Type Here to Get Search Results !

Cái gì làm cho người ta đau khổ?

Loài vật hễ khoẻ mạnh và có đủ thức ăn là luôn sung sướng. Người ta có cảm tưởng rằng loài người lẽ ra cũng phải như vậy chứ, thế mà trong thế giới hiện đại, đa số lại khác hẳn. Nếu chính bạn cảm thấy mình khổ sở thì chắc bạn cũng dễ dàng nhận ra rằng chẳng phải chỉ có một mình mình đau khổ. Còn như nếu bạn sung sướng thì bạn tự hỏi xem trong số bạn bè, có bao nhiêu người sung sướng. Và khi bạn đã chú ý xét các bạn bè rồi, bạn nên ráng tập cái nghệ thuật đọc trên nét mặt người khác, để thấy được tâm tính của mỗi người mà bạn gặp hàng ngày.

"Trên mỗi khuôn mặt, tôi thấy một cái thẹo"

Thẹo đau khổ, thẹo nhu nhược. Đâu đâu bạn cũng có thể thấy những kẻ khổ sở, mặc dầu trường hợp của mỗi người là khác nhau.
Trước kia, khi tôi còn ở TP. HCM, tôi vẫn thường đến những chỗ đông người để quan sát mọi người mỗi khi rảnh rỗi. Trút bỏ mọi gánh lo và phiền muộn, tôi nhìn mọi người và cố gắng hoà mình vào một ai đó, cố hiểu một điều gì đó từ họ. Tôi nhận ra mỗi đám đông khác nhau thì có những lo lắng khác nhau.

Trong đám đông tới giờ đi làm, bạn sẽ thấy nỗi ưu tư, đăm chiêu, thấy triệu chứng của bệnh khó tiêu, thấy người nào người nấy chỉ lo chiến đấu, không chú ý đến một điều gì khác, không đùa giỡn được, mà thản nhiên đối với những người khác. Bạn cũng có thể thấy điều đó trên mỗi con đường đô thị. Kẻ ngược người xuôi đua nhau về mọi ngả mà cũng quan tâm người đi trên đường là những ai.

Một trường hợp khác, có lẽ bạn thường gặp hơn. Đó là trường hợp bạn bè rủ nhau vào quán nhậu. Họ quàng vai bá cổ nhau, Ai cũng quyết tâm uống cho thoả thích, uống " không say không về", nhất định nhậu cho tới bến. Cho nên họ nốc cho mau say và làm bộ không thấy bạn bè của họ ghê tởm họ ra sao. Uống cho đã rồi, họ khóc lóc, xót xa cho số phận : thực là bất hiếu, phụ công dưỡng dục của cha mẹ. Đối với họ, rượu giúp cho họ giải thoát cái mặc cảm tội lỗi, yếu đuối của họ; mặc cảm đó khi tỉnh bị lý trí kìm nén xuống.

Vậy thì những đau khổ đó vì đâu mà có?

Nguyên nhân của mấy hình thức đau khổ đó, một phần là do chế độ xã hội, một phần khác là do tâm lý cá nhân, mà tâm lý cá nhân, dĩ nhiên, phần lớn đều do chế độ xã hội gây nên.

Xét ở khía cạnh xã hội, một chế độ không có chiến tranh là điều cần thiết cho sự sinh tồn của nền văn minh chúng ta, nhưng không một chế độ nào  đứng vững được khi mà con người khổ sở tới nỗi thà tiêu diệt lẫn nhau còn hơn là phải nhìn ánh sáng mặt trời. Nếu chúng ta muốn sự sản xuất bằng máy móc đem lại nhiều cái lợi hơn cho những kẻ cần đươc hưởng hơn cả, thì ta phải tiêu diệt sự nghèo khổ đi, nhưng làm cho mọi người thành giàu có để làm gì đây, nếu họ giàu có mà vẫn khổ? Chính sách giáo dục làm cho con người hoá sợ sệt, là một chính sách xấu; nhưng làm sao để có một chính sách khác khi mà chính những người có nhiệm vụ dạy dỗ lại bị sự sợ sệt chi phối?

