A
nime là phim hoạt hình được làm theo phong cách Nhật Bản và thường được mô tả bởi đồ họa tràn đầy màu sắc, các nhân vật sống động và nội dung đa dạng, phong phú cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Anime là hình thái nghệ thuật phong phú với các phương pháp sản xuất đặc biệt với nhiều kỹ thuật và là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật đồ họa, bản ngã nhân vật, kỹ thuật điện ảnh. Anime của Nhật Bản ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Văn hóa anime Nhật Bản là một nét đặc trưng cho sự tinh hoa của nền văn hóa Nhật Bản.
Theo New York Times, ngành công nghiệp anime của Nhật Bản bùng nổ với quy mô chưa từng có. Và đó là lý do anh Tetsuya Akutsu tính đến chuyện tạm dừng công việc.
Khi anh Akutsu trở thành họa sĩ diễn hoạt (animator) cách đây 8 năm, thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - chỉ bằng 50% quy mô năm 2019 (24 tỷ USD).
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu trong và ngoài nước, khi khán giả đủ mọi lứa tuổi say sưa với Pokémon hay Ghost in the Shell.
Anh Akutsu là một họa sĩ diễn hoạt hàng đầu, đôi khi đảm nhận vai trò đạo diễn của một số loạt phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản. Anh làm việc gần như mỗi ngày ngay sau khi tỉnh giấc. Tuy nhiên, Anh Akutsu chỉ kiếm về từ 1.400-3.000 USD mỗi tháng.
Anh vẫn là một người may mắn. Hàng nghìn họa sĩ khác phải làm việc liên tục với mức lương chỉ 200 USD/tháng. Thay vì giúp các họa sĩ có thêm thu nhập, ngành công nghiệp bùng nổ chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa những gì họ cho đi và nhận lại. Nhiều người tự hỏi liệu có đủ khả năng tiếp tục theo đuổi đam mê hay không.
Công việc khắc nghiệt
"Tôi muốn làm việc trong ngành công nghiệp anime đến hết đời", anh Akutsu, 29 tuổi, chia sẻ. Nhưng khi chuẩn bị kết hôn, anh đối mặt với áp lực tài chính lớn. "Tôi sẽ không đủ tiền để kết hôn và sinh con", anh Akutsu than thở.
Theo thống kê của Hiệp hội Sáng tạo Phim hoạt hình Nhật Bản, thu nhập trung bình của các họa sĩ diễn hoạt chính và những tài năng hàng đầu khác đã tăng từ 29.000 USD vào năm 2015 lên 36.000 USD năm 2019.
Trong tiếng Nhật, các họa sĩ diễn hoạt được gọi là "genga-man". Họ là những người vẽ khung hình chính. Là một họa sĩ như vậy nhưng anh Akutsu chỉ kiếm đủ tiền để ăn và thuê một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Tokyo.
Thu nhập của anh khác xa các họa sĩ tại Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, mức lương trung bình của những người này là 75.000 USD/năm, thậm chí lên tới hàng trăm nghìn đối với các họa sĩ cao cấp.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, những họa sĩ cấp thấp chỉ nhận mức lương trung bình 12.000 USD/năm, chưa kể đến các họa sĩ tự do có thu nhập thấp hơn.
Vấn đề một phần bắt nguồn từ cấu trúc của ngành, vốn hạn chế lợi nhuận chảy về các hãng phim. Tuy nhiên, theo cô Simona Stanzani - người đã có kinh nghiệm 3 năm trong ngành, những hãng phim này có thể trả mức lương ít ỏi nhờ một nhóm người trẻ đam mê anime, sẵn sàng làm việc với ước mơ tạo dựng tên tuổi trong ngành.
"Có rất nhiều họa sĩ tuyệt vời ngoài kia. Các hãng phim còn vô số 'bia đỡ đạn'. Họ chẳng việc gì phải tăng lương", cô nói thêm.
Ngành công nghiệp anime đã bùng nổ trong những năm gần đây. Các công ty sản xuất Trung Quốc trả cho nhiều hãng phim Nhật Bản khoản phí lớn để sản xuất phim cho thị trường nội địa.
Vào tháng 12, Sony đã trả gần 1,2 tỷ USD để mua lại trang video anime Crunchyroll từ AT&T. Công việc kinh doanh tốt đến mức gần như mọi xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản đều có đơn đặt hàng trước nhiều năm.
