Type Here to Get Search Results !

Đức | Wirecard: 'Đế chế' sụp đổ và những bê bối khuynh đảo giới tài chính

Wirecard, công ty công nghệ tài chính (fintech) từng có vốn hóa lớn nhất châu Âu, đã đệ đơn xin phá sản ngày 25/6/2020, chỉ vài ngày sau tin tức lượng tiền mặt 1,9 tỷ euro (khoảng 2,1 tỷ USD) đã “biến mất” khỏi bảng cân đối kế toán của công ty. Hai ngân hàng Phillippines mà Wirecard cho biết đang gửi số tiền này ở đó đã khẳng định là họ chưa bao giờ nhận số tiền đó.

Tỷ phú một thời Markus Braun đã xây dựng Wirecard với mục tiêu ‘chinh phục thế giới’. Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố hùng hồn này là những bê bối kinh doanh đã tạo 'cú sốc' lớn cho nền tài chính Đức.

Giữa tháng 6/2020, những biến đổi gây sốc ồ ạt đến với Wirecard - một công ty công nghệ tài chính (fintech) nổi tiếng của Đức: Ngày 19/6, giá cổ phiếu Wirecard giảm hơn 50%. Ngày 22/6, con số này lại tụt thêm 45%.

Nguyên nhân của việc này là Wirecard dính vào nhiều bê bối tài chính nghiêm trọng. Sau khi thông tin lỗ hổng tài khoản Wirecard được công bố bởi các kiểm toán viên của Ernst&Young - công ty kiểm toán hàng đầu Anh quốc, những bí mật đen tối đằng sau cái tên Wirecard dần được hé lộ. Ngay lập tức, Giám đốc điều hành (CEO) của Wirecard là Markus Braun đã bị bắt vì vô số tội danh sai phạm vào ngày 23/6.


Hàng tỷ USD ‘không cánh mà bay’

Theo nghiên cứu của Ernst&Young, lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của Wirecard chỉ trị giá bằng 1/4 số tài sản mà họ có. Đây chính là điểm nghi vấn lớn nhất dẫn tới câu hỏi: Liệu Markus Braun đang có làm ăn phi pháp?

Sau một thời gian điều tra kỹ lưỡng, thực sự không khó để các nhà kiểm toán của Ernst&Young phát hiện sai phạm và truy vấn Wirecard. Đối diện với sức ép dư luận, Wirecard không thể giải thích cho lỗ hổng 2,1 tỷ USD xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của mình.

Với vị trí CEO tại Wirecard, Markus Braun được trả khoảng 3 triệu USD mỗi năm. Ông này đã sử dụng hàng triệu USD tiền riêng và mượn khoảng 150 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche để đầu tư vào Wirecard.

Bằng vị thế của mình, “ông trùm tài chính” Markus Braun đã thực hiện khai khống cho Wirecard 2,1 tỷ USD. Như vậy, để thu hút thêm các nhà đầu tư và khách hàng, ông đã thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả với cái gọi là bên “mua thứ ba” để tạo nên vỏ bọc một công ty vững mạnh về tài chính.

“Bên mua thứ ba” mà Wirecard khai khống chính là hai ngân hàng ở Philippines. Trước phát hiện sai phạm của Wirecard, chính phủ Philippines đã phải vào cuộc để làm rõ sự việc. Ngoài việc phủ nhận hợp tác với Wirecard, hai ngân hàng ở Philippines cũng cáo buộc công ty này sử dụng tên tuổi của mình để che đậy hành vi gian dối trong kinh doanh.

Thế nhưng trước khi bị bắt, Braun vẫn còn cho rằng những bê bối trên chỉ là do công ty của ông đang bị kẻ xấu lừa đảo. Chỉ cho đến ngày 22/6, khi Braun sa lưới, Wirecard đã phải thừa nhận số tiền trên có thể không tồn tại và rút lại báo cáo tài chính năm 2019 và quý I/2020.

