn gấp 20 lần. Nghĩa là chúng có thể tăng lên 400 lần sau 6 tháng và 8.000 lần sau 9 tháng. Một con châu chấu trưởng thành trong đàn có thể ăn số thức ăn trong thảm thực vật bằng trọng lượng của nó.

Nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Ở Đông Phi, lũ châu chấu đói đã tàn phá đồng cỏ và các vùng đất đai hoa màu trụi đến tận gốc. Trong khi đó, hàng triệu người ở đây sống dựa vào nông nghiệp và đất đai mùa vụ. Theo CNN, dự báo tồi tệ nhất trong năm 2020, ít nhất 40 triệu người ở các quốc gia bị châu chấu hoành hành đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Ở Kenya, ít nhất 173.000 mẫu Anh (70.000ha) đất đai hoa màu bị tàn phá vào tháng 1 năm nay. Đây là nạn châu chấu tồi tệ nhất tại đất nước này trong vòng 70 năm qua. Keith Cressman - quan chức cấp cao của FAO - cho biết, một bầy châu chấu khổng lồ chiếm diện tích 37 dặm dài (60km) và 24 dặm ngang (38km) được phát hiện ở phía bắc Kenya hồi tháng 1.

Châu chấu sa mạc là loài di cư gây hại lâu đời nhất trên thế giới. Châu chấu sa mạc có thể bay 150km mỗi ngày và ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong một ngày. Các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu đã tạo ra tai họa chưa từng có trong thời gian gần đây, theo Liên Hợp Quốc.

Những cơn mưa lớn thường xuyên đổ xuống bán đảo Arab do số lượng lốc xoáy tăng lên kể từ năm 2018 đã tạo ra một môi trường sinh sản hoàn hảo cho loài này. Ba thế hệ châu chấu phát triển mạnh ở bán đảo không được kiểm soát và không bị phát hiện, FAO cho hay. Một số di chuyển về phía đông Pakistan. Một số lượng lớn bầy đàn bắt đầu phát triển mạnh ở Yemen - nơi chiến tranh khiến các nỗ lực dập dịch bị ảnh hưởng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12.2019, những con châu chấu vượt qua Vịnh Aden, tràn vào Somali và Ethiopia và sinh sản kinh hoàng, hình thành nhiều bầy đàn mới. Từ tháng 10 đến tháng 12.2019, chúng từ phía đông Ethiopia và miền bắc Somalia vào Cộng hòa Djibouti, Kenya.

Năm nay, chúng tiếp tục lan rộng, sinh sản mạnh vào mùa mưa (bắt đầu vào tháng 3) ở các nước Đông Phi như Uganda, Tanzania và Nam Sudan. Những nước này có nền kinh tế yếu kém và mất an toàn an ninh lương thực nhất tại Châu Phi. FAO lo rằng, nạn châu chấu có thể lan xa tới Tây Phi vào mùa hè này.

Nếu nạn châu chấu không được kiểm soát, ước tính thiệt hại có thể lên tới 8,5 tỉ USD vào cuối năm nay, Ngân hàng Thế giới cho hay. Ethiopia dự kiến sẽ đối mặt một năm tồi tệ nhất.

Mùa gieo trồng thì bắt đầu vào tháng 5 và các nhà chức trách đã đề ra thời hạn kiểm soát nạn này. Bởi nếu không kiểm soát được, vô số con châu chấu non sẽ lại cất cánh lên không trung vào tháng 6 và tháng 7. Khi đó, biện pháp phun diệt từ trên không mới là hiệu quả nhất. Một chiếc máy bay phun thuốc diệt châu chấu có thể giết chết 2 đến 3 bầy mỗi ngày, theo FAO. Kenya có 5 máy bay phun thuốc, có khả năng giết chết tới 18 đàn mỗi ngày. Theo đó, tính đến ngày 13.5, hơn 400.000ha đã được phun thuốc diệt trừ châu chấu tại các nước ở các khu vực trên.

Nếu không có thêm nguồn kinh phí và nguồn cung cấp thuốc diệt trừ, nạn châu chấu có thể gây ra thảm họa cho hàng triệu người ở cộng đồng nông thôn và khu vực đồng cỏ ở Đông Phi - nơi vốn vẫn quay cuồng với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng do hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác vào năm 2019. Cộng với đại dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lương thực tăng giá, thì thảm trạng ở Đông Phi càng tệ - nơi 27 triệu người sống nhờ vào hỗ trợ lương thực hàng ngày.