Nhiều họa sĩ diễn hoạt trẻ tuổi sẵn sàng nhận lương thấp để theo đuổi ước mơ. Ảnh: New York Times.
Netflix cho biết số lượng hộ gia đình xem anime trên dịch vụ phát trực tuyến vào năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm trước. Các ủy ban sản xuất - liên minh đặc biệt của nhà sản xuất đồ chơi, xuất bản truyện tranh và những công ty khác - thường trả cho các hãng phim một khoản phí cố định và tiền bản quyền.
Mô hình này bảo vệ các hãng phim khỏi nguy cơ thất bại, nhưng cũng khiến họ không nhận nhiều lợi nhuận khi dự án thành công lớn.
Thay vì thương lượng mức giá cao hơn hoặc chia sẻ lợi nhuận với các ủy ban sản xuất, nhiều hãng phim tiếp tục chèn ép họa sĩ diễn hoạt, giảm thu nhập bằng cách thuê họ như những họa sĩ tự do. Nhờ đó, chi phí sản xuất vẫn được duy trì thấp ngay cả khi lợi nhuận tăng lên.
"Tôi chưa bao giờ kiếm nhiều hơn 38 USD/ngày"
Trong ngành công nghiệp anime nổi tiếng khắc nghiệt, các họa sĩ và nhân viên phải liên tục ngủ lại xưởng phim trong nhiều tuần để hoàn thành dự án. Đáng nói, việc đó được nhắc đến với sự tự hào.
Trong tập đầu tiên của bộ anime Shirobako, một họa sĩ đã gục ngã vì cơn sốt khi sắp đến hạn chót nộp bản vẽ. Bộ phim kể về những nỗ lực của người trẻ khi cố gắng bước vào ngành.
Theo nhà hoạt động Jun Sugawara, thời gian làm việc khắc nghiệt đã vi phạm quy định lao động của Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà chức trách không mấy quan tâm, dù chính phủ Nhật Bản coi anime là một phần trọng tâm trong những nỗ lực ngoại giao công chúng.
"Cho đến nay, chính quyền quốc gia và địa phương không có bất kỳ chiến lược hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này", ông Sugawara chỉ trích. Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức của Bộ Lao động Nhật Bản cho biết chính phủ đã nhận thức được vấn đề. Tuy nhiên, có rất ít biện pháp giải quyết trừ khi các họa sĩ đệ đơn khiếu nại.
Những năm gần đây, một số công ty lớn buộc phải thay đổi sau khi chịu áp lực lớn từ công chúng và các cơ quan quản lý. Mới đây, Netflix thông báo sẽ hợp tác với WIT Studio để cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo các họa sĩ trẻ làm về nội dung cho xưởng phim. Theo chương trình, 10 họa sĩ diễn hoạt sẽ nhận 1.400 USD/tháng trong vòng 6 tháng.
Quy mô của thị trường anime toàn cầu - bao gồm các chương trình truyền hình, phim ảnh và hàng hóa - tăng chóng mặt trong những năm qua. Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, các hãng phim nhỏ hơn không có nhiều cơ hội để tăng lương cho nhân viên. "Đó là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất thấp và sử dụng nhiều lao động", ông Joseph Chou, chủ một xưởng hoạt hình máy tính, nhận định.
Anh Ryosuke Hirakimoto đã quyết định từ bỏ công việc này sau khi đứa con đầu lòng ra đời. "Làm việc trong ngành công nghiệp anime là ước mơ cả đời của tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi kiếm được nhiều hơn 38 USD/ngày", anh kể lại.
"Tôi bắt đầu tự hỏi liệu cuộc sống này đã kéo dài đủ lâu chưa", anh Hirakimoto chia sẻ. Hiện, anh làm việc tại một viện dưỡng lão. "Nhiều người tìm thấy giá trị khi được làm việc với những bộ anime yêu thích. Dù được trả khoản tiền ít ỏi, họ vẫn sẵn sàng."
Nhưng giờ, anh thừa nhận không hối hận về quyết định ra đi của mình.
