Type Here to Get Search Results !

Suy nghĩ về “Văn minh làm giàu” và …hồi ức!



Sau khi đọc xong “Văn minh làm giàu” của Dr.Vương và xem nhiều dữ liệu cũng cùng với những phản hồi tranh luận và góp ý trên Saga, mình thấy xã hội bây giờ thật “thoáng”, cơ hội tiếp cận ý tưởng thật phong phú, tạo ra nguồn vốn lớn lao cho các bạn trẻ có hoài bão khởi nghiệp, nhớ lại 38 năm về trước, thầy tôi nói: “Hãy thu nhặt tất cả, nếu không bây giờ, thì sau này, sẽ có lúc con dùng đến".

Nếu các bạn không bận, tôi xin kể các bạn nghe một chuyện “cổ tích”.

“Ngày xưa … Có một đứa trẻ nghèo khó, nó chẳng có bạn, chẳng ai muốn làm bạn với đứa không bao giờ cho mình cái gì ! Có gì mà cho, nó có gì mà cho và người ta nói:

Người ta chỉ cho được những gì mà người ta có!

Mà nó thì có cái gì đâu, ngoại trừ một cái quần ngắn mà nó đang mặc để che thân ...

Một hôm, nó lang thang một mình, vào rừng, vừa đi nó vừa hát – thì ra nghèo khó cũng có lúc hạnh phúc, chỉ cần không khát vọng hạnh phúc của người khác và bằng lòng với hạnh phúc của mình! Nhưng đã là giống loài ăn thịt, dễ mấy ai làm được!

Thằng bé cũng vậy, nó miên man nghĩ đến đủ thứ trên đời... Nó chợt kêu lên và vội vàng cúi xuống, một cái gai nhọn vừa làm chân nó tóe máu, cái chân nhỏ bé đang chập chững, thật đáng tội nghiệp, nó ngồi xuống...

Bỗng nó ngẩng lên, nhìn quanh, hình như có ai đó vừa cất tiếng cười và vẳng đâu đây lời nói của mẹ nó: ”Con ạ, đường đời chông gai nhiều hơn bằng phẳng“! Nó cúi xuống nhổ phăng cái gai, khi nhìn lên đã thấy trước mặt nó một ông già trang phục “xuề xoà”, râu tóc đã bạc cùng với nụ cười hiền lành và thông cảm.

Sau một hồi chuyện trò cùng ông lão, thằng bé chợt hỏi: ”Tại sao cháu và ông đều nghèo thế”!

Ông già đáp: Ông nghèo vì lúc bằng tuổi cháu, ông đã không hỏi ai câu mà cháu vừa hỏi ông.

Thằng bé lại hỏi: ”Thế còn cháu”?

Ông già trả lời: Cháu nghèo vì lúc đẻ cháu ra, trong tay cháu có một đồng tiền vàng mà nay cháu đã đánh mất...

Thằng bé phân vân lắm, nó ân hận trách mình sao có thể tệ đến thế, làm mất cái đã nắm được trong tay từ nhiều năm trước...

Nó chẳng kịp chào ông lão, nó ù chạy một mạch thẳng về nhà để hỏi mẹ nó xem, nó đã đánh mất cái giàu tự lúc nào? 

Nó chợt nhớ, có lúc ai đó đã bảo: ”Cái gì càng qúy khi đã mất, càng khó tìm“!

Mẹ nó cũng thường nói: “Cái gì mất đi vĩnh viễn, cái ấy trở nên vô giá“!

Nó gạn hỏi mẹ nó cho ra lẽ nhưng mẹ nó chỉ mỉm cười, chép miệng và xoa đầu nó.

Hôm nay, nó khác mọi khi, nó vô cùng khó chịu về nụ cười và vẻ yêu thương trìu mến của mẹ nó, bởi vì đấy không phải là cái mà nó đang tìm kiếm!

Giận dỗi, nó lại chạy tìm ông già, ông vẫn ngồi đấy, hiền lành và thản nhiên với thiện cảm dành cho nó, lần này, nó đã khôn ngoan hơn, nó chào hỏi ông già và xin lỗi ông về những thái độ và hành động kém tế nhị của nó đối với ông lão.
Cũng giống như mẹ nó, ông lão chỉ mỉm cười và không nói gì...

Lần này nó quyết không nhân nhượng, phải hỏi cho ra lẽ, phải nói cho hết lòng. Nó kết tội cái nghèo này, của ông và của nó chỉ có thể là tại ông hay tại mẹ nó chứ nó không có tội!!!

Ông già lại bảo: Có ai nói con có tội đâu!

Nó nói nó quyết sau này không để con cái nó phải nghèo như nó, nó bàn bạc và xin ý kiến ông già về cách làm thế nào để giàu.

Ông già nói với nó, ông không có kinh nghiệm về giàu vì ông không phải là người giàu nhưng ông có kinh nghiệm về nghèo vì ông đang rất nghèo và ông nói, nếu bằng nó mà ông có hiểu biết của ông bây giờ thì ông không thể nghèo.
Người ta có lý khi nói : Người ta chỉ mất những gì mà người ta có và người ta không thể mất những gì mà người ta không có !