Trung tâm Ứng dụng và Dự báo Khí hậu có trụ sở tại Nairobi cho hay, châu chấu đang "xâm chiếm khu vực Đông Phi với những đàn đặc biệt lớn chưa từng thấy trước đây". Theo ông Kenneth Mwangi - một nhà phân tích thông tin vệ tinh tại trung tâm này, những bầy châu chấu mới bao gồm những con non mới trưởng thành rất phàm ăn.

"Mọi người đều nhắc đến bọn con châu chấu này. Một khi chúng đáp xuống khu vườn của bạn, chúng sẽ phá hủy tất cả. Một số người thậm chí sẽ nói với bạn rằng, châu chấu có sức tàn phá mạnh hơn virus SARS-CoV-2" - anh Yoweri Aboket, một nông dân ở Uganda, cho AP biết.

Tổ chức FAO dự kiến một đợt dịch châu chấu thứ 3 nữa sẽ xuất hiện vào cuối tháng 6 và tháng 7 - trùng với thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch. Tổ chức này đã yêu cầu thế giới viện trợ 153 triệu USD, tăng từ 76 triệu USD, để chống lại dịch châu chấu. Cho đến nay, FAO mới chỉ nhận được 11 triệu USD tiền mặt hoặc các cam kết mặc dù những gì họ cần là phải có hành động khẩn cấp trước khi số lượng châu chấu bùng nổ trở lại.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ càng khiến nạn châu chấu bùng phát tồi tệ hơn trong tương lai. Đối với những người nông dân như anh Chris Amerikwa chỉ dựa vào hạt lúa để nuôi sống bản thân và gia đình, thì anh không thể đủ khả năng đảm bảo cho tương lai.

Somalia và Ethiopia trực tiếp tuyên bố rằng, sản xuất nông nghiệp đã bị đình trệ hoàn toàn, và hàng triệu người đang gặp phải mối đe dọa lương thực chưa từng có. Theo FAO, dịch châu chấu cho thấy mối đe dọa chưa từng có đối với nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế.

Người Trung Quốc nín thở theo dõi diễn biến của dịch cào cào, châu chấu ở các nước láng giềng

Trong khi đang đối phó với dịch bệnh COVID-19 và dịch tả heo châu Phi làm giảm 55% đàn heo, Trung Quốc hiện nay đang nín thở theo dõi diễn biến của dịch cào cào, châu chấu ở các nước láng giềng.

Trung Quốc đã theo dõi diễn biến và tăng cường cảnh báo từ giữa tháng 2 và đầu tháng 3 trong trường hợp đàn cào cào, châu chấu ở Pakistan, Ấn Độ tràn qua biên giới.

Một tổ chuyên gia có trách nhiệm giám sát và - nếu có thể - ngăn chặn sự xuất hiện của loài côn trùng háu ăn này. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng các đàn châu chấu có thể bay theo hướng gió mùa.

Nếu khí hậu thuận lợi, có thể chúng sẽ di chuyển theo hướng từ Pakistan vào Ấn Độ, đến Tây Tạng rồi vào Trung Quốc và đi sâu xuống tỉnh Vân Nam. Ngoài ra, một hướng di chuyển khác của đàn cào cào là qua Kazakhstan và tràn vào khu tự trị Tân Cương.

Theo báo South China Morning Post ngày 2-3, Tổng cục Lâm nghiệp và đồng cỏ Trung Quốc thông báo: "Mặc dù các chuyên gia nhận định nguy cơ dịch cào cào, châu chấu là thấp, Trung Quốc sẽ vất vả trong việc giám sát chúng do thiếu kỹ thuật và kiến thức về mô hình di chuyển của chúng".

Dùng gà, vịt diệt châu chấu


Theo báo Asia Times ngày 28-2, Trung Quốc đã có những kinh nghiệm và giải pháp của riêng mình trong việc đối phó với dịch châu chấu trước đây, cụ thể là sử dụng gà, vịt.

Một con vịt có thể ăn 200 con cào cào, châu chấu mỗi ngày, một con gà tiêu diệt được 70 con. Đây là cách lợi dụng thiên địch hoàn toàn tự nhiên, tốt hơn nhiều so với việc dùng thuốc trừ sâu.

