Đối với nhiều người, năm 2020 là thảm họa - khủng hoảng trong hệ thống y tế, hủy bỏ và hoãn các sự kiện thể thao, thậm chí cả Thế vận hội Olympic, sụt giảm du lịch chưa từng có do virus hoành hành trên khắp thế giới. Trong tình huống này, chỉ có các đại diện ngành CNTT và kinh doanh trực tuyến là có thể hưởng lợi.
Câu chuyện về những người có thể đứng vững và thành công trong năm 2020 khó khăn này là chủ đề trong bài viết của "Sputnik".
Những người anh hùng mới
Ngoài các bác sĩ và nhân viên y tế cứu sống các bệnh nhân trong cuộc chiến chống coronavirus, các dịch vụ trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn đại dịch, mang lại cuộc sống quen thuộc cho người dùng mạng khi bị phong tỏa. Ở nhiều quốc gia, ra khỏi ngoài căn hộ của mình không chỉ trở nên nguy hiểm mà còn bị cấm hoàn toàn, mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến đã làm mọi điều có thể để cuộc sống của người dùng Internet trở nên thuận tiện và thú vị.
Phần mềm hội nghị truyền hình Zoom đã trở nên phổ biến sau khi nhiều công ty chuyển nhân viên của mình sang làm việc từ xa. Lượng người dùng Zoom tăng mạnh đã để lại dấu ấn cho công ty. Đầu tháng 4, Zoom đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và vốn hóa của nó đã vượt quá 50 tỷ USD. Đồng thời, công suất của dịch vụ không đủ để đối phó với tải trọng chồng chất và cung cấp mức độ bảo mật cần thiết, do đó dữ liệu của hàng nghìn người dùng đã bị rò rỉ lên mạng Internet, gây ra vô số vụ bê bối.
Lợi ích mới và từ thiện
Nhận được lợi ích khác trong thời kỳ coronavirus là các dịch vụ CNTT đảm bảo dịch vụ thương mại, giao hàng và chuyển khoản trực tuyến. Tờ báo có ảnh hưởng của Anh Financial Times đã đưa Amazon của Jeff Bezos vào danh sách 100 công ty hàng đầu thậm chí còn trở nên thịnh vượng hơn trong giai đoạn coronavirus. Amazon chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách này - dịch bệnh đã làm tăng vốn hóa của công ty này thêm 400 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, với tốc độ tăng trưởng như vậy, Bezos có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên vào năm 2026. Tình hình tương tự cũng xảy ra với Microsoft (cộng thêm 270 tỷ USD).
Đại dịch đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực của cuộc sống chuyển sang hoạt động trực tuyến, đặc biệt là ngành giải trí. Do cách ly, các sự kiện trực tiếp bị cấm, hầu hết các nghệ sĩ và công ty đã tìm cách duy trì liên hệ với người hâm mộ của họ. Hòa nhạc trực tuyến đã trở nên đặc biệt phổ biến và đạt quy mô chưa từng có. Trong tháng 2, DJ Marshmello đã tổ chức buổi hòa nhạc ảo đầu tiên trong trò chơi trực tuyến Fortnite - buổi hòa nhạc này đã được khoảng 10 triệu người theo dõi.
Nhóm nhạc BTS cũng không chịu đứng bên ngoài và lập kỷ lục thế giới: 756 000 khán giả đã "có mặt" tại solo concert của nhóm. Trong định dạng trực tiếp, đơn giản là không thể tổ chức buổi biểu diễn như vậy - sẽ phải kết nối khoảng 15 sân vận động mới chứa hết tất cả số lượng khán giả này. Sau buổi hòa nhạc, các thành viên ban nhạc đã quyên góp một triệu USD để chống coronavirus.
Quyên góp từ tiền thu được từ hòa nhạc trực tuyến có thể được coi là xu hướng mới trong năm 2020. Một buổi hòa nhạc kéo dài 8 giờ đồng hồ với sự tham gia của hàng chục ngôi sao hàng đầu (Lady Gaga, Billie Eilish, Jennifer Lopez, The Killers, Taylor Swift, Stevie Wonder, Celine Dion, Elton John, Matthew McConaughey, Oprah Winfrey, Michelle Obama, Sarah Jessica Parker và những người khác ) được tổ chức hồi mùa xuân 2020 với sự hỗ trợ của WHO để ủng hộ các bác sĩ chống coronavirus trên khắp thế giới.
