Có lẽ, đó cũng là chia sẻ của không ít bạn nhỏ khi được hỏi khúc mắc với cha mẹ mình mà tôi đã được nghe. Thường các con sẽ nói rằng: “Mẹ cháu cảm thấy”, “Mẹ cháu nghĩ rằng”, “Bố cháu muốn”… Và các cháu mệt mỏi vì điều đó.
Tôi không có ý chăm chăm vào việc đề cao người khác mà hạ sĩ khí người Việt chúng ta. Ở đây, như một phương pháp, tài liệu tham khảo để chúng ta rút tỉa cho việc nuôi dạy con mình.
Con sẽ nói cho mẹ biết con nghĩ gì nếu mẹ hứa sẽ bớt nói về cảm xúc của mẹ.Đó là lời của con gái (6 tuổi) nói với mẹ. - Ca sĩ nổi tiếng Pink.
"Cảm ơn ông/bà, các cháu ổn"
Ở Đức, việc chia sẻ bảng điểm của con bị cấm hoàn toàn. Ngay việc đơn giản như đưa ảnh con lên mạng cũng không được phép và họ tuân thủ rất nghiêm. Đã có lần tôi xin cô em dâu (người Đức) mấy tấm ảnh để bác biết mặt cháu. Cô ấy gửi cho tôi và dặn dò không được đưa cho ai khác cũng như cập nhật lên Facebook.
Việc học tập của con khi có ai hỏi, cha mẹ Đức thường trả lời rằng con đang nỗ lực, con rất tuyệt vời. Họ tuyệt đối không nhắc đến điểm số hay đánh giá của nhà trường về con. Thậm chí, họ luôn bày tỏ sự vui mừng khi đứa trẻ nỗ lực chứ tuyệt nhiên không bình phẩm về việc học của con ở trường.
Về ăn uống, khi có ai đó bình phẩm bé béo hay gầy, lập tức cha mẹ Đức sẽ nói: Xin cảm ơn ông (bà), cháu nó khỏe mạnh và chúng tôi rất hài lòng. Trong khi đó, ở nước ta, nếu con còi cọc, bị chê gầy, không lên cân, không đạt chuẩn cân nặng, chiều cao, cha mẹ sẽ rất sốt ruột. Để cải thiện, phụ huynh sẽ mua thực phẩm, sữa, ép ăn để con đạt chuẩn. Thực tế, một bộ phận cha mẹ không tin vào con, rằng mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng.
Không chỉ bảo mật quyền riêng tư của con, cha mẹ người Đức còn giấu cả cảm xúc của họ, không để cảm xúc đó lấn át, làm thay đổi cuộc sống đứa trẻ. Họ luôn nhấn mạnh, hài lòng để tránh việc tạo áp lực cho trẻ từ những cảm xúc đó.
Khi tôi nói chuyện với chị gái đang sống ở Hungary về tình hình các cháu, chị khá dè dặt khi nhận định về các con. Chị kể về các cháu cho tôi nghe chứ không nói về cảm nhận của chị thế nào. Khi tôi hỏi cảm giác, chị chỉ nói đơn giản: “Chị thấy ổn”.
Rõ ràng, phần lớn ông bố, bà mẹ xứ người rất sợ mình sẽ gây ra áp lực cho con từ việc quan tâm đến cảm xúc chính mình.
Trẻ Việt ám ảnh cảm xúc của cha mẹ
Còn ở nước ta thì sao? Cứ mỗi khi tổng kết năm học, tôi lại nghe những lời bức xúc của cha mẹ về việc đánh giá học tập của con ở trường. Không ít bậc cha mẹ bực bội nếu con không được đánh giá cao như họ mong đợi. Cô giáo có thể trở thành nơi trút giận nếu con của phụ huynh ấy không đạt được kết quả đánh giá như mong muốn. Thậm chí, không hiếm đứa trẻ gặp cơn thịnh nộ của chính cha mẹ mình.