Để ngăn ngừa từ xa, Trung Quốc dự kiến gửi đàn vịt 100.000 con cho Pakistan để giúp nước này chống dịch châu chấu.

Mùa hè 2017 từng xuất hiện dịch châu chấu ở tỉnh Sơn Đông, người dân ở đây đổ xô đi bắt châu chấu làm thức ăn đặc sản thay cho nỗi buồn mất mùa.

Châu chấu có mặt trong nhiều thực đơn ở nhiều nhà hàng ở Trung Quốc. Châu chấu tươi hoặc đông lạnh có giá dao động 17 - 400 nhân dân tệ/kg (56.000 - 1,3 triệu đồng/kg).

Theo Thời báo Hoàn Cầu, cuộc chiến chống châu chấu ở Tân Cương hồi tháng 5-2000 có sự giúp sức của gần 100.000 con vịt và tỏ ra khá hiệu quả. Đến tháng 8 cùng năm, vịt đã ăn sạch châu chấu ở hơn 400.000ha đất nông nghiệp tại Tân Cương.

Châu chấu sa mạc vì sao khó diệt trừ?

Mehari Tesfayohannes, trưởng bộ phận thông tin dự báo của Tổ chức Kiểm soát châu chấu sa mạc Đông Phi chia sẻ: “Mặc dù tôi đã từng trải qua nhiều đợt đối phó với dịch hại châu chấu nhưng năm nay thực sự là chúng sinh sôi nhiều bất thường. Rất có thể do điều kiện thời tiết và khí hậu bất thường vừa qua chính là điều kiện hoàn hảo cho sự bùng nổ của loài côn trùng hung dữ này.

Đặc biệt là chúng đã xâm hại vào tại một thời điểm khó khăn nhất đối với nhiều quốc gia nghèo đói, xung đột và đại dịch Covid-19. Do vậy, một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Tại sao châu chấu sinh sôi mạnh? Các nghiên cứu cho thấy, một số loài châu chấu hoàn toàn có thể biến đổi để thích nghi theo các điều kiện tự nhiên khác nhau. Trong số 7.000 loài thì có chừng 20 loài đúng nghĩa được ghi nhận ở khắp các lục địa, ngoại trừ Nam Cực.

Loài xuất hiện thành bầy đàn gần đây ở châu Phi và châu Á chính là châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria), chúng vốn trước đây là loại sống đơn độc nhưng khi gặp điều kiện môi trường lý tưởng lại sinh sôi bùng nổ.

Bằng chứng là các nghiên cứu sâu trong một khoảng thời gian dài cho thấy, loài này đã bất ngờ thay đổi thói quen cũ và bắt đầu di chuyển, hoạt động theo hướng bầy đàn hơn là những cá thể riêng biệt như cũ.

Chúng không chỉ thay đổi đặc tính mà còn thay đổi cả màu sắc và kích thước, khi chuyển từ màu xanh lá cây hoặc màu nâu đốm sang màu vàng rực.

Hình dạng bên ngoài của chúng cũng nhỏ hơn, trong khi não bộ lại lớn hơn trong quá trình tiến hóa. Những thay đổi về hành vi có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giờ, trong khi những thay đổi vật lý cần nhiều thời gian hơn.

Ở giai đoạn mới này, châu chấu sa mạc hình thành bầy đàn với khoảng 150 triệu cá thể trên mỗi km vuông và có sức tàn phá khủng khiếp, tương đương với một lượng thực phẩm của 35.000 người mỗi ngày.

Điều này đã được FAO tính toán trên bình diện rộng khi châu chấu sa mạc gây hại trên quy mô 2.400 cây số vuông ở nhiều nơi, kể từ đầu năm đến nay.

Loài dịch hại lây qua không khí này có thể di chuyển với vận tốc hơn 161 km mỗi ngày theo chiều gió và đi tới đâu là để lại hậu quả ngay tới đó bằng chính các thảm thực vật trên đường đi của chúng.

Quy mô, tốc độ và sự tàn phá của châu chấu sa mạc đã khiến chúng trở thành mối nguy đối với nền nông nghiệp thế giới.

Nhà côn trùng học Hojun Song ở Đại học Texas A&M (Mỹ) nói về loài này: “Chúng không kiêng dè bất kỳ địa chính trị nào khi dễ dàng xâm nhập vào từng lãnh thổ qua đường biên giới”.

