Type Here to Get Search Results !

Những điều cấm kỵ trong 3 ngày tết để tránh xui cả năm

N

Theo quan niệm và phong tục lâu đời của người Việt Nam, khi cúng giao thừa, trong ba ngày Tết, nhất là ngày mùng Một Tết, luôn có những điều kiêng kỵ cần làm để tránh điều xui xẻo, đen đủi, thiếu may mắn đến với mình.

Với niềm mong muốn có một năm mới đầy suôn sẻ, may mắn, thành công, cũng như tránh được những chuyện không hay xảy đến, người Việt thường bảo nhau những điều không nên làm trong những ngày đầu năm mới.

Hay như quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", trong ngày đầu năm, các gia đình đều tránh kiêng một số việc để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, hanh thông, thuận buồm xuôi gió.

Với niềm tin rằng “nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn đầu năm thì cả năm đó sẽ thuận lợi, tốt đẹp”, người Việt ai cũng muốn ngày đầu khai xuân, rước Lộc, Phúc, Thọ vào nhà, do đó, bạn nên tránh một số việc nhất định dưới đây trong ba ngày Tết.


    Vì sao phải kiêng quét nhà, đổ rác ngày mùng Một Tết?

    Một điển tích cổ ở Trung Quốc cho rằng, việc quét nhà, mang rác đổ đi sẽ khiến thần Tài sẽ đi mất, khiến gia đình nghèo túng trong cả năm đó. Vì vậy, nếu muốn quét dọn hãy quét dọn từ trước Tết.

    Thế nên, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi. Ở Việt Nam, hầu hết các gia đình đều tuân thủ điều kiêng kỵ này rất chặt chẽ, bởi theo lời dạy của ông bà, cha mẹ, “quét nhà mùng Một Tết là tự tay hất tài, hất lộc ra khỏi cửa”.

    Kiêng cho nước, cho lửa đầu năm

    Quan niệm dân gian nhận lửa là thứ mang sắc đỏ - là điều may mắn. Nếu cho người khác cái đỏ trong ngày đầu năm thì cả năm đó sẽ gặp nhiều điều không may.

    Trong khi đó, nước được ví như nguồn tài lộc, có câu "tiền vào như nước", nếu cho nước thì khác gì mất lộc.

    Kiêng ăn tục nói bậy, nói từ xui xẻo

    Những ngày Tết, hãy tiết chế những lời nói, hành động không hay, gây ồn ào, mất trật tự, có thể đem lại sự không may, cũng như không nói những câu mà dân gian hay gọi là nói giông hoặc nói xui như: "Chết rồi!" hay "Tiêu rồi!".

    Không nên chửi mắng nhau nhằm tránh gây mất hoà khí, xua đuổi lộc phát. Cũng đừng nên khóc lóc, buồn tủi hoặc nói tới điều rủi ro trong dịp Tết.

    Kiêng đánh vỡ bát đĩa, ấm chén

    Theo quan niệm cha ông xưa, sự đổ vỡ đầu năm sẽ tạo nên sự chia cắt, xa lìa.

    Bát đĩa là vật dụng tượng trưng cho gia đình, nên trong những ngày Tết không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén để những điều bất hòa, cũng như những điều không vui xảy ra với gia đình mình.

    Đáng chú ý, đây là nét văn hóa không chỉ có ở Việt Nam mà còn rất phổ biến ở các nền văn hóa Á Đông hay cả phương Tây.

    Kiêng dùng vật nhọn, kim chỉ may vá đầu măm mới

    Đầu Năm Mới, nên tránh dùng các vật nhọn và kỵ các vật sắc như dao, kéo bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ của gia chủ.

    Cùng với đó, ở Việt Nam, may vá trong những ngày đầu năm được cho là sẽ khiến gia chủ phải gánh chịu cảnh khổ sở, khó khăn, vất vả suốt cả năm.