Có phụ huynh còn uất ức hỏi tôi: “Tại sao khi cô giáo yêu cầu con em làm lại bài thi mà không báo cho phụ huynh? Luật giáo dục có cho phép điều này?”.
Các phụ huynh vì quá bức xúc mà quên rằng, việc ở trường là việc giữa cô và trò, hoàn toàn không liên quan đến phụ huynh. Giáo viên thấy kết quả chưa phản ánh đúng trình độ của con (có thể giỏi hơn, cũng có thể kém hơn), họ sẽ yêu cầu kiểm tra lại cho chính xác.
Sự đánh giá chính xác sẽ giúp việc học tập của con trẻ tốt hơn nhiều so với việc để con có điểm số đẹp như mơ dù trình độ không được như vậy. Nếu cha mẹ không để cảm xúc của mình đi quá xa, mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp. Nhưng thực tế, có nhiều vụ bôi nhọ giáo viên trên Facebook xuất phát từ đâu? Rõ ràng, cảm xúc của cha mẹ đã làm “hỏng” tất cả.
Một câu chuyện khác thường xuyên diễn ra, đó là việc hồn nhiên chia sẻ bảng điểm con trên Facebook. Nhiều phụ huynh cảm thấy phấn khích khi đưa bảng điểm của con lên mà không nghĩ đến cảm xúc của trẻ. Thử hỏi, nếu giờ ai đó đem cập nhật nhận xét của sếp về chính công việc của các bậc cha mẹ lên mạng hoặc cảm nhận của đồng nghiệp về cha mẹ, cảm giác của chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có thoải mái khi bị công khai, bị trưng bày hết tất cả lên mạng xã hội?
Rồi cũng chính từ cảm xúc của người chia sẻ như vui, hãnh diện vì con mình ngoan giỏi và được nhiều người vỗ tay ca ngợi, áp lực học tập tiếp tục được trút lên đầu đứa trẻ để sang năm cha mẹ lại có cái “up Facebook”.
Bên cạnh đó, các phụ huynh là bạn Facebook của cha mẹ sẽ cảm thấy tủi hổ vì con mình không giỏi như con bạn. Thế là có thêm một loạt đứa trẻ bị chửi mắng hoặc bị chê trách chỉ vì cảm xúc của cha mẹ, người ta thường gọi là hội chứng “con nhà người ta”.
Cảm xúc của cha mẹ còn là nỗi khổ sở lớn của trẻ nhỏ khi chúng gầy, dài người. Chẳng cần biết con có suy dinh dưỡng thật không, cứ con gầy hơn so với trẻ xung quanh, với lời nhận xét bâng quơ, không chính xác của hàng xóm, người thân, bạn bè, có nhiều đứa trẻ bị nhồi ăn, bị đánh mắng trong bữa ăn. Vì thế, bữa ăn đang trở thành cực hình với không ít trẻ.
Không hiếm cha mẹ đã để cảm xúc của mình đi quá xa, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, thậm chí bóp méo đi nhiều giá trị. Từng gặp gỡ nhiều phụ huynh, tư vấn cho nhiều đứa trẻ, tôi mong cha mẹ hãy quan tâm đến cảm xúc của con mình hơn. Nếu yêu con, hãy đặt mình vào vị trí của con để nghĩ, để có cách ứng xử sao cho phù hợp.
Trông người lại ngẫm đến ta, khi năm học mới đến, các bậc cha mẹ Việt hoặc sẽ tìm trường chuyên, lớp chọn cho con; hoặc sẽ tìm các lớp bồi dưỡng, năng khiếu để con phát triển toàn diện. Thiết nghĩ, cha mẹ có nên vì cảm xúc của mình, vì kỳ vọng quá cao khiến con luôn trong trạng thái mệt mỏi, "oằn mình" lao theo cuộc đua mang tên học hành?
Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (nguyên Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
{full_page}
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.