Nguyên nhân bùng nổ dịch họa châu chấu sa mạc theo chuyên gia Viện nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội (Đại học Columbia) Muhammad Azhar Ehsan là do lượng mưa lớn và bão Amphan đã kích hoạt thêm sự sinh sôi. Điều này một phần là do những thay đổi bất thường trong vòng nhiều thập kỷ về độ dốc nhiệt ở vùng lưỡng cực Ấn Độ Dương trong năm 2019.

Keith Cressman, chuyên gia dự báo châu chấu của FAO cho biết, chìa khóa chính là phát hiện sớm loài này ngay từ khi chúng còn chưa phát triển bộ cánh sẽ dễ kiểm soát hơn.

Nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn tháng đầu tiên trưởng thành tàn phá cây trồng và đẻ trứng rồi nở theo cấp số nhân, gấp 20 lần mỗi thế hệ. Đây thực sự là một chu kỳ rất khó phá vỡ nên việc giám sát, đánh chặn từ xa là một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát châu chấu.

“Nếu không có phương án thì vấn đề giống như một đám cháy lớn bùng phát ở nơi không có lực lượng cứu hỏa”, ông Cressman nói.

Thông điệp sâu kín phía sau hàng nghìn tỉ con châu chấu

"Đại dịch châu chấu lần này quả thực là khủng khiếp. Nhưng đằng sau đó là một thông điệp đáng sợ hơn, về việc loài người đã khiến môi trường thay đổi nhiều như thế nào," - Martins trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Nhà khoa học làm việc cho trung tâm Nghiên cứu Mpala (bắc Kenya) cho biết, nguyên nhân của dịch châu chấu đến từ những nguyên nhân không thể chối cãi: môi trường suy thoái, chăn thả quá mức, chặt phá rừng, hoang mạc hóa đất đai... Tất cả tạo điều kiện cho châu chấu phát triển ngày một mạnh hơn.

Cơn bão châu chấu lần đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 với số lượng lên tới hàng trăm tỉ sau những đợt thời tiết nóng và ẩm bất thường. Tháng 4/2020, thế hệ kế tiếp của chúng bay rợp trời, và lần này số lượng là hàng ngàn tỉ. Dự tính thế hệ thứ 3 của đàn châu chấu sẽ bùng nổ trong tháng 7, với con số cao hơn như vậy nhiều lần.

"Khi chẳng may lọt vào một trận bão châu chấu, thực sự là một trải nghiệm không thể tin nổi," - Martins chia sẻ.

"Châu chấu có màu sắc khác khi chưa trưởng thành - chúng thiên về màu hồng nhiều hơn, rồi sau này mới chuyển thành màu vàng. Vậy nên khi lọt vào cơn bão châu chấu, bạn sẽ thấy những dải màu vàng pha hồng cuộn lên khắp không trung, cùng đàn chim sâu lao vào tận hưởng bữa tiệc một cách điên cuồng."

Ngày nay, châu chấu và các loài sâu bệnh nói chung được kiểm soát bằng thuốc trừ sâu rải từ trực thăng. Tuy nhiên, phương pháp này gây ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người, cũng như sự an toàn cho môi trường.

Con người đã thay đổi quá nhiều

Xét cho cùng, biến đổi khí hậu đang thay đổi mô hình thời tiết của từng địa phương. Nó khiến một số vùng lạnh đi, một số vùng nóng hơn, mang thêm mưa cho nhiều khu vực. Tại đông Phi, sự biến đổi ấy đã tạo ra những cơn bão châu chấu đáng sợ.

Rick Overson - chuyên gia từ ĐH Bang Arizona cho biết các giải pháp chống lại châu chấu hiện nay đang là quá nhỏ so với quy mô thực sự của chúng. Rốt cục, càng cố gắng xử lý, con người sẽ ngày càng kiệt quệ.

"Rất khó để duy trì nguồn vốn cũng như trang bị kiến thức cho cộng đồng, khi chúng ta phải đối mặt với những đợt sóng châu chấu không thể dự đoán và có thể bùng nổ qua nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ," - Overson nhận định.

"Với tình trạng hiện tại, việc giải quyết nó ngay lập tức là điều quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần những giải pháp khác nữa. Bởi lẽ nếu cứ bị động và chờ đợi nó xảy ra, chúng ta sẽ mắc kẹt trong câu chuyện này mãi mãi."