    Tại sao người Việt kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt vào đầu năm

    Dân gian thường kiêng ăn các loại thức ăn như tôm, mực, cá mè, thịt chó, thịt vịt trong ngày Tết vì tin rằng ăn tôm sẽ “bơi lùi” giống tôm, mực thì xui xẻo, đen đủi, cá mè lại gần với "mè nheo",... nói chung đây đều là những thứ gợi đến điều không tốt.

    Dù những điều này đến nay đã không còn hợp thời nhưng cũng là thực phẩm nên hạn chế vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu khi ăn uống trong những ngày Tết vốn đã nhiều rượu thịt.

    Kiêng ăn đuôi cá

    Đáng chú ý, ở miền Bắc Việt Nam có một vài nơi cầu may mắn năm mới bằng cách ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn để hóa rồng như quan niệm khi tiễn ông Công, ông Táo về trời.

    Người ta tin rằng, nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu xuân thì suốt cả năm đó sẽ được thuận lợi, hanh thông trong công việc lẫn học tập.

    Thế nhưng, để tăng thêm điều lành, tránh điều dữ, người ta sẽ chừa lại phần đuôi cá, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới.

    Tại sao kiêng ăn cháo vào mùng Một Tết?

    Theo quan niệm của dân gian, chỉ những người nghèo khổ mới phải ăn cháo. Vì vậy, các bạn hãy chuẩn bị sẵn thức ăn và cơm canh đầy đủ để dùng trong ngày mồng 1 đầu năm nhé.

    Kiêng vay mượn, đòi nợ, trả nợ vào những ngày đầu năm mới

    Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật vì sẽ bị "xui" cả năm. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm mệt mỏi chạy theo con nợ, trong khi trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc ra khỏi nhà.

    Kiêng đi xông đất sáng mồng Một Tết nếu không được gia chủ mời

    Người Việt vẫn cho rằng, người xông đất trong ngày mồng 1 Tết là người quyết định sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.

    Vì thế, mọi người thường kiêng kỵ đi chúc Tết vào sáng mồng 1 Tết nếu không được mời trước, vì sợ sẽ mang đến điều không tốt đẹp cho chủ nhà trong năm mới.

    Do đó, ở Việt Nam, mọi người thường đợi sau buổi sáng mồng Một mới đến thăm nhà người thân, họ hàng.

    Không nên đánh thức người khác trong ngày mùng Một Tết, vì sao?

    Người Việt Nam cho rằng, nếu đi chúc Tết nhà người ta, mà họ lại đang ngủ thì cách tốt nhất là hãy chờ dịp khác ghé thăm chứ không nên đánh thức người đó dậy.

    Điều kiêng kỵ này áp dụng ngay cả người nhà. Theo đó, tuyệt đối không nên đánh thức người thân trong mấy ngày Tết, hãy để người ta tự dậy.

    Bởi theo quan niệm dân gian, nếu đánh thức người đang ngủ, thì người đó trong suốt cả năm mới sẽ luôn bị người khác hối thúc, giục vội.

    Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

    Người Việt xưa vẫn cho rằng, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc. Do vậy, người ta thường hay mặc những trang phục với màu sắc sặc sỡ, rực rỡ, tươi vui để mong một năm mới nhiều điều vui vẻ, may mắn.

    Không bất hòa, cãi vã đầu năm mới

    Điều quan trọng nhất, theo nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia phong thủy, trong ba ngày Tết, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí, dù cho có vấn đề gì đi chăng nữa thì cũng tránh không gắt gỏng, cãi vã hay mắng chửi nhau.

    Theo ông bà xưa, trẻ con không khóc lóc, người lớn không quát mắng, vợ chồng không chửi nhau, con cái không cãi bố mẹ để giữ cho không khí trong suốt một năm luôn được hòa thuận, vui vẻ.

    Đăng nhận xét

    0 Nhận xét
    Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
    * Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.