Nghi vấn lừa đảo tài chính

Các câu hỏi về sự minh bạch của Wirecard bắt đầu nổi lên vào năm 2008, sau khi người đứng đầu một hiệp hội cổ đông tại Đức cáo buộc tài khoản chung của công ty vào năm 2007 không phản ánh đầy đủ tình hình tài chính và chứa đầy sai lệch.

Để đối phó, Wirecard đã thuê Ernst&Young để thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện và kết quả cho thấy không có sự bất thường. Vậy nhưng, người thực hiện báo cáo tài chính cho Wirecard năm đó đã bị truy tố và vào tù một thời gian ngắn, vì không tiết lộ việc rằng ông từng nắm giữ một ví trí ngắn hạn tại đây và thu được khá nhiều lợi nhuận khi giá cổ phiếu của công ty giảm.

Mảng kinh doanh chính của Wirecard là cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và mạng di động và không ngừng đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nhiều năm qua, tỏ rõ tham vọng “đánh chiếm” thị trường châu Á qua nhiều thương vụ sáp nhập. Từ năm 2010, Wirecard đã tiến hành một loạt hoạt động thâu tóm các công ty công nghệ thanh toán vô danh ở châu Á.

Từ năm 2011 đến 2014, công ty huy động được 500 triệu euro từ các cổ đông và bắt đầu mở rộng thị trường mạnh mẽ. Wirecard sau đó mua lại các công ty thanh toán nhỏ của bên thứ ba trên khắp châu Á, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và đồng thời, nâng giá cổ phiếu lên cao.

Vụ bê bối tài chính tập trung vào các tài khoản ký quỹ được thiết lập bởi một số doanh nghiệp, cho phép Wirecard hoạt động ở các quốc gia và thành phố mà họ không có giấy phép kinh doanh, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Dubai và nhiều nơi khác. Thế nhưng công ty bất ngờ cho biết rằng các quỹ có thể “chưa bao giờ tồn tại”.

Nghi ngờ ngày một tăng lên khi Wirecard mua một doanh nghiệp fintech Ấn Độ với giá 340 triệu euro trong năm 2015. Năm đó, J Capital Research, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, đã công bố một báo cáo nói rằng các hoạt động của Wirecard chi nhánh châu Á không phát triển tốt như những gì công ty này đã hứa với các nhà đầu tư.

Các nhà báo của tờ Financial Times đã thực hiện chuỗi bài viết, đặt câu hỏi về sự minh bạch của Wirecard. Đáng chú ý, tờ báo đã nêu ra nghi ngờ có một “lỗ hổng” 250 triệu euro dưới dạng các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của Wirecard. Số tiền đó bằng đúng lợi nhuận 2012-2015 của Wirecard.

Bên cạnh đó, vào cuối năm 2019, khi các báo cáo về hành vi sai phạm của Wirecard ngày một nghiêm trọng, công ty đã trì hoãn báo cáo thường niên do EY thực hiện và thuê KPMG để làm một báo cáo kiểm toán độc lập và được đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, báo cáo này cũng không giúp giảm nhiệt tình hình khi KPMG thông báo, họ không thể xác minh sự tồn tại của doanh thu 1 tỷ euro mà Wirecard đạt được với các đối tác bên thứ ba trong giai đoạn 2016-2018.

Những chiêu "khủng bố" tinh thần

Theo New York Times, các nhà phân tích tài chính, quỹ phòng hộ và các cá nhân từng là khách hàng…, đa phần những người chỉ trích Wirecard mạnh mẽ, đều báo cáo rằng họ trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công mạng kéo dài, và nghi ngờ thủ phạm chính là công ty fintech Đức.

