Type Here to Get Search Results !

Pheidippides – lịch sử cảm động của môn Marathon


Như mọi người đã biết, thể dục thể thao là hoạt động “bắt buộc” dành cho các thanh thiếu niên và đàn ông trưởng thành; không chỉ để giữ eo (vì đàn ông Hy Lạp sợ nhất là mập), mà còn để trai tráng khắp nước luôn chuẩn bị sẵn tinh thần và thể lực để ra trận khi chiến tranh nổ ra. Cũng vì thế mà Hy Lạp dùng tiền nhà nước xây các phòng tập thể thao miễn phí cho công dân.
Các chuyên gia cho rằng thế vận hội Olympic bắt đầu vào năm thứ 7 trước Công Nguyên, tại Olympia (lấy tên thành phố gán cho thế vận hội). Người Hy Lạp xưa tự hào với sự kiện này đến nỗi họ lấy nó làm mốc tính thời gian, ví dụ như “Năm Olympic thứ 27″. Mọi người từ khắp nơi kéo đến thành phố để tham gia (những ai từ chỗ xa tới thường là người giàu, vì phí đi lại rất đắt đỏ, chưa kể đến chuyện người đó phải dư dả lắm mới dám nghỉ làm việc để tham gia hội hè).
Vì mục đích chính của thể thao hồi đó là để rèn luyện chiến sĩ, nên các môn thi cũng không nhiều như bây giờ, chủ yếu chỉ có: đấm bốc, ném đĩa, đua xe ngựa, điền kinh, nhảy xa, phóng lao, đấu vật. Người Hy Lạp xưa mà thấy các môn như bóng bàn với cầu lông của thời hiện đại thì hẳn họ sẽ bối rối lắm, vì họ sẽ không hiểu được các môn này có mục đích gì.
Đây là tượng một vận động viên ném đĩa, có niên đại thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, do dân La Mã copy lại tượng gốc của người Hy Lạp. “Ném đĩa” cũng là đề tài quen thuộc của nhiều điêu khắc gia xưa. Bức tượng này hiện đang nằm tại Bảo tàng Quốc gia ở Rome.
Đây là hình vẽ trên chiếc ly cổ về 2 võ sĩ đấu vật, có niên đại 520 năm trước Công nguyên. Nếu ly có hình hai thanh niên cởi truồng như thế này thì chắc chắn đây là ly cho đàn ông xài, vì vật dụng dành cho phụ nữ phải kín đáo hơn, không có nhân vật nào được cởi truồng cả.
Còn chiếc bình này thì có hình vẽ các vận động viên điền kinh, nó có niên đại 525 năm trước Công Nguyên, và hiện nằm tại bảo tàng Metropolitan ở New York.
Nhắc tới điền kinh, mọi người có biết tại sao môn này được gọi là marathon không? Lịch sử của nó gắn liền với một câu chuyên rất cảm động và oai hùng của anh lính Pheidippides.
Pheidippides là một lính Hoplite (lính bộ binh của Hy Lạp), có tài chạy rất nhanh. Vào năm 1200 trước Công Nguyên, dân Hy Lạp phát hiện ra sắt, nên họ dùng sắt làm áo giáp mũ mão cho các Hoplite (thay cho chất liệu đồng). Hoplite có đồng phục giống nhau, áo giáp chắn ngực và lưng, mũ “bảo hiểm”, giáo nhọn, và khiên sắt lớn. Áo giáp nặng chừng 25 ký, còn khiên thì nặng từ 8 – 15 ký; tính sơ sơ thì mỗi hoplite phải đeo trên người chừng 40 – 50 ký khi lâm trận.
Trên chiếc bình cổ có niên đại 500 năm trước Công Nguyên này là các anh lính Hoplite, với mũ và khiên rất hoành tráng.
Chính những bộ giáp nặng nề này đã giúp dân Hy Lạp chiến thắng. Vào năm 490 trước Công Nguyên, quân của Persia (giờ là Ba Tư) đổ bộ lên hải vịnh của thành phố Marathon, gần Athens, với âm mưu xâm chiếm Hy Lạp. Quân Persian vừa đông vừa mạnh, lên tới 25 vạn, trong đó 5 vạn quân là kỵ binh. Trong khi đó quân Hy Lạp chỉ khoảng 10 vạn, và họ chỉ có Hoplite (bộ binh). Thấy Persia dùng chiến thuật lấy thịt đè người, quân Hy Lạp sai Pheidippides – nổi tiếng chạy nhanh – đến cầu cứu xứ Sparta.
