Type Here to Get Search Results !

Thấy gì từ vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị bắt và khởi tố?

Việc Bộ Công an tiến hành khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo như cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khiến lò lửa chống tham nhũng ở Việt Nam lại cháy rực.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Thiếu tướng Phan Khắc Hải, việc xử lý kỷ luật cả cán bộ đã về hưu, tưởng đã được ‘yên thân’ nhưng không phải cứ về hưu là xong, không sợ bị kỷ luật nữa.

Điều này thể hiện sự nghiêm minh trong Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thời gian qua.

Vì sao cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị bắt?

Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, việc khởi tố, bắt giam, ba bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng nằm trong quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng ph픓Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cựu bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Quyết định bắt giữ loạt cựu cán bộ lãnh đạo “cộm cán” Bộ Công thương được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an và chính quyền đưa ra sau hơn một năm rưỡi điều tra sai phạm liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM của Tổng Công ty Bia Rượu- Nước gaiỉ khát Sài Gòn (Sabeco). Điều đáng nói, đây là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương.

Được biết, khu đất rộng tới 6.000 mét vuông này có vị trí địa lý vô cùng đặc địa ở TP.HCM. Theo giá thị trường năm 2016, giá trị khu đất đã vào khoảng 6.800 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã chấp thuận giao cho Sabeco xây dựng trụ sở văn phòng và Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công. Thế nhưng, suốt nhiều năm, dự án không được triển khai.

Năm 2008, UBND TP.HCM đã giao cho Sabeco quản lý, sử dụng đất mà không thông qua đấu giá. Việc này cũng đã khiến hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo TP.HCM vướng vào lao lý.

Đến thời điểm tháng 2/2015, Sabeco tái khởi động dự án với việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl có vốn điều lệ 567 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Trong đó, Sabeco góp 26% vốn, các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất. Trong “thương vụ” này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chấp thuận phương án nêu trên.

Đến tháng 6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, khi đó đang là Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị của TP.HCM đã ký quyết định cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê lô đất trên, để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ (xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê).

Theo quyết định này, Sabeco Pearl được toàn quyền sử dụng đất trong 50 năm, tiền thuê đất trả một lần là hơn 997 tỷ đồng. Theo báo cáo, Sabeco đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính ngày 17/6/2015.

Thế nhưng kể từ năm 2016, Bộ Công thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỷ đồng.

Đồng thời, những cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu đất đắc địa giữa trung tâm Sài Gòn này rơi vào tay một số người “có máu mặt”.

Về việc thoái vốn khỏi Sabeco Pearl của Sabeco được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ rõ có nhiều sai phạm. Cụ thể, khi ấy, để xác định giá khởi điểm, Sabeco thuê Công ty TNHH Cushman&Wakefield, Công ty TNHH Chứng khoán ACB và Công ty CT Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp.

Dựa vào kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Cushaman & Wakefield (đơn vị đưa ra giá trị doanh nghiệp cao nhất) ngày 26/2/2016 - giá trị khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là 54 triệu USD.

Về phần mình, Sabeco xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/cổ phần, đơn vị trúng đấu giá mua toàn bộ cổ phần là Công ty CP Attland (cũng chính là thành viên sáng lập).

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, trong số 3 công ty được thuê thẩm định, chỉ có Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam là doanh nghiệp có chức năng và đủ điều kiện thẩm định giá được Bộ Tài chính chấp thuận.

Việc một đơn vị như Cushman & Wakefield, vốn không có chức năng, xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở kết quả thẩm định theo phương pháp so sánh và phương pháp thặng dư.

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong phương pháp so sánh, việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường là không đúng hướng dẫn của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 8 “Cách tiếp cận từ thị trường” ban hành theo Thông tư 126/2015 của Bộ Tài chính ngày 20/8/2015.

Được biết, theo Cơ quan điều tra phương án thoái vốn của Sabeco được ông Vũ Huy Hoàng, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Công thương, đồng ý về mặt chủ trương, và phải liên đới chịu trách nhiệm. Còn nguyên Thứ trưởng - bà Hồ Thị Kim Thoa lại chính là người ký các văn bản.

Liên quan đến khu đất vàng này, trước đó, tháng 11/2018, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) trực thuộc Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt bị can là lãnh đạo cấp cao của TP.HCM như Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Trương Văn Út (48 tuổi, Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).

Bộ Công an Việt Nam nói gì về vụ bắt cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng?

Thực tế, với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đã bị Ban Bí thư họp, xem xét, thống nhất rất cao thi hành kỷ luật cuối năm 2016, việc cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị Bộ Công an bắt giam không phải điều gì quá bất ngờ.

Như đã đưa tin, ngày 11/7, đại diện Bộ Công an có thông tin chính thức về việc bắt một số cựu lãnh đạo và cán bộ Bộ Công thương. Theo đó, trong sáng cùng ngày, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đang thực hiện trình tự tố tụng, tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với một số cựu quan chức của Bộ Công Thương, trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương.

“Hiện nay Bộ Công an đang tiếp tục thực hiện trình tự tố tụng đối với những người liên quan. Thông tin cụ thể sẽ được Bộ Công an thông báo trong thời gian sớm nhất”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Sau đó, Bộ Công an ra thông báo chính thức về việc khởi tố ba bị can vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 08/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an”, thông cáo báo chí của Bộ Công an Việt Nam khẳng định.

