Bản chất của kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là hoạt động trao đổi, tiếp xúc của con người với con người, nhằm trao đổi thông tin, tình cảm, hình ảnh bản thân và gắn kết các thành viên trong xã hội với nhau. Khi quá trình này xảy ra không như mong đợi, bị gián đoạn, hoặc hành vi giao tiếp không xảy ra, việc giao tiếp của bạn sẽ thất bại.
Kỹ năng giao tiếp là những kỹ năng giúp quá trình trên diễn ra tốt đẹp, đúng như mong đợi của bạn. Nó bao gồm kỹ năng lắng nghe, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng bắt chuyện làm quen, kỹ năng thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể… Và quan trọng, bạn phải có sự tự tin, cảm nhận tốt về bản thân để không bị bối rối, xấu hổ khi đối diện người nghe hoặc người có địa vị xã hội cao hơn mình.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp chính là cải thiện những kỹ năng trên của bạn. Có bao giờ bạn thử phân tích và tìm hiểu xem thực sự mình thiếu sót kỹ năng nào trong những kỹ năng này chưa? Biết được mình còn yếu kém điểm nào, bạn mới tìm được một khóa học phù hợp với bản thân, đem lại hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn bạn không có khả năng bộc lộ cảm xúc của mình để người nghe hiểu ý, một khóa học kỹ năng diễn đạt về mặt ngôn từ sẽ không hợp với bạn.
Làm thế nào để biết mình còn yếu kỹ năng nào?
Tìm ra điểm yếu của mình không khó, nhưng không phải ai cũng làm được. Hãy suy nghĩ về những cuộc trò chuyện của bạn với những người xung quanh bạn, và mối quan hệ của bạn với người thân, và trả lời những câu hỏi dưới đây:
1. Bạn có dễ làm quen với một người lạ mặt?
2. Cuộc trò chuyện của bạn với một người lạ ngồi cùng một chuyến tàu kéo dài được bao lâu?
3. Bạn có thích nói chuyện với mọi người?
4. Những gì bạn nói có dễ hiểu với mọi người không, hay bạn rất khó khăn khi tìm lời để diễn đạt?
5. Bạn có sử dụng ánh mẳt, cử động cơ thể… để hỗ trợ cho lời nói của mình khi đang nói chuyện? (đây là khả năng thể hiện thông điệp bằng ngôn ngữ cơ thể của bạn)
6. Bạn nói chuyện dễ dàng với ba mẹ hoặc họ hàng của bạn chứ? Hay ngồi bên cạnh họ bạn thấy không có gì để nói?
7. Bạn có thoải mái khi tham gia vào hội nhóm đông người (không phải hội bạn thân của bạn), dự tiệc của ai đó?
8. Trước mặt người lạ, nụ cười của bạn có thoải mái hay gượng gạo?
9. Mọi người có thích thú khi lắng nghe bạn nói không, hay đều tảng lờ đi? (nếu bạn ít được tiếp nhận, chắc chắn cần xem lại nội dung câu chuyện và cách kể chuyện của bạn)
10. Bạn có hay gây gổ với bạn bè, xích mích với bố mẹ, người yêu không? (sự thấu hiểu tâm lý đối phương của bạn. Thấu hiểu tâm lý người khác, bạn mới biết cách đối xử và trò chuyện thích hợp).
11. Hãy hỏi bạn bè liệu họ có cảm thấy được lắng nghe khi trò chuyện với bạn không?
Ở những câu trả lời tiêu cực hoặc “Không”, đó chính là điểm còn thiếu sót trong kỹ năng giao tiếp của bạn. Hãy luyện tập, tìm hiểu sách vở về các đề tài đó để cải thiện chúng. Đừng bỏ qua vì nghĩ rằng chúng không quan trọng, vì đây là một trong những kỹ năng quan trọng góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.
Cố gắng thay đổi nhé!
Nhóm tác giả (hanhtrinhdelta.edu.vn)