Về mặt tâm lý cá nhân, có 3 loại người bạn có thể gặp ở bất kì đâu trên quả đất này:
- Hạng người tội lỗi
- Hạng người tự thán phục mình quá mức
- Hạng người tham danh vọng

Hạng người thứ nhất, Hạng người tội lỗi ở đây không phải là người đã mắc phải tội lỗi nào đó, theo nghĩa thông thường. Tôi muốn nói đến hạng người lúc nào cũng nghĩ tới tội của mình, luôn luôn bất bình về mình. Nếu người đó theo đạo, thì cho rằng Chúa không công bằng với mình. Người đó tự tạo cho mình một hình ảnh lý tưởng cho mình và thấy cái con người thực của mình luôn luôn xung đột với con người lý tưởng đó. Trong tâm thức, người đó đã từ lâu liệng bỏ những quy tắc luân lý mẹ dạy hồi còn nhỏ, nhưng mặc cảm tội lỗi có thể vẫn còn chôn sâu trong vô thức và chỉ hiện lên trong những lúc người đó say rượu hoặc ngủ.

Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi đó có thể khá mạnh và làm cho người đó mất hứng thú ở đời đi. Trong thâm tâm, người đó vẫn còn chấp nhận những nghiêm cấm của cha mẹ hồi nhỏ. Rằng chửi thề là bậy; uống rượu là bậy; xảo quyệt trong những công việc hằng ngày là bậy; và bậy nhất là tình dục. Dĩ nhiên như vậy không có nghĩa là họ nhịn những thú vui đó; vẫn hưởng đấy, nhưng mất cái thú vị vì cái mặc cảm rằng những thú vui đó hạ phẩm hạnh mình xuống.

Đối với hạng người này, nạn nhân của cái đạo do mẹ truyền, thì bước đầu tiên để tìm thấy hạnh phúc là trút bỏ những tin tưởng và tình cảm hồi nhỏ đi.

Hạng người thứ hai, Hạng người tự thán phục mình quá mức. Tự thán phục mình và thích được người khác thán phục, nếu đừng thái quá thì có thể coi là bình thường, không đáng chê trách; chỉ khi nào nó làm thái quá thì mới thành cái hại lớn. 

Nhiều người đàn bà, nhất là trong thế giới giàu có, không còn khả năng yêu một người đàn ông nào cả mà chỉ ham được mọi người đàn ông yêu mình thôi. Một người đàn bà như vậy ve vãn một người đàn ông và khi biết được người đàn ông đó đã mê mình rồi, thì thôi, không còn quan tâm tới người đó nữa. Đàn ông cũng có người mắc tật đó, nhưng ít hơn. Khi lòng tự kiêu đạt tới mức đó thì không thể nào thành tâm quý mến người khác được, do đó ái tình không thể tạo được sự vui thích thực sự. 

Hạng người đó có lưu tâm tới cái gì khác thì cũng thất bại thảm hại. Chẳng hạn họ thấy các hoạ sĩ danh tiếng được thiên hạ ngưỡng mộ, cũng đi học vẽ, nhưng môn vẽ với họ chỉ là phương tiện để đạt một mục đích, nên họ không bao giờ thích cái chuyện vẽ, và nhìn vào cảnh vật nào thì cũng chỉ thấy cái "bản ngã" của chính họ thôi. Hậu quả là thất bại, thất vọng thay vì được khen ngợi, bị chế nhạo thay vì được người người ngưỡng mộ.

Như vậy là không đạt được mục đích. Dù người đó có thành công thì cũng không bao giờ hoàn toàn sung sướng. Con người thời cổ lỗ có thể hãnh diện được khen là săn bắn giỏi, nhưng cũng biết yêu cái hoạt động săn bắn. Tự kiêu tới quá một mức nào đó thì mất cái thú hoạt động để hoạt động, do đó, tất sinh thờ ơ, chán nản. Nhiều khi tật đó cũng do thiếu sự tự tin nữa, mà cách trị là phải nuôi lòng tự trọng. Nhưng muốn tự trọng thì phải hoạt động vì một mục tiêu nào đó và thành công đã.
Hạng người thứ 3, hạng người tham danh vọng. Hạng người ngày khác hạng người tự thán phục mình ở chỗ muốn được người ta sợ mình, chứ không muốn được người ta yêu. 