Ông già truyền đạt kinh nghiệm đau đớn mong thoát khỏi cái nghèo của ông cho nó, và người ta nói :”Không ai hiểu rõ bằng người trong cuộc.”

Chỉ có điều mà người ta chưa nói ấy là: Người trong cuộc thường không hiểu rõ vị trí của mình, giống như viên tể tướng uy quyền thường quên rằng một câu nói cũng có thể làm tan đi quyền uy của mình.

Ông lão cũng không quên dặn thằng bé luôn phải thận trọng với khi thực hiện mơ ước của mình!

Ông nói: Người ta hay tự biến mình thành nô lệ cho chính những ước mơ của mình. Nói xong, ông lão bảo nó nên trở về, tìm kiếm và thực hiện những gì trong ước mơ của nó.

Cúi chào ông lão, lòng hân hoan, nó quay đi vội vã, con đường nắng đẹp đang trải ra phía trước...
10000_yen_note.JPG
Fukuzawa Yukichi (tên dịch ra tiếng Việt là Phúc-Trạch Dụ-Cát, 1835-1901) là nhà tư tưởng tiến bộ, nhà giáo dục có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai Sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới.
Hình của ông được in trên tờ 10.000 Yên, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất tại Nhật Bản.
Nó trở về với đầy ắp những ước mơ và bao kinh nghiệm mà ông già truyền cho nó. Nó tất tả làm việc, chuyên cần và đôi khi cũng không ngại ngần mạo hiểm, nó lao vào công việc quên cả ngày tháng và những gì quanh nó, nó bỏ lại tất cả phía sau: tuổi xuân, tình yêu và hạnh phúc, bỏ lại tất cả những gì xét thấy có thể phương hại đến sự thành đạt ước mơ của nó, nó bớt ăn, bớt mặc, thức khuya dậy sớm, giãi nắng dầm mưa, nó không có một thú vui nào ngoài thú vui thực hiện mơ ứơc của mình, thậm chí nó còn không nhận ra ánh mắt trìu mến mà trước kia nó vẫn thường sướng run lên mỗi khi nhìn thấy trong đôi mắt của mẹ nó!

Nó làm việc bất kể ngày đêm, trong bữa ăn và tính toán quy hoạch cả trong giấc ngủ, nó nhớ nằm lòng và luôn thực hiện như thể bà tiên đã nói với nó trong cổ tích rằng: Nếu chưa ngủ thì hãy mở mắt ra, nếu đã mở mắt ra thì nên ngồi dậy, nếu đã ngồi dậy thì hãy bước ra khỏi giường và ra ngoài...

Nó luôn suy tư và lẩm nhẩm cả trên đường đi và nó mỉm cười khoái chí khi thấy được nó đang đi gần đến sự giàu có, của cải và đạt thành mơ ước của nó. Tất cả quay cuồng bất kể ngày đêm – Và người ta có lý khi nói: Kẻ tham vọng giàu có luôn có cái... bánh xe quay trên đầu!

Đang thỏa mãn với những thành công và bềnh bồng trên dòng sông mơ ước, chợt ông lão mà nó gặp năm xưa lù lù hiện về trong... tâm tưởng!

Nó nhìn ông và ông nhìn nó, cả hai cùng cười! Nó chợt nhận ra cái cười của ông mới giống nó làm sao! Nó cũng chợt nhận ra mình cũng rất giống ông lão, cũng hình hài chẳng khác gì ông ngày trước, cũng cặp mắt hằn dấu suy tư, mệt mỏi, cũng cái lưng đau đau, nghiêng nghiêng, cũng vầng trán nhăn nheo, thổn thức, cũng râu tóc điểm bạc và đang muốn xa dần giấc mơ ngày nọ. Nghĩ thương ông già quá!

Nó vùng dậy cố tìm kiếm khắp nơi mong tìm gặp lại cố nhân tri kỷ, nhớ lại lời ông nói, nó bật khóc, thương cái thân phận tự nguyện làm nô lệ cho những ước mơ của mình!

Chỉ với công cụ là kiến thức thô sơ cùng vốn liếng là tuổi trẻ, nó lao vào, cấp tập và cuồng nộ để mong tìm được cái mà nó mơ ước, vì quá vội vàng không nghĩ đến yếu tố thời gian nên nó đã qúa bơ phờ và mệt mỏi, lưng đau buốt, còng gập trong từng đêm thao thức, đôi lần quỵ ngã trước con mắt dửng dưng của kẻ đang cai trị mình...

Có một điều mà nó không biết và chẳng bao giờ biết, đó là hôm nay nó chỉ ngót 50 tuổi trong khi ngày mà nó gặp ông già, ông đã ngoài 70 tuổi. 

© Nguyễn Văn Ý - www.saga.vn