Trong số đó có Matthew Earl, một nhà đầu tư và đồng tác giả của bản báo cáo công bố bởi Zatarra - một công ty nghiên cứu và điều tra tài chính, tuyên bố đã tìm ra bằng chứng rằng, đế chế Wirecard đang có những hoạt động rửa tiền. Ông Earl nghi ngờ Wirecard cố tình làm sai lệch lợi nhuận và bản cân đối kế toán của mình, một phần thông qua việc sáp nhập các công ty với giá cao ngất ngưởng.

Ngay sau khi đăng đàn báo cáo, ông Earl nói rằng mình đã bị bí mật theo dõi ở nhà cũng như nơi làm việc, và trở thành nạn nhân của một chiến dịch lừa đảo tinh vi qua email để thu thập thông tin cá nhân của ông cũng như gia đình mình. Tuy nhiên, Wirecard đã phủ nhận những hành vi sai trái bị cáo buộc trên.

Vụ án của Markus Braun với những chứng cứ không thể chối cãi vẫn là một trong những “cú sốc lớn” đối với giới tài chính Đức. Markus Braun nay đã rơi vào vòng lao lý, còn cái tên Wirecard danh tiếng một thời nay chỉ còn là những ý niệm. Câu chuyện về ông Braun và Wirecard hiện vẫn chưa “hạ nhiệt” và đây sẽ là một bài học đắt giá cho nước Đức về xây dựng một nền “tài chính sạch”.

Cú sốc với giới kiểm toán: EY không xác nhận số dư tiền mặt của Wirecard với ngân hàng trong giai đoạn 2016-2018

Ban đầu, giới kế toán và kiểm toán tranh cãi với nhau về trách nhiệm kiểm toán của EY khi tin 1,9 tỷ euro của Wirecard không cánh mà bay.

Một người bạn làm việc trong lĩnh vực tài chính của người viết cho rằng có thể Wirecard đã mở nhiều tài khoản và thông đồng với ngân hàng để che giấu kiểm toán của EY.

KPMG điều tra Wirecard, cuối cùng họ chỉ có thể nói là họ không tìm ra đủ bằng chứng để xác nhận số liệu doanh thu, lợi nhuận và số dư tiền mặt của Wirecard mà thôi.

Như vậy thì EY không có lỗi nếu đã kiểm tra trực tiếp với ngân hàng và xác nhận số dư tiền mặt của Wirecard. Lỗi khi đó là do hành vi che giấu của nhân viên ngân hàng, thông đồng với ai đó ở Wirecard qua mặt kiểm toán. Công ty kiểm toán chỉ làm đúng quy trình của mình, và dịch vụ kiểm toán không bao gồm hoạt động điều tra để phát hiện gian lận như dịch vụ kế toán pháp chứng của KPMG tiến hành sau đó. Điều này là hợp lý, và trách nhiệm của dịch vụ kiểm toán là có giới hạn, xác nhận công ty thực thi những chính sách kế toán theo đúng chuẩn mực kế toán và những số liệu ghi nhận về doanh thu, tài sản là có bằng chứng đáng tin cậy, chứ không bao hàm phát hiện gian lận như công chúng vẫn nghĩ.

Ngay cả với kế toán pháp chứng, công ty kiểm toán cũng gặp nhiều giới hạn, không được tiến hành một số lớn hoạt động điều tra người khác như cơ quan công quyền. Như trường hợp KPMG điều tra Wirecard, cuối cùng họ chỉ có thể nói là họ không tìm ra đủ bằng chứng để xác nhận số liệu doanh thu, lợi nhuận và số dư tiền mặt của Wirecard mà thôi.

Thế nhưng, một đồng nghiệp đã về hưu của người viết, chuyên nghiên cứu về các vụ bê bối kế toán, cho rằng báo cáo của KPMG cho thấy EY đã phần nào tắc trách. Vì chuyện đơn giản như tiền mặt thì khi KPMG đã phát hiện khuất tất thì EY, cho dù là chỉ tiến hành dịch vụ kiểm toán chứ không phải kế toán pháp chứng, cũng phải cảm thấy có gì bất ổn chứ, không thể ký báo cáo kiểm toán “sạch” được.

