Type Here to Get Search Results !

2020 | Những thất bại lớn nhất của ngành công nghệ

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, công nghệ đóng vai trò là cầu nối, giúp con người vượt qua rào cản địa lý để duy trì hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ngành công nghệ trong năm nay cũng chứng kiến những thất bại đáng kể gây hậu quả nghiêm trọng như phát tán thông tin sai sự thật, lùm xùm xung quanh các ứng dụng công nghệ như TikTok, Twitter, Zoom,…

Dưới đây là những thất bại lớn nhất của ngành công nghệ trong năm 2020:

Bội thực thông tin sai lệch

Năm 2020 chứng kiến sự tăng đột biến của hiện tượng “fake news” (thông tin sai sự thật) xuất hiện chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội. Để đối phó với tình trạng này, Facebook, Twitter hay Youtube đã mạnh tay hơn trong quá trình kiểm soát thông tin, gắn cờ những bài đăng có dấu hiệu xấu của tất cả người dùng.

Mặc cho những nỗ lực trên, nhiều thông tin sai lệch vẫn được lan truyền rộng rãi và có sức ảnh hưởng kinh ngạc, có thể kể đến như: Bill Gates là người đứng sau virus SARS-CoV-2; Các hội nhóm trên Facebook với tên gọi như “Đòi lại công lý cho George Floyd (nạn nhân da màu chết dưới tay cảnh sát Mỹ)” thực chất là diễn đàn cho những cuộc đối thoại về phân biệt chủng tộc.

Hậu quả của đại dịch Covid -19

Đại dịch Covid-19 còn làm xuất hiện câu chuyện liên quan đến công nghệ khá hài hước, chẳng hạn thuyết âm mưu cho rằng các trạm phát sóng 5G làm virus SARS-CoV-2 lây lan rộng rãi hơn, khiến nhiều người đốt các tháp phát sóng di động và tấn công các kỹ thuật viên viễn thông.

Hay là câu chuyện Vương quốc Anh tự phát triển ứng dụng smartphone nhằm theo dõi mức độ lây lan của dịch bệnh, nhưng lại xóa bỏ sau vài tháng để sử dụng những hệ thống của Apple và Google với độ bảo mật cao hơn; Những ứng dụng giao đồ ăn có lợi nhuận khổng lồ bỗng dưng tính phí cao bất thường cho các nhà hàng nhỏ, với lý do họ làm vậy để tự cứu lấy công ty, chứ không giúp cứu lấy các nhà hàng...

Khủng hoảng TikTok

TikTok là một ứng dụng công ty ByteDance của Trung Quốc sản xuất và trở thành mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cáo buộc TikTok vi phạm an ninh quốc gia.

Ngày 6/8, ông Trump ký một lệnh hành pháp cấm tất cả các giao dịch với ByteDance, yêu cầu công ty thoái vốn khỏi hoạt động của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày.

Dưới áp lực của Chính phủ Mỹ, ByteDance đành chấp nhận bán một phần hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Oracle và Walmart. Thỏa thuận này đã được Tổng thống Trump phê duyệt vào tháng 9/2020, nhưng không nhận được chấp thuận từ phía Trung Quốc. Vì thế, đến nay, thương vụ TikTok vẫn chưa thể hoàn thành.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đặt thời hạn để TikTok hoàn thành thương vụ chuyển nhượng cho các công ty Mỹ là ngày 28/11. Sau đó, CFIUS gia hạn đến ngày 4/12. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn chưa thực thi lệnh cấm TikTok, cho dù đã quá hạn chót.

“Ngày tồi tệ” của Twitter

Năm 2020 cũng chứng kiến những vụ tấn công mạng lớn và đáng sợ nhất. Điển hình là hồi tháng Bảy, hàng loạt các tài khoản Twitter của người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Elon Musk, Bill Gates, Barack Obama hay Kanye West cũng như nhiều chính trị gia và nghệ sĩ bị hack một cách dễ dàng.

Kỳ lạ thay, tất cả các tài khoản bị hack đều đăng tải một dòng tin nhắn tương tự nhau trên Twitter: “Gửi Bitcoin và những người nổi tiếng này sẽ gửi lại gấp đôi số tiền của bạn.” Vụ việc được coi là các hacker muốn “phô diễn sức mạnh”.

Tuy cuộc tấn công này chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế, song nó đặt ra nghi vấn rằng điều gì sẽ xảy ra nếu tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ bị kiểm soát bởi tội phạm mạng. Twitter khẳng định đã đưa ra kế hoạch phòng vệ an ninh chặt chẽ hơn nhưng không thể dập tắt lo ngại của người dân và giới chuyên môn.

Lỗ hổng của Zoom

Khi cả thế giới phải trú ẩn trong nhà vì các lệnh giãn cách xã hội, các doanh nghiệp phải dựa vào những nền tảng họp trực tuyến để duy trì hoạt động. Nền tảng Zoom là cái tên không thể bỏ qua khi ứng dụng này đã tìm cách giải quyết những thiếu sót của các đối thủ như Skype và Microsoft Teams.

Tuy nhiên, từ lâu, ứng dụng Zoom đã đối mặt với các vấn đề bảo mật. Khi nhu cầu sử dụng tăng cao, những lỗ hổng này lại một lần nữa trở thành vấn đề đáng quan tâm. Sự lỏng lẻo trong khâu bảo mật dẫn đến việc xuất hiện những nội dung khiêu dâm hay mang tính đe dọa trong các cuộc họp, tạo thành một vấn nạn mới mang tên “Zoombombing”.

Nhà phát triển nền tảng Zoom cho biết đã khắc phục một số lỗ hổng bảo mật và hướng dẫn người dùng cách đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Dù vậy, Zoom vẫn bị đánh giá là không an toàn và dần mất đi vị thế của mình.

Apple đột nhiên hứng thú với môi trường

Quyết định loại bỏ cục sạc và tai nghe có dây đối với dòng điện thoại iPhone 12 đã khiến Apple nhận lại không ít chỉ trích. Apple lập luận hành động đó hướng tới việc đẩy mạnh ý thức bảo vệ môi trường và khuyến khích người dùng tiếp tục sử dụng cục sạc và tai nghe cũ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang dây cáp USB-C trong năm nay khiến những cục sạc đời cũ không thể đồng bộ.

Những thất bại dù từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, đã gây ra hậu quả nặng nề cho các tập đoàn và ngành công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi thất bại cũng là một bài học giúp cho công nghệ ngày một phát triển và hoàn thiện hơn trong tương lai.
{full_page}

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.