"Tình hình hiện tại càng kéo dài, Netflix càng thu lợi nhiều"
Dịch vụ video là đối tượng khác được hưởng lợi từ đại dịch. Tạp chí New York cho rằng trước đại dịch các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix chịu áp lực từ các đối thủ cạnh tranh, thì khi mọi người phải cách ly ở nhà và không có thể thao trên TV và nhiều chương trình không thể tiếp tục sản xuất, khách hàng có xu hướng đăng ký và khám phá rất nhiều "Back catalog" (phim và chương trình truyền hình mà Netflix không sản xuất nhưng cung cấp dịch vụ tiếp cận cho người đăng ký).
Thật vậy, cuối quý đầu tiên, công ty Netflix đã đạt 183 triệu thuê bao trên toàn thế giới, tức là nhiều hơn 23% so với một năm trước đó.
Những sở thích mới
TikTok trở thành mạng xã hội chính trong năm đại dịch 2020. Hồi mùa xuân, bắt đầu xuất hiện những video đầu tiên về cuộc chiến chống coronavirus và cuộc sống trong vùng cách ly ở Trung Quốc.
Khi đại dịch virus lan rộng, mọi người không có điều kiện giao tiếp thông thường và phải ở nhà thì TikTok tỏ ra rất hữu ích. Các video ca nhạc ngắn 15 giây, được chọn lọc thông qua hệ thống đề xuất thông minh, thoạt đầu được giới trẻ yêu thích và quan tâm, sau đó lan truyền sang người lớn trên toàn thế giới. Từ một ứng dụng vô danh của Trung Quốc, TikTok đã trở thành mạng xã hội hàng đầu thế giới, có khả năng thiết lập xu hướng và khiến mọi người trở nên nổi tiếng.
Cuối tháng 8, TikTok đã đứng đầu về lượt tải xuống trên cả App Store và Google Play. Đồng thời, trong vụ kiện chống chính quyền Donald Trump, công ty lần đầu tiên tiết lộ dữ liệu về số lượng người dùng hoạt động hàng tháng. Nếu trong tháng 1 năm 2018, có khoảng 55 triệu người dùng TikTok hoạt động mỗi tháng trên toàn thế giới, thì đến tháng 7 năm 2020, con số này đã lên tới 700 triệu và đến tháng 8 năm 2020, ứng dụng đã được tải xuống 2 tỷ lần trên toàn thế giới.
Sự phát triển bùng nổ của TikTok và sự mở rộng nhanh chóng của công ty tại thị trường Mỹ đã lấn át những gã khổng lồ như Facebook, khiến chính quyền Mỹ dấy lên nghi ngờ. Để ngăn chặn, đầu tháng 8 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm TikTok vì thu thập dữ liệu cá nhân trẻ vị thành niên Mỹ để thực hiện hoạt động gián điệp tiềm năng. Tuy vẫn chưa đi đến một lệnh cấm hoàn toàn - ByteDance, công ty sở hữu TikTok phải tiến hành đàm phán với Ủy ban Đầu tư Quốc tế Hoa Kỳ để bán một phần tài sản.
Tik Tok không phải là mạng xã hội duy nhất bị Tổng thống Mỹ dọa cấm. Sau khi Twitter bắt đầu đánh dấu các tin nhắn bằng biểu tượng đặc biệt có thể không đáng tin cậy và cần xác minh thêm (trong đó có những dòng tweet của chính Tổng thống Trump), Trump quyết định đáp trả mạng xã hội này trong lĩnh vực pháp lý.
Mặc dù nhiều công ty đã thích nghi thành công với kiểu làm việc trực tuyến, việc tham gia vào các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống như y tế và giáo dục vẫn cần phải đích thân hiện diện. Và mặc dù trong năm qua, tuy đã học được cách đáp ứng nhu cầu giao tiếp và giải trí trực tuyến của mình, nhưng một ngày nào đó đại dịch sẽ kết thúc và chúng ta sẽ phải quay trở lại thực tại.
{full_page}
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.