Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng, làm đúng khả năng, hưởng đúng nhu cầu. Nếu nó khởi lòng tham thái quá, nó sẽ rơi vào thế lực của những kẻ bóc lột. Thằng Bờm có hơi thiếu lòng tham bẩm sinh của con người, nhưng nó làm chủ được mình trước những lời mật ngọt, dụ dẫn vào vòng xoáy tham lam.
Bờm dốt hay Phú ông dốt?
Có một nhân vật của dòng văn học dân gian mà gần như ai cũng nhớ tên, đó là "Thằng Bờm". Không biết tự bao giờ, nhân vật ấy lại được người ta dùng để châm chọc cho tính cách khờ khạo của một ai đó. Và thằng Bờm "khờ" như đến thế này là cùng:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.
Cái dại, cái khờ khạo của thằng Bờm là đã không chịu đáp ứng sự đổi chác quá chênh lệch của lão Phú ông. Phú ông đổi những cái có giá trị, thì Bờm cứ... "chẳng lấy". Đến khi Phú ông đổi nắm xôi, thì... Bờm cười. Cười thôi, chẳng biết rõ là đồng ý hay không. Bờm khờ khạo hay lão phú ông khờ khạo?
Câu chuyện đơn thuần là một cuộc đổi chác, ở đó cái quạt là vật có "giá trị" đến mức Phú ông phải hết lần này đến này khác gạ gẫm. Cái sự ngược đời ở câu chuyện lại không theo chiều luỹ tiến tăng dần từ giá trị nhỏ đến giá trị lớn, mà lại đi từ giá trị lớn xuống giá trị nhỏ. Chính điều này mà người ta xem thằng Bờm là khờ khạo, là đánh mất cơ hội "ăn quả đậm" từ một kẻ đột nhiên khờ như Phú ông.
Mua rẻ bán đắt, đổi ít lấy nhiều..., trong buôn bán, ai là người không có cái tâm lý ham lợi ấy, miễn là thuận mua vừa bán. Trên thế gian này, mọi sự không thỏa mãn đều bắt nguồn từ lòng tham chứ đâu.
Thế nhưng, các nhà giỏi tính toán thời hiện đại, hãy xem thằng Bờm đã "thiệt tình" như thế nào khi đồng ý đổi cái quạt lấy nắm xôi (cứ tạm xem việc thằng Bờm cười tức là đồng ý đi). Quạt mo làm từ cái mo cau. Khi tàu cau già rụng xuống, người dân quê nhặt lấy cắt để làm quạt. Mà cau ở làng quê Việt Nam thì nhiều lắm, ở đâu cũng có.
Nhưng ở góc nhìn của thằng Bờm, có thể nó cười Phú ông dốt, vì nắm xôi thì khó kiếm, chứ mo cau làm quạt thì có thiếu gì. Người ta bảo "Được mùa cau, đau mùa lúa", gạo chẳng có mà ăn nữa là nắm xôi. Phú ông "dại" thế mà lâu nay đọc bài ca dao này người ta vẫn cứ nghĩ thằng Bờm thiếu khôn. Nếu như gặp những người "khôn" hơn, có lẽ Phú ông phải mất những thứ giá trị gấp nhiều lần cái nắm xôi. Có lẽ nào lão Phú ông do giàu có quá mà lú lẫn khi chẳng định giá được tài sản của mình? Hay là lão Phú ông muốn ném tiền qua cửa sổ?
Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng, làm đúng khả năng hưởng đúng nhu cầu.
Lòng lương thiện và sự thực tế của con người
Có người thì bình luận rằng, người đói thì cần cái ăn. Rất thực tế, thằng Bờm nghèo chỉ có cái khố trong người, thì nó cần nắm xôi hơn các thứ khác là phải.
Nhưng sao không ai nghi ngờ sự đổi chác ấy của lão Phú ông? Lão Phú ông có thật bụng như vậy không? Sao người ta lại tiếc cho thằng Bờm và tiếc hùi hụi rằng, sao chẳng có ai mang bè gỗ lim đến đây, mình cho hắn một tá quạt, cớ gì cứ phải thích cái quạt của thằng Bờm?
Trong việc định giá tài sản trao đổi, thằng Bờm có phần "thông minh" hơn Phú ông. Lòng lương thiện của thằng Bờm chính là nó không thể nhận những giá trị lớn hơn cái giá trị mà nó đang có. Đối với những kẻ giàu như Phú ông, trong mắt thằng Bờm, có thể chỉ là một sự đổi chác bất lương.
Bởi nếu thằng Bờm nhận lời đổi cao, thì bất cứ khi nào nó cũng có thể bị cướp lại những thứ nó đã đổi. Cái kiểu người như Phú ông, tính toán hơn thiệt nhiều như thế làm gì lại mang điều tốt, lợi đến cho người nghèo. Hắn cướp cái quạt đó còn được, chứ huống gì phải năn nỉ để mà đổi.
Trong tiếng cười của Bờm có hai hàm ý, một là chê Phú ông dại, có cái quạt mo rất ư bình thường mà phải mất cả nắm xôi, hai là nó cười vui sướng vì đã... quá hời. Có thể gỗ lim, ba bò chín trâu chẳng có ý nghĩa gì khi bụng nó đang đói.
Nhưng cũng có người nghĩ, sao không lấy những thứ đó mà đem đổi gạo về mà thổi cơm ăn cả tháng. Thằng Bờm không nghĩ nhiều như thế. Vì nếu nghĩ nhiều như thế, thì lão Phú ông cũng đã nhanh chân vào vườn cau của ai đó mà cắt lấy một tàu cau đem ra mà làm quạt rồi, việc gì mất thời gian đứng đó mà nài nỉ.
