Type Here to Get Search Results !

Vanilla Sky” (2001) | Cảnh phim 30 giây có giá triệu USD

Cảnh phim đã hé lộ với khán giả những bất ổn trong tâm lý của nhân vật, cũng như trúc trắc tiềm ẩn trong thực tại được bộ phim tường thuật - cũng chính là băn khoăn về bản chất của thực tại, và mối quan hệ của một cá nhân với những mộng tưởng của anh ta.

Tuy những gì xảy ra trong cảnh phim chỉ là ác mộng của nhân vật, nhưng quảng trường Thời đại đã thực sự không một bóng người khi cảnh phim được thực hiện. Phân cảnh mở đầu của Vanilla Sky đã được quay thật và hoàn toàn không có sự trợ giúp của công nghệ kỹ xảo vi tính.

Trong phần phỏng vấn trên Entertainment Tonight vào tháng 12/2001, chi tiết quá trình chuẩn bị và thực hiện cảnh phim đã được chia sẻ với đông đảo khán giả.

“Khi cảnh phim được viết vào kịch bản: ‘David Aames đang mơ, quảng trường Thời đại không một bóng người’, mọi thứ nghe thật dễ dàng. Nhưng trên thực tế, cần nhiều nỗ lực hơn thế để thực hiện” - đạo diễn Cameron Crowe nói.

Quá trình ghi hình chính cho Vanilla Sky bắt đầu khá muộn trong năm 2000, và kéo dài trong 6 tháng. Cảnh quay tại quảng trường Thời đại được lên kế hoạch vào sáng sớm ngày chủ nhật, 12/11/2000 và dự định kéo dài trong 3 tiếng.

Trên thực địa, với sự trợ giúp của chính quyền thành phố New York, đơn vị quản lý điện ảnh địa phương và lực lượng cảnh sát thành phố, đoàn làm phim Vanilla Sky đã phong tỏa toàn bộ quảng trường Thời đại và bắt đầu ghi hình trong 90 phút.

“Tôi không phải kiểu người thích thực hiện những cảnh quay hoa mỹ hay hoành tráng. Nhưng cảnh Tom Cruise đi giữa quảng trường Thời đại không một bóng người là cần thiết, và toàn bộ kế hoạch là nhanh chóng hoàn thiện cảnh quay trong khoảng thời gian ngắn ngủi chúng tôi có” - đạo diễn Crowe nói về “nhiệm vụ suýt bất khả thi” mà mình và đồng sự đã thực hiện.

Ông cũng cho biết mình và quay phim đã luyện tập thành thục các cú máy dự định sẽ thực hiện trong phân cảnh từ trước tại xưởng, nhằm tối ưu thời gian, và hiệu quả công việc trên phim trường.

Đoàn làm phim xuất hiện trên quảng trường Thời đại sáng ngày hôm ấy đã nhận được sự giúp đỡ tận tình với 85 trợ lý sản xuất được bổ sung, 40 nhân viên cảnh sát, đối tác từ dịch vụ vận chuyển khách công cộng... Cảnh phim được Len Murach, quản lý hiện trường, ví von là “cú máy triệu USD”.

Đạo diễn Crowe cũng chia sẻ câu chuyện hậu trường thú vị, khi đoàn phim vì quá tập trung vào cảnh quay đã không nhận ra đám đông người hâm mộ đang dần vây kín bên ngoài khu vực phong tỏa phục vụ ghi hình, chờ đợi được thấy Tom Cruise.

Kết quả, cảnh phim tĩnh lặng trên màn ảnh thực chất vô cùng ồn ào vì đám đông gào thét, xin được chụp ảnh cùng thần tượng. “Chúng tôi đã được chứng kiến đám đông phát cuồng vì thần tượng là như thế nào” - vị đạo diễn hồi tưởng.


Sau Vanilla Sky, năm 2002, bộ phim kinh dị đề tài xác sống hậu tận thế 28 Days Later cũng khiến người hâm mộ điện ảnh thêm một phen bất ngờ khi phong tỏa toàn bộ cầu London vào sáng sớm một ngày cuối tuần năm 2001 để ghi hình thành phố hậu thảm họa.

Tương tự như đoàn làm phim Vanilla Sky, đoàn phim 28 Days Later cũng phải xóa bỏ hoàn toàn phần tiếng động của cảnh quay - tuy nhiên không phải vì tiếng gào thét của người hâm mộ, mà là tiếng còi của những tài xế thiếu kiên nhẫn.
NỘI DUNG