Pheidippides chạy khoảng 112 km từ Athens đến Sparta để xin vua Sparta chi viện, nhưng xui xẻo thay, lúc này ở Sparta đang tổ chức một lễ hội tôn giáo quan trọng, nên vua Sparta nói chỉ có thể đầu quân sau khi lễ hội kết thúc. Thế là Pheidippides chạy 112 km nữa về Athens để loan tin xấu. Thống soái quân đội của Athens lúc đó – ông Miltiades – bực vì cái lý do vô duyên của dân Sparta, quyết định tiến quân đến Marathon luôn, không ngồi chờ ai chi viện hết.
Pheidippides tiếp tục mang mũ mang giáp, theo đoàn quân đi đón đầu địch. Biết mình gặp bất lợi về quân số, dân Hy Lạp sử dụng chiến thuật táo bạo: xông thẳng vào giữa chiến tuyến. Quân Persia lấy cung tên ra bắn tới tấp, nhưng chiếc khiên to bằng sắt của lính Hy Lạp bảo vệ họ. Khi giáp lá cà, sức lực và giáp của lính Hy Lạp đẩy lùi được kẻ thù. Quân Persia quá sốc khi thấy lính Hy Lạo khỏe quá, dũng cảm quá, áo giáp lại xịn, đâm mãi không thủng; thế là hàng ngũ Persia bắt đầu rã, quân đội Hy Lạp có được một chiến thắng vẻ vang tại Marathon.
Thống soái Miltiades tiếp tục sai Pheidippides chạy về Athens loan tin mừng. Chàng này vừa tham gia đánh trận xong, rất mệt mỏi (trước đó Pheidippides còn chạy gần 224km giữa Athens và Sparta), nhưng chàng dũng cảm y lệnh vì muốn đem tin vui đến cho tổ quốc.
Khổ một cái, vì giáp và khiên rất nặng, nên những chiến sĩ nhát gan, muốn đào ngũ hoặc chạy trốn khỏi chiến trường đều quăng khiên quăng giáp đi để người được nhẹ nhõm mà trốn cho nhanh (thay vì mắng “Đồ hèn!”, thì dân Hy Lạp có câu mắng “Đồ quăng khiên!” dành cho những người thỏ đế). Nếu Pheidippides bỏ giáp và khiên để chạy về Athens, dân chúng sẽ cho rằng chàng là một kẻ nhát gan, chạy trốn nghĩa vụ, và sẽ nghi ngờ cái tin vui chàng báo cáo. Thế là Pheidippides đeo đầy đủ 50 kg cả giáp cả khiên, từ Marathon chạy về Athens. Đoạn đường này cỡ 42 km, Pheidippides chỉ biết đâm đầu chạy, quên ăn quên uống. Khi chàng trai về đích – là trung tâm của thành phố Athens – chàng chỉ đủ sức để thốt lên chữ “Nikomem” (chiến thắng – phiên bản của Nike) rồi ngã lăn ra chết vì kiệt sức.
Tác phẩm “Pheidippides”, Luc Oliver Merson, 1869. Ông họa sĩ này chắc không học sử, vẽ Pheidippides trần truồng không quần áo. Pheidippides Y như chúa Giê-su, bị hội đồng thành phố (3 ông ngồi trên bục cao) phán xét, dân chúng xung quanh cũng rất náo loạn, mất trật tự. Lạc đề quá đi.
Đây là tượng chàng Pheidippides, do chính phủ Hy Lạp đặt trên con đường từ Marathon đến Athens để tưởng nhớ người hùng. Tượng Pheidippides này có vác khiên, mặc giáp hẳn hoi.
Cũng vì vậy mà môn điền kinh lấy tên của thành phố Marathon, và đoạn đường Marathon 42km tại mỗi kỳ Olympic là đoạn đường tôn vinh công lao của người hùng Pheidippides xưa. Tinh thần của anh vẫn còn truyền cảm hứng cho nhiều vận động viên đến tận hôm nay.
Hy vọng sau khi đọc tích này các bạn sẽ chăm chỉ ra công viên chạy bộ hơn, vừa để ủng hộ Olympic, vừa để tưởng nhớ Pheidippides.
Nguồn Soi.com.vn