Theo số liệu của Tổ chức nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO), tính đến thời điểm hiện tại, hơn 500.000 hecta đất tại châu Phi đã được xử lý bằng thuốc trừ sâu, đủ để cứu lượng cây trồng cung cấp thực phẩm cho 8 triệu người. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thể gây ra thảm kịch cho đa dạng sinh thái. Có thể bạn chẳng quan tâm đến số phận của lũ châu chấu, nhưng các loài vật khác cũng ở đó. Dẫu vậy, nông dân vẫn phải bảo vệ miếng ăn, và họ ngày càng sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ.

Bill Hanson - một nhà sinh thái hóa học từ Viện Max Planck (Đức) cho biết, ông rất lo ngại việc sử dụng thuốc trừ sâu có thể vô tình khiến các loài côn trùng quan trọng chết dần mòn, như ong mật.

Qu Dongyu - tổng giám đốc FAO thì cảnh báo, Covid-19 cùng đại dịch châu chấu sẽ gây ra thảm họa cho người dân tại đông Phi, với khả năng tạo ra một cơn khủng hoảng lương thực đáng sợ.

Có vẻ như, thế giới chào đón một thập kỷ mới bằng một kịch bản không thể đen tối hơn.


NTD - Người xưa nhìn nhận và thoát khỏi đại nạn châu chấu như thế nào?

Những vị cổ thánh tiên hiền quan sát và cảm nhận được thực sự thiên tượng và nhân gian con người có đối ứng với nhau, chính là nói hành vi của con người trời xanh có thể thấy rõ và ông trời điều động chuyện gì cũng sẽ ảnh hưởng đến các sự vụ nơi thế gian.

Một đàn châu chấu lớn với quy mô khoảng 400 tỷ con đang tiến vào biên giới Trung Quốc Đại lục, quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ bị “quân đội châu chấu" xâm chiếm. Các chuyên gia được chính quyền Trung Quốc phái sang Pakistan để nghiên cứu tình hình cũng bị những con châu chấu cắn. Nhưng điều đáng báo động hơn là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho hay, nạn châu chấu đã vượt khỏi tầm kiểm soát ngay từ giai đoạn ban đầu, nó có thể kéo dài đến tháng 6 năm 2020, và quy mô của đàn châu chấu có thể tăng gấp 500 lần hiện tại.

Tình trạng thiếu hụt lương thực do “đội quân châu chấu" gây ra luôn là một cơn ác mộng đối với con người. Nạn châu chấu cũng là một trong những thảm hoạ sớm nhất trong lịch sử loài người. Đứng trên góc độ của văn hoá Trung Hoa truyền thống, “đội quân diễu hành châu chấu" này dường như cũng có linh tính cảm ứng, riêng một số khu vực, một số người thì nó hoàn toàn không hề bén mảng tới, gần như là không quấy nhiễu. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Lật lại các trang của lịch sử chúng ta có thể thấy rõ.

Những con châu chấu thường bay theo đàn. Từ xưa đến nay châu chấu đã có thanh thế lẫy lừng, thời cổ đại chúng ào ào tới với những thanh âm kêu reo réo thé tai.

Trong từ điển cổ đại Nhĩ Nhã có viết: “Sâu keo ăn nõn lúa, đặc ăn lá lúa, mâu cắn gốc lúa, tặc ăn hại cả cây, là tên của bốn loại châu chấu thường gặp".

Trong Thuyết Văn cũng có bổ sung: “Minh (sâu keo ăn nõn lúa), đặc (sâu ăn lá lúa), mâu (sâu cắn gốc lúa), tặc (sâu chuyên ăn lúa), cùng chung (cũng là giống châu chấu phá hoại), năm loại sâu này đều cùng một họ nhà châu chấu”.

Nhìn lại biên niên của lịch sử, nạn châu chấu đem đến tai hoạ rất nghiêm trọng đặc biệt vào thời kỳ mùa xuân và mùa thu. Một đàn châu chấu có thể đến cả trăm tỷ con, vượt gấp hàng trăm lần tổng số người trên trái đất. Châu chấu vượt biên như một đội quân, che kín bầu trời và mặt đất, ngay lập tức có thể quét sạch những cây trồng, hoa màu ngũ cốc, lúa gạo trên cánh đồng. Nạn châu chấu lần này khiến không ít người nhớ lại trận “mưa châu chấu” trong lịch sử trước đây.