Văn hóa anime Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc mang những nét đặc trưng riêng, không lẫn được với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Không chỉ gây ấn tượng với nền văn hóa, phong tục đậm chất truyền thống mà Nhật Bản còn được biết đến là xứ sở của truyện tranh, những bộ truyện hoạt hình, anime nổi tiếng trên thế giới như như Your Name, Mộ đom đóm. Những tác phẩm anime của Nhật Bản luôn gây được sức hút với mọi người bởi nội dung hay và thiết kế sáng tạo, mới lạ.
Vào năm 1914, các bộ truyện tranh của Mỹ và Châu Âu du nhập vào Nhật Bản và đã gợi lên niềm cảm hứng sáng tạo cho những họa sĩ tranh biếm họa thời kỳ đó. Chính sự mới lạ, độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã dẫn đến sự ra đời của nền văn hóa anime Nhật Bản. Vào năm 1917 bộ phim hoạt hình chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản được ra mắt. Lúc mới đầu anime thường được mô phỏng theo các truyện về robot với nội dung theo các bộ manga nổi tiếng, dần dần anime đi sâu hơn về nội dung lẫn chi tiết để phù hợp với thị hiếu người xem. Các bộ phim anime ngày nay thường có nét vẽ đơn giản, màu sắc rực rỡ và có nhiều nhân vật là trẻ con.
Hiện nay, Anime chiếm 60% số lượng phim hoạt hình được sản xuất trên thế giới. Những bộ anime được chiếu trên TV thường được phát theo mùa và có tên gọi là TV series.
Các đặc điểm nổi bật của anime gồm có:
- Tình tiết và cốt truyện phức tạp, đa số anime có cốt truyện đạt đến mức chi tiết đáng thán phục, luôn tạo tình huống thú vị cho khán giả. Phong cách và chủ đề đa dạng, chủng loại rất phong phú như phiêu lưu, hài hước, kinh dị, viễn tưởng hay là thể thao.
- Anime không tập trung vào một loại lứa tuổi nhất định nên có tính thu hút cao với nhiều đối tượng.
- Tình cảm: Theo văn hóa anime Nhật Bản thì yếu tố tình cảm trong anime thường rất cao. Cho dù thể loại phim là hành động, hài hước, lãng mạn, bi kịch thì anime vẫn luôn ẩn chứa tình cảm và có thể vượt bậc hơn cả truyện tranh, hoạt hình.
- Nét vẽ đẹp, được chú ý về chi tiết lẫn phong cách. Cách vẽ mắt anime rất có hồn và thể hiện được cảm xúc nhân vật. Về hoạt hình thì anime chú ý nhiều tới sự trau chuốt đẹp đẽ của bản vẽ hơn là sự luân chuyển hình ảnh nhịp nhàng.
Hoạt hình anime rất phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau. Có khoảng 80 thể loại anime như action, adventure, shouju, shounen, comedy, fantasy, game, magic, school life. Trong đó cũng có những thể loại dành cho người trên 18 tuổi như ecchi, hentai. Các tác phẩm hoạt hình anime nổi tiếng và gây được nhiều tiếng vang trên thế giới như lâu đài trên không, Nàng công chúa ở thung lũng gió, Hàng xóm của tôi là Toronto, Cô bé phù thủy KiKi: Dịch vụ giao hàng KiKi, Mộ đom đóm, 5 centimet/giây, Tên bạn là gì?, Lạc vào khu rừng đom đóm. Chính sự sáng tạo trong thiết kế đồ họa cũng như trong nội dung đã mang đến một nền văn hóa anime Nhật Bản gây ấn tượng trên toàn thế giới.
Không có gì ngạc nhiên khi người ta ví von anime của nước Nhật là sinh thể vô hình có linh hồn và có ý chí sống vô cùng mãnh liệt. Bản thân anime cũng giống như người Nhật, luôn bền bỉ và kiên trì. Dù các công nghệ hoạt hình của Hollywood được nhiều người ngưỡng mộ nhưng anime vẫn luôn là bộ phim hoạt hình ấn tượng, độc đáo trong lòng những người có niềm đam mê với dòng phim hoạt hình. Văn hóa anime Nhật Bản đã mang đến những nét đặc trưng riêng biệt cho đất nước Nhật.
Tác giả Thảo Cao | Theo BizLive | Tổng hợp
- Esaret 2022 - Love Class Phần 2
Trả lờiXóa