Cụ thể, quá trình mở rộng điều tra vụ án, ngày 9/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định tố tụng đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953), nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (sinh năm 1960) và nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng (sinh năm 1957).

Bộ Công an nhấn mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.

“Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can và các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ Công an Việt Nam nêu rõ.

Ban Bí thư kết luận gì về vi phạm nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng?

Trước khi bị Bộ Công an Việt Nam bắt, ngày 2/11/2016, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng đã có các vi phạm, khuyết điểm vô cùng nghiêm trọng. Ông Hoàng là người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Cụ thể, cựu Bộ trưởng đã “thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi” trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam.

Ông Vũ Huy Hoàng đã quyết định điều động và đề cử Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Sabeco.

“Điều này vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội”, Ban Bí thư nêu rõ.

Cũng theo kết luận của Ban Bí thư, bên cạnh vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, ông Hoàng còn chỉ đạo và thực hiện không đúng Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

Các vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Vũ Huy Hoàng và gây bức xúc trong xã hội.

Với nội dung, tính chất và mức độ vi phạm trên, Ban Bí thư thống nhất rất cao (100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng: Hết thời hạ cánh an toàn

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, trao đổi với báo Lao Động, cho rằng, cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng đang ngày càng đi đến đỉnh cao hơn, càng ngày càng đi đến quyết liệt hơn, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, kể cả những trường hợp cán bộ cấp cao đang còn đương chức hay những trường hợp đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra xem xét một cách cụ thể.

“Điều này thể hiện rõ việc không có vùng cấm trong xử lý cán bộ có vi phạm. Đáng nói đó là không còn chuyện hạ cánh an toàn, có hạ cánh rồi nhưng cũng không thể an toàn nếu có sai phạm”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nêu rõ.

Theo nguyên Tư lệnh Quân khu 4, việc xử lý trách nhiệm trong thời gian công tác thể hiện sự nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đúng với tinh thần xử lý vi phạm không có vùng cấm trong Đảng.

“Những vụ việc thời gian gần đây cho thấy, không có chuyện miễn nhiệm trách nhiệm khi đã về hưu. Đó là một trong những biện pháp khá chủ động và tích cực để răn đe, phòng ngừa, chấn chỉnh những người đang còn đương chức, đương quyền không phạm vào các sai lầm, các vi phạm. Việc ngăn ngừa có ý nghĩa rất lớn, có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Khi đã có sai phạm xảy ra rồi thì đương nhiên phải xử lý”, tướng Thước bày tỏ.

Về vấn đề này, đồng quan điểm với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết, ngày xưa khi xử lý cán bộ vi phạm thường có những lo ngại, có những vùng cấm đó là những người đương chức hay những cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhưng thời gian qua cho thấy, rất nhiều cán bộ cấp cao, kể cả đương chức hay đã về hưu nếu có sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

“Có trường hợp ngay cả Uỷ viên Bộ Chính trị khi phát hiện ra có sai phạm cũng đã bị xử lý nghiêm cả về Đảng cũng như chính quyền. Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng đã nghỉ hưu là hạ cánh an toàn, nhưng điều này không còn đúng. Bởi thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp cán bộ về hưu đã bị xử lý trách nhiệm vì đã có những sai phạm khi còn đương chức”, Thiếu tướng Phan Khắc Hải nêu rõ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, trường hợp của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi đã về hưu, từng bị cách chức và xóa tư cách “nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương”.

“Đây là lần thứ hai xử lý ông Vũ Huy Hoàng. Điều này cho thấy, trong quá trình công tác, với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ mà nếu có sai phạm gì, trong vụ việc nào thì dù có về hưu, đã bị xử lý rồi vẫn có thể bị xử lý tiếp ở vụ việc khác nếu có sai phạm”, Thiếu tướng Phan Khắc Hải bày tỏ.

Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải, điều này nói lên rằng, không phải cứ về hưu là không sợ bị kỷ luật nữa. Sai phạm ở đâu, sẽ xử lý ở đó, đúng người, đúng việc.

Việc này làm rõ tính nghiêm minh trong xử lý kỷ luật của Đảng ta”, tướng Hải nhấn mạnh.

Ông Vũ Huy Hoàng đã thăng tiến thế nào?

Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953, quê Hải Phòng, có học vị tiến sỹ kinh tế. Ông Hoàng là Ủy viên Trung ương Đảng Khoá X, XI; đại biểu Quốc hội Khoá XIII.

Ông Hoàng từng là sinh viên Học viện Mỏ - Luyện kim Preiberg, Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ 1997 đến 2003, ông là Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, sau đó ông lần lượt làm Phó bí thư Tỉnh ủy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây giai đoạn 2003 - 2006.

Tháng 3/2006 đến tháng 8/2007, ông là quyền Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn.

Từ tháng 8/2007, ông Vũ Huy Hoàng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương.

Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Nguồn https://vn.sputniknews.com/vietnam/202007139232504-viet-nam-dot-lo-chong-tham-nhung-thay-gi-tu-vu-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-bi-bat/