Một người đang tham lam vơ vét, tính toán hơn thiệt với đời chẳng lẽ lại không biết tính toán rằng chiếc quạt mo và ba bò chín trâu cái nào hơn cái nào, thế mà vẫn ngỏ lời mặc cả đánh đổi. Hoặc giả Phú ông bất ngờ quẫn trí, thích khác người, thích mang rác về làm... cổ vật, thì sao?
Hoặc giả Phú ông thử lòng thằng Bờm, xem một kẻ làm công nghèo có biết tham không? Chứa một kẻ tham cùng hạng như mình ở trong nhà thì cũng nguy lắm, chẳng những nay nó tham ba bò chín trâu mà sau này còn tham nhiều thứ quý giá khác thì sao?
Bây giờ, vẫn có những người khi trách một ai đó khờ khạo, thì bảo rằng "mày Bờm quá!". Có người thì bình luận, tư duy của thằng Bờm là "dĩ thực vi tiên", đánh đổi tất cả để lấy cái trước mắt. Một thằng Bờm với phận nghèo tự ti, nên vô trách nhiệm với hiện tại và tương lai.
Thử hình dung ra chuyện thằng Bờm tự dưng có ba bò chín trâu. Sẽ chẳng ai tin, thậm chí còn đố kỵ mà bảo rằng nó đi ăn cắp thì mới có được những thứ giá trị ấy. Ở điểm này, thằng Bờm thông minh hơn chúng ta tưởng. Nó không dại gì lấy những thứ tài sản ấy ra để người ta nhục mạ nó là đồ ăn cắp. Với tư cách của một người làm công, làm nô bộc, nó đâu có bắt được vàng rơi giữa đường để mà chỉ sau một thời gian ngắn bỗng dưng trở thành người giàu.
Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng, làm đúng khả năng hưởng đúng nhu cầu. Nếu nó khởi lòng tham thái quá, nó sẽ rơi vào thế lực của những kẻ bóc lột. Thằng Bờm có hơi thiếu lòng tham bẩm sinh của con người, nhưng nó làm chủ được mình trước những lời mật ngọt, dụ dẫn vào vòng xoáy tham lam.
Biết đâu là... họa thì sao?
Ở cuộc đổi chác này, trong hai người có một người dại, hoặc Phú ông, hoặc thằng Bờm. Nhưng chắc chắn có một người vui hơn khi biết cười và không thấy mình thua thiệt, đó là thằng Bờm. Đến đây, chợt nhớ câu thơ tự trào của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao".
Lòng tham của con người nó lao xao lắm. Được voi lại đòi tiên. Hai hệ giá trị nằm ở hai vế tư duy giàu và nghèo, chắc chắn sẽ không bao giờ gặp nhau trong nhu cầu, với người này thì là đủ, còn với người kia thì không biết thế nào là đủ, mà người không biết đủ thì dù ở thiên đường cũng không xứng ý... Cứ đòi, đòi mãi, đòi những thứ rồi đây rốt cuộc cũng không thuộc về mình.
Nói thế thôi chứ, cái "dại" xưa nay thường vẫn nằm ở phía thằng Bờm. Khi mua bán cái gì người ta cũng chọn lựa những cái ngon, cái to, còn những phần nhỏ, xấu, không ngon thì dành cho người khác. Thế mới nói, ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau...
Nói thế thôi chứ, cái "dại" xưa nay thường vẫn nằm ở phía thằng Bờm. Khi mua bán cái gì người ta cũng chọn lựa những cái ngon, cái to, còn những phần nhỏ, xấu, không ngon thì dành cho người khác. Thế mới nói, ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau...
Thằng Bờm chẳng lấy cái không thuộc về mình. Có thể nó hiểu, một kẻ giàu có như Phú ông, nói có người nghe, đe có kẻ sợ, mà bất ngờ đổi sang tính tốt, thì phải xem động cơ của ông ta là gì...
Thực tế, trong cuộc sống, giao dịch bất thành bởi một trong hai bên bất tín. Thằng Bờm không thể tin vào cái sự đổi chác bất ngờ và tình cờ như thế. Chắc hẳn nó kinh nghiệm được một điều, ban đầu dân cũng tin lời quan lại, cường hào, nhưng vì bọn người này ưa thói tham lam, lật lọng, nên lâu dần dân không còn tin lời bọn người này nói nữa.
Biết đâu đổi chác nhiều như thế lại là họa thì sao. Biết đâu đổi xong nó đổ vấy cho mình là đi ăn cắp thì sao... Thế nên, ai bảo thằng Bờm là khờ khạo, là ngu, chắc phải nên xem lại đánh giá của mình.
Vì trong hoạt cảnh trao đổi ấy, chiếc quạt của bờm là thật, đang cầm ở trên tay, còn những lời dụ dỗ kia có khi chỉ là giả, vì tiền chưa trao, cháo chưa múc. Huống chi là thói lật lọng xưa nay của bọn quan lại, cường hào. Miệng quan có gang có thép, miếng xôi, cái bánh cho đến miệng dân rồi mà bọn họ còn rút ra được thì... tin thế nào được.
Cổ nhân nói: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó". Sự thận trọng của thằng Bờm ấy thế mà khôn! Tiếng cười dễ dãi của thằng Bờm cũng tinh ranh lắm! Và giá trị của thằng Bờm là đã biết dừng đúng lúc ở một cuộc trao đổi cân bằng.
Nguồn: Vietnamnet