Một vấn đề hết sức to lớn ư? - Đừng ngạc nhiên!
Tôi không nói đến thế nào là văn hóa và cố công đi viết ra những gì bạn có thể học trên ghế nhà trường đâu. Cái nhà trường dạy là văn hóa chung, văn hóa của mỗi xã hội và bạn cũng biết chút ít về văn hóa cá nhân.
Văn hóa ? Có lẽ bạn đã được dạy nhiều từ môn giáo dục công dân nhiêu hơn. Nói đúng hơn, nó chính là nhân cách của bạn. Tôi thì không đồng tình với từ nhân cách vì nó chưa phản ánh hết các mặt của một cá nhân. Có quá nhiều điều có thể nói về một cá nhân nào đó. Và tôi nghĩ, dùng từ văn hóa sẽ là hợp lý hơn.
Phải! Chúng ta đang nói đến Văn hóa cá nhân.
Tư duy khiến chúng ta đặt vấn đề:
Văn hóa cá nhân là gì?
Thế nào mới là văn hóa cá nhân?
Cá nhân nào có văn hóa? Và ai không có văn hóa?
Làm thế nào để có văn hóa cá nhân?
Ai cũng có thế giới riêng của mình và đó là tổng hòa của: cá tính, sở thích, sở trường, sở đoản,...và tất cả những gì thuộc về nhận thức, tiếp thu từ thế giới bên ngoài và từ người khác. Từ đó biểu lộ ra bên ngoài bằng sắc thái, cử chỉ, điệu bộ, hành động với mọi vật, hiện tượng, tình huống xảy đến. Cái mà tôi đang nói đến với bạn, bạn sẽ nghĩ ngay đến cái “tôi”. Nhưng vẫn như cụm từ “ nhân cách”, tôi cũng cho là không phù hợp. Bởi con người ta sống là chuỗi ngày khám phá và loại trừ đi cái tôi ấy. Để rồi giữ lại và phát triển những cái “tôi” có ích. Để chúng trở thành nhân cách, tiếm thêm họ sẽ tự xây dựng cho mình một hình ảnh riêng biệt, không thể nhầm lẫn với một ai khác. Và tôi gọi điều đó là bản sắc cá nhân, là Văn hóa cá nhân của người đó.
Cốt lõi của văn hóa là: chân – thiện – mỹ – phúc. Có một nền tảng văn hóa cá nhân tốt, con người sẽ gần nhau hơn, dễ hiểu, thông cảm và quan tâm đến nhau hơn. Người với người xích lại sẽ tạo thành một cộng đồng văn minh. Và nền tảng của văn minh chính là vật chất – tâm đức và tinh thần. Bạn biết điều đó?
Người có văn hóa luôn sống trong tư thế tự chủ. Trong đó, ý chí và tư duy đóng vai trò quan trọng quyết đinh. Họ không thấy chậm khi biết mình là người đến sau và việc mình cần phải làm là xếp hàng. Họ hiểu rằng sẽ không giỏi hơn nếu áp đặt người khác, phải tư duy giống mình, thích giống mình và hành động theo mình. Thay cho sự áp đặt, phàn nàn, xét đoán, … người sở hữu văn hóa coi việc tôn trọng không gian, thời gian của người khác là tự tôn trọng chính mình. Việc chấp nhận những khác biệt, những ngoại vi của mình, những khác biệt cá tính cũng như những sở thích của người khác là việc nên làm, nên duy trì và phát huy , rất đáng tôn trọng.
Văn hóa cá nhân được tạo nên, hội tụ lại bởi chính nhận thức xung quanh; để tổng hợp, phân thích và tạo ra tư duy riêng của bản thân bằng chính kinh nghiệm đã trải nghiệm suốt trong quá trình làm việc, hành động và nhận thức đó.
Văn hóa cá nhân không phải là việc vay mượn, vay mượn không gian cảm xúc của người khác làm của mình. Cá nhân có văn hóa không chấp nhận điều đó. Bởi, vay mà không trả thì sẽ là nợ, mà nợ mà không trả thì mãi chỉ day dứt. Sống mà cứ hoài day dứt thì đâu còn ý nghĩa gì nữa, nhất là khi người đó đang cố công tạo dựng văn hóa cá nhân cho riêng mình.
Nhận thức rõ về văn hóa cá nhân, người viết hy vọng bạn sớm tìm được “đích” sống cho riêng mình. Song song, tôi cũng chúc bạn sớm kiến tạo cho bản thân một lối sống có “văn hóa” theo cách riêng, mang đậm tinh thần tự chủ của bạn. Vì văn hóa cá nhân không chỉ là một lối sống đẹp mà đó còn là một lẽ sống mà bạn hướng mình, hướng người khác tiến đến,...để tất cả chúng ta cùng hướng đến một nếp sống văn mình trong một cộng đồng văn minh phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung tinh thần và đầy đủ vật chất trên nền tảng tâm đức vững vàng khó lung lay.
“Trời có bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông
Đất có bốn phương: Đông – Tây – Nam – Bắc
Người có bốn đức: Cần – Kiệm – Liêm – Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một đức, thì không thành người”.
( Hồ chí minh)