“Thiên nhân cảm ứng” và trận mưa châu chấu


Trong các cuốn Xuân Thu Tam Truyện, Sử Ký, Hán Thư đều có ghi chép về nạn mưa châu chấu trong lịch sử. Mùa thu năm Lỗ Văn Công thứ 3 (năm 624 TCN) thời Xuân Thu nước Tống xuất hiện mưa châu chấu như rợp trời dậy đất, nó nhiều đến độ như trời đổ mưa lớn không dứt. Bởi vì lương thực ngũ cốc bị chúng ăn sạch, hậu quả vô cùng nghiêm trọng, rất nhiều cuốn chính sử đều ghi chép về thảm hoạ kỳ dị này.

Xuất hiện đại nạn mưa châu chấu, hoa màu bị tàn phá, lương thực thiếu hụt đều không phải chuyện ngẫu nhiên. Trong văn hoá truyền thống Trung Hoa có giảng về vũ trụ quan, nhân sinh quan và sự cảm ứng giữa con người và thiên thượng, nhận thức được rằng con người và thiên thượng đều có sợi dây liên kết với nhau. Những vị cổ thánh tiên hiền quan sát và cảm nhận được thực sự thiên tượng và nhân gian con người có đối ứng với nhau, chính là nói trời xanh có thể thấy rõ hành vi của con người và ông Trời sắp đặt chuyện gì cũng sẽ ảnh hưởng đến các sự vụ nơi thế gian.

Đại học vấn gia Lưu Hướng thời nhà Hán trong cuốn Hồng Phạm Ngũ Hành Truyện cũng đã giải thích nguyên do chính của nạn châu chấu xảy đến với con người có một số điểm lớn chú ý như: Bởi vì hình phạt tàn khốc bạo ngược, bởi vì lòng tham vô đáy, bởi vì huy động dân chúng phát triển quân đội, chinh chiến liên miên. Lưu Hướng cho rằng “mưa châu chấu" ở nước Tống là một hiện tượng “thiên nhân cảm ứng", thảm hoạ kỳ dị này có liên quan đến việc người cầm quyền nước này “bị báo ứng do chế độ độc tài bạo lực", bởi lẽ những kẻ trong triều đình lạm quyền giết chóc người vô cớ, dùng bạo lực khổ hình, liên tục thu thuế của dân chúng không nương tay, càng không màng tới cuộc sống của họ.

Vậy nên mới nói, nạn châu chấu và hiện tượng “Thiên nhân cảm ứng" là có đối ứng, kẻ xấu bạo quyền chắc chắn sẽ bị trời xanh trừng phạt. Vậy thì đối với những hiền sĩ thanh liêm thì nạn châu chấu sẽ thể hiện ra như thế nào. Chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu một số câu chuyện sau trong các sách sử:

Châu chấu kính sợ né tránh quan hiền thanh minh


Trong cuốn Luận Hành của Vương Sung thời Đông Hán có ghi chép việc thế nhân lưu truyền một câu chuyện kể rằng: “Khi Trác Công làm huyện lệnh ở Nam Dương (nay là Lạc Dương tỉnh Hà Nam) thì châu chấu không dám vào huyện. Bởi lẽ Trác Công là một vị hiền minh lại rất chân thành tốt bụng, vì vậy nạn châu chấu không hề bay vào địa phận của ông cai quản”.

Cuốn Quảng Đông Tiên Hiền Truyện cũng có ghi chép câu chuyện tương tự rằng: “Hoàng Hào nhậm chức Hoàng huyện lệnh (quận Trần Lưu, nay thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam), ông vốn dĩ là người yêu dân như con, luôn vì người trước vì mình sau. Huyện lệnh luôn ăn uống rất đạm bạc, mặc đơn giản, ăn uống chỉ cần qua loa cơm rau không cần thịt, tất cả bổng lộc mà ông có đều đem dùng cứu tế người nghèo, trong ngoài huyện lúc nào cũng vui tươi thái bình. Năm đó các huyện khác bị nạn châu chấu, riêng chỉ có mình huyện Hoàng không hề có nạn, năm nào ngũ cốc cũng đầy đủ phong phú.