Và ông đã đúng. Ngày 26/6/2020, nhiều tờ báo đã đăng tin là EY không trực tiếp xác nhận với ngân hàng OCBC của Singapore về việc Wirecard cho rằng đang có một lượng tiền mặt lớn gửi ở ngân hàng này. Thay vào đó, EY chỉ dựa vào tài liệu và các ảnh chụp màn hình mà một bên thứ ba và chính bản thân Wirecard cung cấp để rồi xác nhận Wirecard có số tiền này. Và đây là sự việc xảy ra liên tục từ 2016 đến 2018.

OCBC sau đó xác nhận là chưa từng nhận được yêu cầu của EY để xác nhận số dư của Wirecard từ 2016 đến 2018.

Thông tin này là một cú sốc với giới kiểm toán toàn cầu. Bởi vì xác nhận trực tiếp với ngân hàng thay vì dựa vào thông tin của công ty cung cấp là bước cơ bản của kiểm toán số dư tiền mặt. Một chuyên gia kiểm toán phát biểu với Financial Times là xác nhận độc lập số dư ngân hàng là bước cơ bản của bất kỳ ai mới vào nghề kiểm toán.

EY đang đứng trước rất nhiều cáo buộc đã tắc trách trong kiểm toán Wirecard và một số nhà đầu tư của Wirecard đang bắt đầu tiến trình tố tụng để kiện công ty này.

Những câu hỏi với chất lượng kiểm toán và quản trị công ty công nghệ

Bạn tôi làm việc cho một quỹ đầu tư tài chính chuyên đầu tư vào công ty công nghệ từng chia sẻ nhiều công ty công nghệ đó cho thấy một văn hóa rất trịch thượng, cho mình là nhất, và do đó anh cảm thấy họ hoàn toàn có thể lừa gạt cổ đông. Bất kể các quỹ đầu tư có thể làm bao nhiêu hoạt động soát xét, kiểm tra trước khi đầu tư, vẫn có thể có những lỗ hổng vì những công ty công nghệ này vốn dĩ không có hệ thống kế toán, quản trị hoàn thiện. Thẩm định chuyên sâu (Due Diligence) doanh nghiệp thì quỹ nào cũng làm, nhưng “bẫy” vẫn đạp trúng thôi, bạn tôi chia sẻ. Người ta đã muốn lừa thì không dễ gì tìm được, nhất là với những công ty “bí hiểm” rằng công nghệ của tôi là nhất.

Thế nên, chuyện công ty công nghệ có bê bối kế toán là thường. Nhưng Wirecard không đơn giản chỉ là một công ty công nghệ như một startup mới toanh. Đó là một công ty thành lập từ 1999 và đã có vốn hóa vượt qua ngân hàng Deutsche Bank của Đức, một trong những ngân hàng được xếp vào loại có thể tạo rủi ro hệ thống cho toàn Châu Âu nếu sụp đổ. Với qui mô như vậy, là một công ty niêm yết 24 tỷ euro, người ta nên có một hệ thống quản trị công ty và kế toán hoàn thiện hơn.

Vấn đề trong tình huống của Wirecard đặt ra nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, hội đồng quản trị của Wirecard đã làm gì để cho các số liệu và hoạt động kinh doanh nhảy múa trước mắt họ như vậy? Dù gì kiểm toán độc lập cũng là “người ngoài”, nhưng chả lẽ những “người trong cuộc” lại không nghe, không hay biết gì về những khuất tất của công ty. Hệ thống kiểm soát nội bộ công ty đã vận hành ra sao mà để một gia đình ngư dân ở Phillippines được phù phép trở thành một đối tác lớn, là công ty thanh toán quốc tế. Dân kiểm toán vẫn hay nói nếu công ty cố tình che giấu thì kiểm toán khó mà tìm ra cái họ muốn giấu lắm.

