Thứ ba là trong trường hợp phá sản, câu chuyện phá sản của một doanh nghiệp là câu chuyện dân sự, nhưng ở Việt Nam lại rất dễ dẫn tới hình sự. Một khi hồ sơ xin phá sản được đệ trình, các cơ quan nhà nước và các chủ nợ có thể đi vào rà soát tất cả hồ sơ giấy tờ và chứng từ của doanh nghiệp. Với tình trạng quản trị doanh nghiệp theo kiểu Việt Nam, việc sai phạm là khá phổ biến. Nhiều trong số các sai phạm này có thể khép vào các tội hình sự như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Điều này khiến các chủ doanh nghiệp lo sợ và vì thế không dám nộp hồ sơ xin phá sản.
Thứ tư là các thông lệ hiện hành cũng khiến cho việc phá sản trở nên khó khăn. Thí dụ, các chủ nợ của doanh nghiệp trong phần lớn trường hợp cũng không muốn con nợ tuyên bố phá sản. Các chủ nợ thường tìm cách thu hồi vốn cho vay thông qua việc gây sức ép đối với chủ doanh nghiệp thông qua kiện tụng, quan hệ xã hội, chính trị, thậm chí trong một số trường hợp kể cả thế giới ngầm. Ngay cả nhiều khi biết không có khả năng thu hồi vốn cho vay, thì việc con nợ chưa phá sản vẫn dễ ăn nói hơn vì các khoản cho vay này trên giấy tờ vẫn còn giá trị. Thực tế dễ thấy là các ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong những năm vừa qua liên tục phải cho các con nợ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bất động sản, đảo nợ thay vì siết nợ để họ phải tuyên bố phá sản.
XÁC CHẾT BIẾT ĐI
Trên thực tế, việc không cho các doanh nghiệp đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ phá sản là một việc hết sức nguy hiểm đối với nền kinh tế. Nó nguy hiểm ở nhiều góc độ:
Thứ nhất, đối với chủ doanh nghiệp và những người liên quan nó là việc kéo dài sự chịu đựng, thời gian, công sức, lo toan, nhiệt huyết vào một con đường mà họ biết là không còn lối thoát. Đây là một sự chịu đựng vô lý, hoàn toàn trái với tinh thần nhân đạo của luật phá sản. Và vì thế, nó cũng tạo ra sự phí phạm to lớn về nguồn lực và làm nản lòng những người muốn làm kinh doanh trong một môi trường rủi ro cao như ở Việt Nam.
Thứ hai, nó giam các nguồn lực nằm chết một chỗ thay vì hướng chúng vào các mục đích sử dụng có thể tạo giá trị gia tăng. Thí dụ, một doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình trạng phá sản thì không còn khả năng sản xuất kinh doanh bình thường, và vì thế nguồn lực vật chất như thiết bị nhà xưởng của doanh nghiệp không được sử dụng tối ưu. Việc kéo dài sự tồn tại của doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc kéo dài tình trạng khai thác không hiệu quả các tài sản đó. Một doanh nghiệp bất động sản không còn vốn để xây tiếp dự án đang dở dang của họ sẽ khiến những người mua nhà phải chờ đợi vô lý, thời gian đưa vào sử dụng của dự án sẽ bị kéo dài vô hạn độ thay vì qua thủ tục phá sản, tài sản này được chuyển vào tay những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt hơn và có khả năng hoàn thành dự án sớm.
Thứ ba, nó kéo dài cơn mộng mị hoang đường của nhiều người, che dấu tình trạng thực sự của nền kinh tế, gây nên ảo tưởng là mọi chuyện vẫn ổn, bóp méo thông tin, và dẫn tới các khỏan đầu tư hoặc cho vay sai lầm. Câu chuyện này ở Việt Nam đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn mà các nguồn lực đang cạn kiệt:
Rất nhiều doanh nghiệp trên thực tế không còn cách gì có thể khôi phục lại, nhưng vẫn được các ngân hàng bơm vốn và đảo nợ để kéo dài sự tồn tại. Đây là các khoản đầu tư sai lầm, gây phí phạm nguồn lực. Đến lượt nó, các khoản cho vay dưới chuẩn này lại tạo kéo lùi hệ thống ngân hàng, gây căng thẳng thanh khoản, đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng buộc phải có ứng cứu từ nhà nước. Khi nhà nước đứng ra cứu hệ thống ngân hàng, thì cũng là lúc nhà nước xã hội hóa tổn thất các khoản đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp và ngân hàng.
Nói cách khác, việc không cho phá sản tạo ra các xác chết biết đi (zombies) và các zombies này tiếp tục gây ra các thiệt hại cho cả xã hội trên nhiều mặt và bằng nhiều cách. Để có một nền kinh tế thị trường lành mạnh thì các nguồn lực trong nền kinh tế phải được liên tục vận động đến những nơi có khả năng sử dụng chúng hiệu quả nhất thay vì bị kẹt cứng ở các điểm không hiệu quả. Nói một cách hình tượng, các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản cũng giống như các khối u phải được cắt bỏ càng nhanh càng tốt. Để càng lâu, các khối u này sẽ lan ngày càng rộng và hủy hoại cả cơ thể. Điều này đúng đối với nền kinh tế nói chung và cũng đúng với các chủ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nói riêng.
Nhiều người ở Việt Nam lo ngại rằng việc cho phá sản hàng loạt có thể tạo ra những đổ vỡ hệ thống. Điều này không phải là vô lý. Trên thực tế, ở rất nhiều nước, ngay cả Mỹ, có nhiều trường hợp được coi là “too big to fail” – tức là lớn quá không thể thất bại được. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp lớn này thường được chính phủ cứu. Thí dụ điển hình là trường hợp American Insurance Group (AIG) trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các quyết định cứu trợ này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và rất nhiều người, trong đó bao gồm cả các học giả nổi tiếng của Mỹ, lên tiếng phản đối các chương trình giải cứu này.
Thế nhưng câu chuyện ở Việt Nam hiện nay không phải là câu chuyện “too big to fail”. Không phải chỉ có các đại công ty được bảo vệ khỏi (hoặc không được phép) phá sản, mà ngay cả những công ty nhỏ và vừa cũng không được sử dụng quyền này trên thực tế. Trong khi các doanh nghiệp lớn thì được bơm tiền để cứu, các doanh nghiệp nhỏ hơn thì chủ doanh nghiệp nhiều khi phải chịu trách nhiệm gần như vô hạn – tức là phải bán tài sản cá nhân để giúp doanh nghiệp của mình trả nợ.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải sửa đổi lại luật phá sản doanh nghiệp sao cho họat động phá sản phải trở thành một hoạt động bình thường trong nền kinh tế. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể thực hiện được quyền phá sản của mình nhanh chóng và đơn giản. Các chủ doanh nghiệp không thành công trong một hoạt động kinh doanh nhất định cũng có thể nhanh chóng bắt đầu một hoạt động kinh doanh mới. Các chủ nợ cũng có cơ hội, và có thị trường, để định giá các khoản cho vay, và khi khách hàng phá sản, có thể nhanh chóng thu về phần tài sản còn lại và chuyển phần vốn còn lại này cho các khách hàng khác có khả năng kinh doanh tốt hơn vay.
Nguồn Trần Vinh Dự - VOA