Khi nói tới bất kỳ một công ty nào có liên quan tới công nghệ, hẳn ai cũng cho rằng những công ty đó và những nhân viên trong công ty đó đều coi những sáng kiến và những sự đổi mới là cuộc sống của mình.
Bạn tưởng tượng họ luôn nỗ lực tìm tòi những cái mới, trong đầu không lúc nào ngừng những tính toán dài vô tận về những thứ phức tạp mà “người thường” chẳng thể hiểu được. Những nhân viên đó, đa phần là trẻ, và họ gần như “quẳng mình” vào cái lý tưởng làm nên những điều “thay đổi cả thế giới”, với một niềm tin, niềm hy vọng và cả một chút sự điên rồ. Chẳng có gì để mất, chỉ có thể nhìn lên phía trước và không bao giờ nhìn lại phía sau lưng.
Thế nhưng, lại có một sự thật là rất nhiều những tập đoàn công nghệ lớn đang đi chệch hướng khỏi cái lý tưởng ban đầu của mình. Họ quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận hơn là những sáng kiến. Họ lo lắng làm các cổ đông phật ý hơn là sợ khách hàng bỏ rơi mình. Và theo đó, sự đổi mới không còn là ưu tiên số một của họ nữa.
Tuy nhiên, không phải công ty hay tập đoàn nào cũng bước theo con đường đó. Vẫn có những “người nổi tiếng” chăm chỉ làm lụng và không ngừng nỗ lực để mang tới những cái mới, những cái thật sự có thể “thay đổi cả thế giới”. Google là một ví dụ điển hình cho những trường hợp như thế. Rõ ràng, ngày nay người không còn chỉ nghĩ đến Google như một công cụ tìm kiếm số một trên thế giới mạng nữa. Danh sách những sản phẩm mới của Google ngày một nhiều thêm: Gmail, Google Chrome, Google Map, Google Translate, Google Adwords, Google Drive, Google Android, Google Play, Google Wallet, v.v…
Nhưng cũng vì thế, nên người ta cũng đặt ra một câu hỏi phản biện rằng: Google có quá nhiều những ý tưởng và sản phẩm độc đáo, thế còn những thất bại thì có nhiều không? Và rằng có phải Google đang là công ty công nghệ dẫn đầu trên thế giới?
Thành công rất nhiều, thất bại cũng không phải là ít
Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất ở trên. Trong danh sách những phát kiến mới của Google, một số đã thành công và được ra mắt, nhưng rất nhiều những phát kiến khác đã thất bại hoàn toàn. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Cũng như Edison đã phải làm tới hơn 2000 thí nghiệm mới tìm ra chất liệu tốt nhất để làm dây tóc bóng đèn vậy.
Tương tự, để làm nên những sản phẩm đột phá mới, những điều lớn lao như đã kể trên, Google đã phải trải qua không ít những thí nghiệm và rút ra kết luận là ý tưởng này không hoặc chưa phù hợp.
Hiện tại, đang có hai dự án lớn của Google có khả năng tác động rất lớn tới cuộc sống của chúng ta, đó chính là dự án “Oto không người lái” (hiện đã vận hành thử nghiệm trên 300.000 dặm) và dự án “Kính thực tế ảo Google Glass”. Nếu thành công, hai dự án này hứa hẹn sẽ mang con người bước tới một giai đoạn mới, giống như những câu truyện khoa học viễn tưởng mà chúng ta từng biết đến.
Trước đây, quảng cáo thường chỉ đóng vai trò giới thiệu về một sản phẩm đã hoàn thiện để nhiều người cùng biết đến và bắt đầu sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay, quảng cáo còn là chiêu giới thiệu cho những sản phẩm chưa hoàn thành nhưng sẽ có mặt trong tương lai. Khi những thông tin về Google Glass được hé lộ lần đầu, nhiều người đã cười khẩy vào cái thiết kế quá “dị” và những tính năng chỉ được biết tới trong truyện viễn tưởng của nó. Họ cho rằng đây chỉ là một chiêu quảng cáo và đoán chắc dự án này sẽ thất bại.
Có thể những người đó sẽ đúng hoặc sai. Ngay cả Google cũng chưa thể chắc chắn về tỷ lệ giữa thành công và thất bại của dự án này. Tuy nhiên, sự đột phá trong công nghệ là điều mà các kỹ sư của Google đang hướng đến và đó mới là điều quan trọng nhất. Sự đột phá ấy - tự nó sẽ không bao giờ đến mà không có sự nỗ lực của con người. Nói cách khác, con người nói chung và Google nói riêng sẽ không phó mặc cho tương lai, mà là làm cho tương lai phải xảy đến theo hướng đã định.
Tinh thần của một công ty trẻ
Khi Google công bố sự trở lại của nhà đồng sáng lập Larry Page ở vị trí CEO thay thế cho Eric Schmidt, câu nói của ông cũng đồng thời được trích dẫn lại trên tờ NY Times, rằng: “Một trong những mục tiêu chính của tôi, đó là khiến Google trở thành một công ty lớn, nhưng mang trong mình sự nhanh nhạy, sự khát khao, cũng như tâm hồn và tốc độ của một công ty khởi nghiệp trẻ.”