Vẫn biết là như thế. Nhưng lần này, EY “xui” ở chỗ là bê bối này vỡ ra lại làm người ta “sốc” ở chỗ ngay cả những khâu kiểm toán cơ bản thì công ty cũng tắc trách. Đúng là dù công ty kiểm toán làm đúng trách nhiệm có khi cũng không phát hiện ra gian lận nếu Wirecard cố tình “đi đêm” với vài nhân viên ngân hàng để tạo ra số dư giả tạo, điều mà người viết từng được nhiều người quen kể. Thế nhưng lần này thì Wirecard còn chẳng cần làm thế, công ty kiểm toán đã không phát hiện ra rồi.

Có người đã thắc mắc là vì sao bốn công ty lớn nhất (Big 4) của ngành kiểm toán vẫn tồn tại trong khi năm nào cũng đầy bê bối về tài chính được phát hiện. Sau rất nhiều trao đổi với chuyên gia trong lĩnh vực này, người viết rút ra một kết luận cá nhân: vì chẳng ai dám ra vỗ ngực nói là làm tốt hơn họ, sẽ không mắc sai lầm như họ.

Một người bạn của người viết xưa nay vẫn thông cảm với giới kiểm toán vì anh nói cùng làm trong công ty kiểm toán, nhưng mảng kiểm toán xưa nay vẫn là “làm nhiều, tiền ít, áp lực cao” so với những người làm kế toán pháp chứng hay tư vấn phát hành nợ và cổ phiếu.

Lợi nhuận mảng kiểm toán thấp, bị o ép đến không thể thở nổi là điều mà người viết cũng nghe khi dự nhiều hội thảo của tổ chức kế toán ICAEW ở Anh. Cơ bản, mảng kiểm toán là mảng không đem lại tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho các công ty lớn so với những mảng dịch vụ khác. Vậy thì chất lượng kiểm toán đi xuống cũng không khó hiểu.

Có nhiều người đã đề nghị nên đưa mảng kiểm toán cho tổ chức công thực hiện hoặc chia nhỏ công ty kiểm toán ra thành các công ty nhỏ, thực hiện cố vấn và kiểm toán độc lập nhau. Thế nhưng chia nhỏ ra hay dùng tổ chức công kiểm toán thì nguồn lực sẽ giới hạn, làm sao đảm bảo có thể kiểm được những tình huống ở những công ty vô cùng phức tạp, thực hiện hàng nghìn giao dịch phái sinh một ngày như ngân hàng? Và nếu không có nguồn lực sẽ không thể tìm ra các chuyên gia đủ trình độ để kiểm toán một công ty bảo hiểm vô cùng phức tạp.

Vì vậy, thay vì chỉ hỏi vì sao công ty kiểm toán vẫn tồn tại dù thỉnh thoảng lại bị liên đới trách nhiệm trong những vụ bê bối tài chính, cũng cần hỏi là vì sao các lãnh đạo công ty liên quan đến các vụ bê bối đó vẫn có thể qua mặt hội đồng quản trị và kiểm soát nội bộ như “ăn gỏi” như vậy. Người trong cuộc mà không phát hiện công ty mình có vấn đề thì người ngoài làm sao mà biết?

Trường hợp của Wirecard cũng cảnh báo giới ngân hàng cần thận trọng với hệ thống quản trị nội bộ của mình. Nếu một nhân viên ngân hàng cấu kết với công ty nhằm xác nhận số dư tài khoản, thì công ty đó có thể đi lừa đảo rất nhiều người khác. Trách nhiệm của ngân hàng khi đó là đến đâu, hay chỉ phủi tay nói rằng đó là lỗi của nhân viên kia mà thôi?

Một hệ thống kinh tế được xây dựng trên những lời nói dối thì sớm muộn cũng sụp đổ mà thôi.
{full_page}