Nhiều kẻ điên khùng và hầu hết các vĩ nhân trong lịch sử thuộc vào hạng người này. Con người bình thường cũng có bản tính thích quyền hành; chỉ khi nào bản tính đó thái quá hoặc đi đôi với một tinh thần thiếu thực tế thì mới nói là tai hại, làm cho ta hoá ra khổ sở hoặc lố bịch, nếu không phải nói là vừa khổ sở vừa lố bịch. Kẻ điên khùng khi tưởng mình là một hoàng đế, có thể sung sướng đấy, nhưng người bình thường không muốn được sung sướng theo cách đó. 

Đại đế Alexandre thời cổ Hy Lạp về tâm lý cũng thuộc hạng điên khùng, mặc dù ông ta có đủ tài để thực hiện cái mộng điên khùng của mình. Nhưng ông ta không thực hiện được hết những hoài bão của ông, vì cứ thực hiện được cái này thì lại thêm cái khác. Khi thấy mình là nhà xâm lăng nổi danh thế giới, ông ta tự cho mình là một vị thần. Ông ta có hạnh phúc không? Tôi ngỡ rằng không, vì ông ta có những cơn say bí tỉ, những cơn nổi điên và lãnh đạm với đàn bà. Không có sự thoả mãn nào hoàn toàn được khi người ta chỉ phát triển một yếu tố của bản tính con người mà làm thui chột tất cả những yếu tố khác; cũng không thể có sự thoả mãn hoàn toàn được khi người ta coi thế giới là một vật mình uốn, nặn để biểu dương cái bản ngã của mình. 

Ai cũng biết rằng sự thất vọng có nhiều nguyên nhân tâm lí, nhưng tất cả những nguyên nhân đó đều có một điểm chung. Rất nhiều người khổ sở vì hồi trẻ không được một thoả mãn bình thường nào đó, rồi lớn lên, thèm thuồng sự thoả mãn đó hơn tất cả những cái khác. Nhưng ngày nay có một sự biến chuyển rất thường thấy. Một người có thể cảm thấy bất mãn quá tới nỗi không muốn tìm một sự thoả mãn nào nữa mà chỉ muốn tiêu sầu, quên mọi sự đi, ít sống đi cho đời dễ chịu hơn. Chẳng hạn, say rượu là một hình thức tự tử trong một lát: cái hạnh phúc khi say rượu có tính cách hoàn toàn tiêu cực, giải sầu trong một lúc. Người tự thán phục mình và người tham danh vọng còn có thể tin rằng họ có thể tìm được hạnh phúc, mặc dầu để tìm được hạnh phúc, rất có thể họ dùng đến những phương cách xấu xa; còn với người tự đầu độc mình thì xem như đã hết thuốc chữa, hết hy vọng thật rồi.  Gặp một người như vậy, việc đầu tiên phải làm là thuyết phục người đó rằng hạnh phúc là cái đáng quý đáng tìm. 

Những người khổ sở cũng như những người mất ngủ, luôn luôn phô trương tình cảnh của mình. Có lẽ, lòng tự hào của họ cũng như lòng tự hào của con chồn cụt đuôi; nếu đúng vậy thì phương thuốc là chỉ cho họ thấy có cách làm cho một cái đuôi khác mọc ra được.  

Tôi nghĩ rất ít người nhất định từ chối hạnh phúc, nếu họ thấy có cách tìm được hạnh phúc của riêng mình. 

Cuộc sống với đau khổ, đó như  một quy luật tất yếu và không thể thiếu, cũng không bỏ sót bất kì ai. Mỗi người đều có những nỗi khổ của riêng mình. Có khổ có đau thì cuộc sống này mới là đáng sống. Có khổ đau, thì khi vượt qua những thử thách đó người ta mới biết trân quý những gì mà hôm nay họ đang có. 

Có con người là có đau khổ và từ khổ đau con người tìm thấy những niềm vui. Cuộc sống là như vậy!
           


Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Đức Phật đã nói: Nguyên nhân của KHỔ là DỤC VỌNG (LÒNG HAM MUỐN)

    Để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật. Mời các bạn đọc những bài này:

    http://rennhancach.blogspot.com/2013/04/song-khong-lam-kho-minh_3.html

    Trả lờiXóa