Như đã nói ở phần đầu, rất nhiều những công ty lớn dường như đã lãng quên những điều mà “thời còn trẻ” họ vẫn thường tâm niệm. Một khi đã bước vào sự ổn định, họ sẽ ngại phải đổi mặt với những ý tưởng mới, thường đi đôi với sự rủi ro, và an phận với những sản phẩm theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Họ cho rằng mình không cần phải hành động một cách nhanh gọn và linh hoạt nữa, và những ý tưởng mới sẽ là một sự tốn kém trong khi số lợi nhuận hiện tại cũng là đủ rồi. Họ không ý thức được rằng mình đang già cỗi và sắp hấp hối tới nơi rồi.
Nhưng Google thì khác, công ty này luôn “hừng hực” một khí thế của những công ty trẻ, khao khát khẳng định bản thân. Khi Chuck Salter của FastCompany tới thăm Googleplex vào năm 2008, ông đã phải thừa nhận rằng “Kể cả khi họ đang thiết kế công cụ tìm kiếm cho người mù hay khi họ chuẩn bị bữa ăn cho đồng nghiệp của mình, họ đều có suy nghĩ rằng công việc họ đang làm có thể thay đổi cả thế giới.” Nghe có vẻ điên điên, nhưng nhân tài mà không có chút điên thì đâu thể thành công được, đúng vậy không?
Chuck Salter cũng nhắc tới “sự không ngại sáng tạo” của Google, điều đã được chứng minh một cách rất rõ ràng trong những dự án mà Google đã thực hiện suốt 4 năm sau đó, và nay là những dự án mới như Google Glass và “xe oto không người lái”.
Nhận ra những hạt giống của sự vĩ đại
Nhiều người đã phê phán Google và cho rằng thành công của họ đến từ những thứ họ mua về chứ không phải những điều mà họ tạo ra. Niềm tự hào Android OS của Google thực ra là do Andy Rubin phát triển khi tạo dựng công ty khởi nghiệp của mình, và Google đã mua nó về từ năm 2005.
Nhưng ngay cả điều đó cũng xứng đáng được coi là một sự đột phá. Vì vào cái thời điểm đó, đã có ai nhận ra tương lai thành công của Android ngoài Google? Và sau khi mua cái ý tưởng đó về, Google đã đưa nó trở thành một trong những hệ điều hành trên di động được ưa thích nhất trên thế giới. Chính xác, Google đã tinh tế khi nhận ra một giống cây tốt, ươm mầm và tưới tắm cho nó, chờ đến ngày nó trưởng thành được như hiện nay. Họ không hề ăn sẵn mà đã bỏ ra rất nhiều công sức vào đó. Tương tự với Gmail, Google không phải là người sáng tạo ra email, nhưng họ đã tạo ra sự đột phá khi mang tới một dịch vụ email tốt, đơn giản nhưng đầy tiện ích như thế.
Sự đột phá chưa chắc đã là thành công
Người ta nói rằng các lỗi lầm cũng là những điều tốt. Có nghĩa là khi chúng ta thử những cái mới, quan trọng không phải là ta có mắc lỗi hay không, mà là những gì ta học được từ quá trình thử nghiệm và những lỗi lầm đó. Nhìn thẳng vào cái sai của mình và rút kinh nghiệm, đó cũng là phong cách của Google. CEO Larry Page luôn nhìn nhận rằng: “Không phải sự đột phá nào cũng mang lại tiển tỉ, và không phải công ty lớn nào cũng dám đặt cược rằng mình sẽ không một lần nào thất bại.”
Google của Larry Page cũng có quan điểm chung như vậy. Họ thừa nhận những sai lầm. Họ thừa nhận những lần thất bại. Nhưng quan trọng là họ không ngừng cố gắng, sửa đổi để mang tới những thành công và những sự đột phá trong những lần thử nghiệm tiếp theo. Sai thì sửa, đơn giản thế thôi nhưng đâu phải ai cũng làm được.
Hãy đặt một chân vào thế giới viễn tưởng, như Google
Theo định nghĩa, ngành khoa học công nghệ là một ngành khoa học của tương lai. Nó phát triển những cách thức mới để tạo ra những điều mới và thay đổi cuộc sống con người.
Để làm được điều đó, con người nhất thiết cần có trí tưởng tượng để một phần “sống” trong một thế giới viễn tưởng và dần dần biến cái thế giới đó trở thành thực tế. Khi có một ý tưởng mới, họ cần nỗ lực để biến nó trở thành hiện thực. Đó cũng là cách mà Google đang làm nên những sự đột phá. Họ đang là kẻ đi tiên phong và dẫn đầu trong thế giới công nghệ, bất chấp những thất bại. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi thức hai ở trên, nếu các bạn còn nhớ.
Tham khảo: Thenextweb