Cuốn Hậu Hán Thư cũng có ghi chép một câu chuyện tương tự như vậy, ở huyện Ngô có quan Từ Hủ là một người rất thanh liêm, yêu dân như con. Khi ông làm huyện lệnh ở huyện Tiểu Hoàng, quận Trần Lưu gặp phải nạn châu chấu, tuy nhiên đàn châu chấu này chỉ đi qua huyện, không ở lại, cũng không gặm nhấm chút lương thực nào. Khi đó Thứ sử trách tội Từ Hủ không trị nạn châu chấu, tiểu huyện lệnh thừa nhận bản thân vô dụng liền cáo quan từ chức. Khi ông vừa nghỉ quan thì đàn châu chấu lại quay trở lại. Thứ sử lúc đó giật mình hiểu ra vấn đề, liền hối lỗi sai lầm với Từ Hủ, mong ông phục quan trị vì huyện Tiểu Hoàng. Khi Từ Hủ quay lại nhậm chức huyện lệnh, toàn bộ đàn châu chấu lại bay đi nơi khác.

Trong cuốn Đông Quan Hán Ký - Truyện Thất có ghi chép: Mã Lăng làm Thái thú ở Quảng Lăng (nay là thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô), trong quận thường có châu chấu đến phá hoại ngũ cốc, khiến cho giá cả lương thực tăng cao. Mã Lăng trị vì địa phương này có rất có uy đức, ông kiểm tra các vị quan sứ trong quận, tấu lên vua bãi miễn những tham quan vô lại, cắt giảm thuế má, giúp đỡ người nghèo, khiến người dân ở Quảng Lăng yên tâm an cư lạc nghiệp. Hơn nữa ông còn cải cách lại hệ thống ao hồ, giúp bách tính có thêm thu nhập. Cứ như vậy những con châu chấu liền kéo nhau thành đàn bay ra biển lớn, từ đó về sau không quay lại tàn phá nữa.

Châu chấu kính nể tránh xa người hiếu thuận


Châu chấu không chỉ kính sợ những nơi có quan thanh liêm, chúng còn kính nể và tránh xa những nơi có người hiếu thuận sinh sống.

Trong cuốn Trần Lưu Kỳ Cựu Truyện có chép một câu chuyện rằng: Con trai của Cao Thận ở Trần Lưu vô cùng hiếu thuận với cha già, thường tận lực phục dưỡng thân sinh. Một năm nạn châu chấu hoành hành nghiêm trọng, tuy nhiên châu chấu dường như nhận biết được người con hiếu thuận, chỉ riêng lúa mạch nhà họ Cao là châu chấu không ăn.

Thật trùng hợp, thời Hán Hòa Đế cũng có câu chuyện kể về châu chấu kính sợ con hiếu quan hiền. Trong Hiếu Tử Truyện có chép rằng: Ngụy Liên rất hiếu thuận với cha, nhận chức huyện lệnh ấp Xương. Bách tính đều yêu quý vị quan hiếu thuận này, họ cũng được ông cảm hoá trở nên thành thật không dối trá. Một năm gặp phải đại nạn châu chấu, nhưng trong ngoài ấp của ông lương thực đều rất đầy đủ phong phú.

Liên kết các mắt xích mà nhìn nhận, đàn châu chấu ào ào hung hăng kéo nhau đến, kỳ thực là nhắm đến những “kẻ dùng hình phạt tàn khốc bạo ngược, lòng tham vô đáy, huy động dân chúng phát triển quân đội, chinh chiến liên miên”. Lịch sử đã có những bài học sâu sắc làm gương cho hậu nhân, đặc biệt cho con người hiện đại ngày nay hiểu được đạo lý “thiên nhân cảm ứng".

Hiền sĩ thanh quan, trung thần hiếu tử đều được nhận trợ giúp từ trời xanh, châu chấu cũng kính sợ mà rời xa, những ví dụ này trong lịch sử đều có ghi chép.

Cuốn Đông Quan Hán Hý - Lương Phúc Truyện có ghi rằng:

“Nạn châu chấu sẽ bị ‘Đức’ diệt, vĩnh viễn không quay lại" (Đức hay đạo đức). Nói thẳng ra, chính là muốn nhắn nhủ thế nhân khắc ghi trong tâm những giáo huấn dạy bảo, khuyên nhủ thiện lương, khiến người người hưởng lợi vô cùng...

Nguồn Tổng hợp
{full_page}